Du lịch cắm trại ‘bùng nổ’
Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…
Du lịch cắm trại được nhiều hội bạn ưa thích. Ảnh: Hội Camping – Du lịch cắm trại leo núi
Cắm trại trốn nắng
Huế mới bước vào những ngày nắng, trời đã oi bức. Tranh thủ cuối tuần, Sơn cùng đám bạn rủ nhau lên A Lưới cắm trại. Chọn bờ suối bên khe Kiền ở thôn A Đên, xã Hồng Thượng, nhóm bạn dựng trại rồi thỏa sức tắm suối. Dưới những tán cây rừng tỏa bóng mát, nguồn nước trong xanh và tiếng suối chảy róc rách mang lại cảm giác bình yên, thư giãn, họ đã có một ngày trốn nắng thú vị.
Du lịch cắm trại không phải là hình thức tự phát mới đây mà thực sự đã trở thành xu hướng, trào lưu rộ lên khoảng vài năm trở lại. Không chỉ là những nhóm bạn, gia đình, người thân lập kế hoạch du lịch cắm trại, nhiều hội nhóm thành lập với số lượng hàng ngàn thành viên như “Rủ nhau cắm trại” (khoảng 205.000 người), “Camping Việt Nam” (198.000 người)…
Anh Nguyễn Thái Bình, một thành viên của hội nhóm thường đi du lịch cắm trại chia sẻ, du lịch cắm trại là hình thức du lịch dã ngoại, dựng lều trại ngoài trời. Gắn liền hình thức này thường có những hoạt động như: đốt lửa trại, đi bộ, leo núi, tắm biển, nấu ăn, tổ chức tiệc nướng với những đồ ăn đã chuẩn bị sẵn… Du lịch theo hướng này mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ, độc đáo; giúp tăng cơ hội giao lưu, thấu hiểu, gắn kết giữa nhóm bạn bè hay các thành viên trong gia đình. Điểm hay khi tham gia vào các chuyến du lịch cắm trại là mọi người sẽ tạm rời xa sự ồn ào của phố thị, của tiếng còi xe để tận hưởng không khí trong lành và những giây phút yên bình hiếm có. “Được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng cảm giác qua đêm tại “khách sạn ngàn sao” mình thấy thú vị hơn là những chuyến du lịch nghỉ dưỡng”, anh Bình đánh giá.
Video đang HOT
Du lịch cắm trại thường “bùng nổ” vào dịp hè gắn với chuyện trốn nóng. Địa điểm cắm trại được chọn là nơi có bãi đất rộng rãi, thoáng mát, có núi, sông, hồ, cảnh đẹp và bảo đảm an toàn để có thể dựng lều, cùng bạn bè ngắm bình minh hoặc hoàng hôn. Tại Huế, địa điểm được nhiều người lựa chọn là 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, các bãi biển ở Huế, đặc biệt là Cảnh Dương, Tân Cảnh, Hàm Rồng, hồ Thọ Sơn…
Nhiều người ưa thích xu hướng du lịch này cho biết, chi phí cho mỗi chuyến du lịch cắm trại thường “mềm” hơn khá nhiều so với các hình thức khác. Một chiếc lều trại bình dân cho 2 – 4 người được bán với giá 500.000 – 900.000 đồng, có thể sử dụng nhiều lần. Tại nhiều địa điểm cắm trại, khách du lịch thậm chí không cần đem theo bất kỳ thứ gì vì có thể thuê sẵn các dịch vụ tại đó. Tuy nhiên, việc tự trang bị sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Hiện nay, nhiều công ty du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng có sẵn dịch vụ cho thuê lều trại với chi phí rẻ, điều này tạo ra sự tiện lợi cho những ai mê du lịch cắm trại.
Chuẩn bị kỹ, đảm bảo an toàn
Với du lịch cắm trại thì thường người tổ chức, người trải nghiệm phải tự túc lo mọi thứ, nên khâu chuẩn bị phải thật sự kỹ lưỡng. Anh Công Danh, admin của một nhóm du lịch cắm trại chia sẻ, trước khi tổ chức, cần lựa chọn địa điểm phù hợp. Để chuẩn bị tốt cho một chuyến đi, trước khi lên đường cần chuẩn bị thức ăn và một số vật dụng cần thiết như: lều trại, bạt, lửa, đèn, củi, than… Một số dụng cụ cũng có thể mang theo là thuốc xức tránh côn trùng, sạc pin dự phòng.
