Du học sinh VN chọn ở lại Anh để giữ hồ sơ đẹp, nhưng lo lắng kỳ thị
Nhiều du học sinh bậc thạc sĩ tại Anh muốn ở lại để hoàn thành việc học, vốn chỉ kéo dài một năm, nhưng lo lắng làn sóng kỳ thị chủng tộc và dịch bệnh đang phức tạp tại đây.
Ngày 15/4, Bộ Ngoại giao cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Vietnam Airlines đã đưa một số công dân Việt Nam từ Anh về nước. Nhóm này bao gồm học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tính đến ngày 15/4, số ca nhiễm bệnh được xác định ở Anh là 93.873 ca, với 12.107 người đã tử vong.
Trao đổi với Zing.vn, Bảo Châu, một du học sinh đã về nước trước đó, nói rằng cô lo sợ trước phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng “hãy chuẩn bị mất đi người thân trong đại dịch”. Chính phủ Anh sau đó đã thay đổi chính sách này, thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa để chặn đà lây lan của virus. Bản thân ông Johnson cũng đã nhiễm virus, nhưng đang hồi phục.
“Mình thấy thật biết ơn khi nhà nước mình có cách tiếp cận hoàn toàn khác: Còn tính mạng là còn tất cả”, với suy nghĩ đó, Châu đã chọn về nước. Tuy nhiên, một số du học sinh khác, cân nhắc các yếu tố, vẫn ở lại Anh và đợt đỉnh dịch đi qua.
Hân Lê, theo học thạc sĩ ngành Sản xuất phim tại thủ đô London, cho biết Hân cũng từng cảm thấy bất an khi nhiều sinh viên châu Á hối hả trở về quê hương kể từ khi dịch bùng phát.
Tuy nhiên, Hân hiểu mình thuộc nhóm người mạnh khoẻ với hệ miễn dịch tốt, hy vọng có thể an toàn vượt qua đại dịch nếu tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng bệnh. Với Hân, việc cố chấp về Việt Nam bằng mọi giá càng tăng nguy cơ lây nhiễm tại những nơi công cộng như sân bay, bến tàu xe.
Hân tin rằng cộng đồng người Việt ở Anh có thể cùng chống chọi, động viên lẫn nhau nơi xứ người và bớt gánh nặng cho chính phủ Việt Nam trong thời điểm này.
Người đeo khẩu trang tại London hôm 14/4. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Tương tự, Nguyễn Minh Trang, theo học thạc sĩ ngành Báo chí đa phương tiện của Đại học Bourrnemouth, cũng quyết định ở lại Anh và tiếp tục cuộc sống thường nhật.
Hiện Đại học Bournemouth cho phép sinh viên tham gia các lớp học trực tuyến để giữ an toàn trong tâm dịch. Nhờ đó, Minh Trang có thể hạn chế ra khỏi nhà mà vẫn duy trì được việc học.
Cô cho biết đây là “khoảng lặng” trong cuộc sống hối hả để tĩnh tâm, làm mới bản thân và lấy đà tăng tốc cho những cuộc chiến về sau.
“Sau khi đọc nhiều nghiên cứu và theo dõi diễn biến dịch trong thời gian qua, mình thấy việc hạn chế mọi luồng di chuyển sẽ ngăn chặn virus lây lan hiệu quả”.
Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam đã và đang rà soát, đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.
Kể từ khi virus có nguồn gốc từ Trung Quốc lây lan, nhiều người châu Á tại Anh phải chịu đựng thái độ phân biệt chủng tộc từ những người bản địa. Việc xúc phạm, thậm chí là đánh người châu Á không còn quá xa lạ nhưng nhiều nạn nhân vẫn chịu đựng trong yên lặng.
Tuy nhiên với không ít sinh viên bậc thạc sĩ, hồi hương là đánh đổi tương lai và thiệt hại lớn về tài chính. Tại Anh, khoá học thạc sĩ thường chỉ kéo dài một năm và không cho bảo lưu quá trình học tập. Bỏ về nước giữa chừng đồng nghĩa với thôi học, làm xấu hồ sơ và gây khó khăn cho việc cấp lại thị thực.
Cộng đồng du học sinh Việt tại Anh cùng đón Giáng sinh. Ảnh: SVUK.
“Không có quyết định nào hoàn toàn đúng hay sai mà chỉ có quyết định phù hợp nhất với hoàn cảnh của mỗi người”, đại diện Hội Du học sinh Việt Nam tại Vương quốc Anh (SVUK) chia sẻ với phóng viên của Zing.vn.
Minh Trang, Phó chủ tịch của SVUK, cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Anh luôn kịp thời cung cấp thông tin chính thống, hỗ trợ những người ở lại, giúp họ vượt qua giai đoạn này.
Riêng SVUK luôn đóng vai trò là kênh thông tin, kênh tư vấn để giúp đỡ các bạn sinh viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức này cũng chuẩn bị đưa ra nhiều dự án truyền thông nhằm cổ vũ, động viên tinh thần cộng đồng người Việt tại Anh vượt qua dịch bệnh, Minh Trang chia sẻ.
Uyên Uyên
'Xin cám ơn các bạn, cám ơn Việt Nam!'
Sau khi rời khu cách ly, rất nhiều du học sinh và du khách đều gửi lời cám ơn chân thành đến các lực lượng tại đây về những gì họ đã nhận được.
