Dù lớn con vẫn chỉ là đứa trẻ
Đêm đông, không gian tĩnh mịch, thoảng có tiếng côn trùng rả rích xa xăm xen lẫn những tiếng gà gáy “cầm canh” dường như rất lạc nhịp với bài ca của đêm trường muôn thuở.
Trở mình chán chê, anh ra khỏi giường, tiến đến chiếc ghế đẩu gần ban công, châm điếu thuốc để bầu bạn cùng màn đêm tĩnh lặng. Khói thuốc dần bọc lấy nơi anh đang ngồi. Đủ những hình thù ma mị hiện lên. Vợ anh khẽ cựa mình, song vẫn ngủ yên. Có lẽ chị đã quá quen thuộc với mùi thuốc lúc nửa đêm, hay một ngày làm việc mệt mỏi đã không cho phép chị cằn nhằn như mỗi lúc tỉnh táo chị thường làm nữa.
Dù lớn con vẫn chỉ là đứa trẻ.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, anh quen với việc sống giản dị, chắt chiu từ nhỏ. Chịu khó làm ăn, cuộc sống của anh cũng khấm khá lên dần. Thoát ly ra thành phố, anh vẫn giữ nếp cũ. Cái nếp sống giản dị, tằn tiện của anh đã khiến cho người vợ trẻ không ít lần kêu ca, trách móc. Chị đến với anh vì sự chân thành, giản dị của “người nhà quê”, song chưa bao giờ, chị đồng ý với anh cái cách sống mà chị cho là hành xác đó. Anh tiết kiệm đến mức làm khổ mình, cái máy giặt, anh chê tốn nước, không mua. Hàng ngày đến cơ quan, đồng nghiệp rủ ra phố làm bát phở, anh cười xòa: “Tớ mới ăn mỳ gói”…
Hít một hơi thuốc sâu, cuồn cuộn trong anh là từng dòng thác lũ đang đổ về. Anh nhớ những đêm hè, yên giấc trên tay mẹ. Nô đùa khi ở lớp, đêm về nhà anh thường nói mê, một tay mẹ gối, một tay mẹ quạt. Mẹ hôn lên trán, mẹ kề tai anh, khẽ khàng đánh thức anh dậy rồi lại lặng im cho anh ngon giấc. Anh nhớ những trưa tháng bảy, cha đi làm về, lưng mướt mồ hôi, ăn vội bát cơm, cha cởi trần nằm ngay sàn gạch. Mẹ sai anh gọi cha lên giường, cha bảo: “Nằm thế cho mát, con cứ ngủ đi”. 13h đi học, khẽ khàng bê chiếc xe đạp lách qua chỗ cha nằm, cha vẫn tỉnh dúi cho 2 ngàn vào túi “đặng bơm xe”.
Cha nằm để tránh cái nắng oi, chứ bộn bề cuộc sống ngoài kia sao cha ngủ được? Cuộc sống đủ đầy hơn, mà cha mẹ anh vẫn khổ cực. Họ tần tảo bao bọc nhau, họ dành dụm từng đồng, nuôi anh và cô em gái còn đang ăn học. “Máy giặt tốn nước, phở sáng tốn tiền” là anh giữ nếp từ cha mẹ chứ đâu. Ngày còn đại học, ra bến xe đón cha ở quê lên thăm, đèo cha cùng bao gạo mà như đèo thêm cả biết bao ấm êm tình cảm gia đình. Bật khóc khi cha về rồi, đổ gạo ra mà lẫn bên trong là sấu, là me, là ít lạc hạt cùng vài gói mỳ. Thương cha không biết để đâu cho hết. Khi về cha dặn: “Mẹ mày ở nhà vẫn khóc hằng đêm”.
