Du lịch Cần Thơ hội nhập bằng bản sắc riêng
Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới và các địa phương ở Việt Nam, trong đó có Cần Thơ.
Xu hướng liên kết, kết nối du lịch là tất yếu nhằm tăng cường tiềm lực và đa dạng sản phẩm phục vụ du khách. Trong bối cảnh đó, việc định hình bản sắc riêng cho du lịch địa phương là điều rất cần được chú trọng theo phương châm “hòa nhập chứ không hòa tan”. Du lịch Cần Thơ đang vững vàng hội nhập bằng bản sắc riêng như thế.
Du khách nước ngoài ngồi xuồng khám phá sông nước miệt vườn ở Cái Răng. Phía bên trái là dãy homestay của Hometravel Mekong Cần Thơ với những trụ điện gió.
Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), chia sẻ rằng: Thành công của Làng du lịch Mỹ Khánh nhiều năm qua là nhờ chọn được hướng đi riêng: tái hiện một khu sinh thái miệt vườn ngay tại “thủ phủ miệt vườn” ĐBSCL. Thật ra trước đây, làng du lịch này từng “lạc hướng” khi xây dựng những ngôi nhà rông và rồi bây giờ định hình bản sắc riêng với không gian miệt vườn đặc sắc.
Nhìn rộng ra, ông Lê Văn Sang nhận định: “Mình mà xây dựng nhà cao cửa rộng tráng lệ, nguy nga thì lại là một cuộc cạnh tranh không cân sức và không cần thiết với ngành du lịch các nước. Du khách nước ngoài tìm về miền Tây là tìm về không gian sông nước, cây trái, những ngôi nhà phong cách Nam bộ…”. Được biết, Làng du lịch Mỹ Khánh còn đang hình thành khu chợ nổi ngay trong khuôn viên của làng du lịch để đa dạng hóa sản phẩm.
Du lịch được xem là ngành kinh tế có tốc độ phát triển rất nhanh hiện nay của Cần Thơ, với mô hình du lịch thành công đó là bản sắc và sinh thái. Những thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch bản địa” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn và đang được vận dụng tại các khu du lịch đất Tây Đô.
Hometravel Mekong Cần Thơ (tọa lạc tại Thường Thạnh, quận Cái Răng) là một điển hình như thế. Nơi đây được xem là một trong những homestay điện gió đầu tiên ở ĐBSCL. Không sang trọng, xa hoa mà đậm “chất” miền Tây: những căn phòng là mái nhà lá đơn sơ, dọc đường hoa dại níu chân người, có chuối đang trổ buồng, có cá vẫy vùng dưới ao đầy bông súng… Mở cửa phòng là con rạch với hàng bần rũ bóng…
“Đô thị hóa” tưởng như từ chối chốn này, dù cách trung tâm thành phố chỉ chưa đầy chục cây số. Đặc biệt, mỗi căn phòng đều được bố trí một trụ điện gió nhỏ để tích điện đủ sử dụng trong một căn phòng. Du lịch xanh đã giúp điểm du lịch này đông khách thường xuyên. Chị Nguyễn Hà Kim, ngụ quận Ninh Kiều, vào chơi với những người bạn Pháp đang nghỉ tại Hometravel Mekong Cần Thơ, nói: “Các bạn muốn có một nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh và tôi đã giới thiệu đến đây. Ai cũng rất hài lòng. Chiều chiều họ còn nhảy ùm xuống con rạch để tắm, rất thích thú”.
Video đang HOT
Một khu nghỉ dưỡng khác sang trọng nhưng cũng rất bản sắc là Cần Thơ Ecolodge, thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng. Điểm đặc biệt ở khu này là các tòa nhà được ốp bằng thân gỗ cây dừa, nội thất cũng làm từ thân dừa, nhìn rất độc đáo và đậm chất miền Tây. Với cách xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa nên Cần Thơ Ecolodge là một trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Cần Thơ Ecolodge còn có hành trình dành cho du khách khám phá khu vườn ươm trồng rau hoa giống, làm kẹo dừa, trải nghiệm vườn trái cây, tham quan chợ nổi Cái Răng, thăm thú cuộc sống của bà con địa phương…
Bà Suzanne, một du khách người Pháp, cho biết: “Thật kỳ công khi tòa nhà được làm bằng thân cây dừa. Không gian rất đậm miền quê nhưng lại rất tiện nghi. Điều này làm tôi rất hài lòng”.
Nhìn lại thành công của nhiều điểm du lịch ở Cần Thơ thời gian qua, có thể khẳng định giá trị văn hóa địa phương đang được khai thác, phát huy. Điều này cũng góp phần đa dạng hóa du lịch ĐBCSL, chữa được “bệnh na ná” – vấn đề mà hầu hết các hội nghị về phát triển du lịch ĐSBCL đều được nêu ra với đầy trăn trở.
Tính đến cuối năm 2019, Cần Thơ có 13 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố, 7 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, với những thương hiệu quen thuộc như Làng Du lịch Mỹ Khánh, Vườn sinh thái Xẻo Nhum, Làng Du lịch Ông Đề, Khu Du lịch Lung Cột Cầu… Đây cũng là những điểm du lịch có bản sắc riêng của Cần Thơ.
Sự kỳ công trong thiết kế ở Cần Thơ Ecolodge mang lại bản sắc riêng.
Theo thống kê, năm 2019 ngành du lịch Cần Thơ đã đón gần 8,87 triệu khách; trong đó, số khách quốc tế lưu trú đạt gần 410.000 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Lữ hành quốc tế đón vào đạt trên 32.000 lượt khách quốc tế, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018; đưa gần 25.000 lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2018. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng của du lịch Cần Thơ, riêng với phạm vi du lịch quốc tế. Du lịch Cần Thơ cũng đã xây dựng tour, tuyến mới đưa vào khai thác trên địa bàn TP Cần Thơ: Bến Ninh Kiều – Chợ nổi Cái Răng – trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ Ecolodge.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, qua việc định hình bản sắc riêng, sản phẩm du lịch đặc thù mà năm 2020, Cần Thơ thuận lợi hơn trong liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và với các tỉnh ĐBSCL. Năm 2020, ngành du lịch Cần Thơ cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài phù hợp với du lịch tổng thể TP Cần Thơ. Những nỗ lực này sẽ mở rộng cánh cửa hội nhập cho du lịch đất Tây Đô.
Bài, ảnh: DUY KHÔI
Theo baocantho.com.vn
Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tháo điểm nghẽn
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là khu vực đông dân cư, đất đai phì nhiêu, sông ngòi trải rộng, tiềm năng dư thừa nhưng kém phát triển nhất về du lịch so với các vùng, miền khác của cả nước.
Tuy nhiên, nỗ lực tháo điểm nghẽn đáng kể nhất trong năm vừa qua lại chính là việc đã nhìn nhận ra 3 tồn tại lớn: Khâu quảng bá xúc tiến kém, nhân lực yếu, dịch vụ du lịch đơn điệu.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ trong số rất ít các di tích kiến trúc trên bản đồ du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH
Không sở hữu hành trình di sản đồ sộ như miền Trung, vùng biển đảo nắng gió tuyệt đẹp như Nam Trung bộ và cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng như Tây Bắc, Đông Bắc bộ, Nam bộ bằng lòng với các từ khóa cũ kỹ về du lịch cả thập kỷ không thay đổi như: Chợ nổi, mùa lũ lành, ẩm thực đất phương Nam... Vùng đất rộng lớn như chiếc bánh tráng cán mỏng, không có điểm nhấn, thiếu sự khác biệt.
Du khách nếu đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần chạy xe chưa đầy 1 giờ đồng hồ xuống cù lao An Thới, Tiền Giang, hoặc Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Tân An, Long Xuyên là đã có thể biết đủ về Nam bộ: Thưởng thức văn hóa cù lao, miệt vườn cây ăn trái, đi thuyền trong vàm dừa nước, thưởng thức đặc sản Nam bộ. Các tỉnh khác cũng lặp lại cách làm du lịch không mới, bình dị, đơn điệu kiểu "cà rịch -cà tang" không đi đâu mà vội - như chính những người Nam bộ thường nói về lối sống của bản thân mình.
Các vùng miền khác tăng trưởng du lịch tính hàng năm biến động 2 con số, riêng đồng bằng sông Cửu Long tính hàng chục năm qua, tốc độ tăng trưởng mới là 13%. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế Nam bộ đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn liên kết du lịch toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm vừa qua. Cho đến đầu năm 2020, cục diện đã có biến chuyển ban đầu với sự đáp ứng của các tỉnh, thành.
