Du lịch miễn phí khi mua xe sang
Nếu bạn mua xe tại nhà máy, một số nhà sản xuất xe hơi châu Âu sẵn sàng thu xếp để bạn ở những khách sạn sang trọng, thăm quan địa điểm nổi tiếng và thậm chí cả chi phí máy bay hai chiều.
BMW
Nhà sản xuất xe sang lớn nhất châu Âu BMW sẽ giảm giá hoặc tặng bạn một chuyến đi miễn phí tới “lục địa già” nếu bạn chọn xe trực tiếp tại nhà máy. Không những vậy, bạn còn được giảm 7% giá bán xe.
Ngoài ra, khách hàng còn có cơ hội đi thăm bảo tàng nổi tiếng BMW Welt tại Munich, trải nghiệm cảm giác lái 2 tuần trên chiếc xe bạn chọn khắp châu Âu trước khi đưa xe lên tàu vận chuyển về nơi nhận một vài tuần sau đó.
Mercedes-Benz
Mercedes-Benz cũng dành những ưu đãi đặc biệt cho khách hàng: một đêm miễn phí tại một trong 14 khách sạn sang trọng cũng như toàn bộ chi phí taxi khi ở tại Stuttgart và giảm 7% giá xe. Tuy nhiên, bạn phải bỏ tiền để mua vé máy bay.
Bên cạnh đó, bạn cũng nhận được một chuyến thăm tới nhà máy và bảo tàng Mercedes-Benz, tham dự tất cả các chương trình nhà sản xuất đưa ra như trải nghiệm 2 tuần khắp châu Âu. Chi phí vận chuyển và bảo hiểm hàng hải cũng do hãng chịu trách nhiệm.
Audi
Video đang HOT
Khách hàng mua xe Audi sẽ có một đêm miễn phí tại một trong 3 khách sạn gần trụ sở Ingolstadt của Audi. Không những vậy, bạn cũng được thăm quan nhà máy và bảo tàng Audi cũng như trải nghiệm 2 tuần khắp châu Âu trước khi xe được vận chuyển.
Audi cũng sẽ giảm 5% giá bán xe cho khách hàng.
Không giống như các nhà sản xuất khác, Volvo “chơi trội” với việc tặng cả vé máy bay 2 chiều cùng một đêm ở khách sạn sang trọng tại trụ sở Gothenburg của Volvo.
Ngoài ra, mức giảm từ 2% đến 8% cũng được Volvo áp dụng.
Porsche
Thăm quan nhà máy Stuttgart nổi tiếng và bảo tàng Porsche là những ưu đãi mà nhà sản xuất xe thể thao nổi tiếng áp dụng. Ngoài ra, nếu sở hữu Cayenne SUV hay Panamera 4 cửa thì bạn còn có thể thăm nhà máy Leipzig, một bữa ăn hạng VIP, một đêm miễn phí tại khách sạn.
Giống như các nhà sản xuất xe hơi khác, Porsche cũng thực hiện chương trình chạy thử 2 tuần trên khắp châu Âu.
Theo CNN
Tương lai Volvo nếu về tay hãng xe Trung Quốc
Theo giám đốc Volvo tại Trung Quốc, thương vụ sáp nhập sắp tới với Geely sẽ không ảnh hưởng xấu mà thậm chí còn thúc đẩy hoạt động của mác xe sang Thụy Điển này tại Trung Quốc.
Volvo đã bán được 22.405 xe tại Trung Quốc trong năm 2009, tăng 77% so với năm 2008 (Ảnh: China Daily)
"Việc sáp nhập sẽ không làm thay đổi các kế hoạch của Volvo tại Trung Quốc, Thay vào đó, nó sẽ có tác dụng củng cố," ông Alexander Klose, CEO của Volvo Cars China, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuần trước.
Ông Klose cho rằng Volvo sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc bằng việc bơm thêm vốn đầu tư sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất.
