Du khách chán ngán bị ‘nhốt’ trong cabin du thuyền đang cách ly ở Nhật Bản
Ngột ngạt trong không gian hạn chế, chán ngán với những bữa ăn thất thường và nỗi lo nhiễm bệnh là tâm lý chung của những hành khách có mặt trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, Nhật Bản.
Khi số ca nhiễm virus corona trên Diamond Princess được xác nhận tăng vọt lên 136 trường hợp hôm 10/2, Young Wo-sang và vợ anh bị cách ly ngày thứ 6.
Họ giết thời gian bằng cách xem phim trên Internet miễn phí, mong muốn lớn nhất của gia đình Hong Kong hiện tại là không bị nhiễm bệnh và trở về nhà càng sớm càng tốt.
Vợ chồng Young nằm trong số 260 người Hong Kong có mặt trên du thuyền sang trọng của Nhật Bản cùng hơn 3.000 người khác.
Hôm 25/1, hàng nghìn hành khách lên tàu từ Hong Kong bắt đầu chuyến đi dài ngày qua Việt Nam, Đài Loan và Okinawa.
Young Wo-sang mong mỏi được trở về Hong Kong từng ngày. (Ảnh: SCMP)
Nhưng trước khi con tàu cập cảng Yokohama hôm 4/2, nó bị cách ly sau khi một người đàn ông 80 tuổi từng có mặt trên con tàu bị chẩn đoán mắc virus corona. Người này lên tàu từ Hong Kong và rời đi hôm 25/1.
Tất cả các hành khách bị cấm rời tàu trong 2 tuần.
Young, 48 tuổi lên Diamond Princess hôm 25/1 tại cảng Kai Tak Cruise cùng vợ. Anh chia sẻ bản thân lo sợ việc các trường hợp mới được xác nhận có thể kéo dài thời gian cách ly, dù vậy, Young vẫn ôm hy vọng có thể rời đi như dự kiến hoặc sớm hơn.
“Thuyền trưởng thông báo rằng chính quyền Nhật Bản quan tâm tới các trường hợp mới, nhưng anh ta không nói liệu chúng tôi có thể rời đi vào ngày 19/2 không. Vì vậy, chúng tôi không biết khi nào mới được rời đi”, Young cho hay.
Theo Young, các hành khách chỉ được phép rời khỏi phòng của họ 1 tiếng rưỡi mỗi ngày kể từ khi con tàu neo đậu tại cảng Yokohama, nằm cách Tokyo 36km về phía Nam.
“Chúng tôi không ra ngoài. Chúng tôi chỉ mở ban công vào ban ngày để căn phòng được thông thoáng với không khí trong lòng. Tới tối, chúng tôi đóng cửa vì trời có thể khá lạnh. Hôm nay, chúng tôi có một bộ ga trải giường mới”, anh cho hay.
Do có wifi, Young và vợ vẫn liên lạc với bên ngoài.
Video đang HOT
“Không có gì quá nhàm chán vì chúng tôi có thể xem phim, chơi các trò chơi giải ô chữ“, anh cho hay.
Tuy nhiên, điều mà Young không hài lòng là các bữa ăn.
Thức ăn là vấn đề mà nhiều hành khách trên Diamond Princess phàn nàn. (Ảnh: SCMP)
“Mỗi ngày, chúng tôi có thể chọn từ một vài lựa chọn cho bữa trưa và bữa tối ngày hôm sau. Nhưng không có lựa chọn cho bữa sáng. Bạn sẽ ngạc nhiêm hoặc bị sốc bởi những gì bạn nhận được mỗi sáng. Đôi khi chúng tôi ăn sáng sớm nhất là 7 giờ và chúng tôi không ăn trưa tới 14h, sau đó ăn tối lúc 18h”, anh cho hay.
Yeung, một phụ nữ Hong Kong cũng nói rằng ăn uống là vấn đề mà cô thực sự lo ngại.
“Đôi khi chúng tôi phải ăn tối vào 21h”, cô cho hay.
Yeung và chồng ở lì trong phòng vì lo sợ ra ngoài làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Ở đây khá nhàm chán. Tôi chỉ dành thời gian đi bộ trong phòng và ngắm bến cảng hay những chiếc thuyền và máy bay trực thăng được truyền thông Nhật Bản thuê để quay kỹ hơn về chúng tôi. Tôi có một chút lo lắng về các trường hợp nhiễm mới được xác nhận. Nhưng mọi chuyện sẽ ổn thôi miễn là chúng tôi mở cửa ban công. Chúng tôi cũng kiểm tra nhiệt độ vào tuần trước và mỗi người được cho một nhiệt kế”, cô nói.
