Dù muốn, người Việt vẫn không chịu nổi giá game bản quyền
Nhìn vào một ví dụ gần hơn như trò chơi 7554, liệu bạn có chấp nhận bỏ ra 400 nghìn VNĐ để mua nó vào cuối năm nay?
Mua game bản quyền là chuyện quá sức đối với nhiều người Việt. Lời nhận định này không phải là vô cớ. Đối với số đông học sinh sinh viên thì cái giá 60 USD (hơn 1 triệu đồng) là một số tiền không hề nhỏ. Đối tượng game thủ khoảng 25 tuổi trở lên thì không gặp nhiều vấn đề về tài chính khi mua game nhưng lại phải đối mặt với nhiều câu hỏi trớ trêu hơn như: “Mua game ở đâu?”.
Sắp tới, vào tháng 11 này, dự án game 7554 của Emobi Games cũng sẽ được phát hành. Tuy nhiên, trò chơi này chỉ có giá 400 nghìn đồng (gần 20 USD). Đơn vị phát triển họ sẽ không đưa các công cụ chống crack vào game mà trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía cộng đồng nhiều hơn. Tuy nhiên, liệu mức giá như vậy có giúp 7554 “sống sót” tại thị trường Việt Nam?
Đối với những người còn đang đi học, 60 USD có thể gần bằng khoản học phí cả kỳ tại trường đại học. Nếu nghĩ đến chuyện một năm mua khoảng 20 game thì ai nấy cũng đều phải hoảng hồn, không riêng gì các sinh viên. Thế nên, ngay cả những game thủ tự bỏ tiền để mua game bản quyền thì một năm họ cũng chỉ chọn mua khoảng 6 trò chơi ưng ý mình nhất và biết chắc rằng nó sẽ hay.
Trở lại với trường hợp của 7554, Emobi Games cho biết rằng họ sẽ phải bán được 100 nghìn bản mới mong có lãi. Từ con số đó, chúng ta có thể hiểu 7554 tốn khoảng 40 tỷ (tương đương 2 triệu USD) để phát triển. Số tiền này vẫn chưa thể so sánh với các dự án hạng AAA của nước ngoài. Tuy nhiên, mức giá 400 nghìn VNĐ có thể vẫn còn là một trở ngại lớn mà họ sẽ gặp phải.
Quy luật của thị trường đã chứng tỏ một chân lý rằng ở thời đại này, gần như chẳng dự án game nào có thể sống tốt trừ những sản phẩm ở top đầu. Phần lớn doanh thu của các hãng phát hành cũng đến từ những dự án chủ lực như Call of Duty hay FIFA… Dù gì thì nạn xâm phạm bản quyền cũng đang khiến giới game thủ Việt Nam có đủ món “thượng phẩm” để chơi quanh năm với mức giá chỉ khoảng vài chục cho đến 100 nghìn một game nhiều đĩa.
Có thể nói, 7554 chỉ có thể hy vọng vào sự hưởng ứng từ cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì vẫn chưa có báo cáo hay khảo sát nào dự đoán được về số lượng người chắc chắn sẽ bỏ tiền ra để mua trò chơi của Emobie Games, cho dù là họ đang làm game về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là chưa kể đến việc tháng 11 là mùa game hay trên thế giới. Liệu sản phẩm của họ có thể trụ vững trước những cái tên quá lớn như Call of Duty 8?
Ở nước ngoài, cái giá 60 USD của một trò chơi bản quyền cũng không được số đông chấp nhận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những cửa hàng mua bán game cũ lại mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Những trò chơi hạng hai với chất lượng kém mà vẫn có “chòi vòi” lên cái ngưỡng 60 USD là thứ khiến cho khách hàng mất dần lòng tin và sự trung thành với một sản phẩm.
Từ đó, thói quen bán đĩa game đi sau khi chơi xong bắt đầu ra đời. Với vòng tuần hoàn hiện tại, một sản phẩm không có “vai vế” chỉ có giá trị thực khoảng 20 USD. Thế nhưng, các hãng phát hành lớn lại không chịu hoặc không thể giảm giá bởi họ phải tốn quá nhiều tiền vào việc phát triển đồ họa để “chạy theo thời đại” và marketing.
Giá trị thật của trò chơi họ làm ra có thể chỉ bằng một nửa. Thế nhưng, các công ty này vẫn cố bán game ở mặt bằng chung là 60 USD để gỡ gạc cho khoản kinh phí đầu tư lên tới vài chục triệu USD của mình. Phí phát hành cũng đòi hỏi một số tiền không nhỏ. Thế nên, những hình thức mua game online qua Steam mới được giới game thủ PC ưa chuộng vì giá rẻ.
