Du lịch cộng đồng: Mùa dịch, khó chồng khó!
Du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế- xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch nói chung và các mô hình du lịch cộng đồng nói riêng.
Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới mạnh mẽ trên mọi phương diện đối với loại hình du lịch này.
Xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là một trong những địa phương có nhiều mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách quốc tế cũng như du khách trong nước đến tham quan và trải nghiệm.
Hiện toàn xã có 19 mô hình, trong đó nổi bật là làng du lịch Bồng Lai.
Trước đây, Bồng Lai được biết đến là thung lũng hoang vu, trùng điệp núi rừng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên, với những tiềm năng sẵn có cùng với sự sáng tạo của người dân, Bồng Lai đã trở thành một làng du lịch cộng đồng ấn tượng.
Khu Hung Lầm, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) là một trong những điểm đến mới hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế.
Đến với làng Bồng Lai, mỗi điểm du lịch nơi đây sẽ cho du khách một trải nghiệm khác nhau, các ý tưởng trải nghiệm phong phú đa dạng. Nếu như Đồng Soi Farm là nông trại rộng lớn, có vườn trồng rau, trồng hoa, chăn nuôi cừu và cối xay gió, du khách có thể ngắm cảnh, tận hưởng không khí trong lành…thì The Duck Stop lại trồng rất nhiều ổi và các loại cây nông sản khác, du khách có thể tự mình trải nghiệm công việc nhà nông, cưỡi trâu bơi qua sông hay thưởng thức bánh xèo của gia chủ với hương vị rất riêng, đậm chất Quảng Bình.
Hay ở Wild Boar Eco Farm, du khách sẽ được tham quan trang trại nuôi lợ
n rừng, gà kiến, vườn trồng hồ tiêu, trải nghiệm trò chơi xích đu mạo hiểm của trang trại… Hầu hết khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đều bày tỏ sự tò mò, thích thú với các trải nghiệm làm nông dân; đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để du khách khám phá sự khác biệt về văn hóa cũng như tập quán sản xuất nông nghiệp.
Video đang HOT
Không chỉ Bồng Lai, thời gian qua, nhiều mô hình du lịch trải nghiệm mới, hấp dẫn cũng được mở ra trên các địa phương khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Ở xã Xuân Trạch, Bố Trạch có Hung Lầm-điểm du lịch cộng đồng mới được 2 gia đình ông Nguyễn Khắc Ánh và Nguyễn Đức Huấn đầu tư làm trang trại kết hợp với du lịch.
Dù mới đưa vào hoạt động nhưng Hung Lầm đã thu hút nhiều du khách quốc tế cũng như nội địa đến tham quan và trải nghiệm. Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng với đó là thưởng thức ẩm thực do chính tay các chủ trang trại nấu theo cách riêng của mình .
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng trên đìa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi dịch bệnh diễn ra, nhiều cơ sở du lịch cộng đồng chuyên đón khách nước ngoài hầu như phải đóng cửa.
Theo anh Trần Ngọc Quỳnh, chủ The Duck Stop cho biết: “Phần lớn các điểm du lịch ở Bồng Lai đều làm kinh tế trang trại gắn với dịch vụ du lịch nên thu hút phần lớn khách nước ngoài. Vì thế từ khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết các điểm du lịch cộng đồng nơi đây phải đóng cửa hoàn toàn vì không có khách. Khi đóng cửa, chúng tôi không có nguồn thu từ dịch vụ du lịch nên gặp rất nhiều khó khăn để duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để du lịch được hoạt động trở lại, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Đặc biệt, nhiều gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng, khi chưa hoàn vốn thì gặp ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19, lượng du khách ít, nguồn thu vào rất hạn chế, không đủ trang trải các chi phí hoạt động, như: tu sửa cơ sở vật chất, trả lãi ngân hàng, trả lương cho nhân viên…
Được đầu tư khá nhiều hạng mục nhưng Star Lake Hill vẫn vắng bóng khách trong mùa du lịch.
