Dự kiến sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trên cơ sở đó, ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện.
“Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay ngay vào soạn thảo Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định”, Phó thống đốc cho biết.
Theo dự thảo, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin. Hoặc, có mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dư án do Bộ Xây dựng công bố.
Video đang HOT
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Dự thảo nêu rõ, mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định. Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn, hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn, hoặc số dư lãi chậm trả.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện tạm cấp bù lãi suất, quyết toán cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Trong 5 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng thương mại gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại. Số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý theo quy định.
Dự thảo Nghị định cũng đề ra nguyên tắc cụ thể để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách nhà nước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc sớm lấy ý kiến đóng góp vừa giúp Nghị định, Thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng”.
Theo Phó Thống đốc, dự thảo Nghị định dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, theo nguyên tắc quy định hoạt động tín dụng và từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2009.
Doanh nghiệp mong sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp để hồi phục sản xuất
Trước khó khăn chồng chất bởi dịch COVID-19; đặc biệt là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp tha thiết mong muốn Chính phủ sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay để doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng ưu đãi nào khác.
Ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Thảm Nam Bình cho biết, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ, do đó nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.
Theo ông Nam, chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành cùng với các giải pháp linh hoạt, chủ động thích ứng, cộng đồng doanh nghiệp bền bỉ, sáng tạo sẽ sớm vượt qua khó khăn để hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển trở lại.
Theo đó là những chính sách về thuế và tín dụng đã tác động rất lớn và giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó, các nhóm giải pháp có thể tự thực hiện, áp dụng đồng loạt và không thông qua thực thi của bộ máy các cấp sẽ tiếp cận được với doanh nghiệp nhanh hơn.
Quan ngại lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường. Sự cạn kiệt các nguồn vốn, tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao, gánh nặng về việc xét nghiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện các yêu cầu như "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến"... khiến rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn khó.
"Đây chính là những thách thức cho việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh kể cả đối với doanh nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải làm gì để thích nghi trong điều kiện hiện nay là điều đang được quan tâm và cần được sự hỗ trợ", ông Thắng cho biết.
Bộ Tài chính đề nghị thoái vốn tại Bảo Việt và một số doanh nghiệp khác Bộ Tài chính vừa có văn bản 11910/BTC-TCDN gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị triển khai thoái vốn năm 2021 theo kế hoạch đã được thông qua. Khách hàng giao dịch tại BaoViet Life - Chi nhánh Bình Định. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung...