Du lịch Việt Nam: Không phải cái gì cũng thua thiên hạ
Du lịch Việt Nam học được kinh nghiệm từ khắp thế giới nhưng cái khó là chưa biết chọn học ai cho phù hợp để vận dụng dễ dàng và hiệu quả.
Vấn đề nóng của ngành du lịch mà dư luận xã hội đang quan tâm là tình trạng quá tải về lượng khách hiện nay. Đa phần lo lắng, bức xúc bởi những hệ lụy liên đới. Số ít cho đó là thời cơ nếu biết cách đối phó và tận dụng.
Đảo một vòng xuyên Việt, sẽ thấy ngay, quá tải nội địa là chủ yếu. Hè 2019, khách tăng đột biến từ nguồn tự lái xe hoặc tự tổ chức tour. Đây là những đối tượng dễ bị “trấn lột”, “chặt chém”.
Khách nước ngoài đến Việt Nam nửa năm 2019 cũng có nhiều đảo lộn. Số 1 vẫn là khách Trung Quốc (2.483.331 người), dù giảm 3,3%. Tăng mạnh nhất là Thái Lan 45,5% (245.318 người), tiếp theo là Đài Loan 27% (430.314 người) và Hàn Quốc 21% (2.078.602 người).
Với dân số 96 triệu người và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, con số 15,6 triệu khách nước ngoài vào Việt Nam năm 2018 vẫn hết sức khiêm tốn.
Sau đỉnh cao tăng trưởng 29% vào năm 2016, du lịch Việt Nam đang thoái trào theo chu kỳ; 26% năm 2017; 19,9% năm 2018. Năm 2019, dự báo sẽ tăng khoảng 16% độ lại. Kỷ lục tăng trưởng của du lịch Việt Nam là năm 2010, tăng 34,8% sau đó thoái trào sát đáy, chỉ tăng 0,9% năm 2015 và bật cao vào năm 2016.
Thời đại hội nhập, du lịch Việt Nam học được kinh nghiệm từ khắp thế giới. Cả những bài học hay lẫn những kinh nghiệm thất bại. Cái khó là chưa biết chọn học ai cho phù hợp để vận dụng dễ dàng và hiệu quả.
Chẳng cần đi xa, cứ học ngay láng giềng ASEAN
Người thì muốn học Pháp, nước nhiều năm vô địch thế giới về lượng khách. Theo công bố hàng năm “Xếp hạng Du lịch Toàn cầu” (Global Code of Ethics for Tourism) thuộc Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) của Liên Hiệp Quốc, năm 2017 nước Pháp đón 86,9 triệu khách quốc tế.
Người thích học Mỹ, dù chỉ xếp thứ ba (76,9 triệu khách) nhưng doanh thu gấp Pháp gần 3,5 lần (210,7 tỉ USD so với 60,7 tỉ USD). Người khác gợi ý nên học Trung Quốc, vừa là láng giềng, vừa chung ý thức hệ, có nhiều điểm tương đồng. Năm 2017, Trung Quốc đón 60,7 triệu khách quốc tế, xếp thứ tư thế giới, sau Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ. Mỗi người đều có lý lẽ riêng.
Tôi nghĩ hơi khác. Bản chất của việc học cũng là bài toán kinh tế. Học sao cho ít tốn kém, lại hiệu quả, có thể vận dụng ngay. Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ là cường quốc kinh tế, khác xa Việt Nam một trời một vực, rất khó học.
Trung Quốc thì dân số quá đông, có nhiều thứ hay nhưng cũng lắm thứ khác người. Không khéo học toàn cái dở. Nếu chia theo tỉ lệ dân số thì bình quân 23 người Trung Quốc mới đón được một khách quốc tế. Tỉ lệ này của Việt Nam 6/1. Điều đáng nói, là Trung Quốc xếp thứ tư về lượng khách (gần một nửa là người Đài Loan, Ma Cau, Hong Kong) nhưng về doanh thu không có trong Top 10 của thế giới.
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vẫn hết sức khiêm tốn
Trong Top 10 về lượng khách của thế giới, châu Á có hai đại diện là Thổ Nhĩ Kỳ (37,6 triệu khách và đứng thứ 8) và Thái Lan thứ 10 (35,4 triệu khách).
