Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn
Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình).
Theo đó, Chương trình phấn đấu đến 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.
Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm
Một trong những nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm. Theo đó, triển khai lựa chọn sản phẩm, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt dộng nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.
Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các phần mềm cho các hệ thống lớn, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở và trên nền công nghệ mở.
Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm trên mạng di động, internet, công cụ, dịch vụ tìm kiếm trên mạng.
Video đang HOT
Đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phần cứng, tích hợp hệ thống mà Việt Nam có lợi thế hoặc vì yêu cầu an toàn an ninh; các sản phẩm vi mạch, điện tử, bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng – điện tử; đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm an toàn thông tin, sản phẩm CNTT phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Cung cấp một số dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh
Cũng theo Quyết định, cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực làm dịch vụ CNTT; hỗ trợ các nội dung để phát triển một số tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, chuyển giao, cung cấp một số dịch vụ CNTT mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hoặc có hàm lượng chất xám cao, hoặc có khả năng xuất khẩu, hoặc được sử dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, hoặc dịch vụ CNTT trên mạng mà có khả năng định hướng thông tin như các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, công cụ dịch, các sản phẩm giải trí trên mạng.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.
Hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế; nhà nước hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dữ liệu và dịch vụ phân tích dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
Hoàng Diên
Theo_Báo Chính Phủ
Lúng túng trong xử lý, chấn chỉnh dịch vụ vận tải Uber
Dịch vụ vận tải Uber dù chỉ mới xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh nhưng đã thu hút được rất nhiều người tham gia cung cấp. Dù được nhận định, các điều kiện hoạt động vận tải của loại dịch vụ này không phù hợp với quy định về kinh doanh vận tải công cộng, song đến nay, việc xử lý, chấn chỉnh vẫn là bài toán hóc búa với các cơ quan chức năng.
Thanh tra Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh kiểm tra hành chính đối với một lái xe tham gia dịch vụ Uber tại quận 1.
Ồ ạt "tuyển quân"
Từ khi dịch vụ Uber hoạt động tại TP Hồ Chí Minh (cuối năm 2014), nhận thấy đây là loại hình kinh doanh chưa phù hợp quy định về vận tải hành khách công cộng của Việt Nam, cộng với việc Hiệp hội Ta-xi TP Hồ Chí Minh liên tục có kiến nghị cho rằng Uber hoạt động vận tải trái quy định nên các cơ quan chức năng của thành phố đã nhiều lần ra quân thanh tra, xử lý các cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ này. Theo kết quả thanh tra chín doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn thành phố cho thấy, đa số các DN đều không chấp hành đầy đủ các quy định và điều kiện về kinh doanh vận tải bằng ô-tô theo Nghị định 86 của Chính phủ. Nhiều lái xe khi được hỏi về các giấy tờ liên quan đến vận chuyển hành khách công cộng đều "loanh quanh" từ chối hoặc chấp nhận ký vào biên bản vi phạm hành chính để nộp phạt. Trong khi đó, nhiều DN khi được kiểm tra cũng không xuất trình được danh sách, số lượng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đang có rất nhiều DN, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ Uber là do lợi nhuận cao của dịch vụ này, với tỷ lệ ăn chia 20% là của Uber và 80% cho đối tác của Uber (DN, lái xe trực tiếp cung cấp dịch vụ).
Thời gian gần đây, nhằm "tuyển quân" tham gia cung cấp dịch vụ, Uber đã bỏ kinh phí tổ chức các hội nghị để quảng bá, tung ra nhiều chính sách thu hút người tham gia. Trong đó, họ đưa ra nhiều ưu đãi lợi nhuận khiến người tham gia thật khó mà "cưỡng" lại. Bên lề một hội nghị, đại diện của Uber giải thích về những lợi ích của dịch vụ này, đặc biệt còn nhấn mạnh, nếu bị cơ quan chức năng xử phạt, Uber sẵn sàng đứng ra nộp phạt thay cho chủ xe.
Tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Công ty Uber khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Đơn vị không phải là công ty vận tải mà là công ty chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ. Hiện nay, ngoài công ty chính hoạt động ở Hoa Kỳ, ở các khu vực đều có các công ty mẹ phụ trách. Cụ thể, Công ty Uber Hà Lan chuyên cung cấp phần mềm vận tải cho các đơn vị kinh doanh vận tải ở Việt Nam dưới dạng hợp đồng; trong đó, cơ sở để đơn vị cung cấp dịch vụ cho các DN vận tải này là các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép kinh doanh và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Riêng với Công ty Uber Việt Nam, chỉ mới được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động sáu tháng nay, với hai lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ tư vấn nghiên cứu thị trường. Cho nên, Công ty Uber Việt Nam không có chức năng ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ với bất cứ DN kinh doanh vận tải nào ở Việt Nam mà chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống phần mềm. Nói là thế, nhưng qua thực tế khảo sát của chúng tôi tại một số DN vận tải cho thấy, các hoạt động dịch vụ do Uber Việt Nam phối hợp với các DN vận tải đều được quản lý bởi Uber, thậm chí, các đơn vị vận tải này còn "vô tình" quảng cáo cho thương hiệu Uber một cách thường xuyên và tích cực.
Gian nan giải "bài toán Uber"
Qua đợt thanh tra mới đây, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: Hoạt động Uber trên địa bàn thành phố có nhiều nội dung không đúng quy định, thậm chí còn tìm cách đối phó, "lách luật". Theo Thanh tra GTVT thành phố, việc kiểm tra, xử phạt của các lực lượng hiện cũng đang gặp khó vì việc phát hiện các cá nhân, tập thể tham gia cung cấp dịch vụ này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Các mức xử phạt hiện cũng chỉ mới dừng lại ở việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, còn chế tài liên quan đến vận tải hành khách công cộng chưa có hướng dẫn cụ thể nên rất khó thực hiện.
Thậm chí, ngay cả các DN bị tước giấy phép kinh doanh vận tải vẫn "qua mặt" cơ quan chức năng, bắt tay hợp tác với Uber để hoạt động. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận chuyển và Du lịch Minh Hải, dù bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải (tháng 12-2014) nhưng trong tháng 1-2015 vừa qua, Thanh tra GTVT thành phố Hồ Chí Minh vẫn phát hiện đơn vị này hoạt động ngành nghề vận tải. Đó là chưa kể đến trong quá trình hợp tác với cá nhân, DN vận tải tại thành phố, các điều khoản tham gia, sử dụng đều "đẩy" về phía đối tác, và liên quan đến luật thì Uber lại "thòng" điều khoản: Các điều khoản được điều chỉnh và hiểu theo luật pháp của Hà Lan (Dịch vụ Uber có trụ sở đặt tại Hà Lan). Nếu trong trường hợp xảy ra khiếu kiện, dễ nhận thấy khoảng cách về địa lý sẽ là một trở ngại không nhỏ với các bên liên quan tại Việt Nam.
Việc dịch vụ Uber đang xuất hiện với mật độ ngày càng lớn tại TP Hồ Chí Minh đã khiến cho các đơn vị hoạt động dịch vụ ta-xi truyền thống có lý do để lo lắng về thị phần hoạt động. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong cách giải quyết vì thiếu quy định chặt chẽ và chế tài thực hiện. Trong các văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, Hiệp hội Ta-xi TP Hồ Chí Minh trước sau đều khẳng định: Bộ GTVT cần chấm dứt hoạt động của ta-xi Uber tại Việt Nam cho đến khi công ty này chấp hành đúng quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ GTVT đã có chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của loại hình ta-xi Uber, yêu cầu xe hoạt động trong mạng lưới này phải bảo đảm quy định vận tải hành khách nhưng thực tế diễn ra lại trái ngược với những chỉ đạo nêu trên. Nhiều ý kiến khác cho rằng, Công ty Uber Việt Nam được cấp phép hoạt động ngành nghề tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường nhưng lại đang có một hoạt động ngoài ngành nên cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh. Ngoài ra, cũng có kiến nghị tạm giữ phương tiện 1 - 2 tháng đối với những phương tiện sử dụng phần mềm Uber nhưng không tuân thủ quy định về kinh doanh vận tải.
Rõ ràng, với việc xu hướng ứng dụng công nghệ ngày một mạnh mẽ vào đời sống như hiện nay thì sự xuất hiện của dịch vụ Uber cũng không có gì phải ngạc nhiên. Luật định trong trường hợp này đã đi sau thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, để giải bài toán này, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp linh hoạt, phù hợp để giải quyết hài hòa vấn đề đang gây tranh cãi. Việc xây dựng quy định pháp lý chặt chẽ, linh hoạt không những giải quyết vấn đề một cách dễ dàng mà còn tạo tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề khác có thể xuất hiện sau này, bởi trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, những dịch vụ, phương thức kinh doanh kiểu "cũ người mới ta" sẽ xuất hiện ở Việt Nam là điều tất yếu. Nếu chuẩn bị tốt, các quy định pháp lý cũng như hoạt động của DN trong nước sẽ không bị động, lúng túng như trường hợp Uber thời gian qua.
Uber phải tuân thủ luật pháp Việt Nam
Chính phủ Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ DN nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và những gì mà Việt Nam ký kết với các tổ chức thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tác hoạt động kinh doanh vận tải bằng hệ thống phần mềm của Uber không gắn phù hiệu, lô-gô,... theo quy định nên phía Uber Hà Lan phải tìm hiểu kỹ và chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các DN kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô theo đúng quy định, nếu sai phía Uber phải chịu trách nhiệm.
LÊ HOÀNG MINH
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh
Hoạt động của Uber thiếu minh bạch
Uber tại Việt Nam được cấp phép hoạt động với hai ngành nghề là tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, thực tế Uber đang điều hành mạng lưới vận tải với hàng nghìn lái xe tại TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, nói là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ, nhưng Uber lại giữ 20% lợi nhuận theo tỷ lệ ăn chia với lái xe. Mỗi khi cơ quan chức năng thanh tra, toàn bộ mạng Uber ngừng hoạt động. Như thế không thể gọi là minh bạch, phù hợp với quy định của luật pháp được. Việc không minh bạch đó không những tác động tiêu cực đến các DN vận tải trong nước mà còn cho thấy những kẽ hở của luật pháp, để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để lách luật.
TẠ LONG HỶ
Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi TP Hồ Chí Minh
Dịch vụ Uber khá tiện dụng
Gần đây, tôi thường xuyên sử dụng ứng dụng của điện thoại thông minh để gọi dịch vụ đi xe Uber thay vì gọi điện hay bắt ta-xi dọc đường như trước đây. Điều khiến người tiêu dùng thấy tiện lợi là việc gọi xe khá dễ dàng, nhanh chóng, thanh toán cũng thuận lợi. Với trào lưu ứng dụng công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay, những dịch vụ công nghệ ra đời đáp ứng nhu cầu cũng là điều dễ hiểu.
LÊ TIẾN DŨNG
(Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh)
Bài, ảnh: XUÂN PHÚ
Theo_Báo Nhân Dân
Thu hút 5 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực phần cứng điện tử trong 5 năm tới Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình). Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững,...