Người được đưa vào khu cách ly đa phần là du học sinh, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (VN) từ nhiều quốc gia khác nhau.14 ngày ở khu cách ly là một trải nghiệm đáng nhớ đối với họ.
Du học sinh: Thật an tâm và thấy ấm áp lắm!
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Ngô Đình Hải (sinh năm 1997, có thời gian học năm năm ở nước Anh) quyết định về nước. Tới sân bay Tân Sơn Nhất, Hải lên xe về khu cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh - ĐH Quốc gia TP.HCM.
"Về đây, chứng kiến sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, tôi thấy thật an tâm. Ở đây mới hiểu hết cái tình quê nhà ấm áp như thế nào.Tôi đã được mọi người chăm sóc tận tình" - Hải chia sẻ và xem đó là một kỳ nghỉ đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ.
Chị Trần Thị Kiều cũng được đưa vào khu cách ly sau khi đáp chuyến bay từ Indonesia về. Chị Kiều đi tình nguyện ở nước bạn. Kế hoạch sẽ kéo dài đến tháng 4 nhưng vì dịch bệnh phức tạp, chị chọn quay về VN.
"Mình được Nhà nước hỗ trợ, được theo dõi sức khỏe thường xuyên, lo cho ăn từng bữa cơm. Tất cả đều quá sự mong đợi của mình rồi.Bản thân mình thấy rất vui, tinh thần rất thoải mái và xem đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời mình" - chị Kiều nói.
Chị Kiều cho biết nhiều người nghe hai từ "cách ly" là sợ, cha mẹ chị cũng lo nhiều. "Mình luôn trấn an cha mẹ rằng bản thân con và cha mẹ nên cảm thấy may mắn vì vừa về nước là được chăm lo trong 14 ngày, theo dõi sức khỏe. Tôi còn ghẹo mẹ "giờ con xin ở lại mà có được đâu mẹ"" - chị vui vẻ chia sẻ.
Nhật Mi (sinh viên Trường ĐH Hoa Sen) thực hiện một dự án ở Indonesia, về nước và được cách ly tập trung tại đây cũng chia sẻ: "Mình thấy như đang được ở nhà. Cơm một ngày ba bữa.Ở đây mình cũng được các y bác sĩ chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. Mọi thứ rất ổn và không có gì phàn nàn cả". Mi gửi gắm: "Cám ơn tất cả các bạn dân quân, các y bác sĩ đã hỗ trợ hết sức để tụi mình có được những ngày thoải mái, an tâm khi ở đây".
Gia đình phi công Wesley Viela cách ly tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh - ĐH Quốc gia TP.HCM sau khi đáp chuyến bay từ Bali đến Việt Nam. Ảnh: THANH TUYỀN
Người nước ngoài: "Cám ơn các bạn đã hết lòng vì chúng tôi"
Anh Di Stasio Cesarino (người Ý) đã ở VN được ba năm. Anh có một chuỗi nhà hàng thức ăn tại VN. Sau một chuyến bay từ Ý về, anh được đưa vào Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh - ĐH Quốc gia TP.HCM để cách ly.
Di Stasio Cesarino chia sẻ lúc đầu anh thấy hơi sốc vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong 14 ngày tới."Nhưng 14 ngày đã trôi qua rất nhanh nhờ sự giúp đỡ của mọi người.Tôi đã gặp được nhiều người bạn, chúng tôi kết nối với nhau và cảm thấy rất vui khi ở đây" - Di Stasio Cesarino nói."Tôi muốn gửi lời cám ơn sâu sắc đến những người đã chăm sóc tôi trong thời gian qua.Họ thật thân thiện và dễ thương" - anh Di Stasio Cesarino bày tỏ.
Gia đình phi công Wesley Viela gồm ba thành viên (người Brazil, làm việc cho một hãng bay) được cách ly tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh - ĐH Quốc gia TP.HCM sau khi đáp chuyến bay từ Bali đến VN.
Anh chia sẻ gia đình mình đã được nhiều người giúp đỡ nhiệt tình trong những ngày cách ly ở đây. "Thật may là chính phủ VN đã làm rất tốt, kịp thời rà soát, đưa những người có nguy cơ lây nhiễm đi cách ly, theo dõi để ngăn sự lây lan trong cộng đồng. Theo tôi, mọi thứ đã được kiểm soát tốt" - anh nói và gửi lời cám ơn của gia đình anh đến toàn bộ dân quân và y bác sĩ trong khu cách ly.
Còn ông Wayne Frank Chinn (người Mỹ, gắn bó nhiều với VN), đi du lịch ở Malaysia rồi quay lại VN, được cách ly tại đây, xúc động nói: "Tôi xin gửi lời cám ơn tới tất cả những người bạn cùng phòng, đến những bạn dân quân, y bác sĩ trẻ đã luôn kiên nhẫn với tôi trong nửa tháng ở đây. Tôi cũng gửi lời cám ơn đến chính phủ VN. Các bạn đã làm rất tốt!".
THANH TUYỀN - PHONG ĐIỀN
Gần 1.000 công dân, du học sinh VN tại Mỹ đăng ký về nước Hiên nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ va cac Cơ quan đại diện tại Mỹ đa nhân đươc gân 1.000 đơn đăng ky nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý. Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết, ngày 10-4 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ...