Dự thảo Luật Báo chí “bỏ rơi” mạng xã hội, trang tin
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu bổ sung quy định về quản lý trang mạng xã hội vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bởi: “Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên internet có hàng đống rồi… “.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 18/2 về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn về quyền tự do báo chí của công dân.
Trong khi đó, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định lượng người tham gia vào các trang thông tin trên mạng ngày càng tăng nhưng nội dung trong dự thảo luật lại gần như vắng bóng nên không đáp ứng được thực tiễn hiện nay.
“Thông tin trên mạng có mấy loại: Của cơ quan báo chí cung cấp, trang mạng blog của cá nhân đăng ký ở trong nước và trang mạng ngoài phạm vi quốc gia. Nếu chưa kiểm soát được bên ngoài thì phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi Việt Nam trước đã. Nếu không ra được cái này thì luật chỉ đảm bảo 40%, còn 60% vẫn để trống trận địa này”- ông Ksor Phước khẳng định.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng công dân truy cập vào các trang mạng rất nhiều, mà dự thảo luật lại đưa việc quản lý lĩnh vực này bằng nghị định của Chính phủ là rất khó hiểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại cuộc họp tháng 11/2015, Bộ Chính trị đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch quản lý, phát triển báo chí tới năm 2025. Như vậy song song với việc sửa đổi Luật Báo chí lần này thì có quy hoạch báo chí lồng ghép với nhau.
Thừa nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của truyền thông xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng đây là Luật Báo chí nên chỉ quản lý loại hình báo chí. Hiện nay đã có Nghị định 72 của Chính phủ quản lý về lĩnh vực truyền thông xã hội, trang tin điện tử và có chế tài rất chặt chẽ.
“Nếu đưa vào luật này thì vô hình chung công nhận trang tin điện tử, blog cá nhân cũng là báo chí. Blog cá nhân, mạng truyền thông xã hội là ngoài báo chí. Luật Báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, bởi chúng ta không chấp nhận tư nhân hóa báo chí rồi”- ông Son nói.
Video đang HOT
Không đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: Quyền tự do của công dân chỉ bị hạn chế bằng luật, không thể để nghị định xử lý vấn đề này.
“Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên đó internet có hàng đống. Nghị định mà đụng tới quyền tự do dân chủ là không được. Nếu chưa quy định cụ thể những chỗ này như ông Ksor Phước nói thì phải đưa vào đây nguyên tắc, còn bảo nói đã có nghị định rồi nên luật này không bao vùng đấy, nói đấy không phải báo chí thì không ổn chút nào”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Báo chí sửa đổi phải lấy Hiến pháp làm gốc, cương lĩnh quá trình sáng tạo, đổi mới. Phải tính toán để xã hội này dân chủ hơn, nhân dân được hưởng các quyền tự do, trừ những điều cấm đụng chạm tới quốc phòng an ninh, quyền tự do dân chủ thì phải hạn chế. “Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin là nhân dân ủng hộ. Các đồng chí bảo nó (các trang mạng, blog) không phải là báo thì là loại gì? Nó là loại đi đêm à? Nhưng nó như ban ngày rồi. Các đồng chí phải cố gắng đào sâu suy nghĩ, tập trung giải quyết một số điểm mà đất nước này đang vướng mắc, cơ hội của các đồng chí ở luật đây này, các đồng chí bảo để thông tư, nghị định này kia thì không ai chịu đâu”- ông Hùng chốt lại.
Kết luận buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm rất thận trọng luật này bởi đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thông suốt, chưa nhận được sự đồng thuận cao.
“Đây là những vấn đề nếu cần có thể nghiên cứu kỹ thêm như đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu. Nếu chưa thông qua được tại kỳ họp Quốc hội tới đây thì có thể phải lùi lại để có thời gian nghiên cứu. Ý tưởng là phát triển tới đâu quản lý tới đó và phải thể chế được Hiến pháp”- bà Phóng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện nay có một số tập đoàn, tổng công ty có cơ quan báo chí. Tuy nhiên theo quy hoạch báo chí thì từng bước một các tập đoàn, tổng công ty sẽ không hoạt động báo chí, các tỉnh chỉ có 1 tờ báo và nhiều ấn phẩm; cấp sở không có báo chí.
“Tập đoàn, tổng công ty không có báo in, báo điện tử như hiện nay, các sở ngành không có báo in. Nhưng các tập đoàn, tổng công ty nếu cần thiết sẽ có tạp chí, như Vietnam Airlines sẽ có tạp chí trong ngành như Heritage ấy”- ông Son nói.
Kha Xuân Lộc
Theo Dantri
Nghiêm cấm trang tin điện tử đăng tin báo chí
Trình luật Báo chí sửa đổi trước Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, luật lần này nhấn mạnh quy định nghiêm cấm việc trang thông tin điện tử đăng, phát thông tin có tính chất báo chí.
Bộ trưởng Thông tin - Tuyền thông Nguyễn Bắc Son tại Quốc hội.
Cụ thể, Điều 10 dự thảo luật đưa ra 12 nội dung (loại thông tin) và 10 hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Trong đó, tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh Khoản 2 Điều 10, quy định những hành vi bị nghiêm cấm.
So với Luật hiện hành, một nội dung mới được đưa vào là nghiêm cấm "Đăng, phát trên truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử thông tin có tính chất báo chí; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử".
Chính phủ cũng đề nghị phải nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo luật đề xuất cấm thông tin về nhiều nội dung trên báo chí, trong đó có việc thông tin về những chuyện thần bí; thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án...
Đồng ý với việc nghiêm cấm những hành vi vi phạm này nhưng Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Đào Trọng Thi cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ quy định các hành vi bị cấm, chứ không quy định nội dung bị cấm. Ông Thi cũng nhận xét, xem xét kĩ các quy về "nội dung bị cấm", Ủy ban thấy rằng toàn bộ những nội dung này thực ra đều là "hành vi".
Một vấn đề khác cơ quan thẩm tra đặt vấn đề là về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí. Theo thống kê, có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục nhận xét, thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, UB cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi khuyến cáo, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.
Hạn chế tối đa việc truy vấn nguồn tin của báo chí
Về vấn dề cung cấp thông tin cho báo chí, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: "Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng".
Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng "thương mại hoá" chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.
P.Thảo
Theo Dantri
Báo chí được thông tin theo nguồn tài liệu nhưng không được quy kết tội danh Đối với vụ án đang điều tra, truy tố, chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Ảnh minh họa (Người Lao Động). Thông...