Du lịch cộng đồng: Nhìn từ Gò Cỏ
Xuất phát điểm là những người dân làng chài, 37 hộ gia đình ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã mạnh dạn tham gia làm du lịch cộng đồng.
Trong đó, có 22 hộ đã xây dựng nhà tre, vách đất để kinh doanh homestay.
Gìn giữ nếp xưa
Gò Cỏ là tên một ngôi làng cổ chămpa. Làng nằm gọn trong một thung lũng ven biển Sa Huỳnh. Đây là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bởi sự hoang sơ, kỳ bí, không gian sống cổ xưa cùng những phong tục, tập quán, làn điệu dân ca mộc mạc.
Du khách trải nghiệm ở làng Gò Cỏ. Ảnh: PV
Chúng tôi về ngôi làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ đúng vào dịp nhiều ngôi nhà tranh, vách đất theo kiến trúc xưa được người dân sửa sang, dựng lên để có thêm điều kiện kinh doanh homestay. Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Bùi Thị Sen đang bận rộn với việc trang trí ngôi nhà để đón khách. Ngồi giữa căn nhà tranh, vách đất, chị Sen cho biết, từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, các hộ dân ở đây từng bước xây dựng, trang trí ngôi làng trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhà homestay để khách lưu trú làm bằng vật liệu tranh, tre thân thiện với môi trường. “Để làm ngôi nhà này, tôi đã đầu tư hơn 150 triệu đồng. Từ khi làm du lịch, đời sống của người dân ngày một nâng cao, ngôi làng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, cùng những làn điệu bài chòi, hát hố đắm say du khách”, chị Sen nói.
Ông Võ Binh (60 tuổi) ở làng Gò Cỏ cũng đầu tư hơn 120 triệu đồng để xây dựng thêm ngôi nhà tranh, vách đất để phục vụ khách tham quan. Còn nhà của bà Bùi Thị Vân, một trong những ngôi nhà ở làng Gò Cỏ còn giữ được nguyên vẹn nét xưa với tuổi đời hơn 40 năm. Nhiều du khách đến đây muốn được ở lại để trải nghiệm không gian xưa, tìm về ký ức tuổi thơ…
Đến với Gò Cỏ, du khách không chỉ trải nghiệm ở những ngôi nhà mái tranh, tường và cửa làm hoàn toàn bằng tre, nứa cùng những bộ bàn ghế bằng gỗ mộc mạc, đơn sơ… mà còn trải nghiệm câu cá, tôm, đan lưới, làm nông; nghe những làn điệu dân ca bài chòi, hát hố, trò chơi dân gian…
Video đang HOT
Ngôi làng hạnh phúc
Làng Gò Cỏ hiện có 83 hộ dân ở dọc theo núi đá ven biển, với diện tích khoảng 105ha. Làng vẫn giữ được nét đặc trưng của làng cổ xưa. Tháng 4/2019, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập và thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đây là mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả cần được nhân rộng.
Đến nay, làng Gò Cỏ có 23 hộ kinh doanh homestay, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 6 thuyết minh viên đã qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhiều hộ dân tham gia làm dịch vụ trải nghiệm đan lưới, trò chơi dân gian… Các giá trị truyền thống còn được lưu giữ và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, vì thế Gò Cỏ luôn hấp dẫn du khách.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho hay, tháng 12/2020, làng Gò Cỏ được công nhận là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đạt hạng OCOP 3 sao. Người dân trong làng tích cực tham gia làm du lịch. Từ tháng 4/2022 đến nay, làng Gò Cỏ đón gần 3.000 lượt khách tham quan. Làng Gò Cỏ hướng đến xây dựng ngôi làng hạnh phúc gắn với các tiêu chí “3 không” (không nghèo đói, không thất nghiệp, không ảnh hưởng môi trường). Đây là mô hình mới, nguồn tài chính để vận hành hợp tác xã còn thiếu. Do đó, người dân rất cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tiếp tục nhân rộng các mô hình nhà homestay, kinh doanh phát triển du lịch. Người dân mong muốn chính quyền địa phương lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận làng Gò Cỏ là điểm du lịch cấp tỉnh, để hoàn thiện một số tiêu chuẩn chất lượng của Công viên làng Gò Cỏ.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa
Thị xã Đức Phổ là nơi hội tụ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa độc đáo và bề dày truyền thống lịch sử.
Với lợi thế này, TX.Đức Phổ đang tập trung bảo tồn, giữ gìn và đầu tư, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử
Nói đến du lịch của TX.Đức Phổ không thể không nhắc đến làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh. Du khách đến đây không chỉ để khám phá thiên nhiên, mà còn được thưởng thức không gian văn hóa, lịch sử có từ hàng nghìn năm trước.
