Du lịch sinh thái ở xã Hồng Vân
Phát huy thế mạnh của làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Hoạt động này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Sản xuất trà thảo mộc tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Những ngày đầu tháng 8, nắng vẫn chói chang trên các tuyến đường, nhưng trong các trang trại, nhà vườn tại xã Hồng Vân, không khí dịu mát hơn hẳn bởi mầu xanh mướt của những vườn cây cảnh. Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình làm nông nghiệp theo hướng dịch vụ du lịch của địa phương, mời khách cốc trà chùm ngây do chính địa phương sản xuất, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: Xã Hồng Vân từ lâu nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh. Từ năm 2010, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, khiến thu nhập từ nghề trồng cây cảnh giảm sút. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy xã đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, họp bàn để tìm cách chuyển hướng làm ăn cho người dân địa phương. “Khi đó xã vẫn chưa xác định chuyển sang làm du lịch, mà chỉ xác định phát triển dịch vụ trên đất nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hoạt động nông nghiệp. Chúng tôi mong muốn có mô hình sạch, đẹp, mới trên nền nông nghiệp”, Bí thư xã Hồng Vân chia sẻ.
Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề triển khai sản xuất nông nghiệp chuyên canh làng nghề và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, đoàn thể và người dân, đến nay xã Hồng Vân đã xây dựng được các chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao trong phát triển hoa, cây cảnh và nông sản giữa các hộ trong thôn và giữa các thôn trên địa bàn xã. Trong đó có một dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc như: trà chùm ngây, trà trâu cổ, trà kim ngân hoa được công nhận đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội; một dây chuyền ngâm, ủ rượu hoa, quả Hồng Vân khép kín từ trồng, thu hoạch, đến ngâm, ủ bằng những bí quyết riêng tạo ra hương vị, nét đặc trưng của sản phẩm, dành cho du khách thưởng thức và mua về làm quà.
Sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2019, để tạo đột phá, xã Hồng Vân đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Cả xã có 21 tuyến đường chính, mỗi con đường trồng một loài hoa và tên đường cũng được đặt theo các loài hoa đó như: đường Hoàng yến, đường Bằng lăng, đường Hoa ban, đường Phượng vĩ… Khách đến xã tham quan vào mùa nào trong năm cũng được thưởng lãm vẻ rực rỡ của các loài hoa, như ngắm đường Hoàng yến nở hoa vàng rực rỡ vào mùa hè, đường Hoa ban tím biếc vào mùa xuân…
Từ việc quy hoạch mỗi tuyến đường trồng một loài cây, loài hoa, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch sinh thái…, người dân trong xã đã hiểu rằng “cứ làm cho làng quê sạch, đẹp cũng là góp phần phát triển du lịch của xã”. Nhận thức phát triển kinh tế từ du lịch đã thông suốt từ cán bộ đến người dân. Nhiều hộ gia đình trong xã đã tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày các loài cây cảnh, sắp xếp đẹp mắt để thu hút khách tham quan. Khi đến với làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ nhân tại làng nghề. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân”, có thể tự tay tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh do mình tạo ra hoặc thả bộ trên đường làng quê yên bình và bờ đê sông Hồng, thưởng ngoạn những cảnh sắc xinh tươi, thanh bình nơi đây.
Hằng năm, lượng du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt từ 15 nghìn đến 20 nghìn lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền để người dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn, để du khách khi đến đây tham quan trải nghiệm đều cảm nhận từng sắc thái riêng của làng du lịch sinh thái ở phía nam Thủ đô.
Đến Côn Đảo, tận mắt xem rùa biển quý hiếm lên bờ đào tổ, đẻ trăm trứng giữa đêm
Từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, du khách ghé thăm hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo sẽ được trải nghiệm thức đêm canh rùa lên bờ đẻ trứng và xem các nhân viên bảo tồn làm nhiệm vụ ấp cũng như thả rùa con về biển.
Xem rùa đẻ trứng ở đâu?
Cách biệt với thế giới sôi động bên ngoài, hòn Bảy Cạnh được mệnh danh là "Đảo du lịch sinh thái bậc nhất Côn Đảo". Nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh biển hoang sơ, xanh trong vắt mà còn là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.
Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là một trong 14 bãi đẻ trứng của quần thể rùa Xanh (Chelonia mydas) tại Côn Đảo, đồng thời là nơi đón lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất. Loài rùa này hiện có tên trong sách đỏ, với tỉ lệ sống sót sau khi chào đời là 1/1.000.
Hòn Bảy Cạnh - nơi hút khách bởi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm xem rùa đẻ "có một không hai" (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Lúc đoàn của Thư đến đảo, biển động vì mưa gió, tàu không chạy nhưng may mắn thời tiết đẹp trở lại vào hôm sau, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia hành trình bảo tồn rùa biển (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Video đang HOT
Chiếc sàn gỗ giữa rừng núi - nơi Thư cùng đoàn khách tụ tập qua đêm chờ xem rùa đẻ. Phía sau khu vực này là một con suối, có trang trí đèn nhỏ treo xung quanh. Đặc biệt nơi này không có muỗi hay rắn rết và còn được trồng nhiều hoa (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Sau bữa cơm tối, du khách nghỉ ngơi trên các lều võng tại hòn Bảy Cạnh. Khi nước dâng cao, rùa mẹ bắt đầu thấp thoáng trên làn sóng biển gần bờ để tìm nơi đẻ trứng. Thời điểm này, nhân viên kiểm lâm sẽ thông báo du khách được ra khu vực rùa đẻ.
Dưới ánh trăng mờ ảo, du khách vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh rùa mẹ chậm rãi bò lên bờ, len qua những tảng đá và dải san hô khô cứng để đào tổ đẻ trứng.
Thời điểm lý tưởng
Mùa sinh sản của rùa biển kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 10, nhưng cao điểm là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Du khách chỉ có thể ghé thăm đảo trong khoảng 4-6 tiếng đồng hồ hoặc nghỉ lại qua đêm (chỉ được ở một đêm trên hòn Bảy Cạnh) để xem rùa đẻ trứng. Số lượng khách tối đa được tham gia trải nghiệm này mỗi lần là 48 người (vào ban ngày) và 24 người (vào ban đêm).
Di chuyển
Hòn Bảy Cạnh thuộc khu vực bảo tồn của Vườn quốc gia Côn Đảo nên du khách muốn đến đây phải phải xin giấy phép tại Vườn quốc gia trên đảo lớn Côn Sơn (không mất phí, giấy phép có hiệu lực đến 17h ngày hôm sau) hoặc đi theo tour.
Có giấy phép, du khách thuê tàu khứ hồi với giá từ 1,5 triệu đồng, di chuyển khoảng 45 phút sẽ đến hòn Bảy Cạnh. Sau đó, đi men theo đường mòn ven rừng ngập mặn khoảng 700m để đến trạm kiểm lâm Bảy Cạnh.
Du khách đi thuyền thúng ra hòn Bảy Cạnh (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Trên cung đường này, bạn cũng có thể tận mắt nhìn thấy gà rừng, sóc mun, bươm bướm đủ màu sắc... hay chiêm ngưỡng rừng ngập mặn rộng hơn 5ha với hàng chục loài thực vật ngập mặn như đước đôi, vẹt trụ, vẹt dù, dà vôi, xu ổi, bàng phi,...
Một đoạn đường xanh mướt mà Thư đặt chân qua trong hành trình tham gia bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Đầu tháng 7 vừa qua, Lê Hoàng Anh Thư (24 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện tại TPHCM) có dịp ghé thăm Hòn Bảy Cạnh, trải nghiệm canh rùa đẻ trứng và thả rùa con về biển tại đây. Cô gái trẻ đăng ký theo một đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch trải nghiệm và tận hưởng chuyến đi cùng 11 du khách khác.
Từ TPHCM, đoàn của Thư di chuyển 6 tiếng trên xe khách đến Sóc Trăng rồi tiếp tục ngồi 2,5 tiếng đi tàu cao tốc ra Côn Đảo và thêm một hành trình ngắn nữa để cập bến hòn Bảy Cạnh. Đây cũng là đoàn khách duy nhất ngày hôm đó ra hòn Bảy Cạnh.
"Thời tiết hôm đó không tốt, có mưa bão lớn nên mọi người rời đi hết. May mắn nhóm mình vẫn quyết định ở lại và gặp may vì hôm sau, biển êm, thích hợp cho các hoạt động trải nghiệm, khám phá", Thư kể.