Một số biện pháp được đề xuất là tiến hành ngay công tác rà soát, chuẩn hóa và nâng cấp các di tích lịch sử thành điểm du lịch. Việc xây dựng thương hiệu riêng của vùng, của từng địa phương ấn tượng và có bản sắc. Du lịch xanh là hướng đi nhiều địa phương tiếp cận vì cho đến thời điểm này, lối sống gần gũi với thiên nhiên vẫn được đề cao. Và một cái đích đến không thể né tránh mà chỉ có thể đi tới nhanh nhất, đó là sử dụng công nghệ thông tin vào số hóa để tạo ra môi trường du lịch thông minh.
Trong xu thế chung, việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch là điều phải làm, liên kết quy mô vùng cũng là tất yếu. Chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững là yếu tố con người phát huy trên nền di sản văn hóa. Nguồn nhân lực cần chất lượng hơn, năng lực dồi dào để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, làm chủ di sản văn hóa và bản thân họ phải trở thành thực thể bảo tồn các giá trị văn hóa.
Từ năm 2020, kỷ nguyên mới trong việc tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cho nguồn lực con người và công nghệ sẽ ưu tiên cho số hóa các di sản văn hóa, áp dụng công nghệ thông minh trong quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó, nhân tố con người đặc biệt quan trọng. Mục tiêu là mọi người dân đều phải tham gia vào guồng quay du lịch và được hưởng thụ lợi ích từ du lịch.
Đi theo hướng phát triển đó, người dân sẽ là đối tượng thụ hưởng ưu tiên của phát triển du lịch. Gốc gác văn hóa của Nam bộ mang ra làm du lịch là lối sống khoáng đạt, thân thiện, mến khách của người dân. Người Nam bộ phần lớn không hề biết cuộc sống màu sắc phong phú, đặc trưng vùng sông nước của họ có thể trở thành thứ mang ra làm du lịch, nuôi sống con người trên chính vùng đất đó. Vượt qua được định kiến lâu nay cho rằng đồng bằng sông Cửu Long đi một ngày là hết vị, không có lý do nào để du khách ở lại qua đêm, chỗ nào cũng na ná giống nhau, đơn điệu, thiếu sự đa dạng và khác biệt.
Trên thực tế, không hẳn các tỉnh, thành Nam bộ đều giống nhau. Thực tế, mỗi địa phương tự hào về một hình ảnh riêng của chính mình. Đơn cử như Bến Tre có thể tô đậm hình ảnh cây dừa và biến đây trở thành một lợi thế không có tỉnh, thành nào so sánh được.
Trước đây, đã có thời kỳ, một số cơ quan, doanh nghiệp của Bến Tre dùng nước dừa để tiếp khách. Bất cứ ai đặt chân tới Bến Tre cũng được uống nước dừa thay nước tinh khiết. Việc này cũng như thử nghiệm dùng món mèn mén (bột ngô đồ chín) trong bữa tiệc ngoại giao của tỉnh Hà Giang từng làm. Dù gây được ấn tượng hay không, nhưng thử nghiệm là đáng giá để đo đếm phản ứng của khách du lịch, lại cũng có tác dụng rõ rệt là để lại dấu ấn riêng.
Đời sống sông nước miệt vườn Nam bộ vẫn là linh hồn của du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH
Trong số các điểm nghẽn du lịch được bàn tới gần đây, đồng bằng sông Cửu Long "mắc cạn" với hầu hết các điểm nghẽn thống kê là nguồn lực yếu, hạ tầng thiếu, quảng bá kém và không liên kết vùng. Vì không có quy hoạch vùng du lịch nên dịch vụ du lịch vừa nhỏ, vừa manh mún. Le lói một chút ánh sáng trong sự mông lung có lẽ thuộc về một thông tin có tính chất gợi mở là Cần Thơ lọt vào danh sách các thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới - thông tin được tạp chí Departures của Mỹ công bố năm 2019.
Hành trình du lịch trên sông thăm thú chợ nổi Cái Răng và thưởng thức văn hóa miền sông nước hiện cũng đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Một vài doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ mới dè dặt mở các tuyến du lịch đường sông đi các tỉnh lân cận, hoặc có thể từ trung tâm đồng bằng theo các cửa sông ra tới Côn Đảo và các vùng biển, đảo gần bờ. Đó cũng đã là cả một sự táo bạo trong bối cảnh du lịch vùng gần như không có đột phá.
Thúy Hằng
Theo bienphong.com.vn
Về Cần Thơ du xuân Du lịch Cần Thơ đang trở thành điểm sáng với nhiều lễ hội, sự kiện, điểm đến phong phú và giàu bản sắc. Về Cần Thơ vào dịp Tết Canh Tý 2020, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm về bản sắc văn hóa sông nước, hương vị Tết Nam bộ ở các điểm du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn...