Du học sinh Việt tại Mỹ: Người gấp rút về nước, người ở lại sợ… ‘vỡ nợ’ vì viện phí đắt đỏ
Hoang mang, lo lắng, sợ hãi,… là cảm xúc chung của đa số du học sinh Việt tại Mỹ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ còn phân vân: nên về quê hương hay tiếp tục ở lại?
Sáng 11/3, nước Mỹ ghi nhận thêm 312 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 1.010, trong đó 31 trường hợp đã tử vong, 36 trong số 50 bang ghi nhận dịch bệnh. Kể từ đó, cùng với số ca nhiễm mới cập nhật hàng ngày ở Mỹ tăng lên hàng chục, sau đó là hàng trăm, có cả tin về những ca tử vong. Hôm qua 13/3, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để đối phó với đại dịch Covid-19.
Trường học đóng cửa, chuyển sang học online
Tới nay các trường cao đẳng, đại học ở Mỹ cũng đã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ các lớp học sang hình thức trực tuyến tập trung tại bang California, bang Washington, Bờ Đông, và một số trường ở các bang miền nam, trung tây và miền tây.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều du học sinh Việt tại Mỹ đều có chung cảm xúc hoang mang, lo lắng. Nhiều bạn trẻ tập hợp thành nhóm, rủ nhau đặt vé máy bay về nước sau vài ngày Mỹ tăng số ca nhiễm dịch.
Trần Phương Anh, du học sinh trường Northwest Highschool (Seattle , bang Washington, Mỹ) đang khá ‘hoảng’ vì Seattle- nơi cô bạn ở đã ghi nhận 36 trường hợp, trong đó 1 trường hợp xác nhận tử vong.
‘Ký túc của mình đang dọn dần để đóng cửa. Thống đốc bang đã đưa lệnh đóng cửa các trường học, từ trường công, tư đến quốc tế, từ bây giờ đến ngày 27/4. Thực tế, có thể giữa tháng 5 các trường học mới có thể mở cửa trở lại.
Ngày hôm qua, các giáo viên và học sinh đã check và kiểm tra hệ thống học qua mạng, cũng như giải pháp cho các học sinh học lệch múi giờ. Dù vẫn khá nhiều người thờ ơ vấn đề dịch bệnh, tuy nhiên cũng đã bắt đầu có các kệ hàng hết sạch khẩu trang, xà phòng khử trùng. Các khu siêu thị được báo cáo đồ hộp, đồ đông lạnh bán ra nhiều hơn bình thường‘ – Phương Anh cho biết.
Phòng bếp chung tại khu KTX trường Northwest Highschool vắng vẻ
Hòm thư của du học sinh đã về nước chồng chất vì không có người nhận (Ảnh Phương Anh cung cấp)
Phương Anh chia sẻ, điều mình cảm thấy lo ngại đó là sự chủ quan của người dân sống ở đây. Nhiều người xem nhẹ khẩu trang, cho rằng không có tác dụng ngăn ngừa bệnh, thậm chí sẽ thấy ‘ngạc nhiên, kỳ thị’ nếu thấy ai đeo khẩu trang ra đường.
‘ Thanh niên bên đây có thể chống chọi được virus, nhưng con virus vẫn ngụ trú trong cơ thể của họ và truyền cho những người khác, đặc biệt nguy hiểm với người già và những người có tiền sử bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Nói đúng nhất thì nhiều người Mỹ xem nhẹ khẩu trang, và họ cũng đã quá quen với việc ốm rồi mới đi khám. Như mình nói trên, chỉ có những người làm trong ngành y tế mới xem trọng ngăn ngừa bệnh, nhưng nhiều người dân thì không hẳn.
Tuy nhiên khi đi học mình cũng có thấy một số học sinh bản địa cẩn trọng hơn trước, dù không đeo khẩu trang nhưng họ rửa tay thường xuyên hơn, hắt hơi vào khuỷu tay’.
Video đang HOT
Bắt đầu từ hôm nay, KTX mở cửa phòng giặt qua đêm để các bạn du học sinh sắp đồ về
Viện phí đắt đỏ, về nước bỏ ngỏ ngày… trở lại
Giống Phương Anh, Trần My – du học sinh tại Brookdale Community College (Newman Springs Rd, Lincroft, Hoa Kỳ) cũng gấp rút chuẩn bị hành lý về nước. Ba mẹ của My ở nhà rất lo lắng và hối thúc con gái bảo lưu kết quả học tập, về nước ngay lập tức.
‘ Hơn nửa học sinh trong ký túc đã về, mình cũng sẽ lên máy bay về. Tất cả đều chấp nhận nếu về thì sẽ cách ly 14 ngày nếu bắt buộc, nhưng có những bạn rủ nhau về chung nên việc cách ly hay không cũng sẽ đỡ khó khăn hơn với chúng mình.