Anh Lê Mạnh Hùng, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) chủ mô hình Star Lake Hill cho hay: “Năm 2018, thấy tiềm năng và lợi thế của du lịch cộng đồng nên tôi đã cùng người bạn mở khu vui chơi, ăn uống Star Lake Hill tại xã Hưng Trạch, Bố Trạch. Nhưng khi mô hình đi vào hoạt động thì dịch bệnh bùng phát, từ đó đến naym khách vắng vẻ, thu không đủ bù chi. Giờ đây, nếu đóng cửa thì không thu hồi được vốn, mà tiếp tục duy trì thì không đủ kinh phí, khó khăn chồng chất khó khăn!”.
Theo ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, dịch bệnh bùng phát, hoạt động du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Mong muốn của sở cũng như người dân làm du lịch là được Nhà nước ưu tiên giãn nợ, khoanh nợ và hỗ trợ các chi phí khác cho những gia đình làm du lịch cộng đồng nhằm duy trì mô hình, vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Về lâu dài, để du lịch cộng đồng phát triển ngày càng bền vững, các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cần phải có quy hoạch khu du lịch cộng đồng cụ thể và rõ ràng, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, hướng dẫn cho người dân làm đúng và hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu thành lập các hiệp hội du lịch cộng đồng để gắn kết các thành viên tham gia, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, tránh tình trạng mạnh ai nấy chạy, cạnh tranh không lành mạnh; khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng theo kiểu vừa sản xuất vừa gắn với dịch vụ du lịch nhằm hạn chế ảnh hưởng khi hoạt động du lịch bị ngưng trệ do dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất lợi…
Du lịch Quảng Bình trong mùa đại dịch...
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành "công nghiệp không khói" Quảng Bình gánh chịu những thiệt hại nặng nề.
Trước "cơn bĩ cực" này, những doanh nghiệp, người làm du lịch Quảng Bình đã mạnh dạn thay đổi, tái cơ cấu, hoạch định lại chiến lược phát triển;triển khai các giải pháp kích cầu hợp lý, trong đó, tập trung khai thác khách du lịch nội tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa qua đi...
Ảm đạm du lịch Quảng Bình
Phong Nha-Kẻ Bàng, "trái tim" du lịch của Quảng Bình trong những ngày cuối tháng 6-2021 ảm đạm, vắng khách. Bởi, cũng như những địa điểm du lịch khác, Phong Nha-Kẻ Bàng đang phải "gồng mình" chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết: "Các địa điểm tham quan du lịch do đơn vị quản lý từ khi hoạt động trở lại vào ngày 29-5 đến giờ đều vắng khách. Cũng trong khoảng thời gian này, trung tâm mới chỉ đón lác đác khoảng chừng 20-30 khách tham quan, chủ yếu là khách nội tỉnh. Các động Phong Nha, Tiên Sơn gần cả tháng qua không có một bóng khách. Du lịch ở Phong Nha đang gặp rất nhiều khó khăn...!".
Bến thuyền Phong Nha vắng khách du lịch.
Cũng theo ông Thắng, do là đơn vị tự chủ về tài chính nên không có khách du lịch đồng nghĩa với đơn vị đang "chết yểu" trong khi phải giải quyết nhiều thách thức, từ tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức, người lao động cho đến chi phí tiền điện, tiền duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất để hoạt động các tour, tuyến, điểm tham quan hàng ngày do đơn vị quản lý.
"Hàng tháng, chúng tôi phải chi phí thường xuyên hơn 1,3 tỷ đồng cho các hoạt động của đơn vị. Hiện đơn vị đã hết nguồn. Chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính xin được bố trí quỹ để đơn vị vay vốn với chính sách ưu đãi, rồi trả nợ qua từng năm để duy trì hoạt động của đơn vị trong thời điểm khó khăn này...!", ông Thắng chia sẻ.
Doanh nghiệp lữ hành là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch nhưng cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp lữ hành không có nguồn kinh phí để trả lương nhân viên, buộc phải cắt giảm nhân lực do không có khách du lịch.
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến công ty. Doanh thu của đơn vị đã giảm mạnh trong thời gian dài, khó khăn chồng chất khó khăn. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động và trả lương cho gần 30 nhân viên với mức lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí này chủ yếu là vay mượn và tích lũy thời gian trước.
Tour khám phá hang Chà Lòi thực hiện chính sách giảm 50% giá cho người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình.
