Du lịch ‘chữa lành’ trên núi Bà Đen: Sáng săn mây, chiều dâng đăng, tối xem nhạc nước
Núi Bà Đen không chỉ là điểm đến hành hương với hệ thống chùa Bà hàng trăm năm tuổi và các công trình tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi.
Tại đây còn rất nhiều trải nghiệm độc đáo mà nếu chưa từng thử, bạn sẽ không thấy được hết vẻ đẹp và sức hấp dẫn của ngọn núi cao nhất Nam bộ.
Sáng săn mây “đĩa bay”
Săn mây là trải nghiệm phải thử khi đến núi Bà Đen, bởi đây được biết đến là ngọn núi hiếm hoi trên cả Việt Nam và thế giới thường xuyên xuất hiện các hiện tượng mây hiếm gặp, đặc biệt là hiện tượng mây thấu kính, hay còn gọi là mũ mây, mây “đĩa bay”. Theo kinh nghiệm của các “tín đồ” săn mây, tháng 6 – 7 này là thời điểm hiện tượng mây thấu kính xuất hiện nhiều nhất tại đây. Nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, thường chọn về Tây Ninh từ tinh mơ để săn hiện tượng này.
Mây bao trùm trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Vào mùa này, mũ mây thường kéo dài từ sáng sớm đến tận 8-9h. Nhiều bạn trẻ chọn “check nhân phẩm” ở dưới chân núi để săn mũ mây, rồi đi cáp treo lên đỉnh để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn cả mũ mây và biển mây trong cùng một ngày.
Nắng đẹp, không khí mát mẻ ở trên đỉnh núi với nhiệt thấp hơn thành phố từ 8-10 độ C, và rất nhiều thảm hoa bung nở rực rỡ đẹp tựa miền tiên cảnh, đó là những điểm cộng khiến du khách chọn đến núi Bà Đen ngày càng đông, đặc biệt vào các ngày cuối tuần.
Chiều dâng đăng trên đỉnh núi
Dâng đăng là nghi thức văn hóa tâm linh đặc trưng tại đỉnh núi Bà Đen. Diễn ra vào tất cả các tối Thứ 7, lễ dâng đăng được tổ chức thiêng liêng giữa không gian lung linh, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là lý do khiến hàng ngàn du khách đến với núi Bà Đen mỗi dịp cuối tuần.
Du khách tự viết lời nguyện ước lên đăng. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Ngay từ khoảng 4 giờ chiều, hàng nghìn du khách đã tập trung tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, nhận những ngọn đăng hoàn toàn miễn phí từ nhân viên khu du lịch Sun World Ba Den. Bút và bàn viết đã được chuẩn bị sẵn để du khách tự tay ráp đèn đăng và tự tay viết lời nguyện ước lên ngọn đăng dâng lên đức Phật. Các ngọn đăng tại đây cũng được nhân viên khu du lịch chế tác riêng, với đế bằng gỗ và đăng hình vuông mang đặc trưng không lẫn với đèn hoa đăng ở bất cứ nơi nào.
Video đang HOT
Lễ dâng đăng diễn ra vào các tối Thứ 7 hàng tuần. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Nghi thức thiền đăng và thả đăng sẽ diễn ra khi trời ngả tối, mây tỏa xuống từ tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Hàng nghìn người sẽ xếp hàng nghiêm cẩn dưới quảng trường, tâm tĩnh tại trước ánh sáng lung linh của các ngọn đăng, cùng nguyện cầu bình an, may mắn, rồi lần lượt thả đăng trên dòng nước quanh trụ kinh Bát Nhã, tạo nên một không gian vô cùng huyền ảo trên đỉnh thiêng.
Tối xem show nhạc nước hiện đại
Sau nghi thức dâng đăng, du khách không thể bỏ qua show nhạc nước kết hợp giữa công nghệ hiện đại và văn hóa Phật giáo tại khu vực tôn tượng Bồ Tát Di Lặc. Show nhạc nước mới ra mắt từ đầu năm 2024 này được xem là một trải nghiệm rất đáng giá để du khách ở lại đỉnh núi Bà Đen vào buổi tối. Show mang đến các hoạt cảnh đặc sắc, lấy trung tâm là tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới, từ đó phát ra ánh hào quang cùng các hình ảnh mang đậm sắc màu Phật giáo như bầu trời Tây Thiên, những đám mây đa sắc, hình ảnh hoa sen, những đồng tiền may mắn,…
Du khách hào hứng xem show nhạc nước bên tượng Di Lặc Bồ Tát. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Để có được màn trình diễn nhạc nước mãn nhãn này, nhiều thiết bị công nghệ cao hàng đầu Việt Nam đã được đưa vào sử dụng như: Máy vẽ Laser, máy chiếu 3D, máy Laser tạo khối không gian, đèn moving head có khả năng tạo hiệu ứng họa tiết ấn tượng… Bên cạnh đó, hệ thống 1.450 đèn chiếu sáng chuyên dụng cũng góp phần làm nổi bật màn trình diễn.
