Dư luận quốc tế xung quanh việc Đoàn Thị Hương tiếp tục bị buộc tội
Bị cáo buộc cùng một tội danh trong một vụ án tại Malaysia gây xôn xao dư luận quốc tế đầu năm 2017 nhưng nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah đã được tha bổng còn nghi phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương đang phải đối mặt với án tử.
Câu hỏi “tại sao” được quốc tế cũng như dư luận Việt Nam cùng lúc đặt ra với nền tư pháp Malaysia.
Điều bất thường
Ngày 17-3, báo The Star dẫn lời tân Chủ tịch Hội Luật sư Malaysia Abdul Fareed Abdul Gafoor khẳng định Tổng Chưởng lý nước này cần giải thích tại sao các cáo buộc giết người đối với bị cáo Đoàn Thị Hương, nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, không được hủy bỏ. Tổng Chưởng lý là người có quyền tự ra quyết định về việc tiếp tục hoặc hủy bỏ cáo buộc chống lại một bị cáo nào đó và điều này đã diễn ra nhiều lần.
Theo ông Abdul Fareed Abdul Gafoor, việc Tổng Chưởng lý hủy bỏ cáo buộc đối với nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah (hôm 11-3) trong khi vẫn giữ nguyên cáo buộc chống lại Đoàn Thị Hương, mặc dù hai nghi phạm bị cáo buộc cùng tội danh, là điều bất thường. Ông nhấn mạnh, vụ án này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận quốc tế, do đó có hàng loạt câu hỏi được đặt ra trước quyết định nói trên của Tổng Chưởng lý Tommy Thomas.
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX sát hại Kim Chol, người mà Mỹ và Hàn Quốc cho rằng chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur tháng 2/2017. Hương và Aisyah đều phủ nhận cáo buộc, khẳng định họ bị lừa tham gia một chương trình thực tế có camera giấu kín.
Trong phiên xét xử ngày 11-3 tại Tòa thượng thẩm Shah Alam ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, công tố viên rút lại cáo buộc giết người với Aisyah nhưng không nêu lý do. Cô này được phóng thích ngay sau phiên tòa và hiện đã về nước. Trong khi đó, ngày 14-3, Tòa thượng thẩm Shah Alam, bang Selangor, đã quyết định không hủy bỏ cáo buộc đối với bị cáo Đoàn Thị Hương. Phiên tòa đã được hoãn đến ngày 1-4 do tình trạng sức khỏe của Đoàn Thị Hương không đảm bảo.
Việc Aisyah được hồi hương sau phán quyết bất ngờ hôm 11-3 đồng nghĩa với việc Đoàn Thị Hương trở thành nghi can duy nhất trong vụ án này. Phiên tòa xét xử Hương dự kiến tiếp diễn vào ngày 1-4. Nếu bị kết tội, cô sẽ đối mặt với án tử hình bằng hình thức treo cổ.
Ánh mắt thất thần của Đoàn Thị Hương.
Lý do của “sự im lặng”
Vì sao Tổng Chưởng lý không giải thích lý do về quyết định của mình? Tờ The Guardian dẫn lời Hisyam Teh Poh Teik, người đứng đầu đoàn luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương cho rằng nghi can Indonesia Siti Aisyah đã được phóng thích nhờ một quyết định chính trị từ Tổng Chưởng lý Malaysia, sau khi cân nhắc yêu cầu từ phía Jakarta để “duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.
Tuy nhiên, không có quyết định chính trị nào như vậy được đưa ra trong trường hợp của Đoàn Thị Hương, khiến luật sư Hisyam tuyên bố đây là phán quyết không công bằng.
Luật sư Hisyam nhấn mạnh, đây là quyết định phân biệt đối xử: “Chúng tôi khiếu nại rằng công tố viên đã không hành động công bằng và chính trực. Hiến pháp của chúng tôi đã bị vi phạm”. Theo luật sư Hisyam, ông Tommy Thomas có “nghĩa vụ đạo đức” phải đến tòa án để giải thích lý do tại sao quyết định tiếp tục truy tố Đoàn Thị Hương mà không phải Siti Aisyah.
Có lẽ, Hisyam Teh Poh Teik, người đứng đầu đoàn luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương sẽ không để cho những nỗ lực của mình như “muối bỏ bể” và chấp nhận một phán quyết mà theo ông là “sự ngoan cố”. Luật sư Hisham ngày 14/3 cho biết phía Đoàn Thị Hương sẽ tiếp tục gửi thư thỉnh cầu thứ hai đến Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas để bác bỏ các cáo buộc với thân chủ của ông.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng có đồng quan điểm với luật sư Hisyam Teh Poh Teik rằng vụ tha bổng Aisyah một phần mang tính chính trị và nhờ mối quan hệ Indonesia – Malaysia đã được cải thiện kể từ khi ông Mahathir Mohamad trở lại làm Thủ tướng Malaysia vào năm ngoái.