Làng Gò Cỏ là ngôi làng từng có lớp cư dân cổ là chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh. Đến đây, du khách dễ dàng bắt gặp những giếng đá, cầu đá, nhà lợp mái tranh... đặc trưng tiêu biểu của người Chăm Pa mà cư dân làng chài này đã gìn giữ.
Các đền thờ, miếu mạo từ thời vương quốc Chăm Pa cũng được tìm thấy ở đây. Trong làng hiện có rất nhiều con đường, tường rào bằng đá xếp chồng lên nhau một cách tỉ mỉ, tạo thành đường đi, cầu thang, tường rào, bờ ruộng, bờ suối, nhà đá và đền miếu. Trong làng có 12 giếng đá cổ là sản phẩm mà người Chăm Pa để lại khi cư ngụ tại đây. Hệ thống giếng cổ đã và đang là mạch sống, nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ, cảnh quan ở làng Gò Cỏ nguyên sơ, mộc mạc, cuộc sống của người dân nơi đây êm ả, bình dị. "Trong 2 ngày ở đây, tôi được hòa mình vào không khí làng quê Việt Nam và được tìm hiểu thêm nhiều điều về văn hóa, lịch sử của nơi đây", chị Tuyền bày tỏ.
Khách du lịch tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Không chỉ phát huy giá trị của riêng mình, làng Gò Cỏ còn là nơi kết nối những điểm đến ấn tượng khác của du lịch Đức Phổ như Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh. Nơi đây lưu giữ các cổ vật được khai quật từ di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, người Chăm Pa, trưng bày các hiện vật có niên đại sơ kỳ sắt cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm.
Hay Di tích khảo cổ Long Thạnh là nơi khai quật phát hiện hai khu cư trú và mộ táng nằm gần nhau cùng các di vật đặc trưng như vòng tay bốn mấu, đồ gốm... niên đại cách ngày nay trên 3.000 năm thuộc sơ kỳ đồng thau, giai đoạn tiền Sa Huỳnh.
Thị xã Đức Phổ còn có đầm An Khê, một di sản thiên nhiên- khảo cổ đặc biệt giá trị. Theo các nhà địa chất, đầm An Khê trở thành đầm nước ngọt cách đây khoảng 3.000 - 4.000 năm. Địa phương cực nam của tỉnh còn có nhiều di tích của người Chăm Pa vẫn còn nguyên vẹn với quy mô lớn như giếng Chăm, hệ thống thủy lợi được xếp bằng đá...
Ngoài ra, các điểm đến khác như đồng muối Sa Huỳnh, di tích Bia Ký Chăm, ở phường Phổ Thạnh; làng gốm Vĩnh An, tại xã Phổ Khánh... cũng giúp du khách có thêm những trải nghiệm thú vị.
Triển vọng cho du lịch
Tháng 12/2020, du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đạt hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng chính là sự khẳng định về giá trị của một ngôi làng còn giữ lại không gian văn hóa cổ của người xưa, mở ra một cột mốc mới cho tỉnh Quảng Ngãi cũng như TX.Đức Phổ về tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các di sản văn hóa.
Sau khi được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến và tham quan Gò Cỏ nhiều hơn. Người dân Làng Gò Cỏ đã và đang không ngừng nâng cao năng lực trong việc tổ chức kinh doanh du lịch dưới sự điều phối của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ.
Khách du lịch tham quan trên đầm An Khê.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hợp tác xã đã hình thành các tổ dịch vụ như: Tham quan, trải nghiệm bằng thuyền nan; dịch vụ homestay với tổng sức chứa khoảng 50 khách/đêm; tổ thuyết minh viên về làng Gò Cỏ; tổ nhà hàng cộng đồng; tổ dịch vụ trải nghiệm làm nông dân; tổ dịch vụ trải nghiệm nấu ăn; tổ dịch vụ trải nghiệm trò chơi dân gian... Ngoài ra, hợp tác xã cũng đã chủ động liên kết với các ngôi làng lân cận nhằm đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ du lịch.
"Với sự giúp đỡ, động viên từ chính quyền, cùng với nhận thức của người dân trong làng về việc tham gia làm du lịch, Gò Cỏ đang dần phát triển thành làng du lịch cộng đồng rất tiềm năng của TX.Đức Phổ", Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho hay.
Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng năm 2030, TX.Đức Phổ đã và đang tiếp tục rà soát, chủ động phối hợp với các sở, ngành để đề nghị xếp hạng, công nhận các tài nguyên vật thể, phi vật thể có tiềm năng, định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, thị xã sẽ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đầu tư, khai thác tại các địa điểm có tiềm năng để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa.
Bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Bởi nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều. Đây cũng là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch, dịch vụ; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và góp phần phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Hấp dẫn không gian cổ xưa ở làng Gò Cỏ Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) là tên một ngôi làng cổ Chăm Pa nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 60km về phía Nam. Làng nằm gọn trong một thung lũng ven biển Sa Huỳnh, là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bởi sự hoang sơ, kỳ bí, không gian sống cổ xưa...