Du ngoạn sông Tiền mùa nước nổi
Mùa nước nổi, nhiều địa danh vùng miền Tây Nam Bộ là điểm tham quan du lịch hết sức kỳ thú.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, theo Quốc lộ 1A, hơn 100 km, chúng tôi có mặt ở tỉnh Bến Tre, nơi có con sông Tiền (còn gọi là Tiền Giang)…
Nhà nổi của ngư dân sông nước |
Mùa nước nổi, nhiều địa danh vùng miền Tây Nam Bộ là điểm tham quan du lịch hết sức kỳ thú. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, theo Quốc lộ 1A, hơn 100 km, chúng tôi có mặt ở tỉnh Bến Tre, nơi có con sông Tiền (còn gọi là Tiền Giang). Phía thượng nguồn gọi là sông Mê Kông, chảy từ Cămpuchia, đến địa phận Việt Nam chia thành hai nhánh, bên trái là sông Tiền và bên phải là sông Hậu (Hậu Giang). Sông Tiền qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre rồi đổ ra biển Đông. Tại Vĩnh Long, sông tách làm 3 nhánh lớn: nhánh Hàm Luông (sông Hàm Luông), nhánh Cổ Chiên (sông Cổ Chiên) qua địa phận tỉnh Bến Tre và đổ ra biển theo cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên; nhánh Mỹ Tho (sông Mỹ Tho) qua địa phận Tiền Giang và ra biển bởi ba cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai. Cùng với sông Hậu có thêm 3 cửa (Định An, Bat Xắc, Tranh Đề), “hai sông chín cửa”, như 9 con rồng vươn ra đại dương nên vùng đất có tên Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Du thuyền trên sông Tiền |
Dòng chảy luôn biến động, thủy triều thâm nhập mặn sâu vào đất liền, tạo nên nhiều bãi nổi và ngầm. Đặc điểm này trở ngại về giao thông thủy và người dân lựa vào thế đất để sinh cơ lập nghiệp trên những bãi nổi, gọi là cồn, cù lao. Du lịch tỉnh Bến Tre phát huy lợi thế này để trở thành đặc sắc và kỳ thú. Tỉnh có 5 chiếc cầu lớn (Rạch Miễu, Ba Lai, Ba Lai mới, Hàm Luông, Cổ Chiên) nối với các địa bàn trong tỉnh Bến Tre và Bến Tre với các tỉnh. Bến Tre có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu; Làng du kích Đồng Khởi; Khu lưu niệm tướng Nguyễn Thị Định; Chùa Tuyên Linh; Nhà thờ La Mã; Chùa Vạn Phước; Cù lao Minh; Du lịch Miệt vườn; Làng hoa cảnh chợ Lách; Vườn trái cây Cái Mơn; Sân chim Vàm Hồ; các Khu Du lịch Lan Vương, Làng Bè, Ba Ngó…
D u khách thưởng thức các đặc sản làm bằng dừa |
Càng ấn tượng khi đến Bến Tre được các hộ dân địa phương liên kết với nhau tổ chức những tour tham quan du lịch khép kín có hướng dẫn viên. Đó là các tour du lịch ra cù lao hay các cồn Phụng, cồn Quy, cồn Phú Đa… Lãng mạn mà nên thơ, chân chất của hồn quê, sâu lắng mà phóng khoáng. Tour bắt đầu bằng ngồi thuyền máy trên sông Tiền để khám phá cuộc sống của đời người – đời sông giữa dòng chảy hiền hòa và hai bên bờ vô cùng hữu tình. Lên bờ, tham quan miệt vườn nhiều hoa lắm trái; thưởng thức tách trà mật ong tự nhiên với vị chua của chanh; xem sản xuất và thưởng thức, mua các sản phẩm từ dừa (kẹo, bánh tráng, các loại dầu gội đầu, kem dưỡng da, đồ mĩ nghệ, các đồ gia dụng). Tiếp tục ngồi xe ngựa du ngoạn quanh những nếp nhà bình yên dưới những bóng dừa xanh, bên nhiều cây trái; thưởng thức sự ngọt ngào của các tiết mục đờn ca tài tử – Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, cùng rất nhiều loại trái cây. Du thuyền trên hệ thống kênh rạch chằng chịt để thỏa thích ngắm những cụm cây dừa nước với sức sống vươn lên mãnh liệt trong điều kiện khắc nghiệt… Kết thúc tour là sự phong phú của văn hóa ẩm thực với nhiều loại rau cùng thủy sản của xứ sông nước Tây Nam Bộ. Quả thực tour du lịch sinh thái, hòa vào thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, nếp sống yên bình và thân thiện, cùng những nét văn hóa vừa dân dã vừa đặc sắc của người miền Tây đã thu hút và ấn tượng mạnh đối với du khách, nhất là những ai muốn rời xa nơi đô thị ồn ào chật chội…
Du ngoạn bằng xe ngựa dưới tán cây |
Video đang HOT |
Khám phá miền sông nước bằng thuyền trên kênh rạch |
Thuyền chở hàng ngược thượng nguồn |
An Giang: Vùng đất "thu trọn" vẻ đẹp mùa nước nổi
An Giang vừa có đồng bằng, sông ngòi lẫn rừng núi và cả đường biên giới (giáp Campuchia). Theo nhiều người, để có thể ngắm trọn vẻ đẹp, nét độc đáo của mùa nước nổi, An Giang là một điểm đến lý tưởng.
