Đưa đối tượng 13 tuổi giết người vào trại giáo dưỡng
Được bố mẹ đưa về quê, tại đây đối tượng đã đột nhập vào nhà hàng xóm để trộm cắp và gây tội ác.
Ngày 7.10, Công an huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết, đã hoàn tất thủ tục đưa đối tượng Tạ Minh Phú (SN 1997, trú tại phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) vào Trường Giáo dưỡng số 2 Bộ Công an cải tạo 2 năm về hành vi trộm cắp tài sản và giết người.
Nghiện game online nguy cơ dẫn tới hành vi phạm tội.
Đối tượng Tạ Minh Phú vốn nghiện game online, được bố mẹ đưa về nhà bác ruột tại xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang ở. Vào ngày 28.9, Phú đã đột nhập vào gia đình chị Hồ Thị Ngọc (SN 1978) ở cùng xã Song Vân lấy trộm tiền chơi game. Thế nhưng trong lúc lấy trộm, Phú đã bị chị Ngọc phát hiện.
Dù đối tượng chạy thoát được ra ngoài, nhưng do lo sợ bị chị Ngọc trình báo công an, Phú lập kế hoạch giết người diệt khẩu. Đối tượng mới hơn 13 tuổi này đã thủ sẵn một con dao nhọn, rồi lại đột nhập vào nhà chị Ngọc, nằm chờ cơ hội ra tay. Khi thấy chị Ngọc xuất hiện Phú đã xông ra đâm tới tấp vào người chị này.
Chị Ngọc đã vùng chạy được ra ngoài và hô hoán, đối tượng Phú bị người dân bắt tại chỗ. Chị Ngọc được đưa đi cấp cứu và may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khi gây án, Tạ Minh Phú chưa đủ 14 tuổi, theo quy định của pháp luật đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan công an đã chuyển đối tượng vào trại giáo dưỡng số 2 Bộ Công an để cải tạo.
Video đang HOT
Theo Lao Động
Bé lớp 6 đã trộm tiền triệu của bố mẹ làm... "tình phí"
Nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và luôn cười,...đôi mắt lấp lánh sau hàng kính cận của cô bé trong lớp học nghề may khoảng 20 đứa khiến tôi chú ý. Một đứa trẻ khá hoạt bát, gương mặt hiền lành như em sao lại lọt vào nơi toàn những đứa trẻ phải nói là bất trị, bố mẹ "bó tay" đầu hàng vì không dạy nổi, không còn cách nào khác phải gửi vào đây để rèn cặp. Hỏi vì sao vào đây, cô bé toét miệng cười khoe hai hàng răng có nhiều cái tranh nhau xếp hàng. Đôi mắt hấp hay như một lời xin lỗi. Hà Phan Hiếu Thảo, cái tên em lạ như tính cách của em, một cô bé dân Hải Phòng thứ thiệt.
Đứa con gái "lạ đời"
Thảo bảo bố làm nghề xây dựng nên ít khi có nhà còn mẹ từ ngày về làm dâu được bà nội truyền cho nghề quạt bánh đa, hàng ngày vẫn ra chân cầu Hải An bám trụ với chậu than hồng. Thảo là con gái út trong nhà, trên em là chị gái đang học lớp 12. Hai chị em giống nhau về vóc dáng nhưng tính cách thì hoàn toàn trái ngược. Trong khi chị gái chăm chỉ học hành, mỗi khi rảnh rỗi lại ra phụ mẹ bán hàng thì Thảo chỉ thích chơi.
Trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ mới qua tuổi lên mười ấy thì tại sao người ta lại cứ phải làm việc nhiều đến thế. Bố suốt ngày đi đổ bê tông, chưa hết công trình này lại cùng tốp thợ rong ruổi tìm công trình mới tới nỗi cái nọ gối cái kia vậy nhưng cứ về nhà ngồi rỗi một lúc là ca cẩm. Còn mẹ, ngày nào cũng cặm cụi bên chồng bánh đa cao ngất, cuối ngày lại bỏ cuộn tiền phồng căng trong túi áo nhờ chị em nó đếm hộ rồi ngồi lẩm bẩm tính lời lãi như cầu kinh,.... Nhìn đám bạn cùng trang lứa trong xóm những dịp lễ hội, ngày nghỉ được bố mẹ chở đi chơi, mua quà, nó thèm được một lần mẹ xếp chậu than vào góc nhà hay bố nghỉ một buổi làm, cho nó đi công viên chơi một ngày nhưng nào có được.
Mỗi khi mở mồm nói ra ao ước của mình, mẹ nó lại vứt cho nó mấy nghìn lẻ, bảo thích gì thì mua còn bố thì dấm dẳng: "làm lấm lưỡi mà vẫn nghèo, thời gian đâu mà xa xỉ. Mày nhìn chị mày ấy, chỉ biết học và giúp đỡ việc nhà. Bé tí chưa chi đã đòi hưởng thụ, có ngày thành hỏng".
Chẳng biết có phải tại bố em "tiên tri" trước được tương lai của em hay không mà Thảo bắt đầu hỏng từ đấy. Cô bé thấy những giờ lên lớp thật nhàm chán và những khi ấy, Thảo lại trốn học ra công viên ngồi chơi, nhìn những đứa trẻ được cha mẹ âu yếm mà ước ao, thèm muốn. Lần nào như thế, cô bé cũng thắc mắc là tại sao nó vẫn còn nhỏ lại không được vui đùa trong vòng tay cha mẹ như những đứa trẻ kia. Nhà nó tuy trong ngõ nhưng cũng 3 tầng kiên cố, tiền không nhiều lắm nhưng lúc nào nó cũng thấy căng trong túi áo bố mẹ, vậy mà nó thấy bố mẹ nó chả muốn nghỉ ngơi.
Ở nhà, Thảo như kẻ cô đơn với ước mơ lạc lõng giữa những bận rộn của bố mẹ và chị gái nên mỗi khi thoát ra ngoài, dù chơi với một vài đứa trẻ đánh giày, bán báo nó thấy thật thoải mái nên đã tự chọn cho mình một cách để đạt được ước muốn. Ban đầu khi được mẹ cho tiền, nó đã biết vào quán điện tử chơi nhưng mấy trò chat chít trên mạng lại phải viết mà nó thì đặc biệt ghét chữ nên chỉ vài lần là nó bỏ. Ra chơi với đám trẻ đánh giày, bán báo, cô bé thấy vui hơn, vừa có người để nô đùa vừa được nghe khối chuyện mà từ trước tới giờ nó mới biết và quan trọng là được mua những thứ mình thích.
Thảo ở lớp học nghề may ở trường giáo dưỡng số 2
Từ chỗ chọn công viên hay những đoạn phố vắng để nô đùa, dần dà điểm đến của Thảo được nâng cấp là siêu thị, shop thời trang khi trong đám bạn của em có nhiều anh chị lớn tuổi, con nhà khá giả. Để có tiền theo kịp các bạn trong nhóm, cô bé bắt đầu ăn trộm tiền của bố mẹ. Thảo không nhớ đã bao nhiêu lần ăn cắp tiền của bố mẹ nhưng lần đầu tiên nó lấy tiền thì nhớ lắm. Tưởng cô bé bảo run sợ như những kẻ lần đầu tiên làm chuyện mờ ám, không ngờ Thảo bảo nhớ nhất vì lần ấy, sau khi phát hiện con gái lấy mất 562 ngàn đồng, nướng hết vào chuyện mua quần áo, giày dép và xem phim, mẹ nó đã bắt Thảo làm kiểm điểm tới sưng cả tay.
