Du lịch xanh với Đắk Lông Thượng
Lặng lẽ yên ả với những sắc xanh hòa cùng nền trời, đập Đắk Lông Thượng mang đến cho Bảo Lâm một nét đằm thắm vùng cao nguyên.
Và, Đắk Lông Thượng đang trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương cũng như bắt đầu thu hút du khách tới từ phương xa.
Một góc ngắm nhìn Đắk Lông Thượng |
Nằm trên địa bàn xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, đập Đắk Lông Thượng, được xếp hạng là một trong những đập nước lớn của tỉnh Lâm Đồng. Với sức chứa đến trên 11 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ 14,3 km2, độ sâu 70 m, đập Đắk Lông Thượng giúp tưới tắm, tạo dòng nước mát, phục vụ cho nông dân nhiều xã của Bảo Lâm. Gần 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nước từ hồ đập Đắk Lông Thượng. Đồng thời, hồ đập Đắk Lông Thượng cũng giúp khu vực Lộc Ngãi, Lộc Đức có khí hậu mát mẻ, với màu xanh ngọc bích và sắc xanh sinh sôi của những vườn cà phê, cây trái xung quanh hồ. Một điều còn ít du khách biết tới rằng đây là một công trình “sinh đôi”, với hai hồ nước được tạo thành từ hai con đập gần nhau: Đắk Lông Thượng và Đắk Lé. Cả hai con đập và hồ tạo nên vùng sinh cảnh nhỏ tuyệt đẹp giữa vùng rừng núi Bảo Lâm. Đắk Lé nhỏ hơn và ít được nhắc đến như Đắk Lông Thượng.
Nằm giữa những vùng đồi thấp, đập Đắk Lông Thượng nhận nước từ những con suối nhỏ, bắt nguồn từ các dãy núi, dãy đồi trong vùng. Nằm giữa vùng cà phê bát ngát, hồ đập mang màu xanh ngọc bích vào những ngày đẹp trời. Con đường nhỏ vòng quanh đập khá đẹp để cư dân địa phương cũng như du khách dạo chơi. Đặc biệt, Đắk Lông Thượng khá gần TP Bảo Lộc, đường đi không khó nên vào những ngày cuối tuần, ngày lễ trời đẹp, các bạn trẻ Bảo Lộc yêu thích khám phá thiên nhiên đến với Đắk Lông Thượng rất đông. Nhiều trang thông tin về du lịch Bảo Lộc đã đưa Đắk Lông Thượng vào điểm đến được yêu thích của giới trẻ, với những clip, những khung hình, những bài viết giới thiệu vẻ đẹp của con đập này.
Nắm bắt được nhu cầu của những người yêu du lịch, nhiều homestay đã được dựng lên tại các khu vực xung quanh. Những ngôi nhà nhỏ xinh, nằm giữa cây, lá, cỏ xanh mang lại cho khu vực quanh hồ nét chấm phá đẹp. Các homestay xung quanh Đắk Lông Thượng không lớn, chủ yếu được xây dựng theo hướng nhẹ nhàng, như những ngôi nhà gỗ nhỏ bình thường. Tuy nhiên, những homestay này đã cung cấp cho khách phương xa tiện nghi sinh hoạt trong khoảng thời gian đến với vùng đất cao nguyên. Nhiều homestay được du khách biết tới tại những địa điểm vòng quanh Đắk Lông Thượng như Thỏ non, UTI… Anh Phạm Ưu Tiên, chủ nhân của homestay UTI – một homestay nhỏ nằm trên ngọn đồi thấp gần Đắk Lông Thượng chia sẻ, anh chọn làm homestay với phong cách nhẹ nhàng, gần gũi thiên nhiên, với tầm nhìn đẹp, du khách có thể phóng tầm mắt xuống hồ Đắk Lông Thượng vào mỗi sớm bình minh cũng như thưởng thức ánh hoàng hôn trên mặt hồ rộng lớn. Anh cũng cho biết, hầu hết các home stay xung quanh hồ đều xây dựng trên các đỉnh đồi thấp, đảm bảo tầm nhìn cũng như xây dựng theo hướng nhà – vườn, giữ lại màu xanh, ít tác động vào cảnh quan môi trường. Đến Đắk Lông Thượng và Đắk Lé không chỉ có du khách địa phương mà đã bắt đầu có nhiều đoàn khách tới từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng đến với vùng cao nguyên hoang sơ.
