Du lịch Đà Lạt tăng trưởng ngoạn mục sau dịch bệnh COVID-19
Trong tháng 7/2022, lượng khách đổ lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đạt 750.000 lượt người, tăng 250.000 lượt so với một tháng trước đó.
Điều này cho thấy, mặc dù đã cuối mùa hè nhưng khách du lịch lên Đà Lạt vẫn tiếp tục tăng mạnh, vượt xa thời điểm COVID-19 chưa xuất hiện.
Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Lâm Đồng đã trở lại bình thường và có đà phục hồi ngoạn mục. Từ đầu mùa hè (cao điểm mùa du lịch trong năm), lượng khách đổ lên TP Đà Lạt du lịch liên tục tăng mạnh theo từng tháng. Điều này khiến mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2022 của Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã nằm trong tầm tay.
Sức hấp dẫn của Đà Lạt sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19 càng tăng mạnh khi hầu hết các điểm, khu du lịch đã được đơn vị chủ quản cải tạo, nâng cấp thêm nhiều hạng mục, dịch vụ mới. Lượng khách đổ lên TP Đà Lạt đông cũng đã khiến các cơ sở lưu trú, khách sạn, ăn uống… luôn lâm vào tình trạng quá tải. Do nhu cầu về phòng nghỉ tăng đột biến, nhất là dịp cuối tuần, giá phòng nghỉ tại Đà Lạt cũng tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường trong năm.
Du khách tham gia tour hoạt động dã ngoại tại Đà Lạt.
Chị Phạm Thị Thu Thảo, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, đây đã là lần thứ 4 trong vòng 6 năm qua gia đình chị chọn Đà Lạt làm nơi đi du lịch vào mùa hè. Theo chị Thảo, chị đã đi du lịch nhiều nơi, cả trong và ngoài nước nhưng Đà Lạt vẫn là địa điểm để lại cho gia đình chị nhiều ấn tượng đẹp nhất. Không chỉ vì việc di chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt đường sá thuận tiện, có thể đi đường bộ bằng ôtô và cũng có thể đi bằng đường hàng không với thời gian di chuyển ngắn mà phong cảnh, khí hậu nơi đây rất ôn hòa, mát mẻ, phù hợp với việc tham quan, nghỉ dưỡng mùa hè sau những ngày làm việc căng thẳng trong thời tiết nắng nóng ở TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, sau nhiều lần lên TP Đà Lạt du lịch, gia đình anh Vương Đình Quân (ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng đã bị vùng đất này “mê hoặc”. Tháng 5 vừa qua, gia đình anh Quân đã mua một căn nhà ở vùng ngoại ô Đà Lạt để làm nơi “nghỉ dưỡng dài hạn” cho cả gia đình. Căn nhà cách rừng thông không xa, có phong cảnh đẹp, nhìn xuống thung lũng trồng hoa của người dân. Từ đó tới nay, tháng nào anh Quân cũng đưa cả gia đình lên Đà Lạt nghỉ ngơi ít nhất một lần.
Thông thường, những năm trước đây, vào cuối mùa hè, khách du lịch tới Đà Lạt tham quan cũng giảm dần. Thế nhưng năm nay, càng vào cuối mùa hè, khách du lịch tới thành phố này lại càng đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Mặc dù nhiều tuyến đường chính của TP Đà Lạt đã được mở rộng ra rất nhiều so với trước đây nhưng vào giờ cao điểm vẫn luôn trong tình trạng đông nghẹt các phương tiện di chuyển.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP Hồ Chí Minh và những địa phương khác đã nối lại hoạt động đưa khách lên Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng bình thường như thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, nhu cầu đi tham quan, nghỉ dưỡng của các gia đình cũng tăng mạnh trong mùa hè này sau gần 2 năm bị “giam chân” vì dịch bệnh hoành hành. Đại diện điểm du lịch canh nông Puppy Farm, phường 7, TP Đà Lạt cho biết, những ngày cao điểm, đơn vị này đón tới khoảng 5.000 khách tới tham quan.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch, đơn vị đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Bên cạnh việc cho khách tham quan trang trại cún (các loại chó), điểm du lịch canh nông Puppy Farm còn liên kết với các hộ xung quanh cho khách vào tham quan vườn dâu tây, bán dâu tại vườn cùng một số loại đặc sản của Đà Lạt nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút du khách.
Video đang HOT
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, tới thời điểm này dù mới 7 tháng trôi qua nhưng đã đạt xấp xỉ 4,5 triệu lượt khách du lịch tới Lâm Đồng. Trong hai tháng cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Festival hoa Đà Lạt (từ 1/11 đến 31/12) lần thứ IX. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút một lượng lớn du khách đến với TP Đà Lạt. Do đó, tính tới hết năm nay, Đà Lạt – Lâm Đồng có thể thu hút khoảng 7 triệu lượt du khách, một con số tích cực chưa từng có và vượt xa so với mục tiêu ban đầu đặt ra sau dịch bệnh COVID-19.
Đi du lịch hay thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm
Nhiều người xem cuối năm là khoảng thời gian cho những chuyến du lịch xả hơi.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại từ chối những chuyến đi sau một năm công việc trì trệ do dịch bệnh.
Khi nhiều quy định về phòng dịch được nới lỏng, các địa điểm du lịch mở cửa trở lại, nhiều bạn trẻ bắt đầu lên lịch trình và thực hiện những chuyến vi vu cuối năm.
Trong khi đó, một số khác lại tạm gác mọi kế hoạch đi chơi xa và chờ năm sau do vấn đề tài chính và tâm lý e ngại về dịch bệnh.
Du lịch để lên dây cót cho năm mới
Nguyễn Hà Thảo (27 tuổi, Hà Nội) thường sắp xếp công việc để dành thời gian cho những chuyến du lịch dài ngày trong khoảng thời gian tháng 3-5 và ba tháng cuối năm. Như cuối năm 2020, cô có chuyến đi xả hơi 4 ngày 3 đêm tại Mũi Né (Bình Thuận) cùng nhóm bạn thân 9 năm của mình.
Kỳ nghỉ 4 ngày 3 đêm tại Mũi Né là chuyến đi chơi xa gần nhất của Hà Thảo.
"Đối với tôi, du lịch luôn là một gạch đầu dòng trong checklist phải làm ở mỗi thời điểm. Tôi thường đặt kế hoạch sẽ có chuyến du lịch xa nào đó trong vòng một quý. Tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh, tôi đặt mốc thời gian dài hơn như nửa năm hoặc một năm. Khi đã coi đây là hoạt động phải làm thì chỉ lúc thực hiện được tôi mới cảm thấy mãn nguyện", Hà Thảo nói.
Là một người thích xê dịch song cả năm nay cô chưa có kỳ nghỉ nào ngoài chuyến dã ngoại tại Vườn quốc gia Ba Vì hồi tháng 7.
Với mong muốn nạp lại năng lượng, Hà Thảo và cô bạn thân đã lên kế hoạch từ tháng 11 cho chuyến khám phá Phú Quốc (Kiên Giang) 4 ngày 3 đêm dịp cuối năm. Đôi bạn dự kiến ghé thăm thành phố đảo vào 15/12. Tuy nhiên, đầu tháng 12, bạn đồng hành của Hà Thảo là F0. Chuyến đi buộc dời sang kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
"Chúng tôi phải đổi vé máy bay và phòng đã đặt. Việc này nằm trong vấn đề rủi ro nên tôi cũng đã có kế hoạch dự trù. Để chắc chắn chuyến đi được diễn ra như dự định, tôi và bạn đồng hành nâng cao ý thức phòng dịch Covid-19 một cách tối đa", cô chia sẻ.
Hiện tại, Thảo đang xử lý các đầu việc còn lại trước ngày lên đường.
Chuyến đi Sa Pa của Thảo đã được lên kế hoạch từ đầu năm nhưng phải đến Giáng sinh mới được thực hiện.
Vừa trở về từ Sa Pa (Lào Cai), Nguyễn Thị Thanh Thảo (24 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ trên trang cá nhân những tấm hình về chuyến đi 3 ngày 2 đêm mà nhóm của cô đã lên kế hoạch từ đầu năm.
"Khi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và nhiều quy định về phòng dịch được nới lỏng, nhóm bạn của tôi quyết định đón Giáng sinh cùng nhau tại Sa Pa", cô nói.
