Du lịch mùa hoa – Nét riêng làm nên thương hiệu
Trong những năm gần đây, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã tận dụng, khai thác các thế mạnh về lễ hội văn hoá, về cảnh sắc thiên nhiên để phát triển du lịch.
Cùng với đó, du lịch mùa hoa đang trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn hành trình của nhiều du khách.
Hoa mận Bắc Hà đang trở thành lợi thế giúp người dân làm kinh tế (Ảnh tư liệu)
Tưng bừng khoe sắc
Vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, giữa tiết xuân ấm áp, ngược ngàn lên Tây Bắc đến vùng đất anh hùng Điện Biên, sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ đá núi của loài hoa ban. Hoa ban đã đi vào đời sống tinh thần, gắn bó với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và trở thành tài sản chung của Nhân dân Điện Biên.
Đặc biệt, từ năm 2014, thứ tài sản đó, đã và đang giúp cho Điện Biên từng ngày phát triển kinh tế nhờ tỉnh đưa việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban thành hoạt động thường niên để kích cầu du lịch.
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên năm 2020 (thời điểm tạm dừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2020 do dịch Covid-19), vẫn có khoảng 351.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 16.800 lượt đến du lịch tỉnh Điện Biên, cho thấy sức hút từ du lịch mùa hoa.
Những năm gần đây vùng cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi bản sắc văn hóa vùng cao, đặc sắc của chợ phiên, mà còn đem lại những trải nghiệm mới. Đó là những mùa hoa, mùa quả đặc trưng của nông nghiệp tiểu vùng khí hậu ôn đới.
Ba năm nay, xã Tả Van Chư đã trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch mùa hoa của Bắc Hà. Là một trong những gia đình có vườn hoa đẹp ở Tả Van Chư, chị Giàng Thị Say, cho biết: Trước đây, chưa có nhiều du khách đến, nguồn thu nhập chính của người dân là từ những mùa thu hoạch mận quả. Nhưng gần đây, khách du lịch đến nhiều vào thời điểm mỗi mùa hoa nở rộ, nên gia đình có thêm nguồn thu nhập từ việc cho thuê trang phục của đồng bào Mông để du khách chụp ảnh.” Do vậy, hằng năm, gia đình đã đầu tư trồng thêm nhiều hơn. Hiện tại, vườn mận của gia đình tôi có hơn 200 gốc mận cho hoa, quả mỗi mùa”.
Trở về vùng Đông Bắc, ở mảnh đất Bình Liêu (Quảng Ninh), từ bao đời nay, cây hoa sở là loại cây bản địa trên dải đất biên cương gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Bình Liêu. Hiện nay, loài hoa này đang mang lại thu nhập cho người dân sở tại.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2015, và được huyện Bình Liêu duy trì trở thành sự kiện thường niên, Hội Hoa Sở đang từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Khai thác giá trị từ những sắc hoa
Những loài hoa là món quà thiên nhiên ban tặng, nhưng để phát huy được giá trị của nó thì lại phụ thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương.
Tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa ban năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nêu rõ: Lễ hội Hoa ban là cơ hội để Điện Biên tăng cường mở rộng kết nối, giao lưu với các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp để cùng liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Sự lan tỏa của lễ hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo mục tiêu Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; đặc biệt Lễ hội góp phần cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 33, hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Còn tại tỉnh Lào Cai, với xu hướng thu hút khách du lịch dựa vào các mùa hoa như hiện tại, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định: “Trong định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai luôn xác định loại hình du lịch mùa hoa cũng là một thế mạnh mang lại lợi ích “kép” trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích các địa phương xây dựng kịch bản để phát triển mạnh loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, dựa trên tiềm năng, lợi thế nông nghiệp mang nét đặc trưng”.
Cùng với hoa ban Điện Biên, hay hoa mận Bắc Hà (Lào Cai) thì các mùa hoa khác như hoa sở Bình Liêu (Quảng Ninh) hay hoa tam giác mạch Hà Giang… cũng đang từng ngày đua nở để làm đẹp hơn cho cảnh sắc vùng cao.
Video đang HOT
Và hơn cả từ những bông hoa bé nhỏ, lại góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho mảnh đất nó đang sinh sôi, đem lại no ấm cho nhiều gia đình.
Chinh phục ngọn núi cao hơn 3.000m, săn mùa hoa đỗ quyên đẹp nhất Lai Châu
Tháng 3, mùa hoa đỗ quyên trên đỉnh Putaleng nở rộ với sắc hồng, cam nổi bật. Nhiều du khách không ngại đường xa tới đây chiêm ngưỡng loài hoa này và chia sẻ loạt ảnh đẹp trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Những ngày này, trên nhiều diễn đàn mạng về du lịch, loạt bộ ảnh check-in với mùa hoa đỗ quyên trên đỉnh Putaleng được du khách chia sẻ rầm rộ, thu hút đông đảo sự chú ý bởi khung cảnh ấn tượng, đẹp như tranh ở độ cao hơn 3.000m.
