Đưa cuộc sống vào… luật
Khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, ngay lập tức dư luận xã hội, báo chí, các chuyên gia đón nhận với sự quan tâm đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ đời sống xã hội. Nếu văn bản đó sát với yêu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống thì nó không chỉ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển, mà còn mang lại uy tín, hình ảnh tốt đẹp cho cơ quan quản lý. Ngược lại, khi chính sách xa rời thực tế, thiếu khả thi thì không chỉ bị vô hiệu hóa ngay sau khi có hiệu lực, mà còn gây hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin.
Tiếc thay, thời gian gần đây, tình trạng văn bản pháp luật kém chất lượng xuất hiện khá nhiều. Một số chuyên gia luật đã tỉ mỉ liệt kê danh sách vài chục văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định “kỳ cục” được đề xuất và ban hành chỉ trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013. Từ chuyện dự thảo quy định số vòng hoa trong đám tang, số mâm cỗ trong tiệc cưới cho đến bán thuốc lá vỉa hè, quán trà, bán thịt tươi, “chó chính chủ”, gần đây nhất lại rộ lên chuyện “ngực lép không được lái xe”… không ít văn bản, quy định chưa ráo mực đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ, song vấn đề đặt ra là xã hội không phải là môi trường để “thử nghiệm” các loại văn bản pháp quy. Khi một văn bản vừa ban hành đã bị dư luận và báo chí phản ứng, thậm chí người dân mang ra đàm tiếu, đâu chỉ việc thu hồi là xong chuyện. Vì sao “tuổi thọ” của những văn bản được “chuyên gia” của các cơ quan quản lý soạn thảo, chỉ tính bằng ngày, bằng tuần?
Theo ý kiến của một số luật gia và chuyên gia, điều cốt lõi là cơ quan quản lý phải “tiếp thị” chính sách trước khi ban hành với đối tượng là người dân và doanh nghiệp. Tức là phải hiểu biết, thực tế cuộc sống sâu sát như chính những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp của chính sách, văn bản. Nói có vẻ ngược đời, không phải là đưa chính sách vào cuộc sống, mà chính là đưa cuộc sống vào chính sách, cân nhắc, tính toán, thăm dò ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới chuyên gia với tinh thần cầu thị. Nhiều chuyên gia đã “bắt mạch” thực trạng văn bản pháp luật kém chất lượng đã và đang gây ra những tác động bất lợi cho sự phát triển. Nguyên nhân gốc rễ của những yếu kém là thiếu cơ chế phối hợp có hiệu quả để quản lý chất lượng chính sách. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua ba khâu “sàng lọc”: thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi quan niệm, tư duy về phương pháp xây dựng luật. Từ các bộ luật, nghị định cho đến các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành, cần phải đưa cuộc sống vào chính sách, thì khi ban hành chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, không còn tình trạng văn bản pháp quy “trật đường ray” như lâu nay.
Đan Thanh
Theo ANTD
"Tái xuất" giấy phép con
Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số PAPI với các nội dung: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ.
Chỉ số PAPI năm 2012 cho thấy, số người dân được khảo sát cho rằng phải "lót tay" mới được chăm sóc dịch vụ y tế tăng từ 31% năm 2011 lên 42% năm 2012 và 21% lên 32% đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, kết quả khảo sát PAPI năm 2012 cho thấy, cứ 10 người thì có đến 8 người không biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa bàn xã, phường, thị trấn nơi họ sinh sống.
Cũng theo khảo sát, Hà Nội, Cao Bằng thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về công khai, minh bạch. TP.HCM ở trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình khá, Sóc Trăng ở nhóm điểm thấp nhất. Chỉ số PAPI vận dụng khái niệm "công khai, minh bạch" và "quyền được biết" của người dân theo tinh thần của Pháp lệnh dân chủ cơ sở. Theo đó, các cấp chính quyền phải thực hiện một số chính sách công khai, minh bạch thông qua 3 quy định. Đó là công khai, minh bạch về thu chi ngân sách cấp phường, xã; công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đền bù đất bị thu hồi. Hành chính công, dịch vụ công dưới góc nhìn của doanh nghiệp và người dân còn "soi xét" ở những ngóc ngách sâu và khuất nhất. Đó là tình trạng "tái xuất" các loại giấy phép "con, cháu, chắt", thường gọi là giấy phép không tên.
Theo Bộ Tư pháp, chỉ riêng trong năm 2012, các bộ, ngành cấp Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 200 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, trong khi cấp địa phương đã ban hành 3.852 văn bản quy phạm pháp luật. Cũng trong năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền tới 564.524 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, trong số đó "ẩn giấu" bao nhiêu giấy phép con? Câu trả lời không hề dễ dàng. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định rằng giấy phép con đã "tái xuất" khá nhiều. Chúng đã chui vào các luật, nghị định, pháp lệnh, muốn bãi bỏ thì phải sửa luật. Hiện tại số giấy phép con tác động rất tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Thực sự lo ngại trước thực trạng "tái xuất" giấy phép con trong hầu hết các ngành, nhiều chuyên gia kinh tế và luật gia lên tiếng cảnh báo rằng, xu hướng "nở rộ" giấy phép con là rõ ràng bởi vì ngày càng có nhiều bộ, ngành, địa phương cài cắm điều kiện kinh doanh, sản xuất, đầu tư khi ban hành các văn bản pháp luật.
Theo ANTD
Sửa đó sai đâu? Gần đây, có nhiều chuyện mà dư luận thấy phiền lòng cho các cơ quan chức năng khi đưa ra những chính sách tùy tiện mà thiếu khảo sát cụ thể. Nhiều văn bản đã đưa ra rồi lại rút vì không khả thi. Điều đáng nói là cái dạng văn bản thiếu tính thực tế, không khả thi đó đang ngay một...