Với Thanh Thảo, những trải nghiệm trong chuyến đi vừa qua giúp cô xốc lại tinh thần sau thời gian dài kìm chân và "tụt mood" khi phải làm việc ở nhà quá lâu.
Là người thường xuyên xê dịch, Thanh Thảo luôn có quỹ riêng cho những chuyến du lịch. Trước chuyến đi cuối năm này, cô chỉ cần hoàn thành các deadline gần hạn để công việc không bị ảnh hưởng.
"Tôi luôn trích 20% lương tháng để thực hiện những kế hoạch xê dịch của bản thân. Tôi dành thời gian cuối năm xả hơi một chút nhằm lên dây cót cho giai đoạn tới", Thanh Thảo bày tỏ.
Chờ những chuyến đi vào năm sau
Vào thời điểm này năm ngoái, Hoàng Thị Phương Mai (24 tuổi, Hải Dương) đang khám phá ẩm thực tại TP.HCM và lên Đà Lạt (Lâm Đồng) săn mây cùng nhóm bạn thân trong 6 ngày 5 đêm.
Là người coi những chuyến đi như một cách để xả stress, ngay từ đầu năm cô đã có kế hoạch đến Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt và Sa Pa. Song, mọi lịch trình đều trì hoãn do dịch Covid-19.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thu nhập của cô bị ảnh hưởng nặng. Phương Mai quyết định mở thêm cửa hàng bán đồ nhập khẩu để bù đắp.
"Sau đợt dịch, thu nhập của tôi bị giảm, lại đầu tư mở thêm cửa hàng nên bản thân cũng không tính chuyện du lịch vào thời điểm này như mọi năm. Với mức thu nhập hiện tại, tôi đang phải tính toán nhiều trong việc chi tiêu hàng ngày, nhất là Tết Nguyên đán đã cận kề", cô tâm sự.
Trò chuyện với Zing, Phương Mai cho biết cô không hy vọng nhiều vào tiền thưởng Tết năm nay của công ty. Cô có kế hoạch nhập lượng lớn hàng hóa Tết nhằm tăng thu nhập khi mọi người chuẩn bị mua sắm cuối năm. Cô mong công việc và thu nhập ổn định hơn để các kế hoạch du lịch sẽ được thực hiện vào năm sau.
Phương Mai đành gác lại những chuyến đi bởi còn nhiều khoản cần chi khi sắp đến Tết Nguyên đán.
Tương tự Phương Mai, do thu nhập bị ảnh hưởng và lo ngại về tình hình dịch phức tạp, Vân Hà (26 tuổi, TP.HCM) cũng không có kế hoạch cho chuyến vi vu, thư giãn dịp cuối năm.
"4 tháng giãn cách, tôi chủ yếu "work from home" (làm việc từ xa). Thu nhập có phần sụt giảm nên thời điểm này tôi muốn thắt chặt chi tiêu hơn. Công việc cuối năm tương đối nhiều, tôi ưu tiên hoàn thành tốt và đúng deadline để có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trọn vẹn, vui vẻ", cô nói.
Trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch, kế hoạch ghé thăm Hà Giang và dẫn ba mẹ đi du lịch Đà Lạt của Vân Hà phải hoãn lại.
"Không được xê dịch như dự định, tôi tận dụng khoảng thời gian ở nhà học cách chế biến thêm nhiều món ngon, ăn đủ bữa và đúng giờ hơn. Ngoài ra, tôi duy trì tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe. Bản thân thích đi du lịch bụi nên việc rèn luyện những thói quen này giúp tôi có thêm năng lượng, sẵn sàng chinh phục vùng đất mới trong năm tới", Vân Hà chia sẻ.
Chuyến đi Đà Lạt kỷ niệm 10 năm tình bạn của Vân Hà vào cuối năm 2020.
Nông trại xanh mướt mới xuất hiện ở Đà Lạt Đến Đà Lạt dịp đầu năm, du khách có thể cân nhắc ghé thăm mô hình nông trại kết hợp quán cà phê với diện tích rộng, không gian thơ mộng. Mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 12, nông trại xanh mướt mang phong cách châu Âu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in, chia sẻ...