Du lịch Việt qua ‘4 mùa’ COVID: Thời của những giá trị mới lên ngôi?
Tìm đến những kết nối với thiên nhiên xanh và trở về với giá trị cốt lõi là gia đình… đang trở thành nhu cầu và xu hướng của số đông du khách Việt trong bối cảnh quá mỏi mệt vì dịch bệnh toàn cầu.
Những chiếc vali phải khép lại suốt “4 mùa COVID” ở Việt Nam.
Ưu tiên dành thời gian cho gia đình, vật chất và thăng tiến công việc không còn là mục tiêu; khao khát những hành trình mới để kết nối với thiên nhiên và chính mình nhằm cân bằng cuộc sống nội tại… đang trở thành lựa chọn của đa số người Việt sau quãng thời gian chịu nhiều tác động tiêu cực của COVID-19.
Dường như, khi phải đối diện với những tổn thương sâu sắc do dịch bệnh toàn cầu gây ra người ta bắt đầu có xu hướng quay về với giá trị cốt lõi: Gia đình – nơi có thể giúp họ lấy lại cân bằng, hoàn toàn được nghỉ ngơi và an dưỡng cả thân, tâm và tuệ.
Thời của những giá trị cốt lõi
Nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com vừa thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 28.000 khách du lịch tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm nắm bắt những nhu cầu mà du khách trên toàn thế giới mong muốn nhất cũng như những thứ họ sẵn sàng từ bỏ để ưu tiên việc du lịch trong năm 2021 khi dịch COVID-19 được khống chế, tình hình an toàn để có thể du lịch trở lại.
Theo kết quả này, hơn 1.000 du khách Việt Nam là người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho biết có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới. Có tới 57% số người được hỏi trả lời rằng họ ưu tiên dành thời gian cho gia đình, chỉ 43% du khách Việt chọn kỳ nghỉ. Trong khi đó, 66% du khách tại Đài Loan (Trung Quốc) và 62% du khách tại Hàn Quốc ưu tiên kỳ nghỉ.
Có tới 57% số người được hỏi trả lời rằng họ ưu tiên dành thời gian cho gia đình.
Giữa bối cảnh chưa thể kết nối lại các đường bay thương mại quốc tế như bình thường, du khách muốn trải nghiệm điều gì nhất trong năm nay? 69% khách Việt Nam thích đi nghỉ dưỡng xanh hơn là nghĩ tới chuyện “tìm kiếm tình yêu đích thực,” trong khi con số này tăng lên đến 77% đối với khách từ Hong Kong (Trung Quốc), 75% đối với du khách Thái Lan và 71% với Nhật Bản. Ngoài ra, 63% du khách Việt Nam sẽ chọn một chuyến đi thay vì có cơ hội mua xe ôtô mới.
Video đang HOT
Điều đáng nói là có tới 57% du khách Việt Nam chọn một kỳ nghỉ thay vì được thăng tiến trong công việc, so với các khách từ Tây Ban Nha (89%), Nhật Bản (77%) và Đan Mạch (77%).
Kết quả trên cho thấy dịch bệnh đã khiến con người quá mỏi mệt, họ mong muốn được quay về với giá trị cốt lõi nhất là gia đình, tìm đến những kết nối với thiên nhiên và chính mình để cân bằng cuộc sống nội tại.
Thời điểm này, vật chất hay thăng tiến sự nghiệp không còn là ưu tiên và mục tiêu hướng tới của số đông, mà thay vào đó là thôi thúc về những chuyến đi, những trải nghiệm kích thích trọn vẹn tất cả các các giác quan.
Vậy, người ta sẽ mong chờ nhất điều gì cho những chuyến xê dịch sắp tới, khi du lịch mở cửa trở lại?
Những trải nghiệm đánh thức mọi giác quan
“Mùi hương đặc trưng của kỳ nghỉ” sẽ đánh thức các giác quan, khiến chúng ta biết rằng mình đang ở một vùng đất mới chính là câu trả lời. Có tới 37% du khách Việt đã chọn điều này, trong khi con số là 39% với du khách Hàn Quốc, 36% du khách Đài Loan (Trung Quốc) và 32% du khách Singapore.