Tuy nhiên, có vẻ nhiều bạn cũng nhận thức việc mình về có thể sẽ không quay trở lại đây đến năm học 2020-2021 nên đã dọn hết sạch đồ, hoặc chút ít đồ không quan trọng.
Em không thể hỏi sâu hơn vì các bạn trong khu nhà mình sống đã về gần hết. Còn ít các bạn lựa chọn ở lại, không về nước thì sẽ thuê nhà cùng với nhau đứng tên người bảo hộ, hoặc ở nhà người thân’.
Bạn cùng phòng với Trần My ở Bắc Kinh, đã dọn gần hết đồ đạc về nước từ tuần trước
My cho biết, vấn đề xét nghiệm virus, tiền viện phí là một trong những lý do khiến My khá ‘đau đầu’. Là du học sinh nên chỉ được bảo hiểm chi trả 1 phần, nếu nhiễm bệnh, phí xét nghiệm và điều trị có thể lên tới hàng ngàn đô.
‘ Y tế bên này rất đắt tiền, và việc chỉ gọi xe cấp cứu thôi cũng mất ngàn đô. Một người mình quen mổ ruột thừa và tiền viện phí đã có thể lên đến 23,000 đô nếu không có bảo hiểm giảm xuống tầm 1,000 đô là đã sướng rớt nước mắt rồi. Nói chung cũng tùy loại bảo hiểm nên quyền lợi dành cho du học sinh cũng khác nhau‘.- My kể.
Về hay ở, mọi lựa chọn đều được các du học sinh cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng (Ảnh Kim Ngân cung cấp)
Ngày mai, My sẽ cùng 5 người bạn nữa đáp chuyến bay về Tân Sơn Nhất. Hành trình bay hơn 20 tiếng khiến cô bạn cảm thấy có đôi chút mệt mỏi và lo lắng vì phải quá cảnh (transit) ở các nước có dịch.
‘Mình cũng lo việc mình về nước thuận lợi hay không vì nhiều lý do. Thứ nhất là chuyến bay phải an toàn, thứ hai là giấy tờ để mình nhập cảnh, cũng như quay trở lại trường sau dịch bệnh. Việc quá cảnh thì mình cũng hơi lo vì có thể dễ lây truyền. Việc tụ tập đông người là điều không thể tránh khỏi ở sân bay, nhưng với vòng kiểm của một số nước thì mình nghĩ chắc sẽ ổn thôi, nhất là Việt Nam.
Bản thân mình sẽ chuẩn bị rất nhiều vì việc học tập lệch múi giờ khá là khó khăn. Bây giờ trước mắt khó khăn nhất vẫn là việc chuẩn bị đầy đủ đồ để về nước an toàn, từ tính toán transit ở đâu ổn nhẩt, hàng ghế ít tiếp xúc người ngoài nhất, đến găng tay, cồn sát trùng, khẩu trang và quần áo thay giữa chừng’ -. My thông tin thêm.
My gấp rút chuẩn bị hành lý trở về Việt Nam ‘tránh dịch’
Trong khi đó,Kim Ngân- du học sinh trường Brookdale Community College ở bang New Jersey lại quyết định ở lại. Ngân là sinh viên khoa Education, sang Mỹ đã được gần 1 năm. Cô bạn cảm thấy không quá lo lắng bởi tình hình tại đây đang được kiểm soát khá tốt.
‘ Tạm thời thì mình không có ý định đi bất cứ đâu trong thời gian tới. Bố mẹ thì cũng chỉ bảo mình cố gắng phòng bệnh và ăn uống đầy đủ để có sức khoẻ thôi, không có bảo về. Còn nhà trường vẫn đang email mỗi 48 tiếng để cập nhật tình hình, đối với du học sinh thì cũng khuyến khích mua bảo hiểm sức khoẻ.
Loại bảo hiểm mình mua là tầm $550 cho cả 1 năm, cũng không quá mắc. Giá bảo hiểm sẽ dao động tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khoẻ nên của mình thì tương đối hợp lý!’ – Ngân nói thêm.
Hiện tại trường Brookdale Community College của Ngân đã quyết định chuyển sang học online (Ảnh Kim Ngân cung cấp)
Chia sẻ về những lý do khiến cô bạn quyết định ở lại, Ngân cho rằng nếu về nước ở thời điểm hiện tại sẽ khá bất lợi cho du học sinh.
‘ Thứ nhất, tụi mình sẽ bị mất tiền học, vì tiền học chỉ hoàn trả khi có vấn đề thật sự cấp thiết thôi. Bảo lưu thì mình không chắc, nếu rồi bệnh dịch nó tệ hơn, khi hết hạn visa có thể không trở lại học tiếp được. Di chuyển thì cũng khá khó khăn, từ Mỹ về Việt Nam đa số toàn quá cảnh ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc,… đều là tâm dịch cả. Nên đành ở lại cầu nguyện mong dịch sớm tan thôi’.