Chưa hết, cô bé còn bị bố lôi xềnh xệch ra công an phường, bắt ngồi đấy viết kiểm điểm tới khuya mới cho về. Nó ám ảnh từ lần đó bởi sau khi bị các chú công an huấn thị, trở về với đôi mắt díu lại vì buồn ngủ, nó không được chui vào chăn ngay mà bị bố bắt đứng úp mặt vào tường để ông cầm chổi vụt.
Trộm tiền cha mẹ để làm "tình phí"
Từ bé tới khi biết nhớ, Thảo chưa bao giờ bị bố đánh đau như thế nhưng những "con lươn" trên mông chỉ làm nó chậm cuộc chơi mất mấy ngày chứ không làm nó sợ tới chừa. Sau một tuần tỏ ra ngoan ngoãn, Thảo lại lấy trộm tiền của bố mẹ, lần này nhiều hơn, những gần 3 triệu đồng, đủ để rủ mấy chị bạn trong nhóm đi siêu thị chơi một ngày. "Chỉ ăn quà vặt, mua quần áo, đi xem phim mà hết nhiều tiền thế ư. Vậy em bỏ nhà xuống Hà Nội gần 1 tuần không lẽ chỉ để đi chơi với mấy chị ấy"?, nghe tôi hỏi, những chiếc răng xếp không thẳng hàng lại được dịp khoe ra. Thảo lè lưỡi bảo có cả người yêu của cháu nữa ạ.
Đang học lớp 6, Thảo đã biết yêu và người cô bé yêu là một anh bạn học cùng chị gái, nhà ở phố dưới, thi thoảng qua nhà cô bé mượn sách vở. Tình yêu là đề tài muôn thuở mà con người khai thác mãi vẫn không hết, với cô bé đang học lớp 6 như Thảo, cách thể hiện tình cảm là ăn quà mà để rủ được người yêu đi chơi, ăn vài trái cóc hay cái bánh khoai, cô bé phải nghĩ cách "thó" tiền của cha mẹ.
Một hôm đang ngồi xem tivi, Thảo vô tình nghe lỏm được câu chuyện của bố mẹ nên biết bố vừa được thanh toán tiền một công trình. Nghĩ đến tiền, đầu óc nó bỗng minh mẫn hẳn ra và với suy nghĩ của một đứa trẻ nhiều mưu mẹo, nó bắt đầu giả "nai", vâng dạ mấy ngày liền để dò xem bố mẹ cất tiền ở đâu. Khi biết chỗ, nó liền rút 7 triệu đồng và chỉ một loáng sau đã có mặt ở góc vườn hoa cùng với đám bạn. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, cả hội thuê taxi về Hà Nội chơi, nướng sạch 7 triệu đồng chỉ trong một ngày.
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Thảo tỉnh bơ nói: "Về Hà Nội, bọn cháu vào Big C, chơi, ăn uống ở đây rồi đến rạp Tháng Tám xem phim, đi mua sắm rồi quay về Hải Phòng". Cô bé vanh vách kể một loạt các bến xe, nhà ga ở Hà Nội và đi như thế nào, đón xe nào, ở đâu để xuống Hà Nội và quay về Hải Phòng như thể một người buôn chuyến, thuộc làu cung đường này vậy.
Theo lời Thảo thì sau lần đó, cô trộm tiền của bố mẹ không chỉ vì nhu cầu ăn tiêu của bản thân và người yêu mà nó như một quán tính, thấy tiền là ngứa ngáy chân tay, muốn lấy. Chính vì thế mà số lần ăn trộm cũng mau hơn với số tiền mỗi lần một nhiều thêm.
Cứ có tiền, Thảo lại ra vườn hoa, tụ tập cùng nhóm bạn, cười đùa vui vẻ và chỉ quay về nhà với cái túi rỗng. Thảo bảo ra ngoài đường vui lắm, các chị bạn xã hội tình cảm, có cái gì cũng chia vui với nhau không buồn tẻ như ở nhà. Thế nhưng như lời cô bé thì các chị lớn toàn con nhà khá giả, mỗi ngày được cha mẹ cho vài trăm tiêu vặt nên để được ở lại trong nhóm, chơi với họ, lúc nào Thảo cũng phải dằn túi vài trăm và đương nhiên để có số tiền đó, cô bé phải ăn trộm chứ không còn cách nào khác.
