Đứa con tội lỗi và nỗi đau người mẹ
Nhận lời dàn xếp một vụ đòi nợ 40 triệu đồng, Quách Anh Văn đã gây ra vụ nổ súng náo động ngõ Tô Tiền (quận Đống Đa, Hà Nội) đêm 16/4 vừa qua. Khi bị bắt giữ, kẻ giang hồ chỉ khóc khi nhắc đến cha mẹ…
1. Ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cho biết đã bắt khẩn cấp Quách Anh Văn (30 tuổi) ở ngõ 51 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân và Trần Mạnh Linh (25 tuổi) ở phường Vị Hoàng, Nam Định, là 2 đối tượng trong vụ nổ súng giải quyết mâu thuẫn nợ nần xảy ra tại ngõ Tô Tiền, Đống Đa đêm 16/4 vừa qua.
Nguyên nhân của vụ nổ súng này bắt nguồn từ tháng 2/2012, chị Phạm Thị Thu Trang (28 tuổi) ở phường Trung Phụng, Đống Đa qua đọc báo biết chị Trần Thị Lan (37 tuổi) ở phường Bưởi, quận Tây Hồ đăng thông tin nhượng lại việc kinh doanh một khách sạn trên địa bàn quận Cầu Giấy với giá là 450 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu, chị Trang thỏa thuận với chị Lan nhận việc sang nhượng kinh doanh khách sạn trên và đặt cọc số tiền 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, quá trình làm hợp đồng, giữa chủ nhà và chị Lan xảy ra trục trặc. Chị Trang sợ phức tạp nên quyết định không kinh doanh khách sạn nữa, đề nghị được trả lại số tiền 40 triệu đồng đặt cọc nhưng chị Lan không đồng ý. Nhiều lần Trang đến đòi tiền không được nên quyết định nhờ anh trai là Phạm Ngọc Toản (37 tuổi) đứng ra dàn xếp hộ.
Về phía chị Lan, sau hơn 1 tháng đôi co với chị Trang, chị Lan quyết định chỉ trả lại 20 triệu đồng. Tuy nhiên, phía chị Trang không đồng ý nhận số tiền trên mà yêu cầu phải trả đủ 40 triệu. Không giải quyết được nên chị Lan nhờ cháu chồng là Nguyễn Tuấn Anh, làm nghề kinh doanh nhà nghỉ tại phố Tây Sơn, quận Đống Đa đứng ra thu xếp, nói chuyện với phía chị Trang. Tuấn Anh nhờ bạn là Quách Anh Văn, làm nghề cầm đồ giải quyết giúp mình.
Văn nhiều lần hẹn gặp anh Phạm Ngọc Toản nói chuyện, trả 20 triệu nhưng anh Toản không nhận và đòi phải trả 35 triệu đồng, chỉ “biếu lại” 5 triệu đồng cho Lan. Hai bên không thống nhất được nên Văn lại nhờ “đại ca” là Đỗ Đức Lân (34 tuổi) ở ngõ 110 Kim Hoa, phường Kim Liên, Đống Đa dàn xếp.
Đến ngày 16/4, phía chị Trang đồng ý nhận lại 20 triệu đồng và hẹn địa điểm trả tiền là một quán cà phê ở ngõ Tô Tiền. Trước khi đến, Quách Anh Văn điện thoại cho đồng bọn là Trần Mạnh Linh (làm việc tại một hiệu cầm đồ ở Khương Thượng, Đống Đa) yêu cầu “mang đồ” đến ngõ Tô Tiền. Linh hiểu ý nên lấy 3 dao dài và kiếm, giấu vào chiếc túi đựng vợt cầu lông cùng Đỗ Đức Lân và 2 thanh niên thuê xe taxi đi. Còn Văn đi xe máy Attila mang theo một dao quắm, 1 khẩu súng bắn đạn hoa cải bọc trong khăn tắm đến điểm hẹn.
Văn đến trước, bị hai thanh niên ngồi tại một quán nước trong ngõ Tô Tiền xông ra dùng dao chém. Văn lấy dao quắm chống đỡ và rút súng bắn lại hai thanh niên. Hai người này bỏ chạy vào sâu trong ngõ. Đúng lúc bọn Lân, Linh đi taxi tới liền cùng Văn đuổi theo đánh chém 2 thanh niên. Hậu quả anh Nhâm Kỷ Nguyên (36 tuổi) ở Yên Phụ, Tây Hồ bị thương. Sau khi gây án, Văn mang súng và dao đi cất giấu rồi về nhà nghỉ của Nguyễn Tuấn Anh. Bọn Lân, Linh cũng tẩu thoát.
