Du lịch nông thôn mang lại nguồn thu “khủng”, năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn
Từ khi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ ( Hà Giang) mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, lưu trú.
Năm 2021, doanh thu từ làm du lịch của thôn trên 1,2 tỷ đồng.
Thu tiền tỷ từ làm du lịch cộng đồng
Ông Lý Tà Đành, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nặm Đăm cho biết, từ năm 2012, được các cấp, ngành trong tỉnh Hà Giang tập trung nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn người dân ở trong thôn xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Qua gần 10 năm hình thành và hoạt động, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Toàn thôn Nặm Đăm có 60 hộ, 288 khẩu đều là người dân tộc Dao. Trong đó, đã có 26 hộ gia đình đủ điều kiện làm dịch vụ lưu trú homestay phục vụ trên 300 khách du lịch/ngày đến ăn, nghỉ, khám phá phong cảnh, đời sống sản xuất, đời sống văn hóa, những món ăn truyền thống của người Dao.
Du khách nước ngoài chụp bức hình kỷ niệm ở Homestay của gia đình ông Lý Quốc Thắng (bên trái, ngoài cùng) tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc
Gia đình ông Lý Quốc Thắng làm homestay từ năm 2013 – là một trong những hộ đầu tiên ở Nặm Đăm. Để làm du lịch, ông đã giữ gần như nguyên vẹn ngôi nhà mình đang ở theo kiến trúc truyền thống của người Dao.
Ngôi nhà có 2 tầng, được xây dựng bởi bí quyết trình tường đất, sàn lát gỗ, tầng trên ngăn ra làm 8 buồng cho khách ở. Phần mái nhà được lợp bằng lá cọ, mùa hè rất mát, mùa đông rất ấm áp.
“Số lượng khách du lịch đến thôn Nặm Đăm tăng nhanh theo từng năm, khoảng thời gian khách đến đông nhất vào tháng 10 – 11, mùa hoa tam giác mạch. Khách ở nhà tôi thường là khách Tây, các đoàn khách trong nước cũng có nhưng ít hơn” – ông Thắng nói.
Video đang HOT
Ông Thắng cho biết, với 220.000 đồng/người là có thể ở 1 đêm và 2 bữa ăn tối, ăn sáng. Nấu ăn cho khách, gia đình ông thường làm các món ăn đặc sản của địa phương, hái rau, củ, quả ở trong vườn nhà, như: quả bí non, thịt nướng, nem rán, đậu phụ, canh đậu xương… Bữa sáng thì làm bánh kép, bánh chuối và hoa quả theo mùa.
Bí thư Chi bộ thôn Nặm Đăm chia sẻ, từ khi làm du lịch cộng đồng, thôn người Dao Nặm Đăm mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, lưu trú. Năm 2021, doanh thu từ làm du lịch của Năm Đăm trên 1,2 tỷ đồng.
Du khách nước ngoài thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào Dao khi trải nghiệm du lịch cộng đồng ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc
Ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, gia đình ông Trần Văn Liền cũng đã thành công với mô hình du lịch sinh thái miệt vườn. Trên tổng diện tích 2,5ha, ông đã trồng cây ăn quả kết hợp với mô hình làm du lịch sinh thái miệt vườn từ năm 2013 đến nay.
Ông Liền cho biết, vườn cây ăn trái của ông mỗi năm đón tiếp khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Phần đông du khách đến đây là người nước ngoài đến, khách từ ngoài Bắc vào, sau mới đến lượng khách từ TP.HCM tìm về thôn dã.
Hiện mô hình của ông đang giải quyết công ăn việc làm cho 20 lao động ngay tại địa phương với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Năm 2025, mỗi tỉnh, TP có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn
Thực tế cho thấy, hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn của Việt Nam với việc tận dụng lợi thế về tự nhiên, cũng như đặc sản của mỗi vùng miền các HTX, hộ dân đã chuyển sang mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đứng trước những giá trị từ du lịch nông thôn đem lại, cũng như phát huy hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản phẩm du lịch, vừa góp phần tiêu thụ và gia tăng giá trị hàng nông sản, ngày 31/3/2022, Bộ NNPTNT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ, thực trạng phát triển du lịch nông thôn của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình du lịch homestay ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) năm 2021. Ảnh: Thúy Phượng
Thứ trưởng Nam cho rằng, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Theo đó, mục tiêu của Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; ít nhất 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận xếp hạng hoặc công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tạo bước phát triển gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới
Một điểm mới của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025 là thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Đây là cơ sở pháp lý các địa phương tạo nguồn động lực mới, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương
Cách đây hơn 10 năm, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã định hướng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới với việc xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đặc biệt là củng cố và phát triển các làng nghề sinh vật cảnh... Đến năm 2018, Hồng Vân đã được Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp thành phố. Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân, Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi năm, xã đón khoảng 70.000 du khách tới tham quan, trải nghiệm; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.