Trải nghiệm thức đêm canh rùa đẻ
Tùy theo con nước, thời gian rùa mẹ lên bờ đẻ trứng dao động từ nửa đêm đến rạng sáng. Suốt đêm, Thư cùng các thành viên nóng lòng, đi đi lại lại mong đến sáng để được xem rùa đẻ trứng. Đến khoảng 3h sáng, cả đoàn được thông báo có thể ra bờ biển chờ rùa lên.
Trước đó, họ được kiểm lâm dặn dò kỹ về những quy tắc khi quan sát rùa đẻ trứng như không được chạm vào khi rùa đẻ; không chạm vào trứng; điện thoại phải tắt đèn flash, tắt âm thanh; đi chân trần trên cát, không gây tiếng động,...
Nửa tiếng sau, Thư phát hiện có một rùa mẹ từ từ bò lên bãi cát. Cả nhóm chỉ được đứng từ xa nhìn. Ai nấy đều nín thở quan sát.
Cô gái trẻ kể lại, để đẻ trứng, rùa mẹ phải thực hiện các công đoạn gồm tìm bãi, đào tổ, đẻ trứng và lấp tổ xóa dấu vết. Chúng sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50-70cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng. Quá trình rùa đào hố mất khoảng 15-20 phút.
Rùa mẹ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để lên bờ, đào tổ và đẻ trứng rồi lấp hố lại trước khi quay trở lại biển (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Rùa mẹ rặn đẻ trứng thành từng đợt, có lúc phải dừng nghỉ để lấy sức. Sau đó, nó mất thêm 20-35 phút nữa để lấp và ngụy trang hố, đảm bảo cho trứng được an toàn. Hoàn thành quá trình sinh sản, rùa mẹ trở về biển và không quay lại nơi đã đẻ trứng cho đến khi rùa con ra đời.
Trung bình, một rùa mẹ đẻ được khoảng 80 trứng, nhưng cũng có trường hợp đẻ hơn 200 trứng tại Côn Đảo.
Chờ rùa mẹ rời khỏi tổ, du khách sẽ được xem nhân viên kiểm lâm thực hiện một công đoạn trong việc bảo tồn rùa biển, đó là lấy trứng đem về tổ ấp. Sau khi rùa mẹ trở về biển, họ đào hố lên, đưa trứng về bãi ấp.
Rùa mẹ mà nhóm của Thư may mắn được trực tiếp quan sát hôm đó đẻ được hơn 100 trứng (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Trứng được ấp trong vòng 6 giờ. Khi đưa về, một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào hồ ấp được phủ tấm lưới chống nắng bên trên.
Cách làm này nhằm mục đích cân bằng "giới tính" cho rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực - cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Khoảng 45-60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở thành rùa con.
"Trứng rùa nhỏ, tròn đều. Vỏ trứng mỏng và mềm để quá trình rùa mẹ đẻ sẽ không làm vỡ khi trứng va vào nhau. Đây là trứng vô tính, bên trong chỉ có lòng trắng mà chưa hình thành lòng đỏ. Giới tính rùa con nở ra sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ xung quanh. Nhiệt độ càng cao, tỷ lệ nở ra rùa cái sẽ càng lớn", 9X nhớ lại.
Họ chỉ có thể tiếp cận gần, bật đèn mờ lên quan sát khi rùa bắt đầu đẻ. "Rùa rất nhạy cảm với âm thanh, tiếng ồn, ánh sáng. Chỉ cần lúc đang bò lên hay chuẩn bị đẻ mà cảm thấy không an toàn, chúng sẽ bỏ về biển, ảnh hướng rất nhiều đến việc sinh sản", Thư lý giải.
Xem trứng nở và thả rùa con về biển
Trong khi du khách tham quan hồ ấp trứng, có thể sẽ thấy rùa con được ấp từ thời gian trước nở. Từng con rùa sẽ cố gắng chui ra khỏi vỏ trứng và chen nhau leo lên miệng tổ ấp để bò về phía biển. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi nước lên cao và ánh nắng mặt trời chưa gay gắt, bởi nếu bị ánh sáng chiếu vào mắt, rùa con sẽ lạc đường.
Rùa con sau khi nở được thả ra bãi cát, nơi chúng đã sinh ra để ghi lại ký ức trước khi bơi ra biển (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn rùa con chập chững bò xuống biển trên quãng đường chỉ cỡ vài chục mét. Trước khi hòa mình vào biển, rùa con vẫn kịp quay đầu nhìn lại, ghi nhận hình ảnh về nơi đã sinh ra, để khi trưởng thành (khoảng 30 năm sau), chúng sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng.
Lưu ý
Thư cùng các thành viên trong đoàn hào hứng khi được tham gia hoạt động thả rùa con về biển. Tuy nhiên, có một số lưu ý mà du khách cần ghi nhớ. Khi xem rùa mẹ đẻ trứng, hãy giữ im lặng và không chiếu đèn vào phía mắt rùa vì loài vật này rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng lúc lên bãi cát. Nếu bị kinh động, rùa sẽ bò trở lại biển hoặc ngừng đẻ khi thấy mất an toàn.
Du khách cũng không được chạm tay vào cơ thể rùa con. Do nhiệt độ cơ thể con người cao, dễ gây bỏng nhiệt cho rùa con nên các công đoạn bắt chúng bỏ vào rổ đều được phía nhân viên kiểm lâm thực hiện bằng cách sử dụng găng tay hoặc dụng cụ riêng.
Đoàn khách của Thư hào hứng với hoạt động thả rùa con về biển (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Nhớ lại cảnh những chú rùa con cặm cụi hướng về biển và bắt đầu hành trình sinh tồn, Thư bồi hồi kể: "Có một bé rùa sinh non, yếu hơn các bé khác nhưng bản năng sinh tồn lại rất mạnh mẽ. Nó lết từng bước ra biển rồi lại bị sóng đánh vào bờ. Nhưng rùa con vẫn cố gắng di chuyển tiếp trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Cuối cùng, nó cũng được hòa mình vào biển. Khoảnh khắc ấy khiến ai nấy đều xúc động không diễn tả thành lời".
Chứng kiến nỗ lực sinh nở của rùa mẹ và bản năng đi tìm sự sống của rùa con, 9X càng trỗi dậy tình yêu thiên nhiên và các loài động vật da diết. "Nếu con người không chung tay bảo vệ thì rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ mãi mãi không còn có thể nhìn thấy rùa biển nữa", Thư nói.
Ngoài xem rùa đẻ, thả rùa con về biển, Thư cùng các du khách khác còn được trải nghiệm đi rừng, khám phá các loài sinh vật đêm như cua xe tăng. Đây là loài cua cạn lớn nhất Việt Nam và gần như chỉ được tìm thấy ở Côn Đảo. Cua xe tăng có kích thước lớn nhưng lành tính, du khách có thể cầm và quan sát chúng ở cự ly gần.
Thư chụp hình cùng cua xe tăng (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Cua xe tăng có kích thước "khủng", chuyên kiếm ăn về đêm và có khả năng tự vệ kì lạ. Tuy sở hữu cái tên "hầm hố" nhưng sinh vật này có tính cách khá hiền lành (Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư).
Bên cạnh đó, Thư cũng được tham gia hoạt động lặn ngắm san hô ở bãi san hô được bảo tồn đẹp bật nhất Việt Nam, trải nghiệm chèo thuyền thúng và thưởng thức hải sản tươi ngon tại chỗ,...
Khách du lịch tới đây nên chuẩn bị áo phao, thuê kính lặn (có thể thuê tại Trung tâm Vườn quốc gia khi xin giấy phép), thuốc chống muỗi và chống côn trùng để nghỉ ngơi qua đêm trên hòn Bảy Cạnh. Đồng thời, cần có hướng dẫn viên của Vườn quốc gia hoặc người địa phương đi cùng nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Giấc mơ Bản Bung Nằm cách thị trấn Na Hang khoảng 7km, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) nằm giữa những cánh rừng già nguyên sinh đang được bảo vệ nghiêm ngặt, khí hậu trong lành, mát mẻ. Người dân địa phương có những nét văn hóa đặc sắc đang là tiềm năng lớn cần được khơi dậy để Bản Bung phát triển du lịch...