Du khách kẹt ở Đà Nẵng vì Covid-19: ‘Người Việt Nam rất tử tế’
Khi không thể về nước vì dịch, Arijana và bạn trai phải lựa chọn nơi muốn ‘ mắc kẹt’ tại Việt Nam. Họ đã chọn Đà Nẵng.
Arijana Tkalcec (24 tuổi) quyết định cùng bạn trai du lịch vòng quanh Đông Nam Á trong 7 tháng, sau khi tốt nghiệp đại học.
Cả 2 lên đường vào tháng 1, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu, buộc họ phải ở lại Việt Nam lâu hơn dự tính.
Dưới đây, Zing trích dịch bài viết của Arijana đăng trên Croatiaweek kể về những trải nghiệm của cô khi “mắc kẹt” ở Việt Nam vì đại dịch Covid-19.
Mắc kẹt vì đại dịch
Chúng tôi đến Bali, Indonesia và ở lại một tháng. Sau đó tới Việt Nam và có kế hoạch ở lại đây trong 3 tháng. Nhưng đại dịch bùng phát, mọi thứ không còn như kế hoạch ban đầu.
Trong 2 tuần đầu, mọi chuyện vẫn hoàn hảo. Chúng tôi nhập cảnh vào Việt Nam khi cả nước không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nhiều ngày. Nhưng mọi chuyện dần thay đổi khi chúng tôi đến Mũi Né, điểm đến thứ 3 của hành trình.
Các ca lây nhiễm bắt đầu gia tăng ở châu Âu. Ngày 10/3, Phan Thiết ghi nhận một ca nhiễm. Sau đó, các ca nhiễm mới dần được công bố. Thành phố sôi động, đông đúc khách du lịch trở nên vắng vẻ. Các nhà hàng đóng cửa, khách sạn ngừng nhận khách.
Arijana Tkalcec được đo thân nhiệt trước khi vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn chưa đến mức tồi tệ, tôi và bạn trai tiếp tục đến Đà Lạt. Nhưng ở đây, chúng tôi bị từ chối vào một nhà hàng địa phương vì là khách nước ngoài.
Mọi người đi trên đường đều lập tức đeo khẩu trang khi chúng tôi đi qua. Nhiều ca nhiễm mới ở Việt Nam là người từ nước ngoài trở về. Vì vậy, tôi phần nào hiểu được hành động của họ. Cuối cùng, chúng tôi phải đưa ra sự lựa chọn: ở lại hay về nước?
Quyết định ở lại
Dịch bệnh lan nhanh, các nước trên thế giới bắt đầu đóng cửa biên giới. Tình hình châu Âu trở nên tồi tệ, các chuyến bay ngày càng ít. Sau những cuộc gọi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, bạn bè ở quê nhà, chúng tôi quyết định ở lại Việt Nam.
Có nhiều lý do để chọn ở lại. Đầu tiên, việc di chuyển bằng máy bay trong thời điểm đó khá mạo hiểm. Thứ hai, chi phí đi lại phát sinh trong mùa dịch cũng rất đắt đỏ. Và cuối cùng, nếu về nước thành công, cả hai sẽ phải cách ly 14 ngày, đồng thời có thể gây nguy hiểm cho người thân, gia đình.
Sau khi quyết định ở lại, chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Chúng tôi phải lựa chọn nơi mà mình muốn “mắc kẹt”. Chúng tôi đã chọn Đà Nẵng, một thành phố lớn, với rất nhiều dân “du mục thời kỹ thuật số”. Chúng tôi có thể có đầy đủ mọi thứ mình cần cho cuộc sống bình thường.
Cả hai đã ngồi xe ôtô trong 6 tiếng từ Đà Lạt về Nha Trang, rồi tiếp tục ngồi tàu gần 10 tiếng tới Đà Nẵng. Một người tỏ ra lo lắng khi biết ở cùng khoang với chúng tôi và phải mất một lúc mới chấp nhận điều đó. Chúng tôi thể hiện sự tôn trọng ông ấy bằng việc đeo khẩu trang suốt 10 tiếng trên tàu.
Video đang HOT
Hình ảnh Arijana Tkalcec ghi lại khi đến các thành phố lớn của Việt Nam.