Tại Hong Kong, nghị sỹ đảng Dân chủ Helena Wong Pik-wan kêu gọi chính quyền đàm phán với Nhật Bản để thuê một chuyến bay đưa công dân Hong Kong trở về quê nhà và cách ly họ.
“Rất nguy hiểm ở trên Diamond Princess”, Yeung đồng ý.
Yeung nói cô muốn sớm trở về và hy vọng chính quyền nhanh chóng sắp xếp chuyến bay.
Nghị sỹ Hong Kong Vincent Cheng Wing-shun cho rằng ngoài việc lên kế hoạch cho một cuộc di tản, chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh cũng nên xem xét gửi thêm các quan chức tới giúp đỡ cư dân trên tàu.
“Họ cũng cần hỗ trợ tâm lý vì họ chỉ được phép đi dạo trên boong tàu trong một thời gian ngắn hàng ngày”, ông này cho hay.
Vị nghị sỹ Hong Kong đề xuất thay vì “nhốt” hành khách trong các cabin nhỏ, chính quyền Nhật Bản có thể chuyển họ tới các cơ sở lớn hơn như doanh trại hoặc bệnh viện để cách ly.
SONG HY (Nguồn: SCMP)
Theo vtc.vn
'Sang chảnh xa rồi' - du thuyền của 2.666 người bỗng hóa khu cách ly
Chuyến du thuyền đắt đỏ và xa xỉ vòng quanh Đông Á của 2.666 hành khách trên Diamond Princess đã trở thành chuỗi ngày chờ đợi trong sợ hãi và mơ hồ trước tình hình sắp đến.
Ngày 3/2, khi du thuyền Diamond Princess chuẩn bị cập cảng Yokohama, gần Tokyo, chặng dừng cuối cùng trong chuyến du lịch xa xỉ, 2.666 hành khách cùng 1.045 thủy thủ và nhân viên phục vụ phát hiện họ đã trải qua chuyến du lịch cùng một "vị khách không mời": một chủng virus corona mới.
Trước khi tàu đến Yokohama, một hành khách 80 tuổi, đã rời tàu ngày 25/1, được chính quyền Hong Kong xác nhận dương tính với virus. Giới chức Nhật Bản lập tức ngăn du khách quốc tế xuống cảng và tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn bộ 3.701 người trên tàu.
Những người xuất hiện triệu chứng có khả năng nhiễm bệnh đều được xét nghiệm. Chỉ 4 ngày sau, 61 hành khách có kết quả dương tính với virus corona.
Du thuyền Diamond Princess chở 3.701 người phát hiện đến 61 bệnh nhân dương tính virus corona. Ảnh: AP.
Chỉ biết ngồi yên trong phòng
Hàng nghìn người còn lại trên tàu, dù kết quả xét nghiệm âm tính hay chưa được xét nghiệm, đều phải tiếp tục cách ly trong 12 ngày tới.
Họ không được rời khỏi cabin, không được giao tiếp trực tiếp với nhau. Bữa ăn được mang đến tận phòng. Nhân viên ai cũng đeo khẩu trang và trang phục bảo hộ. Một vài hành khách chọn chia sẻ câu chuyện trên tàu với thế giới trên mạng xã hội. Du thuyền Diamond Princess được mô tả như một "trại cách ly nổi" ngoài khơi Yokohama.
Paul và Jackie Fidrmuc là 2 trong số 233 công dân Australia đang kẹt trên du thuyền. Họ cố gắng giữ tinh thần lạc quan những ngày qua để vượt lên cảm giác bí bách vì không được rời cabin.
"Chúng tôi chỉ biết ngồi yên trong phòng. Hơi chán nhưng cũng không thể làm gì khác. Chúng tôi đều khỏe mạnh và có hệ miễn dịch tốt. Hy vọng chúng tôi vượt qua được", Jackie chia sẻ. "Căn bệnh này khá đáng sợ nhưng không phải hễ mắc bệnh là cầm chắc cái chết. Chúng ta cần phải lạc quan lên"
David Abel, một du khách người Anh những ngày qua thường xuyên chia sẻ video về tình hình trên du thuyền, nói ông và vợ Sally Abel đã chấp nhận thực tế đây không còn là kỳ nghỉ kỷ niệm 50 năm ngày cưới của hai vợ chồng.