Hạ tầng nông thôn mới tại huyện Đan Phượng, Hà Nội được đầu tư, nâng cấp trong thời gian gần đây.
Còn ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Du lịch nông nghiệp được định hình sản phẩm thường xuyên để thu hút khách. Với cuộc sống đô thị chật hẹp, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn... thì việc đến vùng ngoại thành Ba Vì chỉ sau một giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy để được trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị đang trở thành lựa chọn của nhiều gia đình. Một trong những địa chỉ tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp được du khách thủ đô quan tâm như: Trang Trại Đồng Quê (Bavi Homestead), Hợp tác xã cổ phần nông trại xanh, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì xã Vân Hòa; Gia Trịnh ecofarm, Nông trang vui vẻ xã Yên Bài... Đến đây, du khách sẽ được tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành cũng như có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam như: cấy lúa, bắt cá cua ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn.
Có thể thấy, du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới cũng là lợi thế đối với nhiều làng quê của Hà Nội. Thành phố đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì); Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn)... Hà Nội còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức); nghề mây, tre, giang đan ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ)... có nhiều lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá, du lịch nông thôn tạo cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như: Thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy do chưa có chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể từ trung ương nên việc triển khai ở các địa phương vẫn mạnh ai người đó làm.
Xây dựng tiêu chí dể đầu tư
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới để triển khai rộng rãi trên cả nước, trong đó chú trọng phát triển các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn nêu rõ mục tiêu chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn, phấn đấu: Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm đến và 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; đồng thời, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên được kết nối bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm đến được áp dụng thương mại điện tử; 70% lực lượng lao động du lịch nông thôn được tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch... Nguồn vốn được lấy từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Chương trình phát triển du lịch nông thôn là khung pháp lý quan trọng để hỗ trợ các địa phương khai thác, phát huy tiềm năng du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với khu vực nông thôn Hà Nội có thị trường du lịch rộng lớn.
Thành phố Hà Nội phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
ADVERTISING
Từ thực tiễn phát triển, ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết: Hồng Vân đang khai thác du lịch từ các nhà vườn sinh vật cảnh, các trang trại, vườn trại... Tuy nhiên, do đặc thù đất sản xuất nông nghiệp nên các chủ vườn không được phép xây dựng hạ tầng. Xã đề xuất cơ quan chức năng cho phép mỗi nhà vườn chuyển đổi từ 200-300m2 đất để xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du khách nghỉ ngơi, ăn uống... Ngoài ra, xã Hồng Vân cũng mong được thành phố và huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng điện, viễn thông, giao thông đồng bộ và tập huấn cho người dân về nghiệp vụ du lịch...
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Crystal Holidays cho biết: Xây dựng nông thôn mới có lợi thế về hạ tầng giao thông tương đối tốt, môi trường xanh, sạch... Tuy nhiên, nếu đã xác định gắn với du lịch thì khi triển khai tránh tình trạng bê tông hóa và rập khuôn. Điểm đáng lưu ý là khai thác các giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch.
"Trong thời gian qua, nhu cầu đi du lịch thay đổi khi có nhiều nhóm bạn, gia đình tự đi, nhất là tới các điểm có homestay, cơ sở nghỉ dưỡng. Nhìn từ góc độ làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh thái, cộng đồng... thì Hà Nội có đầy đủ tiềm năng và có sẵn thị trường nguồn khách ở nội đô. Vấn đề hiện nay là sự hợp tác giữa đơn vị làm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ tại địa phương, sự tham gia của chính quyền để gắn kết tạo thành sản phẩm thu hút khách. Hà Nội có lợi thế khai thác các điểm du lịch xanh, làng nghề, nhà cổ. Trước chúng tôi đã thực hiện du lịch trải nghiệm làng Đông Ngạc và được khách nước ngoài đánh giá cao. Quan trọng là có sự hợp tác của người dân, tạo dịch vụ", ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Liên quan đến du lịch gắn với chương trình nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết: Trước đây, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã là sản phẩm hấp dẫn với du khách. Tuy nhiên việc phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Vụ Lữ hành đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch hệ thống loại hình du lịch này trong năm 2022 một cách bài bản, đồng bộ; đồng thời hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn.
Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng Ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển ngành nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 đã có bước phát triển...