“Chúng tôi cảm thấy an toàn khi ở đây”
Cảnh tượng ở nhà ga Đà Nẵng khiến chúng tôi rất sốc. Cảnh sát đứng ở lối vào. Một người cầm tấm biển ghi tiếng Anh hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục vì chúng tôi là khách nước ngoài duy nhất trên tàu. Ban đầu, tôi rất sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhưng rồi, tôi thấy họ rất tử tế. Điều đó làm tôi bình tĩnh hơn. Chúng tôi được đo nhiệt độ và hướng dẫn khử trùng tay 2 lần. Vì là khách quốc tế, chúng tôi phải điền thêm một số thông tin như nơi đến, nơi đã ở, đến Việt Nam khi nào…
Arijana Tkalcec và bạn trai cảm thấy may mắn khi quyết định ở lại Việt Nam.
Chúng tôi cũng phải tải ứng dụng Khai báo y tế và điền thông tin. Mỗi ngày, ứng dụng này đều hỏi chúng tôi có cảm thấy khỏe không, có bất kỳ triệu chứng nào không.
Bằng cách này, cơ quan y tế có thể theo dõi sức khỏe của chúng tôi và phản ứng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Mỗi người cũng được xác định bằng một số nhất định và được quét qua mã QR.
Chúng tôi tới Đà Nẵng vào phút chót. Ngày hôm sau thành phố bắt đầu đóng cửa các địa điểm công cộng.
Tôi và người yêu chỉ ở nhà nhưng cảm thấy may mắn. Bãi biển đóng cửa, các con đường xung quanh cũng đóng cửa, cấm tụ tập.
Mọi người đi ra ngoài đều phải đeo khẩu trang. Ngày 16/4, các nhà hàng vẫn mở cửa nhưng không đón khách, chỉ phục vụ khách mua mang về hoặc giao hàng tận nhà.
Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt đại dịch. Đó là một phần lý do chúng tôi cảm thấy an toàn khi ở đây. Chính phủ luôn tích cực trong việc tuyên truyền phòng chống Covid-19. Họ còn tạo ra những bài hát, vũ đạo để khuyến khích mọi người vệ sinh đúng cách.
Đến hiện tại, chưa có trường hợp nào tử vong. Tôi nghĩ rằng một phần Việt Nam đạt được kết quả này là vì những người lớn tuổi ở đây rất khỏe mạnh. Họ tập thể dục mỗi ngày và rất năng động.
Trở lại tour thưởng ngoạn sông Hàn về đêm thời hậu Covid-19
Các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực kết nối, hợp tác để khởi động lại hoạt động du lịch của TP thời kỳ hậu Covid-19, trong đó, tour thưởng ngoạn sông Hàn về đêm sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ.
Cố gắng duy trì cho tàu xuất bến hàng đêm
Nhận định về tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP này cho hay: "Hiện các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này gần như "kiệt sức" do phải ngừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội; đặc biệt các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, vui chơi giải trí...) chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất!".
Rất nhiều tàu vẫn đang nằm bến vì lượng khách còn hạn chế. (Ảnh: HC)
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Sở Du lịch Đà Nẵng và với nỗ lực góp phần kích hoạt trở lại thị trường du lịch, trước mắt tập trung vào thị trường nội địa, tối qua (9/5), chủ đầu tư hai du thuyền Hàn Giang và Tiên Sa đã tổ chức đoàn "fam-trip nội địa" thực hiện chuyến "Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn về đêm" thời kỳ hậu Covid-19.
Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng), sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa đã được UBND TP Đà Nẵng cho phép trở lại từ ngày 30/4, gồm: các tour thưởng ngoạn sông Hàn về đêm; tham quan, câu cá, lặn ngắm san hô, tắm biển ở bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng vào ban ngày; tham quan sông Cỏ Cò, sông Cái, sông Cẩm Lệ và 12 cây cầu trên tuyến... Tuy nhiên, cho đến tối 9/5, chỉ mới có khoảng 5-7 tàu đưa đón du khách tham quan trên sông Hàn xuất bến, trong khi vài chục tàu khác vẫn nằm bờ vì lượng khách còn rất hạn chế.
Tối 9/5, chuyến "Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn về đêm" được tổ chức để góp phần kích hoạt du lịch trên sông Hàn thời hậu Covid-19.