Video đang HOT
Phấn đấu không ngừng giúp anh có một cuộc sống khấm khá hơn, nhưng sau bao tháng ngày, đến hôm nay, anh mới tự hỏi, mình báo đáp được gì cho cha mẹ? Anh cảm thấy mình vẫn chỉ như một đứa trẻ, chỉ biết nhận đủ đầy những tình cảm yêu thương từ bậc sinh thành. Cảm giác ấy nôn nao, cồn cào và rưng rưng đến khó thở. Là anh không vô tình, nhưng dòng chảy thời gian, dòng chảy của cuộc sống cứ đẩy anh đi xa mãi, đã mấy dịp anh về thăm quê mà nán lại được lâu? Việc công ty luôn đầy ắp cuối năm, vợ anh dù rất muốn, song cũng tiếc dăm ba đồng hàng tết. “Sắp tết rồi đấy!”. Anh tự nhủ.
Thường ngày, nói đến tết là anh lo lắm, mà sao giờ đây, chẳng còn chút gì lo toan. Bủa vây lấy anh là những trách móc, tự vấn miên man, là tình thương và sự xúc động dành cho gia đình nhỏ bấy lâu nay anh như quên mất. Năm nào cũng thế, tranh thủ về quê ngày 28 âm, vội vội vàng vàng thì sao anh thấy được nét run rẩy khi mẹ già múc gầu nước lạnh dưới giếng sâu, hay cái khăn tay rúm ró, nhàu nát đã từ lâu luôn ở trong tay cha, kể từ ngày ông bị viêm xoang mãn tính?
Đẩy làn khói thuốc mang nặng ưu tư ra ngoài lồng ngực, anh liếc nhìn người vợ trẻ đang say ngủ trên giường. Giờ cuộc sống của vợ chồng anh tuy chưa giàu sang nhưng cũng đã đủ đầy, có của ăn của để. Nhà anh giờ đây cũng có điều hòa, mà sao, anh lại không nhớ đêm đông xưa, khi gió bấc thổi, cha cười nói: “Tao chỉ phấn đấu sau này lắp cái điều hòa hai chiều, hè mát đông ấm cho mẹ con mày đỡ khổ”.
Về thôi, anh quyết định. Quyết định của anh chóng vánh, song đầy cương quyết. Rít một hơi thuốc sâu, rồi dằn mạnh đầu lọc xuống gạt tàn đã đầy từ lúc nào không biết, anh khẽ cười thanh thản. Anh là thế đấy, luôn lạc quan dù trong hoàn cảnh nào, còn mấy tuần nữa thôi, anh sẽ về với cha mẹ, về với cô em gái mà tuổi thơ không ít lần anh cốc đầu vì tội lười học. Rồi anh sẽ sắm cho mẹ cha cái điều hòa, sẽ bảo vợ may cho em gái chiếc áo mới vào đại học, sẽ cùng cha đi thả cá hôm hăm ba và sẽ lại vấn khăn ra ngoài đêm ba mươi, đợi cha thắp hương rồi vào “xông” nhà sáng mùng một…
Theo VNE
Quy hoạch "treo", dân nghèo khốn khổ
Mặc dù công bố quy hoạch đã hàng chục năm, đến nay, các dự án trong vùng quy hoạch vẫn nằm "bất động". Cũng chừng ấy năm, những nhà dân dần xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa, xây mới vì vướng quy hoạch trên giấy.
Đói, nghèo đeo bám quy hoạch "treo"
Sống giữa lòng thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), hàng trăm hộ dân "dở khóc dở cười" với những quy hoạch treo từ hàng chục năm trước. Điển hình nhất là 2 dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh và Khu trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi.
Nằm bên cạnh sân vận động lớn nhất tỉnh, gần 120 hộ dân lọt thỏm trong quy hoạch Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ngãi (phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) đành bất lực, kể từ hơn 20 năm qua. Mặc dù quy hoạch đã công bố, cắm mốc nhưng chưa thấy ngày đền bù và khởi công.
Giữa lòng thành phố, nhiều nhà dân xuống cấp trầm trọng vẫn còn đó vì quy hoạch treo.