Sau khi nhận thông tin về vụ nổ súng, ngay trong đêm 16 rạng ngày 17/4, Công an quận Đống Đa đã tổ chức truy xét, bắt khẩn cấp Quách Anh Văn về hành vi giết người và bắt Trần Mạnh Linh về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đối với Đỗ Đức Lân và các đối tượng liên quan khác đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra yêu cầu ra đầu thú và tiếp tục truy bắt để xử lý.
2. Quách Anh Văn, kẻ nổ súng táo tợn đã từng “có số má” trong công việc đòi nợ thuê. Năm 2007, Văn bị Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm xử 45 tháng tù giam về các tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Nạn nhân trong vụ việc đó là anh Nguyễn Văn Quyết ở xóm Chùa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội.
Quách Anh Văn tỏ ra khá lạnh lùng khi nói về công việc cầm đồ, đòi nợ thuê của mình. Cái đầu cắt cua trọc lóc, gương mặt ngang tàng, Văn cho biết việc đứng ra dàn xếp các vụ đòi nợ cũng khá đơn giản. Trần Thị Lan cho Văn đọc nội dung tin nhắn của bên đòi nợ và cho biết bọn họ hay kéo người đến quấy phá việc làm ăn. Sau vài lần nói chuyện suông không đạt kết quả, thấy bên đòi tiền rắn mặt nên Văn quyết định giải quyết bằng “hàng nóng”.
Đã nhận lời đòi nợ, hay dàn xếp giúp “anh em” rồi thì chấp nhận cuộc chơi có thể một mất một còn này. Thế nên những kẻ đàn anh trong nghề cầm đồ, đòi nợ thuê thường thu nạp đám thanh niên người tỉnh ngoài không nghề như Trần Mạnh Linh làm tay chân đi đòi nợ. Mặc dù còn ít tuổi nhưng bọn này thuộc dạng “máu lạnh”, sẵn sàng dao kiếm tấn công, chém giết người khác. Còn như Quách Anh Văn, tiền án 45 tháng tù của anh ta là cái “mác” để những kẻ giang hồ khác thâu nạp vào công việc làm ăn. Văn cho biết làm công việc đòi nợ thuê cho rất nhiều hiệu cầm đồ của “anh em”. Chỉ cần nhờ nhau một câu, những kẻ đòi nợ thuê sẵn sàng vác dao kiếm lên đường tìm đối thủ.
Video đang HOT
Quách Anh Văn, Trần Mạnh Linh tại Cơ quan Công an và tang vật vụ án.
Cuối của năm 2010, từ khi gia nhập giang hồ, Văn chuyển đến ở nhà nghỉ của Nguyễn Tuấn Anh. Nhà nghỉ là điểm tụ tập của những kẻ lang bạt, dạt nhà, và những cuộc chơi thâu đêm không bị kiểm soát. Khoảng lặng duy nhất khi nói chuyện với Quách Anh Văn, là khi chúng tôi hỏi về gia đình. Nhắc đến người mẹ đau yếu, anh ta lặng lẽ quay đi để giấu đôi mắt đỏ hoe. Dẫu sao, một kẻ giang hồ như anh ta, vẫn còn nước mắt cho người thân.
3. Tiếp tôi trong căn phòng chật chội, ngổn ngang đồ đạc cũ kỹ, bà Lan Anh, mẹ của Quách Anh Văn chỉ biết ôm ngực nghẹn ngào. Mái tóc bạc trắng và tiếng thổn thức của người mẹ khiến tôi thấy ái ngại.
Bà Lan Anh bảo rằng mấy ngày nay, hai vợ chồng già túc trực trong bệnh viện để chăm cô con gái, chị của thằng Văn không may bị sẩy thai. Tối 17/4, ông Quách Đại Xiêm, bố của Văn về Hà Nam lo hậu sự cho đứa cháu ngoại xấu số thì được tin báo thằng Văn bị công an bắt giữ. Ông giấu biệt tin đó, không cho ai biết. Đến khi đưa con gái ổn định sức khỏe về nhà chồng, ông mới cho vợ biết tin. “Bà ấy cũng mới ra viện, tôi không dám cho bà ấy biết tin sớm, sợ bà ấy đột quị” – ông Xiêm thở dài.
