Du lịch cộng đồng Ta Lang – điểm đến hấp dẫn mới của Quảng Nam
Cách làm du lịch dựa vào văn hóa Cơ Tu để phát triển du lịch xanh mà không làm mất đi bản sắc bản địa bước đầu thu hút khách du lịch.
Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ độc đáo như: sáo 3 lỗ, đàn cò, đàn bầu 2 dây, đan lát, dệt thổ cẩm…
Du khách tới đây được trải nghiệm cùng người dân lên rừng hái rau, bẻ măng, xuống suối bắt cá, hay tự tay sơ chế những món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu dưới mái nhà Gươl.
Con đường dẫn vào Làng du lịch Ta Lang sạch sẽ, hấp dẫn du khách.
Với những du khách ưa khám phá, có thể xuôi dòng Ch’lang bằng bè tre, chiêm ngưỡng thác R’cung trắng xóa, hay thăm địa đạo Axoo và đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn. Đây là điểm nhấn khiến trải nghiệm ở Ta Lang vừa thân thuộc vừa mới mẻ với du khách gần xa.
Anh Nguyễn Công Khanh, ở tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết khá ấn tượng khi lần đầu đặt chân tới Ta Lang: “Người dân ở đây vẫn ở những nhà cổ xưa như những nhà bản vùng cao, không khí trong lành nên tôi cảm thấy khá thân thuộc. Khi tới đây tôi rất thích”.
Khi màn đêm buông xuống, du khách được hòa mình vào làn điệu dân ca “Rụm cây”, sôi nổi trong điệu múa Tung tung dá dá (vũ điệu dâng trời) dưới ánh trăng vùng cao, không gian yên bình trước sân nhà Gươil. Theo đồng bào Cơ Tu, điệu múa này thể hiện sự mạnh mẽ, khát vọng chinh phục vũ trụ và đón đợi ơn trời đất.
Video đang HOT
Nhà Gươl nằm giữa sân sinh hoạt chung của cả làng.
Tại khu du lịch sinh thái Ta Lang hiện có 5 nhà sàn lưu trú cho khách, một quầy lễ tân nơi bán các sản phẩm văn hóa của địa phương. Mỗi không gian nhà lưu trú đều được thiết kế, bố trí mang đậm đặc trưng bản sắc văn hóa của người Cơ Tu.
Nếu khách ngủ qua đêm trả phí mỗi người 70.000 đồng/đêm; mỗi suất ăn trung bình từ 50.000-150.000 đồng/người. Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Ta Lang cho biết, sau khi cán bộ trong thôn tham gia các lớp tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng và kỹ năng quản lý, vận hành điểm du lịch, nay cả làng cùng làm du lịch cùng bảo vệ và chia sẻ quyền lợi cho nhau.
“Chúng tôi có hơn 30 người tham gia dịch vụ bao gồm người múa, dẫn khách, nấu ẩm thực, hướng dẫn khách bắn nỏ, đạp xe đạp. Bà con vẫn đi làm bình thường, sản xuất, đi nương, đi rẫy, nhưng khi có khách thì những người tham gia làm dự án đều về phụ vụ khách” – ông A Lăng Sen cho biết.
Chiếc giường để du khách nghỉ ngơi được thiết kế theo truyền thống của người Cơ Tu.
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang được Viện Phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam hỗ trợ, chính thức được bàn giao cho cộng đồng làng Ta Lang đưa vào khai thác và phục vụ du khách vào cuối năm 2019.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, nhà Gươl của thôn để đón tiếp du khách. Theo ông Linh, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục văn hóa Cơ Tu.
Đây được xem là hướng phát triển bền vững nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương: “Chúng tôi cũng định hướng khôi phục, tạo ra những sản phẩm truyền thống của bà con, trong đó có những sản phẩm làm ra từ dệt, thổ cẩm, từ những nguyên liệu của bà con địa phương như lâm sản từ rừng. Chúng tôi cũng phục dựng nguyên bản sản xuất của bà con như thế, để mang tính chất khôi phục giá trị văn hóa, phát triển du lịch”./.
Câu chuyện sản phẩm du lịch ĐBSCL
ĐBSCL có tiềm năng về du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Những năm qua, câu chuyện về sản phẩm đặc trưng vùng vẫn luôn được đưa ra bàn thảo ở nhiều hội thảo, liên kết.
Làm sao có được sản phẩm mới, đặc thù, bản sắc thu hút du khách... là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành công nghiệp không khói vùng ĐBSCL.
Du lịch các đảo ở huyện Kiên Hải là một trong 4 vùng không gian du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang.
Từ xác định khâu then chốt...
ĐBSCL có nhiều tài nguyên du lịch, được thiên nhiên ưu ái với hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, có hệ sinh thái đa dạng từ nước ngọt đến nước mặn, đặc biệt là kho tàng văn hóa giàu bản sắc của nền văn minh sông nước miệt vườn và của các dân tộc sinh sống trong vùng. Với những đặc điểm trên, có thể khai thác nhiều loại hình du lịch ở ĐBSCL: sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, MICE, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp...
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng chưa được khai thác hiệu quả, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, còn mang tính tự phát; không gian du lịch của vùng bị ngắt khúc; các liên kết thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm; môi trường du lịch, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông cho du lịch còn hạn chế. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm tương tự nhau, dễ gây nhàm chán, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn. Vì thế sản phẩm du lịch vùng chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sự khác biệt, còn thiếu tính cạnh tranh. Do đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng trở thành vấn đề được nhiều địa phương quan tâm và tìm tiếng nói, giải pháp chung.