Vừa nâng đôi nạng khập khiễng từng bước, ông Nguyễn Văn Phụng (64 tuổi, ngụ tổ 7, phường Nghĩa Lộ) vừa bức xúc, nói: "Chính quyền bảo gia đình tôi trong vùng quy hoạch, họ không cho làm gì cả từ hơn 20 năm rồi. Tôi bị tai nạn nên phải đi nạng như thế này, gia đình lại nghèo và đông con. Muốn bán ít đất để lấy tiền chữa bệnh của tôi, phần còn lại lo cho gia đình và các con ăn học nhưng có được sổ đỏ đâu mà bán. Tôi vừa gửi đơn gần 1 tháng nay, yêu cầu sớm giải quyết, nếu chậm trễ thì chúng tôi kiện".
Cám cảnh không được làm giấy tờ nhà đất (sổ đỏ), không cho thuê hoặc sang nhượng nhà đất, không cho phép sửa chữa nhà cửa,... trong quy hoạch. Đã vướng nhiều "cái không", nhiều hộ dân nơi đây cũng không có việc làm ổn định, chỉ mưu sinh nhờ nghề buôn bán hàng rong.
Nhiều hộ dân đành bỏ hoang nhà cửa để tha phương.
Hai trong số gần 50 dự án trên địa bàn TP Quảng Ngãi, được triển khai quy hoạch chi tiết trên giấy hoặc khởi công rồi bỏ hoang cho đến nay. Liệu các quy hoạch này hành dân đến chừng nào? PV Dân trí tiếp tục đi tìm câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Chờ đến bao giờ?
Liên quan đến dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh, ông Nguyễn Phúc Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: "Mới đây, tỉnh quyết định chuyển dự án này xây dựng ở xã Tịnh An, chứ không còn quy hoạch ở Phường Nghĩa Lộ như trước đây. Chúng tôi chỉ mới thi tuyển kiến trúc để quy hoạch Khu liên hợp thể thao, còn lại phải chờ nguồn vốn đầu tư nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa bố trí. Tổng vốn dự án khoảng 800 tỷ chứ không ít, tôi e rằng phải mất nhiều năm nữa mới có thể triển khai".
Đối với dự án Khu trung tâm hành chính tỉnh, ông Phạm Tấn Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi nêu: "Tỉnh vừa thay đổi tên dự án thành Khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Quảng Ngãi, trong đó bổ sung trụ sở Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó, tỉnh giao nhiệm vụ cho TP Quảng Ngãi triển khai điều chỉnh quy hoạch, đền bù, tái định cư cho hơn 300 hộ dân vùng dự án rộng 16ha. Sau khi bố trí được vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, Sở triển khai xây dựng ngay, còn bây giờ cũng phải chờ...".
Qua xác nhận với người dân vào ngày 17/4/2014, tại Phường Nghĩa Lộ, hầu hết người dân vẫn chưa nghe thông báo thu hồi quy hoạch Khu liên hợp thể thao ra khỏi phường Nghĩa Lộ. Còn đối với nhân dân tổ 14 - Phường Lê Hồng Phong, họ mới nhận thông báo đền bù nhưng người dân không đồng tình với mức đền bù mà TP Quảng Ngãi đưa ra.
Đối với người dân vùng quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh được ví như làng quê nghèo bên phố biệt thự.
Theo ANTD
Nghỉ Tết dài: Cám cảnh nỗi lo gửi con Hầu hết các trường mầm non ở Hà Nội cho trẻ nghỉ Tết từ khoảng 14 -16 ngày, trong khi đó, phụ huynh chỉ được nghỉ Tết khoảng 9 ngày. Vì vậy, gia đình lo lắng việc trông giữ trẻ để đi làm đầu năm mới. Chị Hồng Nga, Hà Đông, cho biết, hai vợ chồng đều làm cán bộ công chức nhà...