Bà Lan Anh kể, hồi thằng Văn khoảng 4 tuổi thì bà phát hiện bị u vú, phải phẫu thuật. Nghĩ mình không sống được bao lâu nữa, thằng Văn lúc đó còn nhỏ quá, lại ốm đau quặt quẹo nên bà dành hết tình thương của một người mẹ cho nó. “Cứ nghĩ mình không có nhiều thời gian bên con nữa nên tôi cũng có phần quá đà nuông chiều nó. Rồi kết hợp với xã hội ngày càng phức tạp, học điều hay thì khó nhưng điều dở thì lại quá dễ. Sau này, thằng Văn theo bạn bè đàn đúm, bố mẹ nói không nghe” – bà mẹ lại đưa tay quệt nước mắt.
Học hết lớp 12, thằng Văn đi học lái xe rồi đi làm. Chưa được bao lâu thì nó dính vào vụ việc đòi tiền hộ bạn dẫn đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Hai vợ chồng ông Xiêm lúc đó đã nghỉ hưu, bà Lan Anh lại bệnh tật, trải qua 3 lần phẫu thuật. Để có tiền thăm nuôi thằng Văn, ông bà đành ngăn nhà cho thuê. Hai vợ chồng già dồn hết đồ đạc vào căn phòng tầng một chật chội. Dẫu vất vả nhưng đều đặn tháng nào cũng vậy, ông bà chắt bóp mang tiền, quà vào tận Nghệ An thăm nuôi, động viên con.
Cuối năm 2010, Văn được ra tù. Ông bà quyết định đầu tư cho Văn đi học nghề chụp ảnh. “Ý định của tôi là tạo cho nó cái nghề kiếm sống lâu dài. Nếu nó lấy vợ, thì cho vợ nó đi học nghề trang điểm cô dâu, rồi mở cho chúng nó cửa hàng dịch vụ cưới hỏi. Cho chúng nó có nghề nghiệp ổn định sinh sống, không va vấp lại”.
Nhưng thằng Văn sốt ruột, muốn làm ăn lớn. Ông bà đành vay mượn cho nó 50 triệu đồng để nó hùn vốn với bạn bè. Lấy lý do công việc đêm hôm không muốn làm phiền gia đình, nó bỏ nhà đi từ đó. Giờ nghe tin nó cầm súng bắn người ta ông bà rụng rời chân tay. Nó nghe bạn bè hơn là nghe bố mẹ mà không nghĩ rằng ông bà đã hết lòng hy sinh vì con. Sự thật chua chát và cay đắng ấy khiến ông bà suy sụp thêm.
“Dẫu giận con vô cùng, nhưng đẻ con ra nên mình vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhưng giờ tôi đau yếu thế này, không biết có đủ sức để thăm nuôi nó một lần nữa…”. Tiếng bà Lan Anh lạc đi.
Nước mắt chảy xuôi xưa nay vẫn thế. Những kẻ giang hồ như Quách Anh Văn, khi nào mới hiểu nỗi lòng của cha mẹ?
Theo CAND
Nỗi đau của người mẹ có con trai bị con dâu sát hại
Gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Lê Thị Hồng (SN 1963 thường trú ở phường Long Phước, Thị xã Phước Long, Bình Phước) vẫn chưa hết đau khổ khi kể về cái chết của con trai. Đau đớn hơn, khi hung thủ gây ra cái chết cho con trai bà lại chính là vợ của nạn nhân, con dâu của bà.
Nhìn vào di ảnh thờ của con trai Nguyễn Văn Cường (SN 1984), bà Hồng vẫn chưa thể nào bớt nguôi ngoai khi nỗi đau mất mác quá lớn đã ập xuống gia đình.
Bà kể lại, ngày trước con dâu bà Phan Thị Thùy Trang (SN 1991) và người cháu ruột của bà có tình cảm và sống chung như vợ chồng. Phát hiện Trang có mối quan hệ phức tạp bên ngoài, nên anh họ của Cường chủ động chia tay rồi đi lấy vợ. Vì buồn chán nên Trang mời Cường đi nhậu để vơi đi nỗi buồn.
Sau cuộc nhậu, Trang và anh Cường đã "trút bầu tâm sự" với nhau trong một nhà nghỉ. Biết được chuyện, bà Hồng đã chủ động gặp Trang để phân tích mối quan hệ này là phải chấm dứt. Vì Cường không thể quan hệ tình cảm với người vợ hụt của anh họ được và Trang đã đồng ý nghe lời bà.
Hai vợ chồng Cường - Trang ngày còn mặn nồng.
Nhưng không bao lâu sau, gia đình phát hiện Cường xin tiền để cùng Trang dắt nhau đi một nơi xa sống chung, cho khỏi bị ràng buộc. Chưa biết xử lý như thế nào, thì chuyện "động trời" lại ập đến.
Vào năm 2007, Trang đến nhà thông báo là mình đã có thai với Cường được ba tháng. Cường cũng thừa nhận đứa con trong bụng chính là giọt máu của mình.
"Một đám cưới bất đắc dĩ đã được tổ chức, bên nhà gái thì tổ chức linh đình, còn phía nhà trai vì quá hổ thẹn nên chỉ đến rước dâu", bà Hồng nghẹn ngào kể lại.
Vừa cưới về không được bao lâu thì chuyện cãi vã của cặp vợ chồng trẻ này xảy ra như cơm bữa. Thương con nên bà Hồng mua một căn nhà nhỏ để hai đứa ra sống riêng rồi làm lại từ đâu.
Tuy nhiên, có lẽ vì không thể vượt qua sự đàm tiếu của miệng đời và mâu thuẫn của hai người ngày càng căng thẳng nên bi kịch đau lòng đã xảy ra.
Khoảng giữa tháng 12/2009, Trang bồng con về nhà ngoại gửi. Đến khi trở về nhà thấy anh Cường đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn đến nhà chơi.
Thấy vậy, Trang lớn tiếng "chỉ biết suốt ngày ăn nhậu, không chịu san đất nên rác ngập lên tận đầu". Sợ mất mặt trước bạn bè, Cường quát lại: "còn mày thì suốt ngày cũng lo ăn nhậu, áo quần con thay ra ba bốn ngày không giặt".
Cuộc "khẩu chiến" xảy ra. Vì quá nóng giận, Cường cầm ca nước bằng nhựa ném vào người Trang. Không phải tay vừa, Trang cầm bàn chải giặt đồ chống trả...Thấy vậy, anh Huỳnh Văn Thanh Viễn (SN 1987) lao vào can ngăn.
Viễn vừa hòa giải xong, thì bất ngờ Cường túm đầu đánh Trang. Quyết không chịu thua, Trang chụp con dao Thái Lan giơ lên thách thức "ông đánh nữa là tôi đâm".
Tưởng vợ chỉ dọa nên Cường lao vào. Thế là hai nhát dao từ tay của Trang vung lên đã đâm trúng Cường ở vai và bụng,. Anh Cường đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Cường chết do tác động tác động bởi vật nhọn vào vùng bụng gây thủng gan, tràn máu ổ bụng, gây mất máu dẫn đến tử vong.
Ngày 9/6/2010, Viện kiểm sát nhân dân Thị xã Phước Long ra quyết định truy tố bị can Trang về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104 của Bộ luật hình sự.
Điều mà bà Hồng bức xúc là sau khi giết chồng, Trang bị Công an Thị xã Phước Long bắt tạm giữ vài ngày rồi cho tại ngoại.
"Ngày ra khỏi trại tạm giam tưởng nó đến nhà thắp nén nhang để tạ lỗi với chồng, nhưng không ngờ nó còn cặp với người yêu qua lại trước nhà bấm còi inh ỏi để khiêu khích. Giờ nó tiếp tục mang thai với người khác để trốn tránh sự truy cứu của pháp luật. Tại sao, Trang phạm tội giết người, nhưng Viện kiểm sát Thị xã Phước Long chỉ truy tố về tội cố ý gây thương tích. Vậy thử hỏi công lý nằm ở đâu?", bà Hồng đau đớn nói.
Theo thông tin từ anh Viễn, nhân chứng trong vụ án giết người này cho biết: "Sau khi can ngăn xong thì tôi quay đi chỗ khác, lúc nhìn lại thì thấy hai đứa lại lao vào nhau. Lúc đó, Trang cầm dao đâm một nhát vào vai của Cường, rồi đâm tiếp nhát thứ 2 vào bụng và Cường gục xuống tại chỗ".
Hiện bà Hồng đã viết đơn khiếu nại và yêu cầu Công an tỉnh Bình Phước và Viện kiểm sát nhân dân, tòa án phải xét xử đúng người, đúng tội đối với Phan Thị Thùy Trang.
Theo PLVN
Vụ án mẹ hại con đẻ tại Thái Bình: Nỗi đau của người mẹ già Đã hơn một năm kể từ cái ngày định mệnh ấy, nỗi đau trong lòng người bà, người mẹ tội nghiệp vẫn còn hằn nguyên như vừa mới đây thôi! Nhưng từ sâu thẳm trong trái tim mình, bà hiểu căn nguyên của tội lỗi tày trời ấy. Chúng tôi tìm về thôn Tân Dân, xã Hoà Bình vào một buổi chiều đầu...