Trong Top 10 về doanh thu du lịch toàn cầu, châu Á có ba đại diện là Thái Lan xếp thứ 4 với 57,5 tỉ USD (Pháp xếp thứ ba với 60,7 tỷ USD). Ma Cao xếp thứ 9 và Nhật Bản xếp thứ 10. Tôi chưa có số liệu của UNWTO 2018, nhưng với lượng khách 42 triệu người, doanh thu du lịch của Thái Lan có thể qua mặt Pháp để vươn lên thứ ba thế giới.
Hãy học cách người Thái làm dịch vụ và moi tiền của du khách. Thái Lan không có sòng bài. Chính phủ khuyến khích người Thái qua Campuchia sát biên giới Thái làm casino. Lợi nhuận, người Thái hưởng, hệ lụy xã hội thì Campuchia gánh.
Dân số Thái Lan ít hơn Việt Nam 25%. Di sản vật thể thế giới của Thái là 5, so với Việt Nam là 8. Lịch sử Thái Lan chưa được 800 năm. Tài nguyên du lịch Thái thua xa Việt Nam. Từ biển đến sông nước, từ hang động đến cao nguyên, từ ẩm thực đến lịch sử; nhưng ăn đứt Việt Nam mấy lần cách làm dịch vụ.
Du lịch của Thái Lan là Industry (công nghiệp) chứ không đơn thuần là Service (dịch vụ). Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT – Tourism Authority of Thailand) trực thuộc Thủ tướng, có văn phòng đại diện riêng tại 26 quốc gia. Chưa kể vai trò Tùy viên Du lịch tại các sứ quán.
Video đang HOT
TAT ở Việt Nam chọn TP. HCM làm hội sở, phụ trách luôn cả Lào và Campuchia. Ở đó, có người Thái nói tiếng Việt và người Việt nói tiếng Thái. TAT trực tiếp bổ nhiệm và trả lương cho các giám đốc Sở. Bộ máy vận hành theo hệ thống hàng dọc với phân cấp nhiệm vụ rõ ràng, chức năng cụ thể và trách nhiệm minh bạch.
Tour Bangkok – Pattaya giá rất rẻ vì các điểm dừng mua sắm dọc đường đã bao toàn bộ tiền xe. Họ còn chi hoa hồng rất cao theo quy định cho nhà xe, hướng dẫn viên và công ty lữ hành tùy theo doanh thu. Giá cao nhưng chất lượng tốt. Trung Quốc giá cũng cao nhưng chất lượng thấp hơn. Việt Nam thì khoán theo đầu xe cho nhà xe cùng hướng dẫn viên và trả trước như một dạng hối lộ, khách hàng không được gì cả.
Năm 2019, dự báo sẽ có khoáng 1,3 triệu lượt người Việt đến Thái Lan, gấp gần ba lần người Thái đến Việt Nam. Có người Việt đến Thái hàng chục lần.
Du khách đi bè tre ở Homestay Mai Hịch
Ngay cả Campuchia và Lào cũng có nhiều thứ rất hay để học. Dân số Siem Reap chưa tới 1 triệu người nhưng chợ đêm có bán kính gần 1km với hàng ngàn gian hàng dịch vụ đủ loại. Nhộn nhịp mà không xô bồ, không chèo kéo, không “chặt chém”. Đèn đóm tù mù mà không thấy giựt dọc. Chỉ có vài ba cảnh sát trực hai đầu phố Pub Street. Chưa kể chợ Palm Containner, Chợ Cũ.
Đố khách nào đến Siem Reap mà không đi chợ đêm, không dự buffet và múa cung đình Khmer với giá rẻ không ngờ? Giá xăng đắt hơn khoảng 20%, còn điện thì gấp 5 Việt Nam nhưng giá dịch vụ lại rẻ hơn. Chỉ vé tham quan là đắt, toàn tính bằng USD vì người Khmer được miễn phí. Năm 2018, Campuchia đón 6,2 triệu khách quốc tế, dù dân số chỉ gần 16 triệu người.
