Dự thảo Hiến pháp đạt đồng thuận cao
Ngày 23-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều ý kiến thống nhất, dự thảo trình Quốc hội lần này đã đạt được đồng thuận cao về hầu hết các vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23-10
Ảnh: PHÚ KHÁNH
Làm rõ hơn quy định “chính quyền địa phương”
Video đang HOT
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), thành viên Ban biên tập dự thảo cho biết, hầu hết những vấn đề lớn được các ĐBQH, người dân và cử tri cả nước góp ý đều đã được nghiên cứu, chỉnh lý: “Đến nay đã đạt được đồng thuận cao về hầu hết các vấn đề”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng tán thành rất cao với Dự thảo lần này.
Ông cho rằng, trên cơ sở kế thừa những quan điểm cốt lõi của Hiến pháp 1992, dự thảo đã tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế chính trị trong sự gắn kết không thể tách rời với bộ máy quyền lực Nhà nước. Đặc biệt, quyền làm chủ của người dân tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ trong dự thảo lần này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Quyền còn băn khoăn về quy định “chính quyền địa phương” trong dự thảo. Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đồng tình với việc không quy định thiết chế Hội đồng Hiến pháp.
Nhiều ý kiến ĐBQH cũng băn khoăn về các quy định liên quan tới chính quyền địa phương, đặc biệt là việc có nên tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các địa phương hay không. ĐB Hồ Thanh Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết, khi thí điểm không tổ chức HĐND ở 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Phúc, có nói thí điểm để sau này sửa đổi Hiến pháp, song hiện nay, vẫn chưa tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Một số ý kiến cũng đề nghị trong dự thảo Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp và gồm những cơ quan nào, không nên để “lơ lửng”.
Bồi thường đất theo giá thị trường
Quan tâm tới nội dung về thu hồi đất, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thu hồi đất vì phát triển kinh tế – xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không chặt chẽ sẽ bị lợi dụng. Ông cho rằng, dự thảo Hiến pháp cần thiết kế lại nội dung này, cần ghi rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, không cần ghi trong dự thảo Hiến pháp quy định “thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội” mà chỉ cần nêu “thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, quốc gia và công cộng” là đủ. Nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất đai được nhân dân đặc biệt quan tâm, ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Dự thảo có thể sửa theo hướng, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn lại sẽ do Luật Đất đai quy định”.
Cũng bàn tới các quy định về đất đai, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang bị lạm dụng và xâm phạm quyền lợi của người dân. Sự bất an của người dân hiện nay chính là quy hoạch sử dụng đất không rõ ràng, vì vậy dự thảo Hiến pháp cần bảo đảm điều này để người dân an tâm. “Người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà họ quan tâm nhất là giá đền bù có thỏa đáng hay không. Đề nghị, quy định rõ giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường. Nếu không quy định rõ, chỉ để “theo quy định của pháp luật” thì dân không yên tâm, dễ bị lợi dụng” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo nghị trình, ngày 5-11 tới, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường. Cuối cùng, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28-11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lời nói đầu chưa chuẩn xác
Góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại buổi thảo luận tổ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ĐBQH TP Hà Nội) nói: “Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào. Tôi thấy tất cả những nội dung trong dự thảo lần này đã đáp ứng được điều đó”. Góp ý vào lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp, Tổng Bí thư nói: “Lời nói đầu tuy ngắn gọn nhưng phải như một tuyên ngôn, viết có sự tổng kết, cô đọng, khái quát, nhưng đặc biệt phải chuẩn xác. Nếu viết hay, có tính chất như lời kêu gọi, hiệu triệu thì rất tốt. Hiện nay, so với yêu cầu ấy, tôi thấy chưa đạt được…”. Chỉ ra 4 điểm cần sửa đổi, bởi “nghe gò bó, không chuẩn xác”, Tổng Bí thư nhận xét: “Tôi thấy sửa so với trước thì được ưu điểm là ngắn gọn hơn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời kêu gọi hay hiệu triệu…”
Theo ANTD
Đề xuất Thường vụ Quốc hội được miễn nhiệm Bộ trưởng
Ngày 11-3, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một trong những đề xuất đáng chú ý được đưa ra là nên quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép phê chuẩn, miễn nhiệm Bộ trưởng khi Quốc hội không họp.
Các vấn đề liên quan đến đất đai trong dự thảo Hiến pháp được nhiều ĐBQH quan tâm. Một số ĐBQH đề nghị nên bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội. ĐBQH Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng, các dự án phục vụ lợi ích kinh tế phải theo luật định, nếu Nhà nước lại tiến hành cả việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh tế là không phù hợp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, không nên quy định cứng việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ông cũng phát hiện, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định 2 cách thức tính bồi thường rất khác nhau. Tại khoản 3, Điều 56 quy định: "Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định". Còn khoản 3, Điều 58 lại quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích: "Nếu trưng mua, trưng dụng thì bản chất cũng là thu hồi đất nhưng Nhà nước bồi thường. Nhưng theo Điều 56 là bồi thường theo cơ chế thị trường. Còn nếu Điều 58 là theo quy định pháp luật, tức Nhà nước định giá đất. Đáng chú ý, giá đất Nhà nước định giá thì không thể bằng giá thị trường nên người dân sẽ thiệt thòi. Do vậy, cần nghiên cứu quy định cho hợp lý hơn". Cũng về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết thêm, Hiến pháp hiện hành không quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Trong khi đó, quan điểm sửa đổi hiện nay là làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất. Đặc biệt, quyền sử dụng đất được ghi nhận vào Hiến pháp như là quyền tài sản. Do đó, nếu muốn tiếp tục thu hồi thì không thể giữ khái niệm quyền sử dụng đất cũng là tài sản. Phó Chánh án TAND Tối cao, ĐB Trần Văn Độ cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, Nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu và vừa có trách nhiệm quản lý, tức là đóng hai "vai" một lúc. Ông nói: "Phải phân biệt rạch ròi việc này, nếu không vấn đề đất đai sẽ còn vướng".
Liên quan tới vấn đề nhân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền xử lý một số vấn đề. Cụ thể, khi Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. ĐB Đặng Đình Luyến nêu ví dụ, thời gian qua, thực hiện công tác quản lý, cơ quan có thẩm quyền của Đảng đã quyết định chuyển Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ sang giữ chức danh Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tuy nhiên, chức danh Bộ trưởng phải do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng do Quốc hội chưa họp nên chưa thể xử lý được vấn đề trên.
Theo ANTD
Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế Sốt ruột trước tình trạng tăng trưởng chậm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, hàng tồn kho và nợ xấu chưa có giải pháp giải quyết rõ ràng, nhiều ĐBQH đòi hỏi thái độ quyết liệt trong điều hành của Chính phủ. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Ngọc Thắng Cần quyết liệt...