Dư lượng kháng sinh “cản đường” tôm xuất khẩu
Xuất khẩu tôm đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao sản lượng và giá trị kim ngạch, tuy nhiên vấn đề lạm dụng kháng sinh và còn nhiều tạp chất trong quá trình nuôi đang khiến nhà quản lý, các doanh nghiệp đau đầu. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi quy trình nuôi, đừng để đến lúc các nước nhập khẩu ra lệnh cấm thì đã quá muộn.
Kháng sinh làm giảm sức cạnh tranh
Một khảo sát mới đây của ngành chức năng huyện Phú Tân (Cà Mau) về tình hình nuôi tôm siêu thâm canh cho thấy, khâu xử lý chất thải, nước thải trong quá trình nuôi chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, qua kiểm tra 119 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn, chỉ có 53 hộ thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về diện tích ao xử lý chất thải, ao lắng, hệ thống xử lý đúng quy định (chiếm 45%); có 66 hộ không đảm bảo các điều kiện quy định. Thực tế này không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau mà còn phổ biến ở nhiều vùng nuôi tôm khác.
Ngành nuôi tôm cần kiểm soát tốt vấn đề dư lượng kháng sinh. Ảnh: tư liệu
Theo VASEP, tương lai tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng chưa rõ ràng; tại Nhật Bản, 100% đơn hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra thay vì chỉ 30% như thường lệ. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo việc dư lượng Nitrofurans trong tôm. Nếu không giải quyết dứt điểm những tồn tại này, nguy cơ mất thị trường là rất lớn.
Tại hội nghị bàn tròn tìm giải pháp nâng cao giá trị của sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho biết, dư lượng kháng sinh đang là điểm yếu của con tôm Việt Nam, nếu không cải thiện tình trạng này, đến khi chúng ta phải nhận lệnh cấm nhập khẩu từ một thị trường nào đó thì đã quá muộn màng.
Theo ông Quang, chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh là rất lớn vì hiện nay các thị trường xuất khẩu (XK) lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đều kiểm soát rất gắt gao vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. “Để kiểm soát được kháng sinh, Minh Phú đã đầu tư các phòng lab kiểm tra kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân 10 tỷ đồng/phòng lab; chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, điều này làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam” – ông Quang nêu một thực tế.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Quang cho biết, các thị trường nhập khẩu rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng.
Size/cỡ tôm khi thu hoạch cũng đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của tôm Việt. Theo ông Quang, hiện nay, nông dân thường nuôi và thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30-50 con/kg. “Khi người nuôi thu hoạch đồng loạt, tập trung ở cùng một size thì size đó dư thừa trong khi các size khác không có, dẫn đến thị trường thiếu mà thừa” – ông Quang nói.
Giá tôm sẽ tăng dịp cuối năm
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá tôm trên thế giới gần đây có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm.
Theo Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2017 đạt 600.000 tấn, tuy nhiên sản lượng năm 2018 dự kiến sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân do giá tôm đầu năm 2018 thấp dẫn đến số lượng lớn người dân thả muộn hoặc không tiếp tục thả nuôi tôm. Hoa Kỳ là nước tiêu thụ 33% tôm của Ấn Độ, kể từ tháng 9 bắt đầu gia tăng thu mua tôm.
Trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường này. Khi xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng, đồng thời với việc Hoa Kỳ giảm thuế nhập khẩu đối với tôm và cá tra của Việt Nam, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu thủy sản từ các nước ASEAN để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, dịp cuối năm xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan, đặc biệt là tôm và cá tra. Chính vì thế, các địa phương cần ổn định vùng trồng, khuyến khích các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để đảm bảo sản xuất bền vững.
Việc cần làm lúc này là phải đẩy mạnh đổi mới sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tôm để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Trên thực tế, tôm sú của Việt Nam đang đứng đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với tổng sản lượng xuất khẩu 300.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, từ ngày 31.12.2018, tất cả tôm nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Chính sách mới với nhiều thủ tục, quy định đang đặt ra nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo Danviet
Xuất hiện thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu chè
Trong khi nhu cầu về trà của thế giới vẫn rất lớn thì xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 của Việt Nam sụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, đồng thời đã xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc vào những vùng chè nổi tiếng của Việt Nam tranh mua nguyên liệu, thậm chí còn xuất hiện những doanh nghiệp Việt chế biến chè nhưng do người Trung Quốc làm chủ.