Xác định sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt, mỗi địa phương dần hoạch định và xây dựng những sản phẩm bản địa riêng. Điển hình, Cần Thơ đã sớm định vị sản phẩm du lịch qua nhiều quyết sách, đề án. Trên cơ sở những tiềm năng, tài nguyên du lịch đã và đang khai thác, Cần Thơ đang định vị tốt các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa - lịch sử... Có thể nói, du lịch sinh thái là một định vị tốt của Cần Thơ khi đã hình thành nhiều điểm đến tạo được sức hút với du khách, từ vùng cây trái trĩu quả Phong Điền đến du lịch cộng đồng cồn Sơn. Với dòng sản phẩm chính: MICE và du lịch sinh thái, Cần Thơ đã tạo kết nối và phát triển thêm sức hút cho các sản phẩm du lịch khác từ văn hóa, lễ hội, ẩm thực đáp ứng mong muốn đa dạng du lịch nội địa và quốc tế.
Trong khi đó, Kiên Giang cũng xây dựng sản phẩm đặc thù trên định hướng Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kết hợp cùng Đề án Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL. Phú Quốc được chọn làm điểm nhấn chính với 8 sản phẩm đặc thù và đã hình thành 5/8 sản phẩm: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại, cửa hàng bán sản phẩm ngọc trai; tham quan trang trại nuôi giống chó xoáy Phú Quốc và xem đua chó. Kiên Giang cũng xác định 4 vùng du lịch trọng điểm của địa phương với các sản phẩm chính: du lịch thể thao biển, lặn biển xem san hô và sinh vật biển (Phú Quốc); du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển trung cấp (Hà Tiên - Kiên Lương); tham quan các quần đảo (Kiên Hải, Kiên Lương); tham quan các loài sinh vật trong vườn quốc gia, nghiên cứu hệ sinh thái rừng tràm ven biển (U Minh Thượng)... Trọng tâm sản phẩm du lịch của Kiên Giang là khai thác trên tiềm năng biển đảo và hệ sinh thái rừng.
...Đến liên kết để tạo bản sắc, tránh trùng lắp
Trong thực tế khai thác sản phẩm du lịch ĐBSCL, các đơn vị lữ hành có cách xây dựng các dòng tour, tuyến đa dạng nếu địa phương cung cấp những sản phẩm phù hợp du khách quốc tế, để khách cảm nhận được một ĐBSCL không chỉ có sông nước, cây trái. Văn hóa, phong tục, nếp sinh hoạt... cũng là những tài nguyên rất độc đáo mà nếu được khai thác tốt, có thể sẽ mang lại cho du lịch miền Tây những sắc thái mới và riêng biệt, tránh tình trạng "đi một tỉnh, biết cả vùng ĐBSCL".
Các tuyến du lịch của An Giang cũng đang được định hướng làm mới.
Đơn cử, Đồng Tháp hiện có 4 dòng sản phẩm chính, trong đó du lịch cộng đồng và nông nghiệp là nét riêng biệt vùng đất phía Tây ĐBSCL. Ngành du lịch đất Sen Hồng khai thác rất tốt các sản phẩm du lịch từ làng nghề: làng hoa Sa Đéc, các làng nghề thủ công, ẩm thực ở Lai Vung; hay các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Bình, TP Cao Lãnh. Còn An Giang cũng có định hướng xây dựng sản phẩm riêng biệt trên cơ sở khai thác những sản phẩm du lịch truyền thống về tâm linh, văn hóa, sinh thái. An Giang đang làm mới sản phẩm bằng định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch. Theo đó đã có nhiều mô hình du lịch công nghệ cao được hình thành ở Long Xuyên, Châu Đốc, Thoại Sơn... An Giang cũng đang tiếp tục xây dựng thêm các sản phẩm khai thác gắn với các hoạt động văn hóa: khôi phục nghệ thuật Dù Kê của dân tộc Khmer, nghi lễ cưới của dân tộc Chăm... Đồng thời địa phương đang xây dựng, triển khai Đề án Khai thác phát triển du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020-2025, nhằm thu hút du khách bằng các sản phẩm du lịch chất lượng cao từ các loại hình du lịch đường sông.
Thực tế, sản phẩm du lịch ĐBSCL luôn có sức hút với du khách, nhất là các tour trải nghiệm văn hóa, cộng đồng. Tuy nhiên, ngành du lịch vùng còn cần phải trau chuốt về chất lượng. Bên cạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, các địa phương cần thiết quan tâm hình thành không gian và chuỗi sản phẩm liên kết. Trong những năm qua, ĐBSCL đã ký kết nhiều chương trình liên kết sản phẩm, nhưng vẫn chưa có những chương trình hành động cụ thể, quyết liệt. Cho đến cuối năm 2019, một liên kết mới giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được hình thành và kỳ vọng là chương trình mang tính chiến lược cho phát triển du lịch phía Nam.
Ngay sau khi ký kết, các địa phương cũng đã bàn thảo xây dựng kế hoạch liên kết, xác định các phần việc chính và đề ra các phương hướng cụ thể để thực hiện. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025, tập trung 5 nội dung: trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc cùng các doanh nghiệp du lịch xây dựng 3 tuyến du lịch mới: Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình và Sắc màu vùng biên. Với ba tuyến này, các đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và điều chỉnh cho phù hợp với lộ trình và các sản phẩm đặc trưng nổi bật của từng địa phương.
Như vậy, câu chuyện sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL cũng đang có hướng mở với nhiều thay đổi, có sắc màu mới và riêng biệt hơn.
Bài, ảnh: Ái Lam
Điểm sáng "Du lịch dựa vào cộng đồng" ở Nam Giang Đến huyện miền núi Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, không những được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ diệu. Được tận mắt nhìn thấy cột mốc biên giới của Tổ quốc với nhiều cảm xúc dạt dào, mà còn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của rượu Tà Vạt giữa khung cảnh đại ngàn Trường Sơn. Từ một nơi còn nghèo nàn,...