Steam cũng là một công cụ để mua game bản quyền tốt nhất hiện nay ở Việt Nam. Ngoại trừ game online thì Việt Nam vẫn chưa có nhà phát hành lớn nào “thèm” đem sản phẩm đến bán. Một phần là vì họ lo sợ tình trạng vi phạm bản quyền khiến nước ta không phải là một thị trường “béo bở” cho game mainstream. Thế nên, một số ít những người muốn mua game bản quyền ở Việt Nam vẫn phải chịu đựng số phận “hẩm hiu” như hiện nay.
Video đang HOT
Với 7554, tương lai trước mắt vẫn còn là một màn sương.
Theo PLXH
"Chúng tôi sẽ làm xong 7554 bằng mọi giá!"
Đó là lời khẳng định của dại diện Emobi Games, studio đứng sau game FPS offline thuần Việt đầu tiên.
Như đã biết, vừa qua chúng tôi đã gặp gỡ đại diện Emobi Games, đơn vị sản xuất "7554" - Game FPS offline thuần Việt đầu tiên và có buổi trải nghiệm dự án này. Cũng tại đây, phía studio có nhiều chia sẻ thật lòng về sản phẩm đầu tay của mình, đồng thời không quên luận bàn về phong trào phát triển game Việt hiện tại.
Dưới đây là phần phỏng vấn và trả lời cụ thể với anh Nguyễn Tuấn Huy, người đứng đầu Emobi Games, đồng thời là trưởng dự án "7554". Hy vọng nó sẽ giải đáp được phần nào những gì cộng đồng đang đặt dấu chấm hỏi về trò chơi của hãng.
Emobi Games có thể cho biết chất lượng mà "7554" nhắm đến là gì?
Ngay từ khi bắt đầu, studio đã đặt ra cho mình mục tiêu là Call of Duty 5, tuy nhiên chưa một lần dám công bố sự so sánh này, bởi chúng tôi không dám tin là mình sẽ làm được. Tuy nhiên, sau hơn hai năm vật lộn với 7554, đến bây giờ, chúng tôi khẳng định đích đến ấy không phải là ảo tưởng.
Về mặt đồ họa, môi trường, độ chi tiết của các vật thể, studio hoàn toàn tự tin khẳng định điều này. Không tin, các bạn có thể kiểm chứng qua các screenshot tới đây chúng tôi công bố. Phải COD5, chứ COD2 vẫn còn tạo "tổn thương" cho chúng tôi quá (cười). Tuy nhiên, sẽ có điểm hơn và sẽ có điểm kém. Điểm kém mà chúng tôi đang cố gắng vượt qua nhất chính là phần nhân vật và hoạt hình và AI.
Đây là những khó khăn không thể vượt qua chỉ bằng ý chí và niềm tin. Nhân vật, hoạt hình và AI có sự gắn kết rất cao với nhau để có thể đạt đến độ đẹp, do vậy, nó đòi hỏi công sức và cả trí tuệ nhiều hơn tất cả.
Có người cho rằng "7554" bóng bẩy chẳng qua là nhờ engine, studio có ý kiến gì về vấn đề này không?
Không thể phủ nhận, engine có vai trò lớn trong việc quyết định đến độ đẹp của game. Nhưng chắc chắn, nó không là tất cả, chính xác hơn, nó chỉ mới giải quyết ở phần móng. Còn lại, vai trò của những người họa sỹ mới là quyết định. Nếu hình dung một cách đời thường, bạn có thể so sánh với việc làm gốm: Engine là một lò nung công nghệ cao, để thể hiện tốt nhất quá trình sáng tạo của người làm gốm, chứ nó không làm thay người làm gốm.
Chưa nói đến, trong làm game, engine chỉ mới giải quyết một góc của tổng thế đồ sộ của dự án. Nếu nói chỉ cần có engine làm được game thì e là hơi "ngông cuồng". Các bạn có thể thấy thực tế đó từ chính 7554. Engine chúng tôi mua từ tháng 11/2008. Nhưng tới tháng 4 năm 2010 (một năm rưỡi sau) dự án mới có hình ảnh đầu tiên. Và nó rất tệ (cười).
Mô hình nhân vật được thiết kế chi tiết.
Như anh nói AI cũng là một mảng khó, nhưng 7554 đã mua engine AI của xaitment. Vậy sao kết quả vẫn chưa tốt?
