Du lịch Lạng Sơn: Ngắm mùa vàng đẹp như tranh ở thung lũng Bắc Sơn
Những cánh đồng lúa bằng phẳng chín vàng, trải dài ngút tầm mắt như bức tranh bích họa đã ‘hút hồn’ du khách đến thung lũng Bắc Sơn, Lạng Sơn.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 160km, Bắc Sơn, Lạng Sơn, không chỉ là địa danh lịch sử nổi tiếng với khởi nghĩa Bắc Sơn mà còn được biết đến với những thửa ruộng chín vàng dễ dàng làm xiêu lòng du khách. (Ảnh: Tuyên Parafu)
Được các dãy núi trùng điệp bao bọc, thung lũng Bắc Sơn nằm trọn trong một vùng đất với địa hình bằng phẳng, rộng lớn. Khí hậu mát mẻ và đất đai màu mỡ là điều kiện thuận lợi để bà con nơi đây canh tác hai vụ. (Ảnh: Tuyên Parafu)
Vì vậy, để tận mắt chiêm ngưỡng những mảng màu sắc rực rỡ của cánh đồng lúa chín, những người yêu du lịch thường bảo nhau rằng, thời điểm “săn lúa” đẹp nhất ở Bắc Sơn vào giữa tháng 7 và tháng 11 hằng năm. (Ảnh Văn Quyết)
Đây cũng đặc điểm tạo nên sự khác biệt giữa Bắc Sơn với những nơi được mệnh danh là thiên đường mùa lúa chín như Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Y Tý (Lào Cai)… lại thu hoạch vào thời gian từ tháng 9-10. Nếu như mùa lúa vàng ở khu vực Tây Bắc nổi tiếng với những dãy ruộng bậc thang đặc trưng, thì tại Bắc Sơn, những cánh đồng lúa lại bằng phẳng và trải dài trên một vùng rộng lớn. Trong ảnh: Cảnh đẹp yên bình ở Quỳnh Sơn. (Ảnh: Văn Quyết)
Do thời gian cấy lúa và gặt của từng hộ đồng bào khác nhau nên thung lũng Bắc Sơn như một bức tranh thiên nhiên sống động với nhiều màu sắc, từ màu xanh non của lúa mới cấy, đến màu vàng ươm của lúa đang trổ bông. Thời gian này, thung lũng Bắc Sơn được “phủ” gam màu đất của ruộng đã gặt xen kẽ màu vàng lúa chín và những góc lúa còn xanh non. Nét đẹp riêng này hình thành bởi người dân trồng không đồng đều. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Nếu may mắn, du khách có thể đến đúng thời điểm lúa ở thung lũng Bắc Sơn chín đều một màu vàng óng ả, trông tựa bức thảm khổng lồ được dệt bởi lúa vàng và sắc nắng. Trong hành trình “săn” mùa lúa chín ở Bắc Sơn, du khách hãy dành thời gian tham quan, khám phá những điểm đến hấp dẫn ở vùng rẻo cao Đông Bắc này. (Nguồn: @jottrip)
Đối với các nhiếp ảnh gia hay những “tay máy” không chuyên, đỉnh Nà Lay trở thành điểm đến quen thuộc không thể thiếu nếu muốn có được những bức ảnh toàn cảnh về Bắc Sơn. Ở vị trí trung tâm thị trấn Bắc Sơn, núi Nà Lay có độ cao 600m so với mực nước biển và trên 1.200 bậc thang đá. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Để leo đến đỉnh núi, du khách sẽ mất từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, thời điểm bình minh ló rạng hay hoàng hôn đang buông xuống sẽ là khoảnh khắc tuyệt đẹp nhìn ra thung lũng. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Trạm BTS trên đỉnh Nà Lay là địa điểm đẹp nhất để khám phá toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn. Địa hình khó khăn không làm chùn bước những người yêu du lịch, bởi đây được coi là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ non nước hữu tình của thung lũng Bắc Sơn. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Video đang HOT
Tô điểm cho bức tranh thiên nhiên là dòng sông nhỏ uốn lượn qua từng thửa ruộng, là những nếp nhà sàn bình yên nằm e ấp dưới chân núi. Kề cạnh những thửa ruộng rực rỡ sắc màu là thị trấn Bắc Sơn nhỏ xinh, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… (Ảnh: Tuyên Parafu)