Trong du lịch khám phá thiên nhiên có một yếu tố quan trọng, đó là đi đúng thời điểm. Bởi có đi đúng thời điểm bạn mới khám phá được trọn vẹn vẻ đẹp của nơi mình muốn đến. Hiện An Giang đang bước vào thời điểm đẹp nhất của mùa mỗi năm chỉ đến một lần - mùa nước nổi. Vì vậy, nếu thuộc típ thích khám phá thiên nhiên, bạn đừng chần chừ đến vùng đất này rong chơi và "thưởng thức" mùa nước nổi nhé!
Mùa nước nổi được xem là "món quà tuyệt vời" mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho miền Tây. Mùa này thường bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến 10 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về trên khắp miền Tây, trong đó, nước nổi nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp...
Mùa nước nổi trên một cánh đồng ở An Giang nhìn từ trên cao.
Mùa nước nổi, nước trắng xóa phủ khắp các ruộng đồng, kênh rạch, lòng hồ hợp với cây cối xanh ngắt và núi đá bạc màu, vẽ nên một bức tranh An Giang đầy sắc màu, đầy sức hút, đầy hấp dẫn với những tín đồ du lịch yêu thích thiên nhiên, sông nước bởi có quá nhiều thứ để khám phá, trải nghiệm.
Ngắm mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư
Trong năm, bạn có thể đến rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) bất cứ mùa nào để thăm thú và vui chơi, tuy nhiên, đến đây đúng mùa nước nổi bạn mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng tây sông Hậu, có lẽ vì vậy, Trà Sư được xem là một trong những nơi mang vẻ đẹp điển hình của mùa nước nổi.
Đến Trà Sư mùa nước nổi, bạn sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh mát. Bao trùm cả cánh rừng là một màu xanh: màu xanh của nước, màu xanh ngắt của những cánh bèo kết thành từng mảng dập dềnh theo con nước, màu xanh bạt ngàn của những cây tràm thẳng tắp hai bên... mang đến cho người thưởng ngoạn cảm giác dễ chịu và yên bình.
Ngắm đồng nước nổi bằng thuyền
Dọc theo những vạt tràm bằng xuồng ba lá (loại phương tiện đặc trưng của vùng sông nước) giữa bốn bề xanh, bạn cũng dễ dàng gặp nhiều loài chim nước quý hiếm "vui chơi" ở đây như: cò trắng, vạc, diệc, cồng cộc, le le, giang sen, điêng điểng....
Khi nước về tràn đồng, chúng sẽ kéo thành từng đàn tìm đến những khu rừng ngập nước như Trà Sư để kiếm ăn, làm tổ và sinh sản tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp chưa từng có. Nhất là buổi chiều, khi ánh nắng nhạt dần, hàng ngàn cánh cò rủ nhau về tổ. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng vô cùng thú vị và đẹp mắt. Đó là hàng ngàn cánh cò trắng đậu kín và trải dài cả vạt rừng xanh, trông như một dải lụa trắng được ai đó khéo vắt ngang.
Vào sâu trong rừng, muốn nhìn toàn cảnh bên dưới và phía xa xa bạn có thể lên đài quan sát. Từ trên đài cao nhìn xuống, nhiều người cảm giác mùa nước nổi miền Tây như thu gọn ở nơi này. Hòa quyện trong sắc xanh của rừng tràm, sự nhộn nhịp của chim muông còn là sắc vàng li ti của vô số bông điên điển - loại hoa chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi... Phóng tầm mắt về phía xa xa, bạn có thể nhìn thấy núi Cấm, núi Ông Két, tượng Phật Di Lặc khổng lồ nơi núi Cấm...
Ngắm mùa nước nổi từ đỉnh thiêng Cô Tô
Ngoài rừng, An Giang còn có núi. Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) là 1 trong 7 đỉnh núi trong dãy Thất Sơn thuộc huyện Tri Tôn. Nơi này không chỉ được biết đến là điểm hành hương nổi tiếng mà còn là điểm săn mây thú vị của giới trẻ. Tuy nhiên, không phải ai chinh phục Cô Tô cũng có được may mắn ngắm biển mây trắng xóa giữa bao la, hùng vĩ của núi non. Nhiều người nói vui: tùy "nhân phẩm" mà bạn có thể thấy hoặc không thấy mây khi đến đây.