Du khách mong chờ những chuyến đi kết nối với thiên nhiên ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Có thể thấy, nhu cầu tinh thần với những cảm nhận mang tính cá nhân về giây phút đầu tiên được hít hà không khí của kỳ nghỉ, cảm nhận mùi vị món ăn và hương thơm tại địa điểm mới đang là yếu tố kích thích tâm lý khách du lịch Việt…
Trải qua quãng thời gian dài vì dịch bệnh mà phải “bó gối” quá lâu và kìm hãm ham muốn được thỏa trí tang bồng, giờ đây nhiều người thậm chí còn thấy hứng thú nếu được thử lại một số trải nghiệm từng khiến họ chẳng mấy vui vẻ trong quá khứ như việc lần đầu thử các món ăn mới và không thích lắm (24%) hay cháy nắng (20%), cảm giác cát bỏng rẫy dưới đôi chân trần trên cát (20%).
Trong khi đó, 20% du khách Việt nhớ việc được “giết” thời gian tại sân bay trong khi chờ khởi hành so với 28% khách Hàn Quốc và 26% khách Singapore.
Không chỉ các món địa phương mới khiến du khách yêu thích, 17% khách du lịch Việt Nam còn mong chờ các bữa ăn máy bay cũng như việc thức dậy giữa đêm khuya để bắt chuyến bay sớm (19%). Thử thách và niềm vui trong việc cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân địa phương là một trải nghiệm du lịch bất ngờ được 24% khách du lịch Việt Nam nhớ tới.
Kết quả nghiên cứu này mặc dù chưa thực sự toàn diện nhưng lại là lát cắt đáng chú ý về sự thay đổi trong tâm lý và nhu cầu của du khách Việt sau hơn một năm bị kìm kẹp. Nó cho thấy thực tế rằng du lịch đã trở thành ưu tiên hàng đầu của số đông, trên cả tình yêu đích thực và phát triển sự nghiệp.
Tin chắc rằng trong tương lai không xa, khi đại dịch được kiểm soát an toàn, các đường bay thương mại được kết nối trở lại, du khách sẽ lại xách balo lên vi vu để có thể nói câu “ước gì bạn ở đây” thay vì “ước gì tôi ở đó” như lúc này.
Cùng mong chờ những nụ cười sớm trở lại với ngành du lịch.
Du khách Việt ngày càng yêu di sản và văn hóa bản địa
Theo một khảo sát mới đây, 84% người Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của điểm đến. Phần lớn du khách tin rằng nhận thức về bảo tồn di sản và văn hóa bản địa đóng vai trò quan trọng.
Du lịch bền vững là xu hướng toàn cầu
Một công bố mới đây của Booking.com cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gián tiếp thúc đẩy các loại hình du lịch bền vững, góp phần nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn văn hóa, di sản cho các thế hệ mai sau. Không riêng ở Việt Nam, du khách toàn cầu ngày càng ủng hộ những hành động bảo vệ thiên nhiên và cộng đồng địa phương.
Trong Báo cáo thường niên về Du lịch bền vững của Booking.com phát hành năm 2016, thống kê cho thấy chỉ 62% du khách có ý định lưu trú tại một khách sạn bền vững ít nhất một lần trong năm tới. Con số này đã tăng lên 81% trong năm 2021, mặc dù hoạt động du lịch vẫn bị tạm dừng tại nhiều nơi.
Năm 2021, theo kết quả khảo sát 29.000 du khách trên 30 quốc gia bao gồm Việt Nam, 100% du khách Việt mong muốn tìm đến các điểm dịch vụ, lưu trú cam kết về du lịch bền vững trong năm tới. 97% du khách Việt cho rằng du lịch bền vững là rất quan trọng và 88% cho biết đại dịch đã khiến họ muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai.