Một mặt tích cực khác của việc sáp nhập đối với hãng xe sang Thụy Điển này là các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ ủng hộ Volvo vì họ đã chọn ô tô là ngành chiến lược cho nền kinh tế.
Theo ông Klose, Volvo sẽ giữ nguyên đường hướng hoạt động và phát triển sau khi sáp nhập, và Geely sẽ không hy sinh chất lượng xe Volvo cho những mục tiêu cắt giảm chi phí ngắn hạn.
Ông Klose cũng cho biết Geely có thể sẽ lập một công ty riêng ở Bắc Kinh để sở hữu thương hiệu Volvo độc lập khỏi Geely.
Hồi tháng 12/2009, Geely và Ford - tập đoàn mẹ của Volvo - đã công bố kế hoạch đi đến thỏa thuận cuối cùng về việc bán Volvo.
Ông Klose không tiết lộ chi tiết thỏa thuận này, nói rằng ông không tham gia vào quá trình đàm phán.
Volvo đạt doanh số 22.405 xe tại Trung Quốc trong năm 2009, tăng 77% so với năm 2008, khiến đây trở thành một trong những hãng xe sang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Năm 2009, dẫn đầu phân khúc này là Audi và BMW, với doanh số đạt gần 160.000 xe và hơn 90.000 xe tại Trung Quốc.
Mẫu S40 cỡ nhỏ và S80 cỡ lớn của Volvo hiện được sản xuất tại liên doanh của Ford với công ty ô tô Trường Anh (Chang'an) và Mazda ở Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ mang thêm một số xe nữa tới sản xuất tại Trung Quốc," ông Klose nói, nhưng không tiết lộ cụ thể.
Chiến lược dài hạn của Volvo là sản xuất xe tại Trung Quốc để tiêu thụ tại đây và xuất khẩu sang các nước khác.
Volvo cho biết trước mắt hãng sẽ nhập khẩu xe C30 và C70 vào Trung Quốc. Mẫu S60 chuẩn bị ra mắt tại Triển lãm ô tô Geneva vào tháng 3 tới có thể cũng sẽ được đưa vào tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc ngay trong năm nay.
Volvo hiện có 91 đại lý ủy quyền tại 78 thành phố của Trung Quốc.
Ông Klose cho rằng Trung Quốc có tiềm năng phát triển lớn ở phân khúc xe sang, nên Volvo muốn là một trong những hãng dẫn đầu thị trường.
Phân khúc xe sang hiện chỉ chiếm 3% thị phần ô tô Mỹ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ở các thị trường phát triển.
Trước đó, ông Li Shufu, người sáng lập kiêm chủ tịch Zhejiang Geely Holding Group, tập đoàn mẹ của hãng ô tô Geely, cho biết việc đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ trong thương vụ chuyển nhượng thương hiệu Volvo còn phức tạp hơn vấn đề giá cả. Ông cho rằng thương vụ mua Volvo sẽ hỗ trợ Geely trong quá trình phát triển ô tô sử dụng các loại năng lượng mới, và rằng Geely sẽ giúp Volvo giảm chi phí sản xuất và tăng thị phần tại Trung Quốc.
"Xe sử dụng năng lượng mới sẽ là tương lai của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Nhưng nếu chỉ dựa vào những đầu tư hiện nay cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì còn lâu nữa Trung Quốc mới theo kịp các nước phát triển," ông Li giải thích.
Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, phần nhiều do một loạt chính sách kích cầu xe mới của chính phủ Trung Quốc, khiến tiêu thụ ô tô tăng mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một khoảng cách công nghệ rất lớn giữa các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc với các tập đoàn lớn trên thế giới. Và đó là lý do các công ty Trung Quốc hướng ra nước ngoài để lĩnh hội công nghệ và thiết kế, từ đó đưa ngành ô tô trong nước vươn ra tầm quốc tế.
Theo Xinhua, Reuters