Dự phòng bệnh dại trên người
Bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Theo báo cáo của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến tháng 11-2019, cả nước có 593 ca tử vong do bệnh dại. Tại khu vực phía Nam, tính từ đầu năm đến tháng 11-2019, có 16 ca tử vong do bệnh dại (chiếm 21% so với cả nước).
Gánh nặng bệnh tật
Người dân đến tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi-rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Theo báo cáo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bệnh dại gây tử vong 100% nếu không tiêm phòng sau phơi nhiễm; đồng thời, chi phí cho điều trị dự phòng rất cao, để lại tổn thương thực thể và tâm lý người bệnh. Nguyên nhân tử vong của người bệnh dại đa phần là do người dân chủ quan, cho rằng chó mèo nhà cắn thì không sao, không đi tiêm ngừa sau phơi nhiễm; dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại; thiếu hiểu biết về bệnh dại; hoặc trẻ nhỏ bị cắn mà không nói với gia đình…
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh dại là nhân viên làm trong phòng thí nghiệm; cán bộ thú y, kiểm lâm; người chế biến thực phẩm đặc biệt từ chó mèo; đặc biệt, trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ mắc khá cao (30%) do trẻ em rong chơi, tiếp xúc nhiều với chó mèo, tầm cao thấp, ngang tầm với chó mèo và bị cắn vào vùng gần với thần kinh trung ương như: đầu, mặt…
ThS. BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết: Bệnh dại lây nhiễm qua vết cắn, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi-rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh. Thời kỳ ủ bệnh dại kéo dài từ 1 – 3 tháng sau phơi nhiễm, phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi-rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Thời kỳ toàn phát, bệnh dại có thể tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Thể liệt với biểu hiện là bệnh nhân bị liệt lan tỏa từ trên xuống dưới, tử vong chậm và hiếm gặp. Ở thể cuồng, bệnh nhân có những biểu hiện, như: tăng kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tử vong nhanh, phổ biến ở người bệnh dại. Giữa 2 cơn dại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.
Tiêm phòng vắc-xin để loại trừ bệnh dại
Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh dại là do chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn phổ biến. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Video đang HOT
BS. CKI Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, cho biết: không phải 100% số người bị chó, mèo cắn đều phát bệnh dại. Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, nên tất cả các trường hợp phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tiêm ngừa dại.
Nêu bị chó, mèo cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà bông liên tục trong 15 phút, nếu không có xà bông thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu số lượng vi-rút dại lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iốt hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đông thơi đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Hiện nay vắc-xin ngừa dại đều là vắc-xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ gây biến chứng, rất an toàn. Nếu tiêm ngừa sớm, đúng lịch và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần tuyệt đối (97%).
Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi. Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các đia phương tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và tiêm ngừa đầy đủ tại cơ sở y tế. Không được điều trị bằng thuốc nam, các biện pháp dân gian.
ThS. BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh dại trước phơi nhiễm, để có kháng thể, được bảo vệ tốt hơn và độ an toàn cao hơn, đồng thời có thể tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2021.
Bài, ảnh: ANH THY
Theo baocantho
Cảnh giác với bệnh dại
Do không phải là căn bệnh lan thành dịch nên người dân dường như "quên" mất căn bệnh dại và khá chủ quan khi bị chó, mèo cào hoặc cắn.
Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Gần đây nhất, 3 người đàn ông ở các tỉnh Quảng Nam, Long An và Cà Mau đã tử vong sau 1-3 tháng bị chó, mèo cắn, cào xước chân tay. Để hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
* Hiện nay, chó, mèo đang là thú cưng của nhiều gia đình. Khi bị chó, mèo cào, người dân có bắt buộc phải đi tiêm ngừa không, thưa bác sĩ?
- Vài năm trước, tỉnh đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại rất đau lòng. Bệnh nhân phát bệnh và tử vong sau hơn 3 năm bị mèo cắn vào bàn tay. Cụ thể, ông Lê Văn B. (ngụ ấp Hiệp Lực, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) rơi vào tình trạng mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, thở rít vài ngày liên tục. Thấy vậy, gia đình ông B. đã nhanh chóng đưa ông nhập viện... nhưng ông không thể qua khỏi vì đã lên cơn dại.
