Du lịch 2/9 không bùng nổ
Cảnh tắc đường, kẹt xe kéo dài nhiều giờ không xảy ra như trong các đợt cao điểm du lịch trước đó.
Tuy nhiên, điều này đã nằm trong dự đoán.
Trao đổi với Zing trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ 2/9, đại diện nhiều công ty lữ hành không kỳ vọng quá nhiều vào sự bùng nổ dịp này. Từ đầu năm, du khách Việt đã trải qua nhiều dịp cao điểm du lịch nên nhu cầu đi chơi của người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, dịp 2/9 cũng gần với ngày học sinh tựu trường.
Lượng khách không cao
Ghi nhận tại các điểm du lịch lớn như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) hay Đà Nẵng, lượng khách du lịch đều không quá đột biến.
Phú Quốc đã tạo ra “cơn sốt du lịch” từ đầu năm nhưng cũng không duy trì được sức nóng trong dịp này. Theo ghi nhận của Zing, nhiều resort, khách sạn chỉ đạt công suất phòng khoảng 50%. Kể cả khi đặt phòng trong dịp lễ, du khách vẫn không gặp khó khăn – khác hẳn cảnh tượng “cháy phòng” trong dịp 30/4-1/5 trước đó.
Đường phố Phú Quốc chiều 4/9. Ảnh: Phạm Sỹ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, ông Bùi Quốc Thái, ngày 1-3/9, khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh này hơn 157.140 lượt (quốc tế 3.244), tăng nhẹ so với ngày thường. Trong đó, 53.391 lượt khách lưu trú tại tỉnh, công suất phòng bình quân đạt khoảng 65%.
Riêng Phú Quốc đón 85.133 lượt khách trong 3 ngày lễ (3.226 lượt khách quốc tế). Khách tham quan các khu, điểm du lịch tại Phú Quốc ngày 1-3/9 là 50.624 lượt người và lưu trú đạt 34.509 lượt.
Số khách du lịch dịp 2/9 tại Khánh Hòa cũng không quá ấn tượng. Trong dịp này, địa phương chỉ đón được 356.000 khách tham quan, nghỉ dưỡng. Số khách lưu trú gần 136.000 người.
Video đang HOT
Ghi nhận của Zing tại các điểm du lịch biển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ như Phú Yên, Quy Nhơn (Bình Định) cũng tương tự. Lượng khách không quá ấn tượng dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra ùn tắc ở một số khu du lịch. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ cũng được giải tỏa nhanh chóng chỉ sau khoảng 30 phút.
Gành Đá Đĩa (Phú Yên) xảy ra ùn tắc trong sáng 2/9 nhưng không kéo dài lâu. Ảnh: Anh Tú.
Trái với cảnh trống phòng tại các điểm du lịch biển miền Nam, du khách đổ về các điểm du lịch miền núi phía bắc lại khá đông. Trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, Sa Pa (Lào Cai) đón tới hơn 93.000 lượt khách, tăng khoảng 50.000 khách so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch).
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng ghi nhận tăng trưởng về lượng khách so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh đón 245.000 lượt khách, tăng hơn 34,4%. Tuy nhiên, công suất phòng cũng không quá cao. Tại khu du lịch biển Sầm Sơn, công suất phòng chỉ khoảng 57% hay khu du lịch biển Hải Tiến đạt khoảng hơn 50%. Duy nhất khu du lịch sinh thái Pù Luông đạt tỷ lệ lấp phòng 100%.
Không ngạc nhiên
Thực tế, việc các điểm đến miền núi phía bắc hút khách dịp lễ 2/9 hay điểm đến biển phía nam không quá “sốt” là xu hướng thường thấy.
Lý giải cho điều này, đại diện các đơn vị lữ hành nhấn mạnh 2/9 không phải dịp nghỉ lễ lớn để nhiều người quyết định đi chơi xa, dù thời gian nghỉ tới 4 ngày. Đa số du khách chọn các điểm đến gần, tiện di chuyển bằng xe cá nhân.
Trong khi đó, xu hướng khách du lịch miền Bắc là du lịch theo mùa, thích đi vào dịp lễ. Khách phía nam lại thường du lịch rải rác trong năm. Do đó, họ không nhất thiết phải đổ xô đi chơi trong dịp 2/9.
Biển Vũng Tàu vẫn khá đông khách dịp 2/9. Tuy nhiên, hầu hết điểm đến biển đều không quá bùng nổ dịp này. Ảnh: Quỳnh Danh.
Các điểm đến biển có phần thất thế trong dịp này. Lý do lớn nhất có thể đến từ việc nhiều du khách đã đến những nơi này từ sau dịp Tết Âm lịch. Mặt khác, du lịch cũng vừa trải qua mùa hè sôi động ở các khu du lịch biển trên khắp cả nước. Tới dịp 2/9, nhu cầu này đã giảm bớt.
Từ giờ tới cuối năm, các điểm du lịch biển sẽ bước vào giai đoạn vắng khách. Ở miền Bắc, thời tiết chuẩn bị trở lạnh khiến việc tắm biển không còn là ưu tiên khi đi du lịch. Các vùng biển phía nam vẫn ấm áp nhưng sắp vào mùa mưa bão. Vì thế, du khách cũng đắn đo hơn trong việc lựa chọn những điểm đến này.
Chia sẻ với Zing, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ đã trải qua 2/3 năm 2022 sôi động. Lúc này, họ đang tập trung cho các sản phẩm du lịch nước ngoài và một số điểm đến trong nước như khu vực miền núi phía bắc, miền Tây sông nước… Ít nhất, phải tới dịp Tết Dương lịch 2023, du lịch Việt Nam mới có thể bùng nổ một lần nữa.
Hết hè vẫn đi du lịch
Mùa cao điểm du lịch hè đang vào đoạn kết. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc du lịch Việt sẽ bị chững lại.
Trao đổi với Zing, đa số công ty lữ hành xác nhận họ đã trải qua một mùa hè sôi động. Nhu cầu đi chơi của khách Việt từ sau Tết Âm lịch đã lớn và tiếp tục kéo tới tận mùa hè. Sau khi cao điểm du lịch hè đi qua, các công ty du lịch cũng không có thời gian nghỉ ngơi. Bởi ngày nay, du lịch là chuyện quanh năm.
Hết cao điểm hè vẫn không thiếu lựa chọn
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nhận xét nhu cầu du lịch có thể giảm xuống sau hè nhưng không nhiều. Ví dụ, cao điểm hè đạt 10 điểm, giai đoạn sau cũng phải được 7 điểm chứ không thấp hẳn.
Trong thời gian tới, đa số công ty lữ hành sẽ tập trung vào các điểm du lịch có thời tiết thuận lợi như khu vực Tây Bắc với lúa vàng, mùa hoa tam giác mạch.
Ngoài ra, miền Tây mùa nước nổi cũng là sản phẩm du lịch đáng chú ý trong giai đoạn tới. Từ tháng 10, các công ty lại tiếp tục triển khai các sản phẩm liên quan đến Phú Quốc (Kiên Giang) khi "đảo ngọc" bước vào mùa đẹp nhất trong năm.
Từ tháng 10, Phú Quốc bắt đầu vào mùa đẹp nhất trong năm. Sau cao điểm du lịch hè, "đảo ngọc" được dự đoán thu hút lượng lớn khách dịp cuối năm. Ảnh: John's Tours Phu Quoc.
Sau mùa hè bùng nổ du lịch nội địa, nhiều đơn vị lữ hành cũng đặt kỳ vọng vào thị trường outbound (đưa khách du lịch nước ngoài) dịp cuối năm.
Trao đổi với Zing, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist, cho biết họ đã có kế hoạch cho những tour du lịch mùa thu ở châu Âu, Mỹ, Canada. Dòng sản phẩm du lịch ngắm lá đỏ vẫn luôn được đẩy mạnh trong giai đoạn này.
"Chúng tôi cũng phát triển dòng sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch hành hương với các chương trình du lịch hành hương Israel, châu Âu hay tới Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka theo dấu chân Đức Phật. Đây là dòng sản phẩm du lịch thành công của công ty và được dự đoán sẽ tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới", bà Linh chia sẻ.
Giá bắt đầu giảm
So với giai đoạn từ đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 đến hết tháng 7, du khách hiện chỉ phải trả mức giá tương đối mềm để đi du lịch.
Ví dụ, trong tháng 5-6, giá vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Quốc thường rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng/người/khứ hồi. Tuy nhiên, giá vé máy bay hiện tại chỉ còn khoảng 1,9 triệu đồng/người/khứ hồi.
Giá vé máy bay từ Hà Nội đi Quy Nhơn (Bình Định) trong cao điểm hè vào khoảng 5 triệu đồng/người/khứ hồi. Hiện tại, giá đã giảm xuống khoảng 3,5 triệu đồng/người/khứ hồi.
Các điểm đến biển sẽ có giá "mềm" hơn trong dịp cuối năm do nhu cầu của khách giảm. Ảnh: Hà Mò.
Chi phí cho vé máy bay là phần quan trọng cấu thành giá combo du lịch. Khi giá vé máy bay giảm, giá combo du lịch cũng "nhẹ gánh" hơn nhiều. Trong khi đó, một số khách sạn cũng bắt đầu giảm giá.
Hiện tại, các resort, khách sạn 5 sao vẫn chưa giảm giá phòng "sâu" ngay lập tức. Chỉ có các cơ sở lưu trú nhỏ, lẻ sẵn sàng giảm nhanh để phù hợp với thị trường.
"Ngoài các điểm có thời tiết đẹp cuối năm như Sa Pa, Phú Quốc, giá vé máy bay, phòng khách sạn ở những điểm khác sẽ hạ nhiệt. Một số điểm sẽ rất rẻ để đi du lịch. Chúng tôi vẫn duy trì bán nhưng không kỳ vọng nhiều vào doanh thu. Đối tượng du lịch thời gian này chủ yếu là người làm tự do, người không thích đi chơi mùa cao điểm hoặc muốn tiết kiệm chi phí", bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, chia sẻ.
Mới lạ những tour đi về trong ngày dịp lễ 2-9 Về Gò Vấp tìm lại ấu dấu ấn xưa, check-in 'cánh đồng bất tận' tại Mộc Hóa (Long An) hay khám phá thành phố Thủ Đức bằng water bus là những hành trình tour mới lạ, đi về trong ngày được các hãng lữ hành giới thiệu đến du khách trong dịp lễ 2-9. Về Gò Vấp, tìm lại ấu dấn xưa Phù...