Du lịch đau đầu với hoãn, hủy tour
Dịch COVID-19 quay trở lại ngay đúng mùa cao điểm du lịch nội địa không chỉ khiến các doanh nghiệp du lịch mà người dân cũng chới với vì kế hoạch hè bị đảo lộn. Chỉ riêng trong hai tháng 7 và 8, lượng khách hủy tour lên đến 95-100%.
Hội An những ngày chưa có dịch COVID-19 – Ảnh: T.T.D.
Ngành hàng không, khách sạn vừa mới bắt đầu phục hồi đã chứng kiến “ghế trống, phòng tối đèn”, trong khi nhiều người dân cho biết họ còn chịu thiệt nhiều hơn vì chưa kịp đi du lịch, tiền đã bay mất.
Chưa kịp đi du lịch đã mất tiền
Chuyến du lịch về miền Trung của gia đình chị Thanh (ngụ Q.12, TP.HCM) đã phá sản vì dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng. Để lên kế hoạch chuyến đi cho 5 thành viên trong gia đình, chị Thanh đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn ở Huế và Hội An.
Ngay từ khi có thông tin dịch, chị Thanh chủ động gọi điện cho hãng bay để hủy vé nhưng họ không đồng ý vì lúc đó Huế chưa phải tâm dịch.
“Tôi chọn phương án đổi vé sang tháng 10 thì đại lý yêu cầu phát sinh thêm 1 triệu đồng/vé mà không giải thích vì sao. Khách sạn cũng không cho hủy đặt phòng, giữ toàn bộ số tiền đã thanh toán qua mạng, họ nói sẽ cho dời hợp đồng đến tháng 10. Chưa kịp đi du lịch, gia đình tôi đã mất số tiền không nhỏ” – chị Thanh nói.
Trong khi đó, anh Nam (Q.Thủ Đức) cũng dở khóc dở mếu với tiệc cưới của mình dự kiến vào tuần thứ 3 của tháng 8.
“TP.HCM vừa có quy định giãn cách xã hội, không tập trung đám đông quá 30 người là tôi đã làm việc với chủ nhà hàng nơi đặt tiệc. Nhưng họ giữ lại 20 triệu đồng cọc vì lý do chi phí chuẩn bị, cho dù tiệc sẽ hủy. Dịch không ai lường trước, là chuyện bất khả kháng, còn cả tháng mới đến tiệc nhưng nhà hàng vẫn không thông cảm” – anh Nam bức xúc.
Không chỉ du khách cá nhân, người tiêu dùng, mà các công ty lữ hành cũng vật vã, chịu thiệt hại nặng nề do đối tác muốn bảo lưu để chuyển qua các giai đoạn khác, trong khi các đơn vị lữ hành phải chuyển trả tiền tour cho khách hàng.
Điều này đặt các doanh nghiệp lữ hành vào thế khó khi phải xoay xở tài chính, nhất là các đơn vị không nhiều nguồn vốn.
Video đang HOT
Mới đây, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Sun Travel đã có đơn gửi Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhờ kết nối với hãng hàng không giá rẻ để bảo lưu gần 1 tỉ đồng tiền cọc vé máy bay.
Theo doanh nghiệp này, dù đã phải tạm ngưng hoạt động từ tháng 3 cho đến hết năm 2020 nhưng hãng hàng không cho công ty chỉ được chuyển tiền cọc sang quý 3 và quý 4-2020 chứ không hỗ trợ hoàn hủy vé.
Tâm lý chung của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay là mong muốn những đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỉ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất 1 năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng.
Nhiều công ty du lịch cho phép khách lùi dịch vụ, hoãn tour do tác động của dịch COVID-19 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phải chia sẻ, chung tay vượt khó
Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng trong tình cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải có biện pháp xử lý khéo léo, linh hoạt để chia sẻ với người tiêu dùng và đối tác.
Các tour, tuyến bị hủy hiện nay là đáng tiếc nhưng trước khi dịch xảy ra, đây là sự hưởng ứng, ủng hộ du lịch nội địa của người dân, là kết quả của chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
“Trong lúc khó khăn này, cần bảo lưu tour, phòng khách sạn, tạo điều kiện cho khách trở lại khi hết dịch. Khách đã ủng hộ doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải chia sẻ, có như vậy mới lấy được niềm tin sau dịch cho những chương trình kích cầu sau này” – ông Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng cho biết ngay khi hiệp hội có văn bản gửi các địa phương nhờ hỗ trợ doanh nghiệp bị hoãn, hủy tour, tín hiệu phản hồi từ các địa phương rất khả quan.
