Du khách Trung Quốc ở lại nước ngoài để né dịch
Steven Gu quyết định kéo dài thêm kỳ nghỉ ở Bali thay vì trở về quê nhà ở tỉnh Giang Tô đón Tết do lo ngại lây nhiễm virus corona.
“Hiện dịch bệnh ở Trung Quốc rất nghiêm trọng, do đó tôi hy vọng có thể giữ an toàn cho gia đình mình bằng cách ở lại Bali”, Gu chia sẻ.
Gia đình Gu đã đến đảo Bali, Indonesia, du lịch từ giữa tháng một và dự định bay về nhà ở tỉnh Giang Tô để ăn Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi biết Trung Quốc đang đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV), Gu đã thay đổi quyết định.
Trường hợp của Gu không phải hiếm hoi, hàng nghìn khách du lịch Trung Quốc đang ở hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng đã quyết định ở lại thay về nước do lo ngại virus corona, đã khiến hơn 600 người thiệt mạng.
Sutrisno, quan chức của Bộ Luật và Nhân quyền Indonesia, cho biết chính quyền sẽ giúp du khách Trung Quốc gia hạn thị thực nếu họ chưa muốn quay về. “Chúng tôi sẽ gia hạn thêm một tháng. Mỗi thị thực khi đến có thể được gia hạn một lần và trong 30 ngày. Tuy nhiên, nếu đất nước của họ đang không an toàn để trở về, chúng tôi sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi vì mục đích nhân đạo này”, Sutrisno nói.
Khách Trung Quốc đeo khẩu trang khi chờ tại Văn phòng xuất nhập cảnh ở Denpasar, Bali, Indonesia, để gia hạn visa Indonesia hôm nay. Ảnh: Reuters.
Khách Trung Quốc là một trong những nhóm du khách lớn nhất đến Indonesia, đặc biệt là tại các điểm du lịch nổi tiếng như Bali. Hery Sudiarto thuộc Hiệp hội Du lịch Indonesia cho biết sự bùng phát của nCoV đã gây tổn hại rất nhiều cho ngành du lịch nước này.
“Du lịch đang chịu tác động khủng khiếp, đặc biệt sau khi các chuyến bay bị hủy cũng như tạm dừng cấp thị thực, điều này sẽ ngăn khách du lịch Trung Quốc đến Bali trong thời gian ngắn”, Sudiarto nói.
Những du khách như Gu vẫn tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ sớm vượt qua mối đe dọa của virus corona. “Chúng tôi sẽ quay trở lại khi tình hình ổn định. Tôi hy vọng nó sẽ sớm kết thúc”, Gu nói.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, từ đầu tháng 12/2019, đã lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bệnh dịch đã khiến 638 người chết và hơn 31.481 ca nhiễm, chủ yếu ở Hồ Bắc, Trung Quốc.
Indonesia, quốc gia hiện chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus corona, đã cấm những du khách từng đến Trung Quốc trong 14 ngày. Toàn bộ các chuyến bay đến và đi Trung Quốc cũng bị tạm đình chỉ kể từ 5/2.
Các nước có bệnh nhân nhiễm virus corona. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Hai người hùng dịch SARS của TQ, hai số phận trước virus corona mới
Câu chuyện của hai bác sĩ Jiang Yanyong và Zhong Nanshan cho thấy hai số phận khác nhau của những người một thời là anh hùng khi Trung Quốc chiến đấu với dịch SARS.
Khi dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) bùng phát tại Trung Quốc 17 năm trước, hai bác sĩ Jiang Yanyong và Zhong Nanshan đã trở thành người hùng trong cuộc khủng hoảng này.
Ông Jiang Yanyong, một bác sĩ quân y đã nghỉ hưu, là người đã phơi bày thông tin về sự bùng phát của dịch SARS ở Trung Quốc. Còn bác sĩ Zhong Nanshan được cho là người đã phát hiện ra chủng virus corona gây ra hội chứng này.
Chỉ vài tháng sau đó, bác sĩ Jiang không còn xuất hiện trên kênh thông tin chính thức vì ông quá thẳng thắn. Tiến sĩ Zhong xuất hiện lại vào tháng 1 năm nay với tư cách là người đứng đầu những nỗ lực kiểm soát sự lây lan của chủng virus corona mới.
Khu tài chính Thượng Hải, nơi một hội nghị công nghệ lớn đã bị hủy bỏ vì virus corona mới. Ảnh: Reuters.