Với những người chưa có kinh nghiệm, nên chọn địa điểm gần suối, hồ, bãi biển vì cắm trại thường đi từ 1 – 2 ngày nên nước rất cần thiết. Bên cạnh lều trại, du khách cũng phải chuẩn bị một vài loại thuốc thông dụng để có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp. Cùng với đó, cần chọn những địa điểm ở gần nhà dân, dễ đi lại và có sóng điện thoại.
Do cắm trại thường gắn với các hoạt động ăn uống tự túc, đặc biệt là đồ nướng, nên hai khâu quan trọng là phải phòng tránh cháy và giữ gìn vệ sinh môi trường. Người đi du lịch cắm trại phải tuân thủ nguyên tắc chung là “không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Nhiều đơn vị lữ hành cho rằng, du lịch cắm trại mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách nhưng cũng đòi hỏi du khách phải có nhiều kỹ năng khi sinh hoạt ngoài trời. Để loại hình này được phát triển một cách bài bản và chuyên nghiệp, các địa phương nên có quy hoạch cụ thể giúp du khách được trải nghiệm cắm trại đúng quy định, tránh việc du khách cắm trại tự phát dễ gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan.
Về làng chài - đi chợ hải sản, đùa vui cùng sóng
Khi phố xá trở nên chật chội, nóng bức, người ta nghĩ đến biển, nhớ biển với những làng chài bình yên, muốn ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, mát dịu, chơi đùa với những con sóng nhỏ...
Một đoàn khách dã ngoại, cắm trại qua đêm ở bãi biển Hòn Chùa.
Từ TP Tuy Hòa đi về phía bắc khoảng 7km là làng chài Long Thủy (xã An Phú), một ngôi làng ven biển có từ lâu đời. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề khơi lộng. Thỉnh thoảng tôi rủ những người bạn thành phố, hoặc khách phương xa đánh một vòng đến làng chài này để cảm nhận một buổi sáng ở biển rộn rã niềm vui với buổi chợ sớm mai.
Mùa này, khi biển bắt đầu đi dần ra xa, bãi cát trước làng chài như rộng lớn hơn. Buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu ưng ửng ở phía đông, những chiếc thuyền đánh cá gần bờ bắt đầu cập bờ ở ngay chân sóng (thuyền nhỏ này đi tìm luồng cá từ chiều hôm trước; còn những thuyền lớn hơn, đánh bắt dài ngày ở khơi xa sẽ cập vào cảng cá). Lúc này, không gian bãi biển gần mép nước ngay trước làng trở thành chợ "đầu mối". Cứ mỗi thuyền cập vào bờ là có một nhóm người tụ lại, ngư dân trên thuyền chuyền những giỏ cá xuống thúng chai, đưa vào bờ. Những giỏ cá các loại, tươi roi rói được các chị, các mẹ bán sỉ cho những người mua bán nhỏ hoặc tự mình mang đi các chợ quanh vùng.
Việc mua - bán ở buổi chợ sớm diễn ra rất nhanh chóng. Người bán ở chợ bãi biển thường là chủ thuyền nên hầu như không nói thách. "Bán để người ta còn đi bán lại kiếm đồng lời, mình đâu cần thách giá", một chị cho hay. Những người thích dạo chợ bãi biển buổi sáng sớm cũng có thể mua cá, mực tươi ngon ở ngay chân sóng để có một bữa hải sản đậm vị đại dương.
Sẽ càng vui hơn khi du khách đến vào những làng chài tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội lớn nhất, diễn ra hàng năm của cư dân miền biển. Thời gian tổ chức lễ hội cầu ngư tùy mỗi làng và tình hình thực tế mà ban lạch định ngày mở lễ hội, thường trong khoảng tháng 3-8 âm lịch. Ngoài phần lễ, rước linh, cúng tế, hò bá trạo, hát lễ... thì trong những ngày tiếp theo, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hát bội rộn ràng khắp cả bãi biển.
Dọc dài các làng chài Phú Yên, nhiều nơi mang nét văn hóa truyền thống và được thiên nhiên ban tặng không gian biển tuyệt diệu vào mùa hè mà bất kỳ du khách nào cũng muốn một lần trải nghiệm, tận hưởng...
Cách làng chài Long Thủy hơn 3km là làng chài Mỹ Quang, thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An). Đây cũng là ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh bắt gần bờ và muối mắm. Từ sáng đến chiều luôn rộn ràng cảnh tấp nập bến bờ, mua bán. Dứt chợ buổi sáng, đến khoảng 15 giờ là tiếp cảnh chợ chiều, đón những chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ cập bến. Không khí trên bãi dưới thuyền lại rộn ràng.
Trước mặt làng chài Mỹ Quang là Hòn Chùa, một đảo nhỏ ven bờ, địa điểm dã ngoại thú vị. Thông thường, du khách mua cá tôm ở ngay bãi, rồi thuê ghe đánh cá của người dân chở ra Hòn Chùa thưởng thức buổi tiệc tối BBQ lung linh ánh đèn trên biển, cắm trại qua đêm, chơi những trò chơi trên cát, ngủ một giấc thật sâu cho tới khi ánh mặt trời chiếu vào mặt, nhảy ùm xuống biển buổi sáng thật không gì bằng!
Chị Lê Hoài Yến Phương, người chuyên tổ chức đưa khách ra Hòn Chùa cho biết, tour trọn gói ngủ đêm Hòn Chùa diễn ra theo lịch trình: 14 giờ chiều đón khách tại bến Long Thủy hoặc Mỹ Quang, hành trình thuyền ra Hòn Chùa khoảng 15 phút; tham quan ngắm san hô; tắm biển; tối dùng tiệc BBQ trên đảo; lều trại ngủ qua đêm; ăn sáng hải sản và sửa soạn rời đảo về bờ. Giá tour từ 550.000 đồng/người, khách được mua bảo hiểm. Nếu khách không muốn ngủ qua đêm có thể chọn dịch vụ đi thuyền qua Hòn Chùa và lặn ngắm san hô với giá 120.000 đồng/người. Những khách thích cảm giác mạnh có thể sử dụng dịch vụ đi mô tô nước hoặc lướt sóng bằng thuyền kéo.
"Thật tuyệt vời với một chuyến dã ngoại qua đêm trên đảo. Chúng tôi được chèo thuyền sup, lướt mô tô nước. Đặc biệt với áo phao và kính lặn, chỉ cần úp mặt xuống biển là có thể thấy cả đại dương", chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, một du khách đến từ Hà Nội cảm nhận.
Và một phần không thể thiếu đó là những bữa ăn với các loại hải sản tươi sống như tôm, mực nang, nhum (còn gọi là nhím biển, cầu gai), ghẹ, ốc... Ra Hòn Chùa có hai món, khách không nên bỏ qua là mực nang và nhum. Mực nang đã đi vào bài hát "Nẫu ca" thành thương hiệu xứ này: "Nhớ hầu (hồi) nào qua Phú Lỡ (Lễ) ăn ẩu (ổi) chua/ Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt/ Qua Hòn Chùa ăn mực nang...".
Còn nhím biển tròn như quả cầu, to như trái cam sành, nhiều gai tua tủa như lông nhím (nhum gai) và nhum sọ gai ngắn áp sát thân. Nhum sọ chế biến đơn giản, chỉ cần nước cốt chanh vắt vào cho tái sơ, húp ngay trong vỏ. Người ta có thể nướng mỡ hành, ốp la nhum sọ trên than hồng; nhum um chuối, nấu cháo... Dù chế biến kiểu gì thì đây cũng là món ngon bổ dưỡng cho mọi người.
Một lần trải nghiệm đời sống người dân làng chài, được hưởng làn gió mát, tắm biển, lặn ngắm san hô hay qua đêm trên đảo, những stress thường ngày sẽ nhanh chóng tan ra trong lòng biển; nghe biển hát, gió mát hòa âm làm quên đi mọi muộn phiền khi hòa mình vào thiên nhiên...
Về quê cắm trại Sức hút của những chuyến ngược đường lên núi, xuống biển hay tìm về miền quê yên ả, tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào, náo nhiệt quanh năm nơi phố thị đang ngày càng mạnh hơn. Trong lực hút đó, bạn hãy đến bãi bồi ven sông Cu Đê thuộc địa phận thôn Nam Yên - xã Hòa Bắc, huyện Hòa...