Mùa lúa chín tại thung lũng Bắc Sơn sớm hơn những địa phương khác và thường kéo dài khoảng một tuần. Do đó, du khách nên tranh thủ thời gian để kịp lên kế hoạch cho một chuyến đi ngắn 2-3 ngày. (Ảnh: Tuyên Parafu)
Nhìn từ đỉnh Nà Lay, thung lũng Bắc Sơn như một “tấm thổ cẩm” khổng lồ được mây mù bao phủ. (Ảnh: Văn Quyết)
Ashley, một du khách người Anh chia sẻ: “Thung lũng Bắc Sơn rất khác với những vùng núi khác của Việt Nam mà tôi từng đến. Mùa Thu ở đây đẹp đến ngỡ ngàng. Những cánh đồng lúa chín tạo nên một thung lũng tràn ngập sắc vàng, từ trên cao nhìn xuống khung cảnh rất ngoạn mục, đặc biệt vào thời khắc bình minh hay hoàng hôn. Tại đây, chúng tôi còn được dự các lễ hội dân gian, nghe các nghệ nhân địa phương biểu diễn nhạc truyền thống và thưởng thức bánh chưng đen trong những ngôi nhà sàn của người Tày”. (Nguồn: TITC)
Thung lũng Bắc Sơn như được nhuộm vàng khi những cánh đồng lúa chín vào vụ thu hoạch. Vẻ đẹp ấy khiến cho du khách mê mải cũng như quyến luyến không muốn rời xa khi đặt chân đến vùng đất này. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Trong thoang thoảng hương thơm của cánh đồng lúa chín, những câu hát Then, sli sình làng, sli sloong hàu, hát lượn, quan làng, cỏ lẩu, phong slư… cất lên, vang vọng trong làn khói lam chiều… (Nguồn: Lạng Sơn)
Điểm nhấn ấn tượng trong cung đường khám phá Bắc Sơn phải kể đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn). Nằm sát thị trấn Bắc Sơn, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn được hình thành và hoạt động từ năm 2010, đến nay có trên hàng trăm hộ người Tày, Nùng sinh sống. (Nguồn: Lạng Sơn)
Các ngôi nhà sàn trong làng đều có kiến trúc đồng nhất, độc đáo với cửa nhà quay về hướng Nam, tạo không gian thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên. Đến với Làng văn hóa Quỳnh Sơn, du khách sẽ có dịp dạo bước trên con đường làng thơ mộng, tận hưởng không khí thanh bình, tự tay chế biến các món ăn dân tộc và hòa mình vào nếp sống giản dị của người dân địa phương để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc. (Nguồn: Lạng Sơn)
Đến Bắc Sơn, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các món đặc sản dân tộc được bày bán tại các khu chợ như bánh chưng đen, thịt khâu nhục, vịt quay, quýt Bắc Sơn, bún khô, bánh ngải, xôi cẩm, cá suối nướng… (Nguồn: Lạng Sơn)
Ngoài ra, huyện Bắc Sơn còn có những điểm du lịch như hồ Tam Hoa, đồn Mỏ Nhài, đèo Tam Canh, di tích lịch sử quốc gia Đình Nông Lục, bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn… Đặc biệt, nằm trong khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, đèo Tam Canh được mệnh danh là cung đường đèo thơ mộng nhất của vùng Đông Bắc. (Ảnh: Lê Xuân Hưng)
Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, tham quan Bắc Sơn hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị. (Ảnh: Bùi Vinh Thuận)
Hai ngày săn ảnh mùa vàng Bắc Sơn
Tháng 7 là thời điểm thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) bắt đầu bước vào mùa vàng.
Nằm gọn trong lòng một thung lũng, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, thị trấn Bắc Sơn thuộc huyện Bắc Sơn cách Hà Nội khoảng 160 km. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi mà người dân nơi đây có thể trồng hai vụ lúa mỗi năm.
