Đưa đặc khu trở thành cơ sở hướng đạo cho tương lai
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đang chờ Quốc hội phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cải cách đột phá về thể chế cũng như cách thức thu hút FDI, hướng dòng vốn FDI chất lượng đổ vào Việt Nam.
NTNN đã có cuộc trao đổi với PGS – TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Trọng ưu đãi, thiếu coi trọng ưu tú
Thưa ông, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đưa ra rất nhiều ưu đãi cho 3 đặc khu, liệu có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược?
Một góc Phú Quốc (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Tôi đề nghị cần một luật chung cho các đặc khu kinh tế, có thể triển khai ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nếu nơi này làm không tốt, có thể triển khai ở nơi khác. Mỗi nơi sẽ có những cơ chế linh hoạt riêng. Điều này tốt hơn việc xây dựng luật chỉ dành cho 3 đặc khu, để rồi tới khi mọi việc không thuận lợi lại phải chờ những quy định, chính sách mới. Việc áp dụng, triển khai mô hình đặc khu trên thực tế là một bài toán động với rất nhiều khó khăn mà không thể tìm ra lời giải ngay. PGS – TS Vũ Minh Khương
- Tôi thấy dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa thật khoa học và có tầm. Điều này thể hiện ở điểm chúng ta đưa ra quá nhiều ưu đãi mà không coi trọng ưu tú. Thêm vào đó là câu chuyện sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại đặc khu. Tôi cho rằng chiến lược này cần phải xem lại.
Tôi từng hỏi Intel yếu tố gì thu hút họ đầu tư? Họ trả lời rằng đó là một cơ chế vững bền thay vì các ưu đãi này khác. Hay câu chuyện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhiều người hưởng lương 25 triệu đồng/tháng mà chỉ phải đóng thuế có 1 triệu đồng. Điều này rất khác Singapore, Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế mà chính các nhà đầu tư đóng để hỗ trợ cho các dự án nằm trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi nhất định trong việc phát triển hạ tầng. Bằng cách này, Nhà nước vừa có thể đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo ngân sách mà vẫn hỗ trợ được cho các nhà đầu tư.
Song ở Việt Nam, thay vì làm như vậy, chúng ta lại đưa ra một mức thuế không đáng kể, trong khi ngân sách cạn kiệt dần dù số dự án, số tiền đầu tư rất lớn. Đây là chuyện rất vô lý.
Ở Singapore, mỗi dự án đầu tư, Nhà nước thu về số tiền rất lớn. Rồi từ đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư đi dự các hội nghị, tổ chức các hội thảo, thực hiện một số công việc khác với chế độ đặc biệt. Còn ở Việt Nam, sau khi họ đầu tư, chúng ta lại trở thành người nghèo bởi khi đã đưa hết tiền cho nhà đầu tư rồi, xin lại một đồng cũng khó khăn. Tôi cho rằng hình thức ưu đãi này không hợp lý, sẽ không tìm được các nhà đầu tư ưu tú.
Theo ông, phương án nào sẽ giúp Việt Nam lựa chọn những nhà đầu tư ưu tú cho 3 đặc khu?
- Cần một thể chế ưu tú. Nhà nước sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư, giúp họ giải quyết khó khăn. Thay vì miễn thuế, Nhà nước vẫn sẽ thu thuế, sau đó sẽ được sử dụng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng người lao động trong đặc khu.
Chúng ta phải trở thành một “người giàu” tương xứng để đồng hành cùng các nhà đầu tư. Không thể cho họ quá nhiều ưu đãi rồi chúng ta vẫn nghèo mãi. Những nhà đầu tư sau khi thụ hưởng ưu đãi trong năm đầu tiên, sang năm thứ hai họ sẽ coi ưu đãi đó như yếu tố tất nhiên, muốn thu thêm một đồng thuế thôi cũng rất khó. Tôi cảm thấy ở Việt Nam, chúng ta bị thất thu rất nhiều vì những ưu đãi, đòi hỏi của nhà đầu tư.
Vậy chúng ta có cần đưa ra những ưu đãi về thuế cho 3 đặc khu này?
Video đang HOT
- Ưu đãi về thuế chỉ nên áp dụng ở mức độ linh hoạt nhất định. Ví dụ, trong 3 năm đầu sẽ áp dụng những ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Sang năm thứ 4, khi các đặc khu kinh tế đã cất cánh và trở nên hấp dẫn hơn nhiều thì không cần ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nữa. Chính quyền đặc khu sẽ tiến hành thu các khoản thuế, phí đối với tất cả các nhà đầu tư. Phải làm sao để ngân sách không bị ảnh hưởng, sụt giảm vì đầu tư cho 3 đặc khu.
Ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nếu không có đặc khu, ngân sách chỉ tăng trưởng theo mô hình tuyến tính. Nhưng giờ nếu có đặc khu, số thu ngân sách sẽ tăng trưởng vượt bậc. Toàn bộ số tiền vượt trên so với mức tăng trưởng dự báo, nên dành hết cho đặc khu để chính quyền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thu hút nhân tài. Chính quyền đặc khu phải tạo dựng cơ chế, chính sách để nhà đầu tư nộp tiền nhiều hơn cho ngân sách nhưng vẫn vui vẻ đầu tư tiếp.
Cho thuê đất 99 năm chỉ thu hút các nhà đầu cơ
Một trong những cơ chế đặc thù cho đặc khu là thời hạn thuê đất lên tới 99 năm. Ông có cho rằng thời hạn này quá dài?
- Tuyệt đối không nên cho tăng thêm thời hạn thuê so với mức tối đa 70 năm mà Luật Đất đai hiện tại cho phép. Thời hạn thuê đất quá lâu chỉ thu hút những người đầu cơ đất. Những nhà đầu tư khoa học và công nghệ cao chỉ cần tới 50 năm, lâu hơn là 70 năm.
Thời hạn thuê đất theo quy định hiện hành sẽ khuyến khích các dự án ứng dụng kỹ thuật có tiến bộ nhanh và mang lại hiệu quả sớm. Cho thuê đất 99 năm sẽ làm các đặc khu kinh tế bị thiên lệch về thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý quy hoạch đất đai đối với 3 đặc khu kinh tế hiện nay?
- Đầu tiên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện và thống nhất quản lý. Ở Singapore, Nhà nước bỏ ra quỹ đất bao nhiêu đều dựa trên hai yếu tố cung – cầu và số tiền phát sinh chênh lệch giá đều trở về với Nhà nước. Sau đó để chi trả cho những người có đóng góp thực sự cho quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, cần rất chú ý những người sống trên vùng đất đó ban đầu cũng phải được hưởng lợi. Không được để tiền rơi vào túi cò đất, những kẻ lợi dụng cơ chế. Những đối tượng này phải đánh thuế rất nặng. Còn những người kiến tạo giá trị cần được thụ hưởng.
Cơ sở thử nghiệm thiết chế mới
Ông có lo lắng về hiệu quả kinh tế đạt được nếu đầu tư cho 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong?
- Tôi rất ủng hộ sự ra đời của các đặc khu bởi chúng sẽ tạo ra tư duy mới hoàn toàn. Có thể trong tương lai gần chúng chưa thành công nhưng vẫn tạo ra những bài học giá trị hơn là để cho nhiều đối tượng tranh thủ trục lợi nhờ buôn bán đất đai như hiện tại.
Đây là vấn đề hiệu lực chứ không chỉ là hiệu quả đồng tiền chúng ta bỏ ra nếu so sánh với Hà Nội hay TP.HCM. Vì ở những thành phố lớn rất khó thiết kế, thử nghiệm những thiết chế mới, yếu tố mới nên tôi mong muốn ở những đặc khu, những người dân hôm nay có thể nhìn thấy hình dáng của Việt Nam 30 năm tới. Đặc khu sẽ là cơ sở thử nghiệm những thiết chế mới, hướng đạo cho hướng phát triển tương lai của Việt Nam.
Mô hình này, đề nghị toàn dân tham gia giám sát giúp. Nếu những người đứng đầu không làm được sẽ bị thay thế, lãnh đạo năng lực yếu sẽ không dám nhận làm đặc khu.
Bản đồ đất đai cũng được công khai, mọi người có thể truy cập Internet để tra cứu, tìm hiểu thông tin đất đai của từng người. Những yếu tố này, Việt Nam 30 năm tới phải có. Hiện tại ở 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong còn nhiều sơ khai, chưa có nhiều cản trở, khó khăn thì nên triển khai.
Đừng nên chỉ tính toán hiệu quả khi bỏ ra 1 đồng tiền là bao nhiêu. Khi đặc khu đã đạt được hiệu lực rồi, thì hiệu quả mang tới sẽ có giá trị rất lớn. Đây là bài toán chiến lược mà lãnh đạo đất nước và toàn thể người dân cần nghĩ tới.
Việt Nam có thể học được những gì từ mô hình đặc khu kinh tế của các quốc gia trên thế giới?
- Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (Trung Quốc) là một mô hình có thể học hỏi. Đầu tiên, đặc khu phải là điểm hút về công nghệ, nhân tài, và là điểm khẳng định với thế giới rằng chúng tôi không thua kém ai. Thứ hai, đặc khu phải trở thành điểm hút bằng thể chế ưu tú. Thứ ba, đặc khu phải có sự gắn bó sâu sắc với nền kinh tế trong nước. Đoàn công tác của địa phương khác khi cần thiết không phải ra nước ngoài để học hỏi, chỉ cần tới các đặc khu để tham khảo mô hình quản lý, cách vận hành, chính sách mới trong một môi trường thấm đượm văn hóa Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Giá đất tại Vân Đồn đang thi nhau "nhảy múa"
Ngay từ khi đặc khu kinh tế Vân Đồn vẫn còn nằm trên giấy thì tại đây đã xuất hiện một cơn "sốt" đất chưa từng thấy, giá cả biến động từng giờ, từng ngày. Điều đáng nói, sau một thời gian dường như trầm lắng vào cuối năm 2017 thì mới đây, tình trạng này lại tái diễn và có phần "nóng" hơn trước.
Đất tại "đặc khu tương lai" Vân Đồn đang lên cơn sốt.
Giá đất được "thổi" lên như thế nào?
Khoảng 20 năm trước, Quảng Ninh đã từng hy vọng về một đặc khu kinh tế sẽ ra đời tại mảnh đất này. Nhưng phải gần 20 sau, người dân nơi đây mới có cơ hội chạm vào hiện thực khi "dự án khổng lồ" này được khởi động.
Điều đáng nói là trong khi "đặc khu" còn đang nằm trên giấy thì vào giữa năm 2017, cả Vân Đồn đã quay cuồng trong cơn "sốt" đất. Giá tăng một cách chóng mặt, có nơi đất trước đó chỉ vài trăm ngàn/m2 mà vài tháng sau đã cao gấp vài chục lần. Đất tăng giá vùn vụt khiến người dân thi nhau chuyển đổi, tách thửa... để bán.
Cuối năm 2017, trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có những động thái kiểm soát khiến cơn "sốt" đất có chiều hướng hạ nhiệt và cuối năm 2017 thì chững lại. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, cơn "sốt" đất bùng phát trở lại và có chiều hướng gia tăng mạnh.
Để lý giải cho điều này, một số "cò" đất cho biết: "Vài ngày gần đây Quốc hội đang họp bàn để thông qua dự thảo luật đặc khu kinh tế, không chỉ ở Vân Đồn mà Phú Quốc, Bắc Vân Phong cũng đang nhốn nháo vì giá đất. Giới đầu cơ chắc chắn đặc khu sẽ được thành lập và đây là miếng mồi ngon không thể bỏ qua".
Khu tái định cư tại Ao Tiên, xã Hạ Long chỉ sau một năm tăng giá tới gần trăm lần.
Theo một số "cò" đất, nếu như giá đất tại khu tái định cư thuộc khu Ao Tiên, xã Hạ Long thời điểm 1 năm trước chỉ khoảng 120 triệu đến 150 triệun đồng/lô thì hiện tại đã lên tới hơn 3 tỉ đồng/lô. Khu đất tại Ao Tiên phía giáp núi, sát đường bao biển còn tăng tới 60 triệu đồng/m2.
Theo người dân sinh sống dọc tuyến đường "độc đạo" vào Sân bay Vân Đồn, đất lúc đỉnh điểm lên tới 70 triệu đồng/m2 nhưng giờ cũng không có đất mà bán. Tương tự tại xã Đoàn Kết, khu tái định cư dù còn đang ngổn ngang đất đá, đường, cống thoát nước... nhưng theo một người dân địa phương thì đất tại đây đã không còn một lô "vắng chủ", các đầu nậu đã mua hết với giá khá "chát" từ 20 đến 22 triệu/m2.
Tại xã Vạn Yên, nơi gần casino, giá đất cũng tăng mạnh từ vài trăm ngàn/m2 nay lên tới vài triệu/m2. Một người đàn ông tên P. cho biết, anh là người gốc tại đây, gia đình anh có nhiều đất nhưng đã bán hết, hiện còn một mảnh diện tích chừng 6.000 m2 cả đất ở lẫn đất vườn tạp. Theo anh P., gia đình anh đang rao bán khu đất này với giá 3,5 triệu đồng/m2 và phải mua toàn bộ.
Một số người dân sinh sống dọc tuyến đường cũ từ trung tâm huyện về chùa Cái Bầu cho biết, đất hai bên đường tại đây tăng không nhiều do các nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn các vị trí gần sân bay, casino, sân golf...
Theo một số người trong giới đầu cơ đất, hiện đất ở nhiều xã trên địa bàn huyện Vân Đồn đều đã được mua hết. Họ chỉ chờ Vân Đồn "cất cánh" là có thể hốt tiền tỉ.