Cả ngày hòa vào không khí lễ hội
Hầu như hằng tháng, núi Bà Đen đều có các lễ hội văn hóa tâm linh được tổ chức quy mô theo lịch Phật sự và các lễ hội truyền thống bản địa. Các lễ hội điển hình phải kể đến như: Hội xuân núi Bà (vào nửa đầu tháng Giêng), Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (mùng 4, 5, 6/5 Âm lịch), Lễ Vu Lan (Rằm tháng 7)… Chính vì vậy, du khách nên chọn đúng thời điểm để có thể trải nghiệm trọn vẹn không gian văn hóa tâm linh đặc trưng nơi đây.
Biểu diễn nghệ thuật trong mùa Phật đản. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Hiện tại, mùa Phật đản đang được tổ chức thiêng liêng trên núi Bà, với nhiều hoạt động ý nghĩa như các chương trình nghệ thuật hướng về lòng từ bi, công đức và hành trình thành đạo của đức Phật, hay các điệu múa trống Chhay-dăm, múa Khmer, nhạc ngũ âm… tái hiện các di sản văn hóa phi vật thể tại Tây Ninh.
Tới đây, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – lễ hội quan trọng nhất trong năm của núi Bà Đen, sẽ được tổ chức quy mô vào tháng 5 âm lịch. Được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, Lễ vía Bà hút hàng nghìn người dân và du khách tìm đến núi Bà Đen để tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu – một tượng đài trong tín ngưỡng người Nam bộ.
Những ngôi chùa đông khách thập phương nhất dịp đầu năm ở Nam Bộ
Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt ở cả ba miền mỗi dịp du xuân sau mấy ngày ăn Tết Nguyên đán.
Hãy cùng điểm lại những ngôi chùa đông khách thập phương nhất dịp đầu năm ở Nam Bộ.
Chùa Bà Tây Ninh
Khu du lịch núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là một quần thể du lịch tâm linh với ngôi chùa lớn nhất là chùa Bà Đen hay còn gọi là chùa Bà Tây Ninh hoặc Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tọa lạc trên sườn núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất ở Tây Ninh với lịch sử gần 300 năm. Bên cạnh chùa Bà, khu du lịch còn có chùa Hang, chùa Trung, chùa Quan Âm..., được người dân địa phương và nhiều khách thập phương đổ về chiêm bái, cầu an mỗi năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Hội xuân Núi Bà Đen thường tổ chức từ mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm và lễ Vía Bà diễn ra vào mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch, là những sự kiện thu hút đông khách thập phương nhất. Từ trước đó, nhất là vào ngày 30 Tết, người dân địa phương và vùng lân cận đã đến đây rất đông để dâng lễ. Vậy nên thời điểm thích hợp nhất để du lịch núi Bà Đen là trong khoảng tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, khoảng thời gian thường có thời tiết mát mẻ, ít mưa.
Đến với núi Bà Đen trước tiên du khách di chuyển đến Tây Ninh. Từ TP HCM nếu đi xe máy, ô tô riêng thì theo quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng rẽ phải vào tỉnh lộ 19 (hay còn gọi là ĐT.782), đi tiếp khoảng 65 km nữa là đến núi Bà. Hoặc bạn có thể rẽ trái vào thị xã Gò Dầu, đi quốc lộ 22B khoảng 72 km đến núi Bà Đen. Đi Tây Ninh bằng xe buýt từ TP HCM có tuyến Bến Thành - Mộc Bài rồi sang tuyến Mộc Bài - Tây Ninh vào trung tâm thành phố. Đi bằng xe khách có xe đi Tây Ninh trực tiếp ở bến xe An Sương hoặc đặt dịch vụ xe limousine.
Tới núi Bà, để đi lễ chùa Bà Đen thì có lựa chọn di chuyển lên điện Bà bằng cáp treo với hệ thống cáp treo hiện đại được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 gồm 2 tuyến cáp treo là tuyến cáp treo Chùa Hang để tham quan chùa Bà và tuyến cáp treo Vân Sơn để lên thẳng đỉnh núi. Ngoài ra còn có lựa chọn trekking đường bộ cho các bạn trẻ.
Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang
Mang nét đẹp giao thoa giữa kiến trúc Á - Âu với những nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây và nổi tiếng nhất tỉnh Tiền Giang với bề dày lịch sử hàng trăm năm. Từ lâu, chùa được coi là nơi rất linh thiêng để tới xin lộc làm ăn, sức khỏe và tình duyên... nên dịp Tết luôn thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, lễ bái.
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên con đường Nguyễn Trung Trực ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Để di chuyển đến chùa từ TP HCM, bạn cần đi theo hướng quốc lộ 1A tới trung tâm thành phố Mỹ Tho, sau đó đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3 km là đến công viên Vĩnh Tràng, rẽ trái và đi thẳng thêm 300 m là tới chùa Vĩnh Tràng.