Những lần trốn nhà đi chơi bắt đầu dài hơn, Thảo bắt đầu trượt dốc khi biết ở lại qua đêm trên ghế đá công viên và không còn cảm thấy xấu hổ khi bộ quần áo mặc trên người mấy hôm, bốc mùi. Cô bé bảo ngủ ngoài trời, lạnh nhưng mà hay lắm, ban đầu không chăn, không đệm cũng đau người nhưng rồi lại thấy thích cái cứng quèo của ghế đá, thích được ngủ chung với đám trẻ đánh giày vì chúng có vô vàn câu chuyện hay, hấp dẫn.
Ham chơi, ham vui, thích được ở bên người yêu quên giờ giấc, không bị ai nhắc nhở, phán xét, cô bé bắt đầu dửng dưng trước sự lo lắng của cha mẹ. Thảo bảo nhiều lần em ngủ qua đêm ở công viên, thấy bố mẹ phóng xe dáo dác đi tìm, cô trốn vào trong đám bạn hoặc lẩn vào nhóm thanh niên đang trượt pa-tanh để tránh mặt.
Cô bé hồn nhiên tâm sự rằng chỉ mò về nhà khi nào trong túi hết tiền và bộ quần áo mặc trên người bẩn tới nỗi không nhận ra màu sắc, còn thì cứ lấy đường phố làm nhà vì ở đây em được cười nhiều hơn và tha hồ mua những thứ mình thích. Cô bé cho biết cũng chính vì nghiện ngủ ghế đá mà mấy lần cô bị công an phường bắt vào đồn vì tưởng là trẻ lang thang nhưng lần nào cũng thế, khi cô bé còn đang cắn bút để cố viết cho đúng tên mình thì ảnh của em được đăng tải trên truyền hình. Hoá ra vì mấy ngày không tìm thấy con, bố mẹ em đã cầu cứu đài truyền hình và chỉ đến lúc này, Thảo không thể giấu địa chỉ, bị các chú công an đưa về tận nhà.
"Lang thang thế không sợ bị lừa bán à", vẫn cái miệng có nhiều răng chen nhau toe toét. Thảo lắc đầu bảo không sợ. Nó vanh vách kể bến xe nào ở Hà Nội có tuyến đi biên giới, các tỉnh phía trong, nó ở Hải Phòng, đường xuống Hà Nội quá thuộc, làm sao có thể bị lừa được, với lại "cháu có bao giờ đi Hà Nội một mình đâu, không đi với người yêu thì cũng cùng với các chị xã hội, đông thế ai dám lừa bọn cháu", giọng cô bé đầy tin tưởng.
Với nó chuyện về những cô gái bị mẹ mìn hay bị chính người trong nhóm chơi với nhau lừa bán, chỉ là chuyện tầm phào, nếu có xảy ra thì chỉ ở các vùng nông thôn với những cô gái quê chứ với nó và đám bạn của nó thì chẳng bao giờ. Sau vài lần bị công an đưa về nhà, nó bị bố mẹ gửi vào trường giáo dưỡng vì cảm thấy bất lực trước cô con gái.
Cố chỉnh cho đường may thật thẳng, Thảo rụt rè cho biết sau này trở về sẽ theo nghề của bố đi làm kiếm sống, dù vất vả nhưng được đi đây đi đó chứ nhất định không theo nghề mẹ, vừa còng lưng, nẻ mặt mà nhặt tiền "bồm" (tức tiền lẻ). Rồi nó lại ngúc ngoắc cái đầu, toét miệng cười tránh câu trả lời khi tôi hỏi sau này có còn trộm tiền của bố mẹ nữa thôi.
Theo Phunutoday.vn