Theo lời kể của người nhà ông Lê Văn B., sau khi ông B. bị mèo cắn, người nhà đã sơ cứu và cầm máu bằng băng keo cá nhân cho ông. Vì chủ quan, ông B. không đi tiêm vaccine ngừa dại. Nhưng 3 năm sau, ông B. đã tử vong do vết cắn của con mèo nhà nuôi. Lúc ấy, mọi người trong gia đình đều hối hận nhưng đã muộn.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tiếc nuối khi người thân chết vì bệnh dại do chủ quan không tiêm vaccine khi bị chó mèo cắn, cào. Khi bị chó, mèo cào hoặc cắn mà người dân không tiêm vaccine, khả năng bị bệnh dại là rất lớn.
Bệnh dại khi đã lên cơn thì không thể điều trị, gần như 100% là tử vong. Bệnh dại chỉ có thể dự phòng ngay từ đầu bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. Đây là cách duy nhất để tránh mắc bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm virus dại.
* Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2017 số ca phơi nhiễm dại ở tỉnh tăng vọt với gần 16 ngàn ca phải tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn (tăng gấp đôi so với năm 2015, 2016). Trong 6 tháng của năm 2019, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 12 ngàn ca phải tiêm phòng dại (tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018). Như vậy, số ca bị mèo, chó cắn có xu hướng tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Những năm gần đây, số người dân tiêm vaccine phòng dại tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều trường hợp phải tiêm cả huyết thanh kháng dại do vết thương nguy hiểm, con vật cắn lên cơn dại hoặc có triệu chứng dại; chưa ghi nhận ca tử vong.
Qua kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các bệnh nhân tử vong là do chủ quan và thiếu kiến thức về bệnh dại. Sau khi bị chó, mèo cắn, họ không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại. Một số người dân còn cho rằng, tiêm vaccine phòng bệnh dại sẽ bị nóng trong người, giảm trí nhớ. Điều này là không đúng.
Bên cạnh một số người dân chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị vật nuôi cắn, cũng có bệnh nhân chủ động đi tiêm phòng, nhưng nhiều người lại không tiêm đủ liều, không đúng theo quy trình. Số bệnh nhân bỏ mũi đa số rơi vào đồng bào vùng sâu, vùng xa; điều kiện kinh tế khó khăn hoặc chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại.
Một nguyên nhân nữa là người dân không tự giác chấp hành quy định tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi, chính quyền địa phương lại không có chế tài xử lý nên tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt thấp.
Số ca phơi nhiễm với bệnh dại trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Năm 2013, cả nước có hơn 100 ca tử vong do bệnh dại. Số ca tử vong do bệnh dại còn lớn hơn cả số ca tử vong do sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh dại. Từ năm 2018, bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103 ca, tăng hơn so với năm 2017 là 29 ca. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận 46 người đã chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.
* Trước tình hình số vụ chó, mèo cắn đang gia tăng, ông có khuyến cáo gì với người dân?
- Thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh dại trên đàn chó, mèo. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh dại trên người và động vật bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Đối với người bị chó, mèo cắn, cần nhanh chóng rửa sạch tât ca cac vêt cắn trong 3 lần, mỗi lần 5 phut dưới vòi nước sạch vơi xà phòng, hoăc rửa nươc sach rồi sau đó sat khuân băng cồn đê làm giảm thiêu lượng virus dại tại vêt căn. Người dân co thê sư dung cac chât khư trung thông thường như: rươu, xa phong cac loai, dâu gôi, dâu tăm đê rửa vêt thương ngay sau khi bi chó, mèo căn. Người dân cần tránh lam giâp nat thêm vêt thương hoăc làm tôn thương rông hơn; tranh khâu kín ngay vết thương.
Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm vaccine để phòng bệnh dại (ảnh minh họa). Ảnh: K.Ngọc
Điều quan trọng, sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm phòng vaccine ngừa dại càng sớm càng tốt, tiêm đủ 5 mũi trong vòng 28 ngày.
- Đối với chó, mèo cần phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ hằng năm; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không thả rông chó ngoài đường; khi dắt chó ra nơi công cộng phải chú ý không để chó cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu của bệnh dại như: hay bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, bỏ ăn, nuốt khó, sốt, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử, chảy nước dãi, sùi bọt mép... cần báo ngay với cơ quan thú y gần nhất. Chó, mèo chết do mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại phải đem chôn đúng nơi quy định hoặc đốt xác.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Khánh Ngọc (thực hiện)
Theo baodongnai
Triệu chứng, cách phòng bệnh dại Bệnh dại khi đã khởi phát bệnh thì không có cách gì cứu chữa được. Tiêm phòng dại được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng trước căn bệnh này. Chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, ngay sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn. Thêm...