Chùa Tiên Châu, Vĩnh Long
Chùa Tiên Châu ở cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; còn có tên gọi khác là chùa Di Đà hay Tô Châu, cũng là một điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương dịp đầu năm mới. Kiến trúc chùa theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau gồm có chánh điện, hậu tổ, hậu liêu. Chùa Tiên Châu có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo.
Vĩnh Long cách TP HCM khoảng 100 km về phía nam, có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển nên có nhiều lựa chọn di chuyển. Bạn có thể đi bằng xe máy, lái ô tô riêng hoặc mua vé xe khách từ TP HCM. Từ Sài Gòn đi Vĩnh Long thường sẽ mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Nếu đi tự túc, có thể từ Sài Gòn về trung tâm thành phố Vĩnh Long theo quốc lộ 1A. Từ thành phố Vĩnh Long, đứng bên bờ sông Cổ Chiên nhìn sang bờ bên kia là cù lao An Bình, chỉ cần đi phà ở công viên Sông Tiền khoảng 15 phút là tới cù lao, đi bộ thêm đoạn ngắn nữa là đến chùa Tiên Châu.
Chùa Bà Chúa Xứ, An Giang
Chùa Bà Chúa Xứ còn gọi là miếu Bà Chúa Xứ hay chùa Bà Châu Đốc, tọa lạc ở núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hàng năm, chùa đón rất nhiều khách thăm viếng để cầu an và là ngôi chùa linh thiêng mà nhiều người dân miền Nam và khách thập phương không thể bỏ qua khi đi lễ chùa dịp đầu năm mới.
An Giang giáp Campuchia, cách TP HCM khá xa. Bạn có thể đi theo hướng đường Trường Chinh qua cầu Tham Lương về ngã tư An Sương, rẽ trái vào đường Phan Văn Hớn, rồi chạy hơn 2 km thì rẽ trái tại ngã tư Bà Điểm vào xa lộ Đại Hàn thuộc QL1A. Tiếp tục đi hơn 4 km vào đường QL1A tại Tân Thới Nhất, quận 12. Sau đó, tiếp tục di chuyển theo hướng về đường cao tốc TP HCM - Trung Lương/ĐCT01 và QL62 đến ĐT 819 tại Tân Lập rồi đi dọc theo ĐT 819 đến đường 3 Tháng 2 tại thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Tiếp tục hành trình đi An Giang, bạn nên đi dọc theo TL831/Tỉnh lộ 831/ ĐT831, ĐT842 và ĐT841 đến Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, đi đến Phà Tân Châu/Tân Châu - Hồng Ngự. Sang bên kia sông, rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo/ĐT954 rồi chạy thẳng ĐT953 đến Phà Châu Giang tại Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Qua chuyến phà thứ 2, lái xe đến Châu Thị Tế/Tân Lộ Kiều Lương tại núi Sam.
Ai đi từ những tỉnh nằm ở khu vực Tây Nam Bộ thì có thể di chuyển đến thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang rồi di chuyển theo quốc lộ 91 đến thành phố Châu Đốc khoảng 50 km. Theo hướng tân lộ Kiều Lương đi đường vòng núi Sam là tới.
Chùa Bà Chúa Xứ cách trung tâm thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang khoảng 5 km về phía Tây Nam. Quãng đường từ Long Xuyên đến Châu Đốc thường có nhiều phương tiện di chuyển phục vụ du lịch như xe khách, xe buýt... Vào mỗi mùa lễ hội, số lượng xe di chuyển về núi Sam rất đông nhưng ít khi xảy ra ùn tắc.
Chùa Giác Lâm, TP HCM
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TP HCM, tọa lạc tại 565 (số cũ 118) Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Chùa khá rộng, xây dựng theo kiểu chữ tam gồm 3 dãy nhà nối liền nhau, bên trong bài trí 118 pho tượng cổ, gần 7.500 chiếc đĩa kiểu cẩn dọc từng lập kỷ lục Việt Nam.
Được coi là một ngôi chùa cổ và nổi tiếng bậc nhất ở TP HCM, chùa Giác Lâm thường thu hút rất đông du khách viếng thăm quanh năm, nhất là vào dịp Tết. Kiến trúc của ngôi chùa được xem là tiêu biểu hàng đầu miền Nam, với chính điện kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái và bốn cột chính gọi là tứ trụ. Du lịch Sài Gòn đầu xuân năm mới quả không thể bỏ qua ngôi chùa này.
Du lịch Tây Ninh tiếp tục tạo đà bứt phá, thu hút du khách Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách tham quan (đạt trên 50,4% so với kế hoạch năm 2024 đề ra), tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.580 tỷ đồng. Hiện du lịch Tây Ninh tiếp tục tạo đà bứt phá, thu hút du khách,...