Hiệp hội đã nhận được hưởng ứng từ 30 địa phương trên cả nước, sẵn sàng chia sẻ. Một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… đồng ý hoàn lại 100%.
Theo các doanh nghiệp, với tình trạng khó khăn hiện nay, để xử lý công nợ giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, thu về phục vụ các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, Nhà nước cũng cần có hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí để tạo đầu kéo ngành du lịch hồi phục, trong đó nới lỏng các điều kiện, quy định về tài sản thế chấp, cơ cấu vay vốn, tái cấp vốn.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, nhiều du khách có xu hướng muốn hủy tour vì lo ngại dịch bệnh.
Tuy nhiên, khách hàng, người đi du lịch hết sức bình tĩnh, cảm thông để doanh nghiệp có thêm thời gian tìm ra các phương án tốt nhất bảo vệ quyền lợi khách hàng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Các địa phương chưa có dịch tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo đảm sức khỏe cho du khách.
Doanh nghiệp du lịch hướng khách chuyển đổi tour sang những điểm đến chưa có dịch cùng các biện pháp an toàn. Ngoài ra, du khách có thể cân nhắc bảo lưu dịch vụ để đi vào thời điểm khác thay vì hủy tour” – ông Khánh gợi ý.
Dân Canada đau đầu vì khách Mỹ vượt biên
Người dân biến thành các thám tử bất đắc dĩ để tìm và báo cáo những trường hợp khách Mỹ nhập cảnh bất hợp pháp.
Karen Schwartz đang chuẩn bị đóng gói đồ cho chuyến đi từ Colorado, Mỹ đến Alberta, Canada thì nhận được tin nhắn cảnh báo từ người quen. "Người dân Canada đang gây khó khăn cho những chiếc xe gắn biển số Mỹ".
Là một công dân song tịch, Karen có quyền nhập cảnh. Cô thậm chí chấp nhận cách ly 14 ngày khi tới nơi này. Tuy nhiên, tin nhắn khiến Karen ý thức được rằng, không chỉ giới chức nước này muốn ngăn khách Mỹ nhập cảnh, mà cả người dân cũng chung ý tưởng.
Ảnh: Nina Shelanski
Hồ Two Jack nằm trong vườn quốc gia Banff, Alberta là điểm du lịch yêu thích của người Mỹ hàng năm. Năm nay, vì đại dịch, họ là những người không được người dân địa phương chào đón.
Vào một ngày nắng cuối tháng 7, Karen lái xe quanh khu vực vườn quốc gia Banff. Có khoảng 200 chiếc xe đậu ở đây, nhưng chỉ có một chiếc mang biển California và một chiếc của cô. Không mất nhiều thời gian, người dân địa phương đã phát hiện ra xe cô.
"Làm sao mà cô vượt qua được biên giới", anh chàng ngồi trên xe đạp hỏi Karen khi cô đang đậu xe trong góc đường. Karen nói rằng cô là dân Canada, anh chàng nói: "Tôi chỉ hỏi thôi", và rời đi. Người này cũng nói thêm người dân chắc chắn sẽ cảm thấy tức giận nếu họ lại nhìn thấy một biển xe Mỹ nữa.
Sống ở quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 chỉ bằng một nửa so với nước láng giềng, người Canada có quyền lo ngại về việc du khách Mỹ đến đây và mang theo dịch bệnh. Thậm chí, họ tự mình biến thành thám tử bất đắc dĩ, báo cáo các trường hợp khách Mỹ nhập cảnh nhiều đến nỗi người đứng đầu tỉnh British Columbia, John Horgan phải yêu cầu cộng đồng bình tĩnh và cư xử ôn hòa tại một cuộc họp vào ngày 27/7.
Ông cũng gửi lời khuyên tới những du khách Mỹ đang ở Canada hợp pháp: "Với những người có biển số nước ngoài, và đang cảm thấy rắc rối, tôi đề nghị họ nên di chuyển bằng phương tiện công cộng, hoặc xe đạp".
Tamara B, một người dân cho biết, việc du khách Mỹ cố tình nhập cảnh trái phép khiến cô tức giận và sợ hãi. Canada đang làm hết sức mình để giữ cho người dân được an toàn, và họ không muốn bị lây dịch bệnh từ du khách.
Trước đại dịch, người Mỹ hầu như có thể chọn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để đi du lịch. Canada là điểm đến ở nước ngoài phổ biến thứ hai của họ, sau Mexico. Trong 6 tháng đầu năm, người Mỹ đã thực hiện 10,5 triệu chuyến đi tới xứ sở lá phong, cao nhất trong 12 năm trở lại, theo Cơ quan Thống kê Canada.