"Cho đến trước thời điểm xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ tháng 1 đến tháng 5-2021), công ty vẫn duy trì được lượng khách đáng kể, khoảng 300-400 khách. Tuy nhiên, hiện, công ty đã chuyển hướng sang thị trường nội địa với đa phần là khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhưng, hiện tại, những địa phương này lại đang có dịch, nên du khách cũng vắng bóng. Đến giờ, công ty vẫn chưa nhận được tour nào, nhưng vẫn phải cầm cự, duy trì hoạt động...", ông Dũng cho biết.
Thu hút khách Quảng Bình...
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, tại các điểm du lịch: động Phong Nha, suối nước Moọc và sông Chày-Hang Tối, đơn vị chỉ đón khách nội tỉnh (có giấy tờ tùy thân chứng thực khi đến làm thủ tục tại quầy vé) và khách có giấy tạm trú tại Quảng Bình, từ chối nhận khách ngoại tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng theo ông Thắng, bên cạnh thực hiện quy tắc "5K", các điểm du lịch phải tuân thủ nghiêm ngặt một số vấn đề, như: bảo đảm khoảng cách 2m khi du khách xếp hàng mua vé tại quầy; khai báo y tế qua hình thức quét mã QR hoặc điền giấy khai báo; khử khuẩn; du khách luôn được nhắc nhở phải sử dụng khẩu trang tại các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng có chính sách giảm giá vé dịch vụ tại một số điểm tham quan đối với khách nội tỉnh do đơn vị quản lý để thu hút khách trong thời điểm dịch bệnh...
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis cho biết, năm 2021, các tour của Oxalis đã kín chỗ từ tháng 3, tuy nhiên, Việt Nam lại đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Giờ đang là mùa cao điểm du lịch, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn tất cả.
Nhân lực ngành du lịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Oxalis đã không nhận khách ngoại tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các tour phải tạm ngừng vì đa số khách của Oxalis đến từ các thành phố lớn.
"Ngành du lịch Quảng Bình đã chịu nhiều thiệt hại trong các đợt dịch trước, các công ty du lịch cũng tạm ngưng hoạt động. Nay, chúng tôi vẫn muốn duy trì "đốm lửa" du lịch còn sót lại để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ thổi bùng ngọn lửa du lịch, nếu ngọn lửa tắt đi sẽ rất khó và rất lâu đế thắp lại. Do đó, chúng tôi quyết định xây dựng "tour lỗ" đặc biệt dành riêng cho khách hiện đang ở Quảng Bình và những khách đã hết hạn cách ly tại Quảng Bình với một chương trình tour rẻ chưa từng có. Chúng tôi muốn duy trì hoạt động điều hành, muốn anh em porter có thu nhập và cũng muốn tạo cơ hội cho người Quảng Bình trải nghiệm tour du lịch của Oxalis, đây cũng là cách giúp chúng tôi vượt qua khó khăn...!", ông Á cho hay.
Theo đó, chương trình ưu đãi lần này áp dụng cho các tour khám phá hang động khác do Oxalis Adventure đang khai thác, bao gồm: hang Én, hang Va, hệ thống hang Tú Làn, hang Tiên. Tất cả các tour thám hiểm trong chương trình này đều được giảm giá 50% so với mức giá cũ. Chương trình khuyến mãi được áp dụng đến ngày 15-7-2021.
Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH thông tin và du lịch Netin, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách trong tỉnh tham quan và trải nghiệm cũng như phát triển du lịch Quảng Bình trong tình hình mới, công ty đã tung ra chính sách giảm 50% giá vé cho người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình từ 15-6 đến 15-7-2021 đối với các tour khám phá hang Chà Lòi được tổ chức 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm...
Trào lưu bữa sáng nổi - Giải mã hashtag đắt giá gây sốt Instagram bất chấp mùa dịch Cùng tìm hiểu trào lưu bữa sáng nổi- Floating Breakfast đang làm mưa làm gió trên Instagram thời gian gần đây nhé! Trào lưu bữa sáng nổi và những điều thú vị. Giải mã trào lưu bữa sáng nổi gây trao đảo cộng đồng mạng bất chấp mùa dịch Không thể phủ nhận, trào lưu bữa sáng nổi gần đây nổi lên như...