Ông Đặng Hòa, chủ tàu Tiên Sa cho biết, trong 10 ngày qua, có những chuyến khách tham gia tour thưởng ngoạn sông Hàn về đêm không đủ chi phí đầu tư nhưng ông vẫn quyết tâm cho tàu xuất bến.
"Có lẽ phải khá lâu nữa mới hồi phục lại được lượng khách như trước dịch Covid-19, còn hiện tại vẫn đang rất khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì cho tàu xuất bến hàng đêm để du khách biết mình đã hoạt động lại, đồng thời làm mới nội dung và nâng cao chất lượng phục vụ, lấy đó làm cơ sở để thu hút khách trở lại cũng như tạo thêm các nguồn khách mới", ông Đặng Hòa cho hay.
Khách lên tàu đều thực hiện rửa tay sát khuẩn.
Đảm bảo quy định toàn bộ du khách trên tàu mặc áo phao.
Những trải nghiệm mới mẻ
Có mặt trên du thuyền Tiên Sa tối 9/5, chị Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Nice Trip Travel (quận Hải Châu, Đà Nẵng) say sưa livestream cảnh đẹp sông Hàn về đêm và luôn miệng tấm tắc với các khách hàng, đồng nghiệp của mình ở khắp nơi: "Đẹp quá! Đẹp quá! Du lịch Đà Nẵng đã trở lại, sông Hàn đã trở lại. Hãy đến với chúng tôi các bạn nhé!".
Sau thời gian dài phải "bó gối" ở nhà, chị Hương rất hào hứng khi được tham dự chuyến "Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn" tối 9/5: "Lâu nay tổ chức cho khách đi chứ chính mình lại ít để ý. Lần này mình mới có dịp tham quan như thế này và phát hiện ra sông Hàn của mình quá đẹp, quá hấp dẫn luôn, không thua kém nơi nào cả!".
Biểu diễn múa Chăm trong thời gian chờ tàu xuất phát.
Cũng như chị Hương, Nguyễn Thiên Kim, một nữ du khách trẻ ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) chia sẻ đã nhiều lần tham quan sông Hàn về đêm nhưng cảm xúc lần này rất khác lạ: cũng sông đó, khung cảnh đó, hai bên bờ có khi còn ít đèn trang trí hơn vì nhiều khách sạn, cơ sở dịch vụ chưa hoạt động trở lại, nhưng chuyến đi lại đem đến những trải nghiệm rất mới mẻ.
Ông Đặng Hòa, chủ tàu Tiên Sa trực tiếp giới thiệu những câu chuyện thú vị về Đà Nẵng trong chuyến "Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn" về đêm thời hậu Covid-19.
Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết, hiện Sở đã cơ bản hình thành kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thời kỳ hậu Covid-19; dự kiến ngày 12/5 sẽ họp lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn chỉnh và triển khai. Với những nỗ lực hợp tác kích hoạt của các doanh nghiệp, ông Trung hy vọng du lịch Đà Nẵng sẽ sớm phục hồi trở lại với một diện mạo mới tươi tắn và đầy sức sống!
Dưới đây là một số hình ảnh Infonet ghi nhận được trong chuyến "Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn" tối 9/5:
Cảnh đẹp về đêm của sông Hàn lập tức thu hút mọi người trên tàu.
Chụp ảnh lưu niệm trong chuyến "trở lại thưởng ngoạn sông Hàn".
Chị Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Nice Trip Travel "trở lại sông Hàn" thời hậu Covid-19 với nhiều cảm xúc.
Cầu Sông Hàn...
Quen mà lạ!
Lạ mà quen!
"Trung tâm Hành chính TP mẹ kìa!"
Trở lại thưởng ngoạn sông Hàn về đêm thời hậu Covid-19 đem lại nhiều cảm xúc sâu lắng, mới lạ.
Du lịch trên sông Hàn thời hậu Covid-19 cũng đang sẵn sàng cất cánh!
Việt kiều về thăm Đà Nẵng nên chơi ở đâu là vui nhất, ăn món gì là ngon nhất? Nhiều Việt kiều xa quê đã lâu, trước khi hồi hương thường tìm kiếm các thông tin về nơi ăn chốn ở để có một kỳ nghỉ thăm quê hương đáng nhớ. Việt kiều về lại Đà Thành nên ghé đâu, ăn gì? Dưới đây là vài gợi ý cho du khách khi đến Đà Nẵng. Thăm Cầu Vàng - Bà Nà Hills...