Du khách đến với Đắk Lông Thượng, ngoài tham quan, chụp hình sống ảo với những con đường khúc khuỷu giữa những tán cây, với mặt nước xanh, những món ăn dân dã còn có thể tham gia các sinh hoạt trên mặt hồ như thăm bè nuôi cá, trực tiếp vớt từng con cá dưới bè lên để chế biến các món ăn giản dị từ cá tầm được nuôi trực tiếp trong hồ. Ngoài ra, nhiều du khách trẻ còn đi thăm, khám phá, tắm mát dưới những dòng thác nhỏ đổ trực tiếp vào hồ Đắk Lông Thượng. Những dòng thác rất nhỏ, tạo thành những dòng nước và vũng nước nhỏ, đẹp, chảy róc rách, giúp du khách thưởng ngoạn những khung cảnh thật đẹp, mang nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, Bảo Lâm rất tin tưởng vào tương lai du lịch của Đắk Lông Thượng cũng như khu vực lân cận. Đây là một trong những điểm đến đầy tiềm năng và Bảo Lâm đang hỗ trợ phát triển du lịch theo hướng hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Video đang HOT
Du khách ưu tiên chọn du lịch xanh
Xu hướng du lịch xanh, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách.
Nhấn mạnh tại diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 12-4 với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước và quốc tế, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc.
Chuyển đổi xanh
Ông Siêu nói đó là quá trình xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi thay đổi của xã hội, tự nhiên đều tác động đến du lịch.
Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã gây hưởng nặng nề và tác động tiêu cực đến du lịch. Song, đồng thời nó cũng tạo động lực cho du lịch Việt Nam chuyển mình xanh hóa các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
|
Du lịch xanh là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: QUANG ANH |
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, dự kiến đóng góp khoảng hơn 6,4% cho tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay.
Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ phần lớn vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là điều tất yếu.
Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao chất lượng đời sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cạnh tranh quốc gia
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du khách cần xanh nên du lịch phải xanh.
Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái.
"Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch, là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hóa cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội" - ông Thành nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: Tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khỏe, an ninh, an toàn.
Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng tín hiệu tích cực của du lịch xanh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn, trở thành phong trào, dấu mốc thành tựu của ngành du lịch.
Sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, du lịch xanh, du lịch chất lượng và du lịch đi vào những giá trị thiết thực cho con người, bảo đảm sự an toàn, có lợi cho sức khỏe con người luôn được đề cao. Xu hướng này đang tiếp tục là một trong những lựa chọn của du khách. Vì vậy nhà cung cấp dịch vụ, nhà quản lý đều hướng tới nhằm đáp ứng nhu cầu này.
"Cần tìm ra những giải pháp thiết thực, giải được bài toán từ câu chuyện đầu vào của doanh nghiệp, từ tư duy du lịch xanh để du khách hài lòng" - ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Cũng theo ông Patrick Haverman, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. Cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương.
Dừng chân ở Côn Đảo, du khách 'mê' cách làm du lịch xanh - sạch - bền vững Dù đi đến bất cứ đâu trên Côn Đảo, du khách cũng được chứng kiến nước biển trong vắt, sạch sẽ. Anh chàng ấn tượng với cách chính quyền địa phương làm du lịch xanh - sạch - bền vững trên hòn đảo xinh đẹp này. Lâu nay, trong mắt du khách, Côn Đảo là quần đảo nổi tiếng mang trong mình vẻ...