Để trải nghiệm cảm giác ngắm mặt trời mọc và lặn từ trên núi nhiều bạn trẻ cũng chọn Cô Tô làm điểm đến. Hoặc với những người thích ngắm cảnh, khám phá, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân vùng này, Cô Tô cũng là một chọn lựa.
Ngắm bình minh từ đỉnh Cô Tô trong mùa nước nổi.
Đứng trên đỉnh Cô Tô, bạn sẽ thấy được toàn cảnh Tri Tôn dân dã, mộc mạc với những cánh đồng lúa bạt ngàn bên dưới. Theo đó, khi An Giang vào mùa nước nổi, nếu chinh phục Cô Tô bạn sẽ thấy màu xanh vốn có của những đồng lúa được thay thế bằng màu nước nổi, mênh mông đến tận chân trời. Một khung cảnh thật quen mà cũng rất lạ.
An Giang: vùng đất "thu trọn" vẻ đẹp mùa nước nổi.
Mùa nước nổi nhìn từ đỉnh Cô Tô.
Ngắm nước nổi dọc đường biên giới
Mùa nước nổi cũng là mùa mà khi đi trên đường, có những đoạn nhìn qua hai bên chỉ thấy mênh mang là nước. Khác với miền Trung, lũ lụt miền Tây hiền hòa hơn, bởi nước dâng lên không quá nhanh đã vậy còn mang thêm phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, những sản vật đặc trưng như bông điên điển, cá linh... Do đó, mùa nước nổi thường là mùa không chỉ người dân miền Tây mà nhiều người mê trải nghiệm sông nước trông chờ nhất trong năm.
Nếu không muốn vào rừng, lên núi mà chỉ thích ngồi trên xe chạy ngang dọc khắp nơi ngắm nước nổi, tuyến đường dọc biên giới là một gợi ý thú vị cho bạn. Khi đi dọc trên những tuyến đường miền Tây nói chung và An Giang nói riêng, đặc biệt đường biên giới Việt Nam - Campuchia, khu vực Châu Đốc gần núi Sam bạn sẽ thấy những cánh đồng trắng xóa một màu nước điểm xuyết vài chấm xanh của cây thốt nốt, cây tràm... khá thú vị.
Nước nổi dọc tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chưa kể, thú vui lang thang ngắm mùa nước nổi bằng xe máy còn giúp bạn có cơ hội thấy một nét riêng khác của An Giang, là những căn nhà sàn trở thành nhà nổi. Hoặc ghé huyện An Phú (cách biên giới Campuchia khoảng 1km) xem cảnh người dân và các thương lái nhộn nhịp buôn bán "lộc trời cho" trong mùa nước nổi cũng vui không kém.
Nếu còn thời gian, bạn cũng nên tìm đến chợ nổi Long Xuyên để có thêm trải nghiệm về mùa nước nổi và hiểu thêm về cuộc sống của người dân. Chợ nổi này không dành cho khách du lịch mà là dành cho "xóm Miên" (xóm những người từ Biển Hồ về, sống quần cư trên những chiếc ghe), dành cho những "xóm" nông sản bán sỉ như "xóm" khoai, "xóm" thơm, "xóm" dưa hấu...
Cuối cùng, đã đến An Giang rồi thì bạn cũng nên thưởng thức các sản vật của mùa nước nổi. Đặc biệt là cá linh được chế biến thành nhiều món ngon như cá linh chiên giòn, cá linh nhúng giấm, cá linh kho tộ.... Hay bông điên điển - loại bông chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi thường ăn kèm với các loại lẩu...
Nằm ở vùng hạ lưu châu thổ, vừa có đồng bằng, có rừng có núi, như vậy đủ để thấy tạo hóa đã ưu ái vùng đất An Giang vô cùng. Hiện nước nổi đã tràn về gần như khắp các huyện ở An Giang. Nếu được, bạn nên đến An Giang vào đúng mùa để thấy một miền Tây đủ đầy sắc màu, để rong chơi trải nghiệm, để hiểu rõ hơn mùa nước nổi.
Phát triển du lịch cao cấp nhờ tận dụng sông nước đất 'chín rồng' Lâu nay, du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long thường đi các tour tham quan sông nước, miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm tát mương bắt cá, với những tour này giá bán không đến 500.000 đồng một vé. Nếu khách ngủ đêm trong nhà vườn, trang trại thì có thể thu 1-2 triệu đồng/ngày tính trên đầu khách,...