Du lịch Lào càng thú vị. Không có chút biển nào, nhưng năm 2018, Lào đón gần 4.2 triệu khách, dù dân số chỉ hơn 7 triệu người. Du lịch Lào thua xa Việt Nam về chất lượng dịch vụ, về giao thông nhưng hơn Việt Nam về sự chân tình, hiếu khách và an ninh xã hội. Vào một số khách sạn Lào, nhiều khách Việt thấy nhột vì dòng chữ “Đi khẽ, nói nhẹ, cười mỉm”.
Người Việt đang tính tìm thầy học cách tổ chức các dịch vụ suốt đêm. Phần này thì người Thái là số 1. Năm 2017 và 2018, Bangkok dẫn đầu thế giới về Top 10 thành phố đón khách nhiều nhất. Bangkok chỉ cách Việt Nam hơn một giờ bay, còn Bắc Kinh phải hơn bốn giờ. Chưa kể thời tiết, khí hậu, ẩm thực quá khác biệt.
Trước khi tính chuyện mở suốt đêm, hãy tập mở các dịch vụ đến 12 giờ đêm như Campuchia và Lào đang làm rất tốt. Còn hiện nay, 10 giờ là hết chuyện, không có sản phẩm gì cho du khách; lại muốn đại nhảy vọt, đi tắt, đón đầu thì cứ ước mơ, không tốn tiền và đâu ai cấm?
Du lịch Việt Nam cũng có thứ hơn các nước
Ở Việt Nam, mạng internet phổ cập và miễn phí toàn quốc. Vận chuyển hành khách liên tỉnh giá rẻ và tiện lợi, nhiều nơi “door to door” (đưa đón tận nhà). Ẩm thực cực kỳ phong phú. Tài nguyên đa dạng. Đó là những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Chỉ tiếc là văn hóa (dùng đũa muỗng chung, gắp đồ ăn cho khách) và vệ sinh thực phẩm Việt Nam thì quá tệ, còn giao thông thì quá lộn xộn.
Năm 2017, mô hình homestay chuẩn ASEAN do Công ty Tư vấn – dịch vụ và phát triển du lịch CBT (gọi tắt là CBT) tư vấn, huấn luyện; được UNWTO cùng Đại học Griffth (Úc) giới thiệu tại hội nghị và phát hành trong sách “Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacific” (Quản lý Tăng trưởng và quản trị du lịch có trách nhiệm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bản quyền năm 2017).
Homestay Minh Thơ (người Thái ở Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình)
Khảo sát 150 homestay tại các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và 200 dự án homestay ở châu Mỹ La tinh đều có thông số chung là mô mình “xóa đói giảm nghèo”, được các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sở tại tài trợ. Khi nguồn tài trợ kết thúc, các homestay đều chững loại, hoạt động cầm chừng hoặc bị xóa sổ.
Homestay do CBT tư vấn và bảo hành, thay vì nhận tiền hoặc hiện vật thì chuyển thành các chính sách vay ưu đãi (giảm và miễn tiền lời). Nhà nước và xã hội hỗ trợ thêm chi phí tư vấn và cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường. Các hộ gia đình chủ động bỏ vốn tham gia.
Bắt đầu từ năm 2013, các homestay trong hệ thống CBT hiện có mặt tại tám tỉnh phía Bắc, bắt đầu hoạt động ở miền Trung và miền Nam; đa phần ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2018, đón 220.000 lượt khách lưu trú (70% là khách nước ngoài), không kể khách tham quan hoặc ăn uống. Dự kiến sẽ vượt con số 500.000 vào năm 2020.
Các homestay trong hệ thống đều niêm yết giá dịch vụ công khai. Chỗ ngủ tập thể giá bình dân nhưng được đón tiếp bằng welcome drink và ăn sáng buffet (đoàn 15 khách trở lên với giá 50.000 đồng mỗi người). Nệm ngủ dày 2 tấc, có màn che, đèn ngủ và 2 ổ cắm điện riêng. Một số homestay còn có hồ bơi sinh thái, phòng riêng, thậm chí phòng sixsense. Từng cụm homestay đều có bộ qui chuẩn và bộ sản phẩm du lịch đặc thù để chào bán.
