Đủ kiểu ép học sinh không thi vào lớp 10
Tình trạng ép học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 ở một số địa phương được coi là ‘điểm nóng’ ngày càng có nhiều phương thức hơn.
Nào là viết đơn tự nguyện không dự thi, nào là không cho tham gia ôn thi cùng cả lớp và thô bạo hơn là không phát đơn đăng ký dự thi cho học sinh…
Không phát đơn đăng ký dự thi
Tại Hà Nội, hầu như năm nào cũng có học sinh, phụ huynh bức xúc phản ánh về tình trạng giáo viên chủ nhiệm “vận động” học sinh có học lực chưa tốt không nên đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập.
Việc một trường học ở TP.HCM bắt học sinh có học lực chưa tốt viết đơn xin không thi vào lớp 10 gây xôn xao dư luận. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH
Thời điểm này, nếu như một số phụ huynh ở TP.HCM phản ánh con họ nhận được đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 thì ở Hà Nội, một số phụ huynh ở H.Mê Linh bất ngờ cho biết con họ không được phát đơn đăng ký dự thi vào lớp 10.
Cụ thể, theo một số phụ huynh của lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (H.Mê Linh), con họ nằm trong số học sinh không được phát tờ đơn đăng ký dự thi vào thời điểm Sở GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, điều này cũng không hề được trao đổi, bàn bạc với phụ huynh và học sinh. Đến đầu tháng 5 gia đình mới nhận ra con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.
Khi các phụ huynh này đề nghị nhà trường cho con đăng ký dự thi thì nhà trường cho biết tất cả cổng đăng ký dự thi vào lớp 10 đã đóng.
Trường THCS Tiến Thịnh có khoảng 30 học sinh không thi vào lớp 10, trong đó lớp 9B nhiều nhất với 9 học sinh. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tiến Thịnh (H.Mê Linh, Hà Nội) phân trần với báo chí: kết quả học tập thấp, khả năng thi tuyển vào lớp 10 rất khó nên đã phân tích, định hướng cho các con đăng ký vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Sau phản ứng gay gắt của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thịnh, cho biết sẽ làm tờ trình báo cáo Phòng GD-ĐT H.Mê Linh và cố gắng để các con “được toại nguyện”. Còn Trưởng phòng GD-ĐT H.Mê Linh thì hứa “báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sở đang yêu cầu đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ sự việc việc này và sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2024 – 2025.
Video đang HOT
“Việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc”, văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo.
Không cho học sinh điểm kém ôn thi
Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (H.Nghi Lộc) phản ánh, con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn toán, văn, ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm, đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề.
Sau ồn ào, bức xúc của dư luận, Sở GD-ĐT Nghệ An đã gửi công văn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng GD-ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi vào lớp 10.
Phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các trường THCS trực thuộc thực hiện việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9; hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT. Đồng thời, các trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc đăng ký, làm hồ sơ, tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10.
Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu: “Các phòng GD-ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm. Sở sẽ kiểm tra các cơ sở, nếu có sai phạm sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hình thức xử lý theo quy định”.
Tăng nguyện vọng vào trường công để giảm tình trạng ép không thi
Tại Bắc Ninh, những năm trước, theo phản ánh của một số phụ huynh và cả học sinh, có tình trạng giáo viên dọa học sinh, nếu cố tình đăng ký dự thi vào THPT công lập, sẽ không xét tốt nghiệp THCS.
Chính vì có tình trạng ép học sinh không được dự thi vào lớp 10 công lập hoặc các giải pháp phân luồng chưa phù hợp, nên mặc dù là kỳ thi tuyển sinh mang tính loại trừ, có những năm, có những trường số thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu tuyển; lại có những trường tập trung nhiều nhất những thí sinh khá, giỏi dự thi đầu vào.
Kết quả, cùng đề thi, nhưng điểm chuẩn của trường cao nhất và trường thấp nhất vênh nhau từ 15 đến 20 điểm, nhiều thí sinh điểm thấp vẫn đỗ và điểm rất cao vẫn trượt vào lớp 10 công lập.
Năm nay, để ngăn chặn tình trạng này, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận phương án cho học sinh có thêm nguyện vọng 2 vào một trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn.
Điểm mới nổi bật của kỳ tuyển sinh năm học 2024 – 2025 là thí sinh thi vào THPT công lập sẽ có 3 nguyện vọng. Việc tăng số nguyện vọng nhằm tạo điều kiện tốt cho các trường THPT công lập tuyển đúng, đủ chỉ tiêu được giao.
Lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này yêu cầu, trong công tác phân luồng học sinh cuối cấp (lớp 9), các trường THCS cần tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp giúp các em có sự lựa chọn phù hợp năng lực và sở trường. Tuyệt đối không được vận động, ép học sinh không được đăng ký dự thi tuyển sinh vào THPT công lập. Nếu phát hiện vi phạm thì trước hết người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Nhiều chuyện 'dở khóc, dở cười' khi học sinh phải vào học quá sớm
Phải dậy quá sớm để đi học, nhiều học sinh Hà Nội đi xe buýt tuyến đã ngủ quên khi xe chạy qua trường; nháo nhào mua đồ ăn sáng ở cổng; thậm chí để mua được cái bánh mì cũng phải áp dụng nhiều... "chiến thuật".
"Chiến thuật" mua bánh mì ăn sáng ở cổng trường
Một phụ huynh ở Hà Nội có con học lớp 11 cho biết, con chị 7 giờ sáng phải có mặt ở trường, nhà thì cũng tương đối xa nên ngày nào con cũng phải dậy từ 6 giờ sáng mới kịp giờ đi học.
Học sinh đi học quá sớm sẽ dẫn tới tình trạng "gà gật" trong tiết học đầu tiên (ảnh minh họa). ẢNH NGỌC THẮNG
Theo vị phụ huynh này, con học hệ chuyên nên còn phải học tăng cường, học thêm cả trong và ngoài nhà trường nhiều, buổi tối cũng giải quyết rất nhiều bài tập nên đi ngủ rất muộn. "Thấy con dậy đi học sớm, không kịp ăn sáng, nhất là vào mùa đông giá ré, chúng tôi rất xót xa", vị phụ huynh chia sẻ.
Không ít học sinh đi học bằng xe buýt công cộng còn kể, nhiều lần lên xe thì bắt đầu ngủ tiếp nên có lúc ngủ quên khi xe đến điểm dừng cạnh cổng trường. Khi xe đến bến cuối cùng, nhân viên gọi, các con mới tỉnh dậy và phải bắt xe ôm quay ngược lại trường, vừa muộn học vừa tốn thêm một khoản tiền.
Một giáo viên của trường THPT ở Q.Đống Đa (Hà Nội) tâm sự: "Chán nhất là dạy học sinh vào tiết 1 buổi sáng. Do dậy sớm đi học nên nhiều em vào lớp vừa học vừa "gà gật" vì buồn ngủ và đói. Giảng bài được vài câu cô lại phải "quát" to để học sinh tỉnh ngủ nhưng lớp học rất thiếu sự sôi nổi cần có".
Một học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) thì kể, sáng dậy sớm chưa kịp ăn, cứ giờ ra chơi hết tiết 1 là hàng ăn sáng ở cổng trường đông nghịt học sinh ra mua đồ. Giờ giải lao sau tiết 1 có 15 phút để học sinh ăn sáng nên nếu không nhanh sẽ không kịp.
"Sau nhiều lần vác "bụng rỗng" vào lớp học tiết 2, em đã rút ra kinh nghiệm là xin số điện thoại của các hàng ăn sáng ở cổng trường. Ví dụ, muốn ăn bánh mì trứng thì trước khi vào giờ học phải nhắn tin cho bác bán bánh mì ở cổng làm sẵn cho một chiếc để tan tiết 1 ra là có bánh ăn ngay. Nếu không, chưa kịp ăn thì trống đã báo giờ vào tiết 2", học sinh này tiết lộ chiến thuật.
Học 1 buổi/ngày thì không thể vào học muộn hơn?
Tại Hà Nội, hầu hết các trường THPT đều áp dụng lịch học buổi sáng vào 7 giờ hoặc muộn hơn là 7 giờ 15. Các nhà trường lý giải, không thể lùi giờ muộn hơn vì thiếu phòng học nên hầu hết các trường THPT công lập vẫn phải dạy 2 ca/ngày.