Ở Việt Nam, hoa đỗ quyên xuất hiện nhiều ở một số tỉnh như Hà Giang, Yên Bái,... Tuy nhiên, giới mê xê dịch thường tìm tới Lai Châu để chiêm ngưỡng loài hoa độc đáo này bởi nơi đây được mệnh danh là "thủ phủ" hoa đỗ quyên của Tây Bắc.
Trong đó, đỉnh Putaleng (thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) là điểm "săn" hoa đỗ quyên được yêu thích nhất, thu hút hàng trăm du khách đến đây leo núi và check-in khi vào mùa.
Hoa đỗ quyên nở rộ trên đỉnh Putaleng. Trong nhiều năm trở lại đây, năm nay được nhận xét là mùa hoa nở nhiều và đẹp nhất (Ảnh: Dreamer Trekking)
Putaleng là đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam (3.049m), sau hai đỉnh cao nhất là Fansipan (3.143m) và Pusilung (3.089m). Mặc dù hành trình chinh phục đỉnh Putaleng không dễ dàng (với tổng quãng đường leo khoảng 35km) nhưng nơi đây vẫn hút khách tới trải nghiệm nhờ cảnh quan đẹp, hoang sơ.
Đặc biệt, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, điểm đến này càng hấp dẫn du khách bởi đây là thời điểm hoa đỗ quyên nở rộ, tỏa sắc hồng hồng, cam cam sáng rực cả một vùng.
Chị Phàn Thị Tẳng, một người phụ nữ Dao ở Lai Châu, có 7 năm kinh nghiệm dẫn đường đưa khách chinh phục Putaleng chia sẻ kinh nghiệm: Mỗi mùa đỉnh Putaleng mang vẻ đẹp khác nhau. Nếu du khách thích ngắm dòng suối vắt ngang núi mùa đẹp nhất, có thể chọn tới trekking vào tháng 9, tháng 10.
Những bông hoa đỗ quyên nở thành chùm, nổi bật với sắc hồng, cam xen lẫn nhau (Ảnh: Nguyễn Hoàng Yến)
Trong khi đó, thời điểm ngắm hoa đỗ quyên đẹp nhất là từ tháng 2 tới đầu tháng 4. Những ngày tháng 3 hoa thường nở rộ, đều, thời tiết khô ráo, mát mẻ. Tháng 5 đến tháng 8 là mùa mưa, nắng hè gay gắt nên du khách hạn chế leo đỉnh Putaleng.
"Theo quan sát của chúng tôi từ thời cha ông, cứ năm nay hoa được mùa, nở đẹp thì sang năm sẽ ít hoa hơn. Năm 2024 có thể nói là năm hoa nở đẹp nhất, hiếm thấy trong nhiều năm qua. Hiện tại hoa đang bắt đầu tàn nên thời điểm có thể ngắm chỉ kéo dài độ 2 tuần nữa", chị Tẳng cho biết.
Có 4 cung đường lên đỉnh Putaleng song theo nhiều du khách, hướng đi từ bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) là nơi bắt gặp rừng hoa đỗ quyên khoe sắc rực rỡ nhất.
Hành trình chinh phục đỉnh Putaleng thường kéo dài 3 ngày 2 đêm. Để leo tới đỉnh, du khách sẽ trải qua nhiều địa hình khác nhau như rừng nguyên sinh, ghềnh thác,...
Lượng khách chinh phục đỉnh Putaleng năm nay rất đông vì có mùa hoa đỗ quyên nở nhiều và rực rỡ nhất (Ảnh: Dreamer Trekking)
Từng ngắm hoa đỗ quyên tại một số đỉnh khác như Sa Mu, Tà Xùa nhưng năm nay, lần đầu leo đỉnh Putaleng, Kiều Tùng Lâm - du khách đến từ Hà Nội không khỏi thích thú và kinh ngạc.
"Mùa hoa đỗ quyên ở Putaleng khiến mình choáng ngợp hơn cả bởi nguyên một quả đồi gần như được phủ kín bởi màu sắc rực rỡ của loài hoa này. Ở các đỉnh khác, hoa đỗ quyên thường nở rải rác hơn chứ không tập trung nhiều một chỗ như đỉnh Putaleng.
Mình cũng nghe nói đây là năm hoa đỗ quyên "được mùa" hoa nhất trong 5 năm trở lại đây nên khung cảnh dịp này ở Putaleng thật sự rất ấn tượng, đẹp như trong tranh", Tùng Lâm nhận xét.
Hoa đỗ quyên trên đỉnh Putaleng gây ấn tượng với du khách cả về kích thước và số lượng. Mỗi nụ có thể nở ra khoảng 20 bông (1 chùm) và cả chùm đôi khi đạt kích cỡ to như bát tô (Ảnh: Dreamer Trekking)
Ở Putaleng, đồi hoa đỗ quyên đẹp nhất nằm trên đường giữa Sì Thâu Chải và Tả Lèng (gần lán Sì Thâu Chải ), cạnh đó có một đỉnh được cắm mốc là đỉnh Đỗ Quyên (2.619m). Đây là vị trí hoa nở dày và đẹp nhất. Từ đây, leo thêm một ngày nữa, du khách sẽ đến đỉnh Putaleng cao 3.049m.