Nhân lực tại chỗ. Nếu được tận tình huấn luyện thực tiễn, cầm tay chỉ việc thì ai cũng có thể làm du lịch hiệu quả. Chất lượng dịch vụ các homestay CBT chỉ tương đương 2 sao nhưng tinh thần phục vụ phải 4 sao.
Đây là loại hình du lịch cộng đồng bền vững, trách nhiệm; bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa; gắn với xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo làng xã; được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại Hội thảo quốc gia năm 2018 ở Lai Châu. Không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng.
Homestay Minh Thơ (người Thái ở Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình) hoạt động từ năm 2013, đầu tư chưa tới 800 triệu đồng gồm cải tạo nhà ngủ tập thể, nhà hàng và hồ bơi sinh thái (từ hồ cá). Năm 2018, cùng với ba homestay vệ tinh đón gần 20.000 lượt khách lưu trú.
Homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp) đầu tư chưa tới 1 tỉ đồng, hoạt động từ 2017, năm 2018 đóng hơn 80 triệu đồng tiền thuế, gấp 40 lần khi trồng hoa và nuôi ếch trước đây.
Ưu thế mà homestay CBT hơn hẳn các nước là chuẩn dịch vụ, là tinh thần phục vụ, là nguồn khách khá ổn định từ các công ty lữ hành, cả trong và ngoài nước.
Nhiều điển hình được khẳng định như homestay A Chu (người H’Mong ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La) được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu nhất 2108″ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng bằng khen.
Có những bản tưởng bị đe dọa xóa sổ vì ma túy như Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) nay trở thành “Vườn địa đàng hạ giới” vì cả bản không hút thuốc, không uống rượu, không tệ nạn và sạch đẹp đến kinh ngạc.
Tôi đã khảo sát một số cơ sở homestay tiêu biểu của Thái Lan, Malaysia, Singapore (Top 3 của du lịch ASEAN), càng tin chắc homestay Việt Nam ăn đứt thiên hạ. Đó là các homestay do CBT tư vấn và bảo hành.
Còn các homestay đang lạm phát đại trà tự phát hoặc được tư vấn bởi các “chuyên gia phòng lạnh” thì báo chí đang la làng.
Từ 6 – 10/1/2020, đại học Griffth và UNWTO đã xác nhận cử các nhà học thuật đến khảo sát, thực địa và tọa đàm về mô hình homestay CBT. Sẽ có những điều chỉnh lý luận về homestay của thế giới từ kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam.
Mới hay, không phải thứ gì mình cũng thua thiên hạ.
* Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp Hội Lữ hành Việt Nam.
Theo theleader.vn
Người "vẽ" ra bức tranh đẹp mê đắm vùng nông thôn Sin Suối Hồ
Bản vùng cao Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã và đang là điểm đến lí tưởng của du khách gần xa. Ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm ở bản du lịch nông thôn này. Người có công mở hướng cho du lịch nông thôn ở bản vùng cao Sin Suối Hồ chính là anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ.
Vượt hơn 30 km từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đến thăm bản Sin Suối Hồ vào những ngày trung tuần tháng 1. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến nơi này chính là vẻ mộc mạc, chân chất, thân thiện của đồng bào dân tộc Mông.
Mùi hương thơm tỏa ra từ những chậu địa lan trong vườn, trước hiên nhà của bà con dân bản hòa quện với hương thảo quả bên những cánh rừng nguyên sinh, khiến du khách ngất ngây, quên cả lối về.
Bản Sin Suối Hồ là điểm đến không thể bỏ quên của du khách khi đến Lai Châu. Đến đây, ngoài trải nghiệm các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, du khách còn được trực tiếp giã bánh dày.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh phấn khởi cho biết: Bản Sin Suối Hồ có 123 hộ đồng bào dân tộc Mông. Bản nằm ở độ cao khoảng 1400m so với mực nước biển. Kể từ khi làm du lịch, đời sống, thu nhập của bà con trong bản nâng lên rất nhiều so với trước đây. Bà con dân bản ai cũng vui bởi du khách đến thăm quan ngày một đông hơn.
Đội văn nghệ của bản Sin Suối Hồ thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách đến thăm quan.
