Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối các lệnh cấm của Taliban với nữ giới
Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ phản đối các biện pháp hạn chế mà chính quyền Taliban tại Afghanistan áp đặt đối với nữ giới.
Phụ nữ Afghanistan di chuyển trên đường phố tại Kabul. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo phản đối việc chính quyền Taliban tại Afghanistan cấm nữ giới làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO), cho rằng biện pháp này là hành vi xâm phạm quyền của nữ giới và gây rủi ro cho các hoạt động viện trợ.
Văn bản của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris lên án mạnh mẽ lệnh cấm trên, đồng thời cho rằng chính sách này của Taliban sẽ cản trở nghiêm trọng các chuyến hàng viện trợ nhân đạo trong thời điểm quốc gia Nam Á này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nặng nề.
Trước đó, nhiều nước và tổ chức nhân đạo quốc tế đã bày tỏ phản đối các lệnh cấm này. Đức kêu gọi “phản ứng tập thể rõ ràng ở cấp độ toàn cầu” đối với các lệnh cấm của Taliban nhằm vào nữ giới. Chỉ trích lệnh cấm này, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ đánh giá thận trọng các tác động của lệnh cấm đối với hoạt động nhân đạo tại Afghanistan.
Video đang HOT
Ngày 26/12, quyền Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc (LHQ) tại Afghanistan (UNAMA) Ramiz Alakbarov đã yêu cầu quyền Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Mohammad Hanif đảo ngược quyết định cấm nữ giới làm việc cho NGO. Tuyên bố của UNAMA nhấn mạnh hàng triệu người Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo và việc dỡ bỏ các rào cản là rất quan trọng.
Trong một tuyên bố chung ngày 25/12, tổ chức Save the Children, Hội đồng người tị nạn Na Uy và tổ chức CARE International nêu rõ đang tạm dừng triển khai các chương trình hiện nay trong khi chờ làm rõ lệnh cấm của chính quyền Taliban. Tuyên bố nhấn mạnh rằng nếu không có các nhân viên nữ, các tổ chức này “không thể tiếp cận hiệu quả những trẻ em, phụ nữ và nam giới đang vô cùng cần viện trợ tại Afghanistan”.
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) ra tuyên bố nêu rõ cơ quan này đang đình chỉ các dịch vụ tại Afghanistan với lý do tương tự. IRC cho biết cơ quan này hiện có hơn 8.000 nhân viên tại Afghanistan, trong đó có hơn 3.000 nhân viên nữ.
AfghanAid cũng thông báo tổ chức cứu trợ này đã lập tức đình chỉ các hoạt động tại đây khi tham vấn các tổ chức khác. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) tại Afghanistan đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm mới của chính quyền Taliban và một lệnh cấm khác không cho phép nữ giới học đại học. ICRC cảnh báo các động thái này có thể dẫn tới “những hậu quả thảm khốc trong ngắn hạn cho tới dài hạn”.
Các tổ chức Christian Aid và ActionAid cũng có động thái tương tự, tuyên tạm ngừng các hoạt động cứu trợ tại Afghanistan.
Hôm 24/12, chính quyền Taliban ra lệnh tất cả các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế không cho nhân viên nữ đi làm cho đến khi có thông báo mới. Taliban cho biết lệnh cấm này được đưa ra do một số phụ nữ “không chấp hành quy định của Taliban về trang phục Hồi giáo của nữ giới”.
LHQ quan ngại về lệnh cấm mới của Taliban đối với phụ nữ
Ngày 24/12, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết người đứng đầu LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về lệnh cấm mới đây của chính quyền Taliban tại Afghanistan, theo đó cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế.
Phụ nữ Afghanistan di chuyển trên đường phố tại Kabul. Ảnh tư liêu: AFP/TTXVN
Theo người phát ngôn Dujarric, Tổng Thư ký Guterres đã tái khẳng định tất cả phụ nữ đều có quyền tham gia lực lượng lao động, góp phần đem lại những lợi ích tốt đẹp hơn. Quyết định của chính quyền Taliban sẽ làm suy yếu hoạt động của nhiều tổ chức trên khắp Afghanistan trong việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
LHQ và các đối tác, bao gồm các NGO trong nước và quốc tế, đang giúp đỡ 28 triệu người Afghanistan phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Ông Guterres lưu ý rằng việc đảm bảo công tác hỗ trợ nhân đạo diễn ra hiệu quả đòi hỏi việc tiếp cận đầy đủ, an toàn và không bị cản trở cho tất cả các nhân viên viện trợ, bao gồm cả phụ nữ.
Tuyên bố của Tổng Thư ký nhấn mạnh lệnh cấm phụ nữ làm việc với cộng đồng quốc tế, vốn đang cố găng bảo vệ sinh mạng, đảm bảo sinh kế cho mọi người tại Afghanistan, sẽ gây thêm khó khăn cho người dân nước này.
Trước đó, Bộ Kinh tế Afghanistan đã gửi thông báo tới tất cả các tổ chức phi chính phủ, nêu rõ cơ quan này đã nhận được những lời phàn nàn nghiêm trọng về việc phụ nữ làm việc cho các NGO không tuân thủ quy định trang phục của đạo Hồi, do đó yêu cầu các tổ chức này không cho phụ nữ làm việc cho đến khi có thông báo mới. Quyết định này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi chính quyền Taliban cấm phụ nữ học đại học và cấm trẻ em gái Afghanistan học tiểu học.
Sau khi nhận được thông báo về lệnh cấm, các quan chức của LHQ và đại diện của các tổ chức hoạt động tại Afghanistan đang thảo luận về phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8/2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996 - 2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ. Hầu hết các trường cấp hai cho nữ sinh vẫn phải đóng cửa, trong khi nữ giới không được đảm nhận các vị trí trong chính phủ và bị cấm ra nước ngoài, thậm chí không được đi lại giữa các thành phố trừ khi đi cùng người thân là nam giới. Họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về trang phục như trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Từ tháng 11 vừa qua, phụ nữ cũng bị cấm đến công viên, phòng tập thể thao và nhà tắm công cộng.
Các quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ chỉ công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Taliban yêu cầu các nữ MC che kín mặt khi lên sóng truyền hình Chính quyền Taliban ở Afghanistan đã yêu cầu các đài truyền hình đảm bảo rằng tất cả những người dẫn chương trình (MC) là nữ giới phải mặc trang phục che kín mặt và cơ thể khi lên sóng truyền hình. Phụ nữ Afghanistan trên đường phố ở Qala-e-Naw, tỉnh Badghis. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Phát biểu ngày 19/5, người phát ngôn của...