Du lịch nông nghiệp ĐBSCL: Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên
Nhiều chuyên gia về du lịch và lãnh đạo các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, trong phát triển du lịch nông nghiệp, vai trò của người nông dân rất quan trọng. Sự hỗ trợ qua lại giữa hướng dẫn viên và nông dân, hộ gia đình sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng để níu chân du khách.
Số lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh
Sáng nay (1.10), tại tỉnh An Giang, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo NTNN/Dân Việt tổ chức hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL.
Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, đến năm 2016, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã hoàn thành việc ký kết các chương trình hợp tác, liên kết du lịch, diện mạo du lịch toàn vùng từng bước khởi sắc. Năm 2016, vùng ĐBSCL đã đón tiếp hơn 28 triệu khách, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Trong đó có gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 5 lần so với năm 2008. Đến năm 2017, toàn vùng đã thu hút trên 33 triệu lượt khách.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chúc Ly
Theo tổ chức du lịch thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017, đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách nước ngoài, đây cũng là cơ hội để ĐBSCL thu hút khách đến trong tương lai.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn và là một trong 7 vùng du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Nơi đây còn là “vựa lúa”, “vựa tôm” lớn, có cảnh quan sông nước hiền hoà, người dân thân thiện và mến khách. Riêng An Giang là vùng đất đầu nguồn vùng ĐBSCL, có các yếu tố tự nhiên, đa dạng, phù sa màu mỡ.
Theo ông Bình, trong những năm qua, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển, trong đó có ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp.
Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên đặc biệt
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định, trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp của vùng ĐBSCL chưa được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng và đứng trước nhiều thách thức để hướng đến việc phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, mỗi nông dân sẽ là một hướng dẫn viên đặc biệt trong du lịch nông nghiệp. Ảnh: Huỳnh Xây
Video đang HOT
Trong khi đó, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là việc đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực phù hợp để phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh các nông dân, hộ gia đình sẽ trở thành hướng dẫn viên, sự hỗ tương qua lại giữa 2 bộ phận này sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng để níu chân du khách.
Theo đó, đội ngũ hướng dẫn viên sẽ truyền đạt kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch đến với những người nông dân làm du lịch. Ngược lại, người nông dân sẽ chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của nhà nông đến với người hướng dẫn viên để mỗi nông dân làm du lịch nông nghiệp là một hướng dẫn viên đặc biệt.
Thạc sĩ Phan Đình Huê chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Chúc Ly
Thạc sĩ Phan Đình Huê – chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL cho rằng, khách di tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình hoặc bạn bè. Họ chỉ đi tour bằng xe lớn khi dịch vụ tại điểm đến dành cho nhóm nhỏ, chia ra nhiều hộ gia đình hoặc trang trại khác nhau.
“Bên cạnh đó, khách dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động, hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh. Vì vậy sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt với việc chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến thành nhà nông – kiêm hướng dẫn viên tại điểm với dịch vụ riêng biệt cho từng nhóm nhỏ”, ông Huê nêu ý kiến.
Theo Danviet
An Giang: Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất mùa nước nổi
Hàng năm, vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư ở An Giang lại bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn, thu hút du khách đến đây ngày càng đông.
An Giang là một tỉnh nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi có nhiều điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn với những sản phẩm đặc trưng riêng biệt, trong đó có điểm du lịch rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Đây cũng là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây.
Khách nước ngoài tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi 2018.
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.
Đến đây, du khách sẽ được di chuyển bằng xuồng máy, lướt trên mặt bèo, tận hưởng cảnh thiên nhiên hoang sơ bao la, với nhiều loại động, thực vật hoang dã (11 loài thú, 70 loài chim, 22 loài bò sát, 23 loài cá và có đến 140 loài thực vật).
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Đặc biệt, tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách sẽ thích thú hơn khi khu rừng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. "Những ngày thường, mực nước trung bình nơi đây là 1m nhưng vào mùa nước nổi này, mực nước lên tới 3m. Lên xuồng đi vào rừng giống như đi thám hiểm. Hơn nữa, khu du lịch này còn bán các món ăn đặc sản mùa nước nổi rất tươi ngon, khó có nơi nào sánh được", ông Lê Văn Hóa, một người dân tham quan rừng tràm Trà Sư, nói.
Du khách được di chuyển bằng xuồng máy, lướt trên mặt bèo, tận hưởng cảnh thiên nhiên hoang sơ bao la.
Vào mùa nước nổi, bông điên điểm, cá linh xuất hiện nhiều.
Cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10km, rừng tràm Trà Sư nằm trong tuyến du lịch liên hoàn: Núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp và khu thương mại Cửa khẩu Quốc tế huyện Tịnh Biên nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, nhất là du khách quốc tế.
Hàng cây tràm trong khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây.
Xác định tiềm năng du lịch nông nghiệp tại rừng tràm Trà Sư, những năm qua, ngành du lịch An Giang đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như: đường vào rừng tràm, bãi đậu xe cho khách tham quan, in ấn các tờ rơi giới thiệu về du lịch rừng tràm. Đặc biệt, năm 2018, ngành chức năng tỉnh An Giang đã cho một doanh nghiệp thuê khai thác trong thời hạn 20 năm.
Khách du lịch trong nước thích thú khi tham quan rừng tràm Trà Sư.
Việc cho doanh nghiệp thuê nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tại đây, đồng thời góp phần phát huy giá trị kinh tế rừng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và nâng cao ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư. Đây là bước phát triển mới, tạo điều kiện để rừng tràm Trà Sư trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa hoạt động du lịch của tỉnh An Giang trong thời gian tới.
Đài quan sát toàn cảnh rừng tràm Trà Sư.
Khu vực đi vào đài quan sát.
Theo quy hoạch phát triển du lịch tại rừng tràm Trà Sư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, tới đây, rừng tràm này sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như bơi thuyền kayak khám phá rừng tràm theo sơ đồ tuyến, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi và thu hoạch mật ong dưới tán rừng, tham quan và mua sắm tại khu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tràm, tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng, trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu cắm trại...
Ngày mai (1.10), Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018. Đến dự hội thảo sẽ có khoảng 180 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, đại diện UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch cùng các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ĐBSCL.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp ĐBSCL.
Hội thảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, là nơi giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo,...
Theo danviet.vn
Trốn khói bụi Sài Gòn, xuống Tri Tôn một lần bạn sẽ biết thế nào là tự tại giữa thiên nhiên trong lành Nếu nghĩ chỉ Đà Lạt mới có phong cảnh hữu tình, không khí mát trong thì bạn đã nhầm to. Chỉ cần phượt Tri Tôn (An Giang) một chuyến thôi, bạn sẽ biết thế nào là thanh bình, hòa mình với thiên nhiên, không khói bụi. So với nhiều tỉnh miền Tây khác thì An Giang có địa hình khá lạ khi không...