Nhưng mọi thứ trở nên khó khăn hơn vào ngày 31/3, khi biên giới giữa hai nước đóng cửa, khách du lịch không được nhập cảnh. Điều này cũng không ngăn cản được một số du khách Mỹ cố gắng đến đây. Nhiều người đã bị từ chối nhập cảnh tại các cửa khẩu. Số khác tìm cách nhập biên trái phép, bất chấp việc đối mặt với tiền phạt hoặc tù giam, thậm chí bị cấm đến Canada vĩnh viễn.
Tuy nhiên, nhập cảnh trái phép vẫn không ngừng tăng, đến nỗi vào ngày 31/7, Canada bắt đầu hạn chế các lối đi dọc biên giới với Mỹ. Đây là các lối đi mà công dân nước ngoài được phép quá cảnh có mục đích. Tại đây, du khách cần phải đăng ký, khai thông tin cũng như treo một tấm thẻ trên gương chiếu hậu có ngày khởi hành bắt buộc. Tuy vậy, số lượng người tới đăng ký vẫn rất đông so với số lượng thẻ được phát hành, theo Cảnh sát Hoàng gia.
Tại tỉnh Alberta, không có thẻ nào được phát hành cho những du khách mang biển số Mỹ vào tháng 4, 5 và 7. Trong tháng 6, có 7 tấm thẻ được phát và tất cả đều được phát ở vườn quốc gia Banff. Theo đại diện của Lực lượng cảnh sát Liên bang Tammy Keibel, chính quyền đã không ghi nhận khiếu nại từ người dân về các trường hợp khách Mỹ nhập cảnh mới cho đến ngày 17/6. Nhưng chỉ 13 ngày sau đó, con số khiếu nại trên toàn tỉnh đã lên đến 53 và 121 trong tháng 7.
Một trong những du khách khiến chính quyền Canada dở khóc dở cười nhất trong mùa dịch là anh chàng đến từ Alaska. Người này phải lòng một phụ nữ sống ở Calgary và tìm cách gặp trong tháng 6, bất chấp việc nhập cảnh vô cùng khó khăn. Biển số xe của anh này đã được ghi lại tại bãi đậu xe của một khách sạn trong vùng. Giám đốc khách sạn sau khi thấy người đàn ông không chứng minh được việc tuân thủ cách ly nên đã gọi cảnh sát. Vị khách coi "đại dịch là một trò hề" này sau đó bị phạt 870 USD theo luật Y tế Công cộng của tỉnh Alberta. Ngày hôm sau, anh chàng buộc rời khỏi thị trấn.
Tuy nhiên, du khách Mỹ và bạn gái Canada lại tiếp tục quay lại khách sạn để massage vào hôm sau. Vị khách bực mình khi bị từ chối cung cấp dịch vụ. Sau đó họ lái xe đến một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tại đây, người dân phát hiện ra biển số xe đến từ Mỹ, và họ lại báo cảnh sát. Cặp đôi lần nữa bị chặn lại và lần này, anh chàng si tình đối mặt với án tù 6 tháng cùng khoản tiền lên đến 560.000 USD nếu bị kết tội. Xe tuần tra của cảnh sát đã hộ tống họ ra khỏi thị trấn. Tuy nhiên đến nay, Keibel cũng không biết anh chàng đã rời khỏi Canada hay chưa, cũng như liệu có buộc phải quay lại tòa án vào tháng 11 không.
Chủ khách sạn từ chối cung cấp dịch vụ cho khách Mỹ cho biết, hành động này có thể khiến họ mất doanh thu. "Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm điều đó cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn".
Những nỗ lực hạn chế du khách không chỉ riêng ở xứ sở lá phong. Tại Hawaii, một nhóm 5.600 tình nguyện viên đã theo dõi những vị khách vi phạm việc cách ly. Luật này có hiệu lực đến 1/9, và những du khách vi phạm có thể bị phạt 5.000 USD và một năm tù. Hình phạt tối đa ở Canada cao hơn, lên đến 3 năm tù và 750.000 USD tiền phạt. Một số người sống trên đảo Vancouver cũng tình nguyện theo dõi chặt chẽ các vị khách Mỹ nhập cảnh trái phép bằng đường thủy. Khi phát hiện ra, họ sẽ báo với chính quyền. Hai người Mỹ từng bị phạt 738 USD theo luật kiểm dịch liên bang.
Chiến lược du lịch của Nhật gặp khó Vào mùa cao điểm du lịch hè, thành phố cổ Kyoto của Nhật Bản thường đón lượng lớn du khách quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây đường phố tại đây vắng tanh, nhiều cửa hàng đóng cửa trong khi các khách sạn đang lao đao, mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19. 'Tình hình hiện nay tệ hơn so với cuộc khủng...