Thứ nhất, khẳng định là bản GenK chơi thử là một bản game design "thô". Ở đó, các game designer chưa hề tinh chỉnh AI. Họ chỉ mới đặt các vị trí quân, thiết kế các sự kiện cho màn chơi nên trông nó tệ là đúng rồi. Thứ hai, không dám chối. Nó đang tệ thật, ít nhất là so với mục tiêu hướng tới của studio.
Sâu hơn, cũng tương tự như câu chuyện về đồ họa. Engine của AI cũng chỉ giải quyết một số vấn đề hết sức cơ bản. Chúng tôi cũng chỉ dùng hai mô đun của Xaitment là XaitMap và XaitControl. XaitMap để giải quyết vấn đề tìm đường và XaitControl là bộ công cụ để thiết kế hành vi nhân vật. XaitMap thì dễ hiểu rồi, còn XaitControl, có thể hình dung nó như một công cụ để vẽ ra sơ đồ hành vi và suy nghĩ của nhân vật. Vẽ thôi, còn phần biến cái sơ đồ đấy thành hành vi thật trong game thì lập trình viên của studio phải giải quyết.
AI là yếu tố được NSX ưu tiên nâng cấp trong tương lai.
Như vậy, để AI khôn, có hai vấn đề:
- Sơ đồ hành vi phải khôn, đa dạng (chúng tôi phải thiết kế hàng trăm sơ đồ hành vi như vậy)
- Phần thể hiện sơ đồ hành vi này phải "ngon". Và khó nhất, là nó phải nhanh. Làm AI khôn mà máy không chạy nổi thì dễ (cười). AI còn đặc biệt khó vì nó phải kết hợp và phụ thuộc vào cả phần hoạt hình nhân vật. Ví dụ, bạn muốn nhân vật mình di chuyển càng mềm mại, thì số lượng animation phải làm càng tăng lên, hoặc phải dùng đến một cách khác, nhưng cũng phải trả giá về tính toán và bộ nhớ...
Đối với tất cả các game hướng tới chất lượng AAA trên thế giới, AI và sự tích hợp giữa AI và hoạt hình luôn là vấn đề đau đầu nhất. Và nói thật, tri thức của chúng tôi trong lĩnh vực này còn cách thế giới một quãng khá xa. Chưa kể, nguồn lực thì không thể so sánh với họ.
Mục tiêu COD5 không phải là không thể.
Nói vậy, có vẻ mục tiêu COD5 là không thể?
Không thể thì chúng tôi làm tiếp làm gì. Phải có thể chứ! Đồ họa 2008 của 7554, đừng nói là COD5, đến "COD0" còn không nổi, vậy thì AI cũng vậy. Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường mà (cười). Vấn đề lớn nhất, là chúng tôi không còn nhiều thời gian thôi.
Vì sao không còn nhiều thời gian thưa anh?
Nguồn lực của studio có hạn, tài chính cho dự án hoàn toàn huy động từ các cá nhân. Các nhà đầu tư thì lắc đầu, vì họ cho rằng chúng tôi đang làm một việc quá mạo hiểm. Điều này đúng (cười). Họ cho rằng niềm tin của chúng tôi về sự ủng hộ của cộng đồng là không có cơ sở vững chắc. Trong khi, chúng tôi luôn quan niệm rằng, mình cần phải đặt niềm tin vào cộng đồng trước, thì mới mong cộng đồng tin ở mình.
Khó khăn về tài chính, không cho phép chúng tôi kéo dự án quá dài. Do đó, chúng tôi nói mình không còn nhiều thời gian là vì vậy.
Dù khó khăn, studio vẫn quyết tâm hoàn thành dự án.
Vậy có khả năng nào "7554" sẽ phải dừng lại trước khi hoàn tất không?
Không! Chúng tôi sẽ làm xong 7554 bằng mọi giá. Làm không xong việc này thì mặt mũi nào nhìn mọi người (cười). Chỉ có điều, làm xong mà hết tiền thì không phát hành được thôi. Chắc chúng tôi phải phát miễn phí cho game thủ quá.
Theo PLXH
Những hình ảnh mới nhất về game thuần Việt 7554 - Điện Biên Phủ Chúng tôi đã có buổi trải nghiệm thực tế trò chơi tại trụ sở Emobi Games. Như đã biết, hồi giữa năm 2010, Emobi Games bất ngờ tung ra một số đoạn trailer cho dự án FPS "made in Việt Nam" của hãng (với tên gọi 7554). Gần như ngay lập tức, cư dân mạng xôn xao bàn luận về tựa game "offline"...