Mùa thu hoạch ở đây thường vào cuối tháng 7 và tháng 11 hàng năm. Trong khi các thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc còn xanh thì cánh đồng Bắc Sơn đã chuẩn bị vào vụ gặt. Tuy nhiên, các thửa ruộng ở Bắc Sơn không trồng cấy cùng lúc làm cho khung cảnh ngày mùa cũng trở nên đặc biệt hơn.
Ở thung lũng Bắc Sơn các thửa ruộng không chín đồng loạt, mà vẫn có những thửa chín sớm hơn và được thu hoạch rồi đốt rạ trước. Ảnh: Khánh Huyền, Hương Chi, Hachi8.
Di chuyển
Tới các bến xe tại Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Giáp Bát... sẽ có nhiều nhà xe đi Lạng Sơn, với giá vé dao động 100.000 - 200.000 đồng mỗi người, tùy hãng. Sau khi tới bến xe Lạng Sơn, bắt taxi hoặc xe ôm tới thung lũng Bắc Sơn. Tuy nhiên cách đi này không thông dụng với dân du lịch bụi vì phải chuyển xe.
Thường dân yêu phượt, yêu nhiếp ảnh chọn cách đi xe máy, ôtô tự lái từ Hà Nội tới thẳng thung lũng Bắc Sơn theo cung sau: Qua cầu Nhật Tân - Quốc lộ 3 - TP Thái Nguyên, rẽ phải theo quốc lộ 1B, đi tiếp khoảng 75 km nữa là đến thung lũng Bắc Sơn.
Lưu trú
Bạn có thể tìm nhà nghỉ, homestay ở gần chân núi Nà Lay, trong làng Quỳnh Sơn hoặc mang lều đi cắm trại qua đêm trên đỉnh núi. Giá phòng ở đây chỉ từ 90.000 - 200.000 đồng một đêm. Hoặc để tiết kiệm thời gian di chuyển lên xuống núi, bạn có thể cắm trại qua đêm trên đỉnh Nà Lay và cần mang theo lều, bạt, đồ ăn, chăn màn, đèn pin, bật lửa...
Trạm viba trên đỉnh núi Nà Lay ở Bắc Sơn. Ảnh: Thuận Bùi.
Lịch trình
Vì Bắc Sơn không quá xa Hà Nội, bạn có thể đi trong hai ngày một đêm, hoặc tận dụng dịp cuối tuần.
Ngày 1: Xuất phát từ Hà Nội - Bắc Sơn - tham quan làng Quỳnh Sơn - leo núi Nà Lay ngắm hoàng hôn và trời sao đêm
Ngày 2: Đón bình minh trên đỉnh Nà Lay - tắm thác Đăng Mò - trở về Hà Nội
Lưu ý
Dù đi vào mùa hè bạn vẫn nên mang theo chiếc áo khoác mỏng đề phòng lúc sáng sớm và khi đêm xuống ở Bắc Sơn có thể nhiệt độ hạ xuống. Nên mang giày leo núi chuyên dụng hoặc giày thể thao ôm chân để thuận lợi cho việc di chuyển bởi bạn phải leo núi khoảng 30 - 45 phút.
Cần có thuốc chống muỗi, chống côn trùng, mũ để tránh nắng. Đồ ăn nhanh, ăn vặt hoặc dụng cụ nấu gọn nhẹ để nấu ăn dọc đường nếu đói. Nếu phượt Bắc Sơn bằng xe máy thì nên mang theo bộ sửa xe máy cơ bản, miếng vá xe, săm xe dự phòng, bơm xe mini...
Toàn bộ làng Quỳnh Sơn có kiến trúc đồng nhất, với hàng trăm mái nhà sàn hướng nam. Ảnh: Hachi8.
Ngày 1
Hành trình từ Hà Nội lên Bắc Sơn mất khoảng 3,5 - 4 giờ di chuyển. Đi từ sáng sớm thì vừa trưa là bạn tới nơi, có thể dùng bữa trên đường rồi tham quan làng Quỳnh Sơn. Tới đây bạn cũng được thưởng thức nhiều đặc sản địa phương như bánh chưng đen, bánh dày ngải, xôi cẩm, cá suối...