"Đây không phải là kỳ nghỉ trên du thuyền nữa. Tất cả những thứ xa hoa sang trọng, như nhân viên vào tận buồng dọn giường cho bạn, đặt socola lên gối, thay khăn tắm và khăn lau mặt, lau chùi nhà lắm... những ngày đó kết thúc rồi", ông chia sẻ.
Những hội hè miên man, tiệc buffet và các hoạt động giải trí, thăm thú các vùng đất lạ tưởng chừng không hồi kết, đột ngột biến mất. Giờ đây, hành khách phải làm quen với lịch trình phục vụ như sống trong khổ hạnh: mỗi ngày một ly nước nóng, các bữa ăn ở mức căn bản, các dịch vụ giặt ủi đều tạm ngưng.
Ngày 5/2, các hoạt động theo kế hoạch trên du thuyền đều bị xáo trộn. Chương trình tập thái cực quyền, lớp dạy xếp giấy origami, học tập kinh thánh, khiêu vũ, bingo, karaoke và trình diễn ca nhạc đều hủy lịch. Thay vào đó, hành khách đành chấp nhận xem phim trong danh mục có sẵn.
Nhân viên y tế Nhật Bản tiến hành kiểm tra sức khỏe hành khách ở từng phòng trên tàu Diamond Princess. Ảnh: AP.
Cố lạc quan giữa cảnh cách ly
Nhiều người vẫn cố tìm ra chút hài hước xen lẫn cay đắng trong tình cảnh tréo ngoe. Theo một hành khách, thông tin có thêm 10 người trên tàu dương tính virus corona được thông báo đúng vào dịp kỷ niệm 9 năm ngày cưới của hai vợ chồng anh. Người hành khách đành đăng tải "Chúc mừng kỷ niệm ngày cưới" trên Twitter một cách đầy mỉa mai.
Một vài "chiến tích" nhỏ cũng trở thành lý do đủ thuyết phục để ăn mừng trên mạng: từ việc du thuyền bổ sung thêm món ăn trong menu bữa trưa và bữa tối, đến việc bữa sáng được phục vụ đúng giờ chứ không chờ tới trưa, hay quyết định nâng cấp đường truyền internet hoặc thêm phim mới để hành khách lựa chọn.
Ban quản lý du thuyền cấp cho các phòng đủ loại trò chơi để giết thời giờ, từ bài bộ đến sudoku và các loại hình giải đố khác. Ngày 6/2, tận dụng độ nổi tiếng tăng đột biến của mình trên mạng những ngày qua, David Abel hóm hỉnh đưa ra thêm một số đề nghị cho du thuyền. Ông nói cuộc sống cách ly này sẽ đỡ khốn khổ hơn rất nhiều nếu mỗi ngày hành khách được phục vụ thêm một quả chuối cùng một ly whisky, cụ thể là Talisker 10 năm tuổi loại "single malt" và uống trơn không pha không đá.
Abel nói những trường hợp thuê cabin nằm sâu trong tàu sẽ "không thể chịu đựng nổi" cảnh bị giam lỏng trong cabin như hiện nay.
Trong số đó có gia đình Clyde và Renee Smith cùng hai người cháu đến từ Mỹ. Căn phòng 4 người nhưng khá chật chội, không có cửa sổ và chỉ có một chiếc ghế. Clyde và Renee chọn xem phim cho qua ngày. Còn người cháu Sawyer Smith tập thể dục trong phòng vì phòng thể hình đã đóng cửa.
"Tình hình không đến nỗi khiến chúng tôi phát rồ lên. Nhưng nếu họ không cho chúng tôi bước ra khỏi phòng trong liên tục 4-5 ngày, mọi chuyện có thể khác", Sawyer Smith cho biết.
Đêm 6/2, mới hai ngày trôi qua trong thời hạn nửa tháng cách ly trên tàu, hành khách bất ngờ nhận thông báo sẽ được lên boong tàu trong 90 phút dưới sự giám sát của các nhân viên y tế. Mỗi người phải đứng cách nhau 1 m, không được đụng chạm hay tụ tập thành nhóm. Thêm một "chiến tích" nữa để họ ăn mừng.
Theo news.zing.vn
Thượng Hải, Bắc Kinh áp đặt biện pháp chưa từng có để ngăn dịch corona Hai thành phố lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải ban hành các hạn chế mới với các cộng đồng dân cư để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Các biện pháp được chính quyền 2 thành phố này công bố hôm 10/2 bao gồm kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc di chuyển và đi lại...