Bridget Welsh, chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học John Cabot ở Rome (Italy) cho rằng: “Quan hệ Malaysia – Indonesia dưới thời Najib không êm đẹp. Mahathir nhận thức được tầm quan trọng của một mối quan hệ tốt đẹp và trong thời đại ngày càng rộng mở như hiện nay, cần ủng hộ liên minh dân chủ”. Năm ngoái, Indonesia đã hỗ trợ Malaysia khi một số quan chức chính phủ cũ, bị truy nã vì tham nhũng, tìm kiếm tị nạn tại Indonesia.
Cũng vào năm ngoái, đúng lúc bê bối tham nhũng ở Malaysia đang “ nóng”, Jakarta đã phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ một du thuyền hạng sang ngoài khơi đảo Bali và trao trả cho Malaysia.
Nhà báo James Pearson, trưởng văn phòng Reuters tại Hà Nội và Phnom Penh, cũng bình luận rằng quyết định không rút lại cáo buộc với Đoàn Thị Hương “là hành động ngoan cố của cơ quan công tố Malaysia”.
Nỗ lực từ phía Việt Nam
Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương.
Chiều 12-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah. Tiếp đó, ngày 13-3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas. Ngày 14-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự đối với Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11-3. Tại phiên tòa sáng 14-3, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng trực tiếp tham dự để kịp thời hỗ trợ công dân Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã gặp và thăm hỏi, động viên Đoàn Thị Hương ngay sau khi kết thúc phiên tòa.
Cần nói thêm rằng, ngay từ khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế.
Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thường xuyên tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và có mặt tại các phiên tòa, sẵn sàng hỗ trợ Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương.
Hà Phương (tổng hợp)
Theo cand.com.vn
Hội luật sư Malaysia yêu cầu giải thích vì sao chưa thả Đoàn Thị Hương
Người đứng đầu giới luật sư Malaysia yêu cầu Bộ Tư pháp giải thích vì sao Đoàn Thị Hương chưa được phóng thích.
Đoàn Thị Hương suy sụp khi rời phiên toàn vào ngày 14.3 AFP
Tờ The Straits Times ngày 17.3 dẫn lời Chủ tịch Hội luật sư Malaysia Abdul Fareed Abdul Gafoor yêu cầu Bộ Tư pháp nước này giải thích về bất nhất trong xét xử 2 nghi phạm sát hại công dân CHDCND Triều Tiên Kim Chol, người được cho là anh trai Kim Jong-nam của Chủ tịch Kim Jong-un.
Trước đó tại phiên tòa ngày 11.3, bị cáo Indonesia Siti Aisyah được phóng thích ngay lập tức, còn Đoàn Thị Hương vẫn tiếp tục bị tạm giam.
Ông Abdul Fareed yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Tommy Thomas trả lời vì sao có sự bất nhất nói trên, đặc biệt là đối với vụ án "thu hút sự chú ý trên toàn cầu".
"Có rất nhiều câu hỏi vì sao một người được rút lại quyết định truy tố trong khi người còn lại vẫn chịu truy tố", ông nhấn mạnh.
Luật sư Abdul Fareed từng là phó chủ tịch Hội luật sư Malaysia và vừa được bầu làm chủ tịch vào ngày 16.3. Luật sư của Đoàn Thị Hương là ông Salim Bashir Bhaskaran cũng được bầu làm thư ký hội.
Malaysia bác bỏ yêu cầu phóng thích Đoàn Thị Hương
Sau phiên tòa ngày 11.3, luật sư biện hộ Hisyam Poh Teh Peik cho biết Đoàn Thị Hương đã được đưa đến bệnh viện Kuala Lumpur để kiểm tra sức khỏe tâm thần, sau khi cô suy sụp vì thẩm phán Malaysia bác đề nghị hủy quyết định truy tố.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 14.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam lấy làm tiếc về việc tòa án Malaysia không trả tự do ngay cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương và bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn Đoàn Thị Hương phải được xét xử một cách công bằng, khách quan và được trả tự do".
Theo TNO
Việt Nam đang tích cực bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 14/3 rằng, Việt Nam mong muốn công dân Đoàn Thị Hương đang bị bắt giữ tại Malaysia phải được xét xử công bằng, khách quan và trả tự do. Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại...