Du lịch Phan Dũng, cung đường xanh
Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi tiếp tục hành trình về với chiến khu xưa nơi núi rừng Phan Dũng.
Qua các địa danh, cảnh sắc núi rừng đã cho chúng tôi một cảm giác thật hoang dã, tự nhiên. Những cánh rừng 1 thời che bộ đội, ngăn quân thù nay đã có diện mạo mới và có thể trở thành 1 cung đường xanh khi khai thác du lịch.
Rời hồ thủy lợi Phan Dũng, cùng dòng Tà Uông hiền hòa, men theo con đường cấp phối sỏi đó chúng tôi hướng đến địa danh có tên là Phùm. Phùm, theo tiếng dân tộc Rắc Lây nghĩa là cánh đồng lớn. Trong kháng chiến, đây là nơi tăng gia sản xuất như lúa và lương thực các loại cho bộ đội. Hiện Phùm có rất nhiều rẫy của bà con dân tộc Phan Dũng và có cả người Kinh từ Liên Hương, Phong Phú lên sản xuất. Họ trồng chủ yếu là các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như đậu, bắp, lúa, mè. Đất đai ở đây khá tốt với nguồn nước quanh năm nên nhìn đâu cũng thấy 1 màu xanh biếc. Tuy nằm sâu trong rừng núi nhưng đất đai ở đây bằng phẳng giống như 1 lòng chảo mà xung quanh bao bọc bởi núi non. Cảnh sắc bình yên khiến con người ta càng gần gũi với thiên nhiên.
Rừng Phan Dũng nhìn từ trên cao.
Chia tay Phùm, chúng tôi hướng đến 1 địa danh khác của xã Phan Dũng có tên Tân Lê. Nếu như Phùm là nơi sản xuất lương thực thì Tân Lê chính là nơi đóng quân của quân dân huyện Tuy Phong ngày đó. Vượt qua những con dốc khá cao, chúng tôi đến nơi sau gần 2 giờ đi bộ. Trước mắt chúng tôi là suối Tân Lê đang lượn lờ qua những gốc cây to. Khung cảnh khá đẹp với những thác nhỏ đan xen cùng những ghềnh đá nhấp nhô và nước trong veo. Rừng ở đây đẹp và có nhiều loại gỗ quý như loại cây căm liên, cà chí, căm xe, sao, gõ, giáng hương… Chúng mọc rất đều và trạc cỡ như nhau với đường kính từ 20 đến 30 cm và càng đi sâu vào thì những cây gỗ to xuất hiện càng nhiều. Vì được bảo vệ nghiêm ngặt nên ở đây còn khá nhiều lan rừng đang khoe sắc.
Rời Tân Lê trên con đường cấp phối được thi công vào năm 2014, chúng tôi hướng đến ngọn thác Yaly nằm trên khe núi Tà Hoàng. Đã tàn xuân nhưng núi rừng Phan Dũng vẫn còn sự lãng mạn trong sắc màu của mùa lá và hoa. Chừng 30 phút, chúng tôi đến 1 danh có tên Tằng Thú. Đây là nơi có đất đai khá phì nhiêu, bằng phẳng được bao bọc bởi những dãy núi nhấp nhô. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trong sự hùng vĩ của núi rừng và 1 chút lãng mạn của cỏ hoa. Tằng Thú là 1 vùng đất cổ xưa, là nơi sinh sống của đồng bào Phan Dũng trước và trong kháng chiến. Ngày đó đồng bào Phan Dũng sống tập trung ở đây kéo dài lên tới Tà Hoàng. Qua khỏi Tằng Thú, chúng tôi lạc vào 1 cánh rừng bằng lăng tuyệt đẹp. Những cây bằng lăng gỗ có thân trắng phau mọc đều, thẳng tắp, không xen lẫn. Buổi trưa, những tia nắng xuyên qua kẽ lá chiếu sáng những chùm hoa tim tím thật đẹp bình yên và thơ mộng. Cảnh vật thật mê đắm lòng người.
Video đang HOT
Qua khỏi rừng bằng lăng, chúng tôi đến căn cứ Tà Hoàng. Bên cạnh là căn cứ địa cách mạng thì Tà Hoàng còn là 1 vùng đất khá đặc biệt. Đến đây chúng ta sẽ thấy những thửa ruộng theo kiểu cổ xưa, những ngôi nhà sàn lấp ló trong núi. Tà Hoàng ngày xưa là vùng đất xưa của đồng bào Phan Dũng bây giờ, khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước thuyết phục đồng bao xuống núi đến khu vực bằng phẳng, dễ đi lại và phát triển cuộc sống dễ dàng hơn. Cho đến bây giờ, Tà Hoàng vẫn là hồn quê hương, là nơi để đồng bào đi về khi nhớ đến ông bà tổ tiên.
Qua những dãy ruộng cổ xưa mang tính đặc trưng của đồng bào Rắc Lây chúng tôi đến được suối Tà Hoàng. Đây chính là hạ lưu của thác Yaly mà chúng tôi đang hướng đến. Từ xa, chúng tôi đã nghe được thiếng thác đổ vang cả 1 góc rừng. Men theo con suối Tà Hoàng khá nhiều đá và được che mát bởi những bóng cây cổ thụ, chúng tôi đã đến được thác trong niềm hân hoan, vui sướng.
Thác Yaly khá đẹp, được đổ xuống từ độ cao hơn 100m tung bọt trắng xóa. Dưới chân thác là 1 hồ nước rộng chừng 100 m2, sâu chừng hơn 1m, nước trong vắt có thể nhìn tận đáy.
Không thể so sánh những ngọn thác ở Bình Thuận ngọn nào đẹp hơn vì mỗi ngọn thác có 1 vẻ đẹp riêng. Có ngọn thác đẹp với sự hùng vĩ của núi rừng nhưng cũng có ngọn thác đẹp theo vẻ yểu điệu hoang dã miền sơn cước. Với chúng tôi, thác Yaly cứ như 1 nàng thơ dịu dàng nơi núi rừng Phan Dũng. Mùa này thác ít nước nên khi nắng lên cao, dòng thác xuyên qua những tia nắng chiếu lấp lánh rất nên thơ, hữu tình. Trời xanh, mây trắng, quanh ngọn thác là những tán cây rừng luôn nở hoa theo mùa với hương thơm ngào ngạt gọi mời cho những đàn bướm lượn lờ đa sắc. Có đến thưởng ngoạn và hòa mình vào thiên nhiên nơi này, chúng ta mới cảm nhận hết được vẻ đẹp, chất thơ của 1 vùng núi rừng đầy cảm xúc như ở thác Yaly.
Có thể nói rằng, đến với núi rừng Phan Dũng là đến với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng đầy ắp những cung bậc cảm xúc. Từ niềm hự hào của căn cứ địa cách mạng với các địa danh Phùm, Tân Lê, vùng đất cổ xưa Tằng Thú hay cố hương Tà Hoàng của đồng bào Phan Dũng đều cho chúng ta những cảm xúc riêng biệt và thú vị.
Thời gian gần đây, du lịch trekking đang trở thành xu hướng thì cung đường La Bá – Phan Dũng – Tà Năng sẽ là con đường hoa đầy màu xanh cho du lịch Bình Thuận.
Trekking là hoạt động đi bộ đường dài trên những địa hình phức tạp để khám phá thiên nhiên hoang dã kết hợp với du lịch dã ngoại, du lịch thể thao mạo hiểm, cắm trại trong rừng… bị hạn chế về cơ sở vật chất hay nhu cầu cần thiết. Vì thế, khám phá núi rừng Phan Dũng sẽ là 1 trải nghiệm thú vị và đầy mạo hiểm nhưng cũng đầy chất thơ cho 1 cuộc hành trình.
Bịn rịn mùa vàng Moskva
Tôi khẽ dẫm lên lớp băng mỏng tanh trên mặt vũng nước đọng lại sau cơn mưa sáng nay. Có tiếng tách như gương vỡ.
Nước tràn lên vết nứt. Chiếc lá vàng dưới đáy khẽ động mình.
Trời thu Moskva dần về những ngày cuối, đỏng đảnh. Mây chuyển nhanh. Có hôm nắng từ sáng đến chiều. Hôm thì xầm xì đến tối, xám lạnh. Có hôm trời từ 14 độ C xuống còn 6-7 độ C trong có vài tiếng. Cả hôm mưa, nước dồn những chiếc lá thông vàng cộm thành từng vệt trên đường, trông loang lổ như sóng cát trên sa mạc.
Có hôm đêm về, trời xuống 0 độ C. Lớp băng mỏng tanh phủ trên những vũng nước mưa bên đường, như muốn hóa thạch những chiếc lá vàng còn chưa kịp chuyển màu nâu thẫm. Lạnh, nhưng không khí dễ chịu, trong lành. Không gian tĩnh mịch, nghe rõ cả tiếng kim đồng hồ nhúc nhích trên những cột đèn.
Những người vì lý do nào đó, chưa kịp ngắm mùa thu Nga vào độ đẹp nhất, có thể vớt vát chút ngày ấm áp vào cuối tháng 10, trước khi thu muộn hẳn. Có những loại phong lá nhỏ, đến nửa cuối mùa thu mới bắt đầu vàng lá, như loại phong đường. Cây cao dễ phải đến 20m, bóng rộng. Còn có giống sồi, như chúng tôi thường gọi là sồi lai phong, lá có cạnh nhọn, đỏ thẫm màu rượu vang.
Khi lá rụng gần hết, chỉ còn đôi chút trụ lại trên ngọn cây, chúng đón cái nắng chiều vàng lấp ló. Khung cảnh dễ làm say lòng người. Ngắm một cây lá vàng sót lại trong thành phố, cũng vui như tận hưởng một cánh rừng vàng mượt hôm nào.
Thu về cuối, không chiều lòng người bằng những gam màu rực rỡ. Nhưng điểm nhấn cuối thu là những loại quả mọng đỏ, trơ trọi trên cây trụi lá. Loại từng chùm thì là Ryabina, mà không ít người Việt vẫn quen gọi Thùy dương, biểu tượng của hạnh phúc, bình an và cuộc sống tốt đẹp. Thời xưa, Nga cấm chặt Ryabina làm củi, cũng như quan niệm bẻ cành dễ mang lại xui xẻo. Đôi vợ chồng mới cưới nên trồng Thùy dương gần nhà, còn cặp nào hay cãi vã thì nên ngồi lại với nhau dưới gốc cây.
Những quả mọng đỏ tạo điểm nhấn
Rất dễ nhầm Thùy dương với Kalina, hay nhiều người gọi là Kim ngân. Nhưng ngược lại, dễ nhận biết hơn cả là táo thiên đường, từng cành chằng chịt quả đỏ. Trên nền vàng dần nhường chỗ cho tông màu nâu xám, những loại quả nhỏ bỗng nổi bật, như những cô gái mặc chiếc váy đỏ xinh xắn.
Vị thu dần về cuối cũng đặc trưng hơn. Mùi của những thảm lá trên nền đất ẩm ướt. Là mùi gỗ, mùi thực vật, mùi nấm, nhưng không phải mùi ẩm mốc. Mùi của những táo, lê rụng chín trên những thảm cỏ còn xanh. Là mùi tiễn mùa hè, mùi của những cánh chim bay về phương nam. Hay mùi của tuyết đầu mùa chóng tan, của mưa lạnh. Mùi của khăn ấm. Của mặt trời ló dạng nhưng uể oải, không gay gắt, không buồn sưởi ấm trần gian.
Những ngày cuối thu bịn rịn lắm. Như là thế giới treo lơ lửng trên một ranh giới mỏng manh giữa hai mùa. Không còn thu vàng, nhưng cũng chưa phải mùa đông tuyết trắng. Mùa đông rất gần, rất gần rồi, nhưng trước khi tuyết rơi, mùa thu vẫn là chủ đạo nơi đây. Trong góc tủ, mẹ đã chuẩn bị hết áo ấm, mũ len...
Chốn thiền tịnh đẹp như tranh Huế có một nơi mà lần nào đến tôi cũng thở phào nhẹ nhõm bởi sau bao năm, chốn này vẫn chưa bị làn sóng khách du lịch làm ảnh hưởng. Đó là thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên xây dựng ở miền Trung,...