"Ngành chè đang xáo động"
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu chè trong tháng 8.2018 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 ước đạt 81.000 tấn và 133 triệu USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở các vùng nguyên liệu chè. Ảnh: T.L
Các thị trường chính của chè Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Pakistan (với 37,3 triệu USD, chiếm 33,6%), Đài Loan (15,6 triệu USD, chiếm 14,0%), Nga (12,8 triệu USD, chiếm 11,5%), Trung Quốc (9,5 triệu USD, chiếm 5%), Indonesia (5,4 triệu USD, chiếm 4,8%) và Mỹ (4,3 triệu USD, chiếm 3,8%).
Điểm nhấn của xuất khẩu chè trong 7 tháng đầu năm 2018 là sự tăng trưởng của thị trường Pakistan, với tổng khối lượng tăng 1.500 tấn (tương đương 9,7%) so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè của Việt Nam lại giảm mạnh ở 2 thị trường lớn là Nga, giảm 1.300 tấn (tương đương 13,2%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất giảm gần 2.000 tấn (tương đương 60,9%), khiến tổng lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.642 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng có một điểm đáng chú ý. Đó là, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, thì ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cũng thừa nhận điều này tại cuộc họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam. "Chưa bao giờ ngành chè lại xáo động đến thế. Biến động tỷ giá không khiến ngành chịu nhiều tác động nhưng hơn một tháng nay việc bán chè trở nên khó khăn, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu" - bà Hồng nêu một thực tế.
Cũng theo bà Hồng, đang xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc đi thu mua nguyên liệu chè và sẵn sàng mua với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước khiến nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh được.
Cần đa dạng hóa sản phẩm
Từ những khó khăn của ngành chè, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo cần có chính sách hỗ trợ vốn và công nghệ các doanh nghiệp chè trong đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp để ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc làm giá trên thị trường chè, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng chè, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thì ngành hàng chè cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm vào các phân khúc như chè hữu cơ, chè đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho chè.
Thực tế, từ trước đến nay, khách hàng quốc tế vẫn "mặc định" các nhà sản xuất chè Việt Nam là những người có khả năng cung cấp khối lượng hàng hóa lớn nhưng chất lượng trung bình và giá rẻ. So với các nước trong khu vực, chè Việt Nam đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân được cho là do không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Vì vậy, bà Hồng cho rằng, muốn thâm nhập được vào các thị trường khó tính, điều cần làm là nâng cao chất lượng chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được những yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chè đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng chưa biết tận dụng bởi nhu cầu về loại thức uống này đối với người tiêu dùng thế giới vẫn rất lớn. Theo thống kê, có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày, mỗi năm người Mỹ chi tới 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà, vì vậy con số 4,3 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chè vào Mỹ 8 tháng năm 2018 là quá nhỏ. Nhưng để tìm đường vào Mỹ cũng không hề đơn giản, bởi đây là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Muốn tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, không còn cách nào khác, ngành chè phải thay đổi cả về hình ảnh và chất lượng. Cũng theo bà Hồng, bên cạnh tin không vui, ngành vẫn xuất hiện điểm sáng, đó là đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chế biến sâu (chè matcha) để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hy vọng, với những nhân tố này, ngành chè sẽ khởi sắc.
Theo Danviet
XK nông sản vào Trung Quốc giảm: Thiệt đơn thiệt kép vì đi tiểu ngạch Với rất nhiều chính sách nhập khẩu mới như quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng thuế..., Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính. Vì vậy, muốn đi đường dài ở thị trường này, các doanh nghiệp cần hướng đến cách làm bài bản, thay vì chỉ xuất khẩu (XK) tiểu ngạch vốn đang gây thiệt hại...