Người dân Vân Đồn cho biết, trên thực tế đất Vân Đồn vốn "rẻ như cho" nhưng khi vào tay "cò" thì được "thổi" lên chóng mặt. Vì vậy ngay cả trong giới thạo làm kinh doanh khi biết người thân, bạn bè có ý định đầu tư tại đây đều cảnh báo, mua để "lướt sóng", kiếm lời thì được chứ mua để ở thì không nên vì giá đất rất "ảo".
Ai cũng có thể trở thành "cò" đất
Có mặt tại Vân Đồn những ngày này bạn dễ dàng nhận thấy trái ngược với một Vân Đồn yên bình, nhịp sống chậm rãi, mật độ người qua lại thưa thớt... là những dãy xe ô tô hạng sang đỗ dài hai bên đường, những quán cà phê dọc trung tâm huyện luôn đông đúc khách, phòng công chứng đông bất thường... Họ phần lớn là những đầu nậu cùng "cò" đất.
Có mặt tại một quán cà phê nằm đối diện UBND huyện Vân Đồn, mặc dù đã vào trưa nhưng quán vẫn rất đông khách. Các câu chuyện chỉ xoay quanh chuyện mua bán đất. Bàn ngay bên cạnh, một người đàn bà trung niên với vẻ bên ngoài chân chất nhưng điện thoại liên tục đổ chuông với các cuộc giao dịch chỉ bàn tới đất hàng nghìn mét vuông và tiền tỉ.
Các câu chuyện bên bàn cà phê hầu hết là mảnh đất này bao nhiêu, giá cả như thế nào, thủ tục ra sao...Thậm chí tiền được trao ngay tại quán.
Tại các hàng nước, câu chuyện đất đai cùng giá cả, vị trí cũng rất rôm rả. Cánh xe ôm cũng có thể trở thành "cò" đất khi có người cần mua.
Cùng với sự nhộn nhịp của người mua bán, sự thao túng của "cò" đất, các điểm giao dịch, các công ty mua bán bật động sản cũng mọc lên như nấm sau mưa.
T. H. A, một người có thâm niên trong kinh doanh bất động sản ở Vân Đồn cho biết, chưa khi nào chuyện mua bán đất đai lại sôi động như bây giờ và giao dịch cũng rất dễ dàng, thuận lợi. Theo A., có những ngày lượng tiền giao dịch tại quán cà phê này lên tới vài chục tỉ đồng. Có "cò" may mắn trúng cả bạc tỉ mà không phải bỏ xu nào.
Các văn phòng nhà đất mọc lên như nấm sau mưa.
Bà L.H.O., bán hàng nước ngay trung tâm huyện cho biết, chả mất đồng nào mà chỉ cần tinh ý, biết vị trí đất cần bán đắc địa, thậm chí tìm hiểu được chủ đất dễ dãi, cùng với chút may mắn là có thể kiếm được bộn tiền. "Thế nên ở đây ai cũng có thể trở thành cò đất nếu gặp khách. Thậm chí có nhiều người làm công ăn lương hẳn hoi, lúc đầu chỉ chân trong chân ngoài, sau thấy môi giới chả mất gì mà dễ kiếm tiền nên bỏ cả công việc cố định", bà O. nói.
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cảnh báo: "Giới buôn bán đất ở các tỉnh khác đã cấu kết với hệ thống "cò mồi" để cùng nhau tạo nên một cơn "sốt" đất. Đây hoàn toàn không phải giá trị thực của đất mà chỉ là giá ảo. Nó hệt như một quả bóng, nếu thổi quá nhiều nó sẽ tự nổ".
Trao đổi với Dân trí chiều 17/4, ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn thừa nhận thị trường đất đai lại sôi động trở lại, giá đất lại bị thổi lên. Tuy nhiên theo ông Luân, đây là vấn đề đương nhiên vì nơi nào phát triển thì giá đất sẽ tăng, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh. Cũng theo ông Luân, sự sôi động lần này có sự khác biệt với lần trước, nhà đầu tư chắc chắn hơn, chọn lọc hơn, không mua đất chuyển đổi bất hợp pháp hoặc nhập nhèm về thủ tục.
An Nhiên
Theo Dantri
BĐS Đặc khu kinh tế sốt sình sịch, Bộ Xây dựng ra công văn khẩn yêu cầu chặn tình trạng "thổi giá" đất Lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa ký công văn gửi tới 3 tỉnh sẽ có các đặc khu kinh tế là Quảng Ninh (đặc khu Vân Đồn), Khánh Hoà (đặc khu Bắc Vân Phong), Kiên Giang (đặc khu Phú Quốc) về việc kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn. Công văn do Thứ trưởng Bộ Xây dựng...