Dự tập trận với Mỹ, Trung Quốc gửi thông điệp gì?
Trung Quốc gửi nhiều thông điệp khác nhau thông qua việc lần tham gia đầu tiên vào cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Hôm 9/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay 4 tàu chiến của Hải quân nước này bao gồm tàu khu trục Hải Khẩu, tàu chiến tên lửa Nhạc Dương, tàu tiếp viện Thiên Đảo Hồ và tàu bệnh viện Peace Ark đã rời cảng. Đi cùng với các tàu này là 2 máy bay trực thăng, 1.100 binh sĩ bao gồm một đơn vị đặc công và một đội thợ lặn.
Tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1971. Từ năm 1998, Trung Quốc đã cử quan sát viên tới các cuộc tập trận RIMPAC nhưng đây là lần đầu tiên Quân đội giải phóng nhân dân chính thức tham gia.
Sự tự tin của Trung Quốc
Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC lần đầu tiên trong bối cảnh nước này đang tranh chấp chủ quyền hàng hải với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.
Trong bối cảnh các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ, việc Bắc Kinh nhận lời tham gia tập trận cho thấy sự tự tin của nước này.
Trong cuộc tập trận RIMPAC năm 2014, lực lượng của Trung Quốc lớn thứ hai sau lực lượng của Mỹ. Tổng cộng có 23 quốc gia tham gia cuộc tập trận này trong đó có Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Đặc công Trung Quốc trên tàu khu trục Hải Khẩu tham dự tập trận RIMPAC.
Video đang HOT
Lực lượng của Trung Quốc sẽ không tham gia tập trận chung với hạm đội của Nhật Bản mặc dù Tổng tham mưu Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản Katsutoshi Kawano chào đón Trung Quốc tham gia.
Hạm đội của Trung Quốc sẽ đến tham gia tập trận với hải quân Singapore, Brunei và Mỹ tại vùng biển quanh đảo Guam, sau đó sẽ tới Hawaii để bắt đầu tham gia RIMPAC.
Trong suốt thời gian tập trận, Hải quân Trung Quốc sẽ bắn pháo và sử dụng các loại vũ khí hạng nhẹ, tham gia tập trận phối hợp, diễn tập bảo vệ an ninh hàng hải, diễn tập với tàu chiến, các cuộc diễn tập quân y và các hoạt động trao đổi quân sự, văn hóa song phương và đa phương khác.
Ông Xu Hongmeng, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc cho biết, việc Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014 là một phần quan trọng trong kế hoạch xây dựng mô hình quan hệ mới giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như giữa quân đội hai nước.
Sau khi các cuộc tập trận kết thúc vào tháng 8, các tàu Hải Khẩu, Nhạc Dương, Thiên Đảo Hồ sẽ tới San Diego, Mỹ còn tàu bệnh viện Peace Ark sẽ tới Tonga, Fiji, Vanuatu, and Papua New Guinea để tham gia các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ y tế.
Thử nghiệm năng lực hải quân
Nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng địa điểm tổ chức RIMPAC 2014 nằm cách xa Trung Quốc và đây sẽ là cơ hội tốt để nước này thử nghiệm năng lực tàu chiến và các sĩ quan hải quân.
Tàu Trung Quốc rời cảng đi tham dự RIMPAC
Ngoài ra, ông Song cho rằng các cuộc tập trận này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc học hỏi các phương pháp đào tạo của Mỹ và các cường quốc hải quân khác trên khắp thế giới.
Trước những tiếng nói lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng cuộc tập trận này để thu thập các thông tin về hệ thống liên lạc, ra đa và vũ khí của tàu chiến Trung Quốc, ông Song cho hay tất nhiên cả Trung Quốc và Mỹ đều giữ bí mật tình báo, tránh để quốc gia kia phát hiện.
Ông Song nhận định rằng nhìn chung, việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia RIMPAC cho thấy lập trường minh bạch về quân sự của Washington và việc Trung Quốc điều các tàu chiến tiên tiến của nước này tới tham gia là sự đáp lại thiện chí đó.
Theo Kiến Thức
Trung Quốc lần đầu tham gia tập trận hải quân với Mỹ
Trung Quốc hôm nay 9/6 xác nhận rằng nước này sẽ lần đầu tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn do Mỹ chủ trì trong tháng này, cử 4 tàu tới cuộc diễn tập, bất chấp những ngờ vực sâu sắc giữa quân đội hai nước.
Một tàu chiến của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC), được mệnh danh là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, tổ chức 2 năm một lần. 22 quốc gia và hơn 40 tàu chiến cùng tàu ngầm các loại đã tham gia cuộc tập trận được tổ chức ngoài khoai Hawaii hồi năm 2012.
Không phải tất cả các quốc gia tham gia RIMPAC là đều là các đồng minh hiệp ước với Mỹ. Các nước tham gia trong cuộc tập trận lần trước bao gồm cả Nga và Ấn Độ.
Nhưng Trung Quốc chưa từng tham gia RIMPAC, mặc dù nước này đã cử các quan sát viên tới cuộc tập trận vào năm 1998. Giới chức Mỹ cho biết hồi tháng 3 rằng Trung Quốc đã chấp nhận lời mời của Lầu Năm Góc.
Tờ nhật báo chính thức của quân đội của Trung Quốc ngày 9/6 dẫn lời một phát ngôn viên hải quân cho biết đây là lần đầu tiên hải quân nước này tham gia một cuộc tập trận chung do Mỹ tổ chức.
Ngoài 2 tàu chiến, một tàu tiếp tế và một tàu bệnh viện, 2 trực thăng cũng sẽ được cử tới cuộc tập trận.
Tờ báo trên cho biết, các hoạt động diễn tập mà hải quân Trung Quốc sẽ tham gia bao gồm tập trận nã pháo, các hành động an ninh hàng hải, diễn tập tàu chiến biển, trao đổi thuốc men quân sự, hỗ trợ nhân đạo, giảm thiểu thảm họa và diễn tập lặn. Một diễn đàn y tế cũng sẽ được tổ chức cho phía Trung Quốc và Mỹ, với các chuyến thăm qua lại của các tàu đôi bên.
Tập trận RIMPAC dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 6 tại vùng biển gần đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Singapore và Brunei cũng sẽ cử các tàu tới tham dự.
Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông và Hoa Đông, và Mỹ ngày càng lo ngại về khả năng quân sự và công nghệ mạng của Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Bộ quốc phòng Mỹ đã chỉ trích một báo cáo của Lầu Năm Góc, trong đó nói rằng ước tính chi tiêu quốc phòng thực tế của Bắc Kinh trong năm 2013 vượt mức 145 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 119,5 tỷ USD mà Bắc Kinh công bố, và cảnh báo rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa quân đội.
Theo Dantri