Du lịch cộng đồng cùng nông dân trên hồ sông Đà, Hòa Bình. Nguồn: Đà Bắc CBT
Tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch trong thời gian tới. Rất nhiều người cho rằng du khách cần được cung cấp nhiều hơn các thông tin về hệ sinh thái, di sản, văn hóa cũng như cách hành xử phù hợp với cộng đồng bản địa. Tại Việt Nam, 84% du khách muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch, 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng. Hơn 86% du khách Việt Nam muốn giảm rác thải nhựa và giảm mức tiêu thụ năng lượng trong kỳ nghỉ của mình.
Thêm vào đó, nhiều du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến để không gây thêm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc. Điều góp phần chia sẻ những lợi ích tốt đẹp của du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé đến hơn. 88% du khách muốn những nguồn thu mà ngành du lịch mang lại sẽ được phân bố đồng đều tới mọi tầng lớp xã hội.
Hoạt động du lịch tại Đà Bắc (Hòa Bình) có sự tham gia và chia sẻ lợi ích của hầu hết thành viên trong cộng đồng địa phương.
Từ nhận thức tới hành động
Cùng với nhận thức được nâng cao, những hành vi du lịch bền vững ngày càng được du khách lưu tâm và thực hiện nhiều hơn trong chuyến đi của mình. Theo thống kê, trong chuyến đi du lịch, vấn đề du khách lo lắng nhất là lượng rác thải quá nhiều, đặc biệt là loại đồ nhựa dùng một lần. Những nỗi băn khoăn khác là về sự quá tải tại các điểm tham quan, nguy cơ đe dọa môi trường tự nhiên và động vật hoang dã và sự phát thải khí CO2.
Du khách Việt ngày càng có trách nhiệm đối với hành vi du lịch của mình và mong muốn tạo ra những tác động tích cực. Phần đông du khách Việt Nam cho biết, họ thường tắt máy lạnh/lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai, giảm phung phí thức ăn và sẵn lòng tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Đáng chú ý, người Việt Nam là một trong những du khách tích cực nhất trong việc mua sắm, ủng hộ cộng đồng khi đi du lịch. 59% du khách Việt cho biết họ sẵn lòng mua đồ ở các cửa hàng nhỏ để thúc đẩy kinh tế địa phương; đây là tỷ lệ cao thứ 3 thế giới chỉ xếp sau Argentina (62%) và Mexico (61%).
Du khách làm lồng đèn tại Hội An bằng những chất liệu thân thiện môi trường.
Trước xu hướng mạnh mẽ này, các khu lưu trú và điểm đến tại Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững nếu không muốn bị "mất điểm" với du khách. Có tới 55% du khách Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ thấy khó chịu vì chỗ nghỉ không thực hành du lịch bền vững, ví dụ không có các thiết bị hỗ trợ tái chế.
Với du khách quốc tế, 92% số người được hỏi cho biết họ "có nhiều khả năng sẽ chọn một khách sạn có áp dụng chính sách phát triển bền vững" và 82% nghĩ rằng công ty lữ hành nên cung cấp nhiều lựa chọn bền vững hơn. Khá đông du khách muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe.
Bà Marianne Gybels, Giám đốc về Phát triển bền vững của Booking.com cho rằng, khi những thay đổi nhỏ như giảm thiểu số lượng đồ nhựa dùng một lần hoặc chuyển sang bóng đèn LED tiết kiệm điện được nhân lên với hàng triệu du khách và cơ sở lưu trú khắp thế giới, sự cộng hưởng sẽ tạo ra những tác động rất to lớn và tích cực. "Du lịch là động lực tốt, nhưng cần phải thực hiện đúng cách nhằm đảm bảo chúng ta bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai"./.
21 địa điểm sống ảo đẹp nhất thế giới dành cho 'tín đồ' du lịch Trong danh sách 21 địa điểm 'sống ảo' đẹp nhất thế giới mà tạp chí Harper's Bazaar của Mỹ đã gợi ý, có 6 điểm nằm ở châu Á, thuận tiện cho du khách Việt. Ngoài những địa điểm "sống ảo" cũng như du lịch nổi tiếng như cung điện Taj Mahal và pháo đài Mughal, Ấn Độ còn rất thu hút du...