Do học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày nên để dạy đủ số tiết theo quy định thì hầu hết các buổi học sinh phải mỗi buổi học 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút cộng với giờ giải lao. Do vậy, dù bắt đầu giờ học từ 7 giờ sáng nhưng cũng phải đến gần 12 giờ trưa mới kết thúc 5 tiết học.
Nếu lùi giờ học chỉ 30 phút thôi là giờ tan học của cấp THPT sẽ phải kết thúc lúc hơn 12 giờ trưa, học sinh học tiết cuối sẽ rất mệt mỏi vì đói và buồn ngủ. Đó là chưa kể nếu kết thúc muộn sẽ ảnh hưởng đến ca học buổi chiều (ca chiều cũng bắt đầu từ khoảng 13 giờ và kéo dài đến 17 giờ). Nếu ca sáng tan muộn, ca chiều vào muộn hơn thì học sinh sẽ phải tan học muộn.
Học sinh cấp THPT còn học thêm ở ngoài nhà trường để ôn thi đại học theo nhu cầu nên nhiều em có lịch học thêm vào buổi tối, kết thúc ca chiều muộn cũng không phù hợp với lịch học và sinh hoạt của học sinh....
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa), cho biết khi thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018, với việc thêm một số hoạt động giáo dục mới, nếu vào học muộn chỉ khoảng 30 phút đã không thể thực hiện được vì rất khó cho cả giáo viên và người quản lý.
Phần lớn trường tiểu học ở Hà Nội có giờ học "dễ thở"
Với trường tiểu học ở Hà Nội thì hầu hết đều áp dụng lịch vào học sớm nhất từ 7 giờ 30, còn thường là 8 giờ sáng do đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, học sinh không phải dậy quá sớm và có thời gian ăn sáng đầy đủ trước khi đến trường.
Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), cho biết lâu nay trường vẫn áp dụng giờ vào học là 8 giờ sáng, học sinh có mặt ở trường trước 15 phút. Do chủ yếu gia đình học sinh đều đóng trên địa bàn phường, đi lại rất gần nên các em không phải dậy quá sớm để đi học.
"Giờ học như vậy nên chúng tôi không phải chứng kiến cảnh học sinh đến lớp vẫn phải gà gật hay chưa kịp ăn sáng. Các con có 15 phút ổn định lớp, ôn bài cũ, giáo viên điểm danh... nên khi bắt đầu vào giờ học chính thức rất hào hứng", bà Hoa cho hay.
Các trường tiểu học ở Hà Nội thường áp dụng giờ vào lớp sau 7 giờ 30 đến 8 giờ sáng. ẢNH M.C
Về giờ tan học, nhiều trường áp dụng vào khoảng 16 giờ đến 16 giờ 30 là muộn nhất. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở không quy định cứng về giờ vào học, tan học của học sinh mà tùy các trường xây dựng dựa trên kế hoạch giáo dục của trường, đảm bảo đủ thời gian thực học theo từng cấp học mà Bộ GD-ĐT quy định (tiểu học là 35 tiết/ tuần, trung học là 32 tiết/tuần).
Ông Tiến cho biết thêm, trước đây cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng cần quy định giờ tan học của học sinh tiểu học muộn hơn vì công sở tan làm lúc 17 giờ mà giờ tan học của học sinh từ 16 giờ khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc đón con.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng chia sẻ: "Trẻ học ở trường cả ngày, tiện cho người lớn nhưng chúng ta cũng cần tính đến tâm lý lứa tuổi, chỉ đến tầm 15 giờ chiều thôi là các con đã mong đến giờ được bố mẹ đón về nhà lắm rồi".
Không để học sinh đến trường quá sớm khi trời rét đậm
Dù không quy định giờ vào học của các trường nhưng do Hà Nội có mùa đông nên Sở GD-ĐT Hà Nội thường lưu ý: "Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học hoặc đứng ở ngoài cổng trường".
Một số trường vì thế cũng áp dụng lịch học mùa đông và lịch học mùa hè khác nhau. Theo đó, mùa đông thường học sinh sẽ vào học muộn hơn khoảng 30 phút.
Nhóm nữ sinh đánh một nữ sinh, bắt quỳ gối hứa không kể với ai Sáng 22.10, ông Ngô Văn Dụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ việc nhóm nữ sinh ở Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Sơn đánh hội đồng một nữ sinh cùng trường, gây phẫn nộ. Nhóm học sinh đánh tới tấp em B.N.Q. Theo...