Thách thức khi làm "người thổi còi"
"Những người thổi còi (người tiết lộ những việc không phải) như bác sĩ Jiang rất phức tạp vì hành động anh hùng của họ phơi bày những vấn đề lớn mang tính hệ thống", bà Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan, nói.
Cho đến đầu năm 2003, chỉ có một số ít trường hợp nhiễm SARS được công bố chính thức tại Bắc Kinh. Nhưng vào ngày 9/4/2003, truyền thông quốc tế đưa tin rằng bác sĩ Jiang công bố lá thư tuyên bố dịch SARS đã khiến 6 người chết và 60 người khác bị lây nhiễm tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh.
Bác sĩ Jiang Yanyong. Ảnh: Financial Times.
Bắc Kinh sau đó thừa nhận thông tin về SARS, căn bệnh sau đó đã trở thành dịch bệnh trên toàn cầu.
Ông Jiang được truyền thông nhà nước ca ngợi như một anh hùng trong một thời gian ngắn.
Vào tuần trước, Financial Times đã liên lạc với bác sĩ Jiang, năm nay 89 tuổi, nhưng được cho biết ông Jiang không thể trả lời được.
Gương mặt trong khủng hoảng
Trường hợp của bác sĩ Zhong giúp Bắc Kinh có thể dễ dàng xây dựng câu chuyện hơn. Vào tháng 4/2003, nhóm của ông đã phân lập và xác định được virus SARS, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Phát hiện này là bước ngoặt trong việc điều trị bệnh nhân ở tỉnh Quảng Đông, nơi dịch bệnh bắt đầu vài tháng trước đó. Truyền thông Trung Quốc miêu tả tiến sĩ Zhong là "chiến binh trong bộ áo bác sĩ" làm việc cho đến khi ông kiệt sức.
Từ đó, bác sĩ Zhong liên tục thăng tiến trong ngành y tế Trung Quốc. Gần đây nhất, ông được bổ nhiệm làm trưởng nhóm chuyên gia giúp Ủy ban Y tế Quốc gia tiến hành nghiên cứu về chủng virus corona mới bắt nguồn tại Vũ Hán.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa tiến sĩ Zhong trở lại với sự chú ý của công chúng khi virus corona mới xuất hiện và gây ra nhiều tổn thất cho người dân Trung Quốc. Ngày 20/1, ông Zhong xuất hiện trên truyền hình nhà nước để thông báo rằng virus corona mới có thể lây lan từ người sang người, lần đầu tiên thấy rõ sự nghiêm trọng của tình hình.
Bác sĩ Trung Quốc Zhong Nanshan phỏng vấn với Tân Hoa xã tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 28 tháng 1/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Thông báo của bác sĩ Zhong được đưa ra vào thời điểm quan trọng của dịch bệnh. Trong những tuần tiếp theo, số ca nhiễm virus được xác nhận đã tăng nhanh. Tính đến ngày 7/2, đã có 31.481 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận trên thế giới với riêng 636 người chết tại Trung Quốc so với 349 người tử vong tại Trung Quốc đại lục do dịch SARS.
Financial Times nhận định bằng cách đưa ra dự đoán trước về sự bùng phát dịch bệnh với thông báo chính thức từ một nhân vật có thẩm quyền như tiến sĩ Zhong, chính quyền đã tránh được các chỉ trích rằng họ đã phản ứng quá chậm.
Bác sĩ Zhong dự đoán dịch bệnh do virus corona mới sẽ bùng phát mạnh mẽ nhất trong tuần tới. Đây là quan điểm lạc quan nhất của một chuyên gia y tế cao cấp về dịch bệnh này. Hầu hết dự đoán khác cho rằng dịch bệnh sẽ chỉ đạt đỉnh vài tháng sau đó, tức tháng 4 hoặc tháng 5.
Bác sĩ Vũ Hán cảnh báo sớm về virus corona qua đời sau khi bị lây bệnh
Bác sĩ Li Wenliang, người đã cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona rồi sau đó bị cảnh sát Trung Quốc triệu tập và phê bình, đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán.
Theo news.zing.vn
Bà mẹ Trung Quốc được đặc cách đến Australia từ biệt con trai hấp hối Một bà mẹ người Trung Quốc vừa được miễn lệnh cấm nhập cảnh để đến Australia chào từ biệt lần cuối con trai đang hấp hối trong bệnh viện tại Melbourne. Bệnh viện Hoàng gia Melbourne cho biết Xiao Li, 22 tuổi, đã chết não sau vụ tai nạn với xe tải ở Gippsland, vùng nông thôn bang Victoria vào ngày 27/1. Trước...