Ngay khi nhận được thông tin năm nay là mùa hoa đỗ quyên nở đẹp nhất nên Nguyễn Hoàng Yến (ở Hà Nội) cũng lập tức sắp xếp lịch trình để tới đây chiêm ngưỡng.
Theo hướng dẫn từ porter (người khuân vác đồ), Yến di chuyển theo hướng từ Sì Thầu Chải lên và qua đỉnh Đỗ Quyên để check-in. "Cung này dốc và khó nhất trong các tuyến leo nhưng vẫn được nhiều du khách lựa chọn vì dọc đường, hoa đỗ quyên nở nhiều và đẹp", Yến nói.
Hoàng Yến check-in tại đỉnh Đỗ Quyên, chiêm ngưỡng mùa hoa cùng tên đẹp rực rỡ (Ảnh: Nguyễn Hoàng Yến)
Sắc hoa đỗ quyên nổi bật giữa núi rừng và nền trời xanh, khiến khung cảnh càng thêm lãng mạn, nên thơ (Ảnh: Nguyễn Hoàng Yến)
Cô gái trẻ cũng nhận xét, hoa đỗ quyên đẹp, có nhiều màu như màu trắng, vàng, hồng đậm, hồng phấn,... Lúc nở rộ nhất, hoa có màu đỏ hồng rồi nhạt dần thành hồng phấn. Khi hoa tàn sẽ ngả sang màu cam.
Để có những bức ảnh đẹp, độc đáo, bao trọn vẻ đẹp của hoa đỗ quyên, nhiều du khách chọn góc chụp từ trên cao bằng cách leo lên cây. Bởi đa phần các cây đỗ quyên đều là cây cổ thụ, cao từ 2-5m nên du khách thường chỉ có thể ngắm từ xa hoặc nhìn qua flycam.
Với một số cây, du khách có thể trèo lên để chụp ảnh theo hướng dẫn của porter hoặc HDV. Tuy nhiên, du khách cần chú ý quan sát và chủ động đảm bảo an toàn cho bản thân khi leo lên cây và chụp hình.
Theo Hoàng Yến, thời gian chụp ảnh với hoa đỗ quyên lý tưởng nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều tà, khi ánh nắng không quá gắt và đổ bóng. "Mọi người đi rừng nếu muốn có ảnh đẹp thì cầm chú ý cả màu sắc của trang phục, nên chọn màu rực rỡ như cam, vàng, đỏ, trắng....để nổi bật hơn trước khung cảnh thiên nhiên", nữ du khách chia sẻ.
Thời điểm lý tưởng để chụp ảnh đẹp với hoa đỗ quyên là vào lúc bình minh hay hoàng hôn (Ảnh: Nguyễn Hoàng Yến)
Anh Ngọc Chung, một hướng dẫn viên tại Hà Nội chuyên dẫn đoàn leo núi từ năm 2017 cho biết, năm nay lượng khách đăng kí chinh phục Putaleng tăng mạnh. Du khách thường tham gia lịch trình 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày hai đêm, tùy theo hướng đi.
Hướng đi ngắm đỗ quyên rực rỡ nhất là hướng Sì Thâu Chải. Tuy nhiên, hướng đi này dài và khó, nhiều dốc đứng, đòi hỏi khách có thể lực tốt, kỹ năng và sự kiên trì trong hành trình 3 ngày 2 đêm. Các hướng khác thường chỉ mất 2 ngày 1 đêm cho lịch trình.
Anh Chung chụp hình cho du khách, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ bên mùa hoa đỗ quyên đẹp nhất Lai Châu (Ảnh: Ngọc Chung)
Theo anh Chung, thời điểm vàng để ngắm đỗ quyên là khi bình minh vừa ló rạng sau màn sương sớm và lúc ánh hoàng hôn dần buông trên đỉnh núi. Du khách có thể đi lên đỉnh núi bằng một hướng và trở về bằng hướng khác để trải nghiệm.
Chi phí cho mỗi chuyến chinh phục đỉnh Putaleng mùa hoa đỗ quyên khoảng 1,7-3 triệu đồng, tùy theo nhu cầu của các đoàn. Du khách nên tìm hướng dẫn viên địa phương hoặc mua tour trọn gói để đảm bảo an toàn.
Khi trải nghiệm tại đây, du khách cần lưu ý giữ gìn cảnh quan, thu gom rác sau khi leo núi, không hút thuốc khi leo núi, không hái hoa bẻ cành..., đảm bảo "leo núi không mang đi gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân".
Vẻ đẹp vùng cao Nậm Nghiệp mùa hoa sơn tra Vài năm trở lại đây, cứ vào khoảng giữa tháng 3, hoa sơn tra (táo mèo) lại nở rộ nhuộm trắng tinh khôi những đồi núi, bản làng ở xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) và mời gọi bước chân du khách gần xa. Trong đó, bản Nậm Nghẹp (còn được gọi là Nậm Nghiệp) trở thành điểm đến hấp dẫn...