Làng Quỳnh Sơn từ năm 2010 trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú, sinh hoạt của hàng trăm du khách. Làng có kiến trúc đồng, với hàng trăm mái nhà sàn đều theo hướng nam, không gian sống rộng rãi thoáng mát, hòa hợp thiên nhiên. Dừng chân ở làng Quỳnh Sơn cho bạn cơ hội khám phá đời sống văn hóa của người Tày và trải nghiệm khung cảnh làng quê thanh bình.
Khung cảnh thung lũng Bắc Sơn về chiều muộn khi những ánh đèn và khói bếp dâng lên. Ảnh: Hachi8.
Sau khi dạo chơi ở làng Quỳnh Sơn và gửi xe bạn có thể leo bộ lên núi Nà Lay cao khoảng 600 m so với mực nước biển. Đây là điểm dừng chân ai tới Bắc Sơn săn ảnh lúa chín cũng phải lên ít nhất một lần. Đường lên núi tuy ngắn nhưng dốc và thô sơ, đoạn có bậc thang đoạn chỉ có đất đá lối mòn. Người khỏe có thể leo trong 30 phút, nếu mang đồ nặng hoặc sức yếu hơn sẽ tốn chừng một giờ.
Đỉnh Nà Lay có trạm viba phát sóng di động, khá bằng phẳng để mọi người phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thung lũng lúa Bắc Sơn. Bạn chú ý nếu ngủ lều trên đỉnh núi nên liên hệ trước với nhân viên trạm viba. Đêm xuống cắm trại và tự làm đồ ăn thưởng thức cùng bạn bè dưới bầu trời đầy sao ở Bắc Sơn rất đáng nhớ.
Bình minh trên đỉnh Nà Lay thường có mây vờn bồng bềnh tạo cảnh tượng như chốn bồng lai. Ảnh: Thuận Bù i.
Ngày 2
Ngoài sức hút của những ruộng lúa vào vụ mùa, khung cảnh thung lũng còn hấp dẫn các nhiếp ảnh gia bởi biển mây bồng bềnh vào mỗi sớm mai. Buổi sáng bạn hãy thức dậy thật sớm khoảng 5h - 5h30 sẽ thấy cảnh mặt trời ló rạng sau dãy núi cao trùng điệp đằng xa.
Ngoài hoàng hôn, cảnh thị trấn lên đèn rực rỡ và trời sao đêm ở Nà Lay, khoảnh khắc đáng chờ đợi nhất chính là bình minh, và biển mây bồng bềnh bao trùm thung lũng Bắc Sơn. Đặc biệt hơn nếu bạn đến Bắc Sơn sau một cơn mưa lớn, lúc tạnh ráo và bầu trời trong trẻo trở lại, chắc chắn sẽ được ngắm một bức tranh thiên nhiên rõ nét và quyến rũ.
Trên đường trở về bạn hãy dừng chân ở thác Đăng Mò tận hưởng dòng nước mát rượi và khung cảnh nên thơ giữa núi rừng. Ảnh: Nguyễn Lâm Anh Tuấn.
Sau khi ngắm bình minh bạn có thể thong thả xuống núi, ăn sáng ở các bản làng trong thung lũng rồi lên đường tới thác Đăng Mò thuộc huyện Gia Bình (Lạng Sơn) cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng 20 km.
Thác rất nhiều nước nhưng nếu đi cuối tuần có thể sẽ đông người do cả dân phượt, dân địa phương tới dựng lều cho thuê chụp ảnh, bơi lội hoặc tổ chức dã ngoại kiểu gia đình, hội nhóm... Buổi trưa nhóm bạn có thể tự túc mua đồ ăn tổ chức dã ngoại bên thác, tắm thác xả hơi trước khi trở về Hà Nội.
Leo đỉnh Nà Lay ngắm trọn 'mùa vàng' Bắc Sơn Giữa tháng 7, thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) lại khoác lên sắc vàng óng ả bởi mùa lúa chín. Để ngắm trọn 'mùa vàng' Bắc Sơn, du khách có thể leo lên đỉnh Nà Lay, với độ cao khoảng 600 mét. Theo đó, du khách sẽ mất khoảng 1 giờ, leo qua 1.200 bậc đá để đến đỉnh Nà Lay. Từ đây,...