"Trước đây, người dân trong bản chưa hiểu và cũng chưa biết làm du lịch như bây giờ. Bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ đến làm du lịch, mà chỉ nghĩ đơn giản là làm cho nhà mình sạch, bản mình đẹp thôi. Sin Suối Hồ giờ đã khác xưa. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, tiếp đón du khách đến thăm bằng cả tấm lòng của mình..." - anh Chỉnh vui vẻ nói.
Theo anh Chỉnh, từ năm 2013 trở về trước, đời sống của người dân bản Sin Suối Hồ gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa, thảo quả bán sang Trung Quốc, giá cả không ổn định.
Hoa địa lan được xem là điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ
Trong một lần vào rừng hái thảo quả, anh Chỉnh trông thấy cây địa lan nở hoa, khoe sắc, tỏa hương thơm ngát. Thấy đẹp, anh đem về trồng trong chậu, đặt ở trước hiên nhà. Sau đó, cứ mỗi lần lên rừng thấy địa lan hay phong lan rừng, anh đều hái mang về trồng, rồi học cách nhân giống. Khi có khách hỏi mua, bán được giá, anh Chỉnh mới tính đến chuyện vận động người dân trong bản trồng địa lan.
"Địa lan giờ trở thành điểm nhấn, nét đặc trưng riêng chỉ có ở Sin Suối Hồ. Nhà nhà trồng địa lan, người người trồng địa lan. Nhà ít thì vài chục chậu, còn nhà nhiều lên đến hàng trăm chậu địa lan. Sin Suối Hồ đẹp nhất là vào mùa xuân bởi đây chính là thời điểm những chậu địa lan nở hoa, khoe sắc" - anh Chỉnh cho hay.
Đến bản Sin Suối Hồ, du khách được gia chủ đón tiếp nồng nhiệt
Từ trồng địa lan cho đến chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sân, vườn, anh Chỉnh đều đi tiên phong, sau đó vận động người dân làm theo.
"Mình là cán bộ bản thì mình phải gương mẫu, đi đầu, nói ít, làm nhiều để bà con thấy mà học tập, làm theo" - anh Chỉnh tiết lộ cách vận động bà con bản Sin Suối Hồ làm du lịch.
Ông Chẻo Quẩy Hòa -Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, cho biết: Năm 2014, tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng, mở hướng làm du lịch cho người dân nơi đây. Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người đầu tiên trong bản làm du lịch và vận động người dân trong bản làm theo. Giờ bà con dân bản đã quen với việc tiếp đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan.
Nhiều sản phẩm truyền thống của đồng bào Mông được bày bán tại chợ du lịch Sin Suối Hồ
Anh Vàng A Giàng, bản Sin Suối Hồ, vui vẻ nói: "Nếu không có trưởng bản Chỉnh thì gia đình tôi và các hộ dân trong bản không biết làm du lịch như bây giờ. Trưởng bản Chỉnh đã vận động bà con dân bản dọn dẹp nhà cửa, không thả rông gia súc, gia cầm, làm đường, ngõ bản, trồng địa lan, phong lan. Tôi rất vui vì bản mình được nhiều người biết đến".
Mỗi năm, bản du lịch nông thôn Sin Suối Hồ đón hơn chục nghìn lượt khách đến thăm quan
Đến bản Sin Suối Hồ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ mộc mạc, đơn sơ của những ngôi nhà trệt thưng gỗ mà còn được "mục sở thị" những cánh rừng nguyên sinh tươi tốt, những chậu địa lan đẹp đến ngỡ ngàng. Đường đi, lối lại trong bản sạch đẹp. Cảnh sắc núi non hùng vĩ, nên thơ. Không hết, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm giã bánh dày, xay gạo và thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào Mông thân thiện, mến khách ở nơi đây.
Theo Danviet
MoMo, ZaloPay, ViettelPay đoạt giải Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam Cả 3 ví điện tử của Việt Nam gồm MoMo, ViettelPay, ZaloPay đoạt giải ví điện tử tiêu biểu do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức. Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư hôm 19/7 công bố kết quả Dự án "Khảo sát và Bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam" năm 2019. Theo kết quả này, MoMo là Ví...