Ảnh: NVCC
H.Yen (baodatviet)
Du học sinh trở về từ Ý kêu gọi hãy ý thức, khai báo trung thực
Một nhóm du học sinh Việt từ Ý trở về cách đây vài ngày đã tình nguyện khai báo để cách ly và kêu gọi mọi người hãy là một công dân có ý thức trong tình hình dịch Covid-19 ngày một gia tăng hiện nay.
Trúc Phương trên hành trình trở về Việt Nam - Trúc Phương
Trúc Phương, một du học sinh học University of Padova, TP.Padova, nước Ý cho biết đã trở về Việt Nam vào sáng 5.3 khi tình hình dịch Covid-19 ở Ý diễn biến phức tạp.
Hiện theo học thạc sĩ tại Ý, Trúc Phương chỉ còn một học kỳ cuối cùng và khóa luận tốt nghiệp. Thế nhưng do dịch bùng phát Phương không thể vào lớp để tiếp tục học.
Suy nghĩ, đắn đo đúng 1 tuần, Phương quyết định xin giáo sư tạm hoãn khóa luận để về Việt Nam. Lý do Phương về Việt Nam một phần vì dịch bệnh và có chút việc riêng của gia đình.
Hành trình bay từ Ý và quá cảnh ở Thái Lan của Trúc Phương
Sáng 5.3, Phương đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất sau hành trình dài từ Rome, quá cảnh Bangkok và nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đi cùng Phương là 3 người bạn cũng là du học sinh ở Ý.
"Ở bên Ý ngày nào tôi cũng đọc báo hết nên khi Việt Nam ra thông báo chính thức cách ly người từ Ý về tôi có biết. Lúc bọn tôi mua vé về đều chuẩn bị tinh thần cách ly hết rồi. Chỉ là có 2 luồng tin bọn tôi không biết là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà", Phương cho hay.
Đến cửa hải quan, Phương cùng nhóm bạn cũng đã ý thức được mình về từ vùng dịch nên đã khai báo để đi cách ly. Tại sân bay, Phương và các bạn điền thông tin vào tờ đơn khai báo, được đo thân nhiệt, mặc đồ bảo hộ và đưa đi một lối riêng ra xe chở tới khu cách ly.
"Trong lúc chờ xe thì bọn tôi được thu lại hộ chiếu, hành lý và được nhân viên ở đó lấy giùm rồi đưa thẳng ra xe. Sau đó trả lại passport và hướng dẫn bọn tôi đi theo xe cách ly.
Đã 5 ngày, từ ngày Phương trở về Việt Nam đến khu cách ly mọi chuyện vẫn ổn . Một ngày Phương được tiêu chuẩn 3 phần ăn, thức ăn được thay đổi khá phong phú và ngon. Bác sĩ tới kiểm tra thân nhiệt 2 ngày 1 lần. Nếu cần thêm gì thì có thể yêu cầu ngay với bác sĩ.
"Có nhiều người vì mình mà vất vả, như tôi thấy mấy anh bộ đội ngày ngày bưng cơm lên tận phòng cho tôi cũng cực...", Phương cho hay.
"Hãy là những công dân có ý thức"
Cũng như nhiều người khi về Việt Nam tránh dịch, Phương đã chia sẻ dòng trạng thái lên Facebook với mong muốn mọi người đừng quá hoang mang vì những tin tức tràn lan trên mạng xã hội. Mọi người cần có cái nhìn khách quan hơn với việc cách ly và khai báo. Hãy là những công dân có ý thức, trách nhiệm, trung thực, nhân văn, vì sức khỏe của mình, gia đình và xã hội.
Trúc Phương cũng được tặng hoa ngày 8.3 tại khu cách ly
"Tôi được may mắn trải nghiệm gần 2 năm du học, được tiếp xúc với nhiều du học sinh, thực sự mỗi người một hoàn cảnh. Tôi biết có nhiều anh, chị, bạn trong thời gian này cũng muốn về Việt Nam, nhưng điều kiện không cho phép. Nên tôi cũng muốn nhắn gửi tới mọi người những lời chúc tốt nhất, mong mọi người luôn khỏe mạnh, bình tĩnh và mạnh mẽ vượt qua thời gian này", Phương nhắn nhủ đến cộng đồng du học sinh hiện còn ở Ý.
Ngoài ra, những bạn du học sinh có việc cần về Việt Nam như Phương, cần theo dõi tin tức và quy định để nắm rõ mình có nằm trong đối tượng cách ly hay không. Để mình chủ động tuân thủ cũng như sắp xếp công việc thời gian cho phù hợp, tránh tình trạng bị hoảng loạn vì 14 ngày cách ly.
Theo thanhnien
Phong tỏa Lombardy vì dịch Covid-19: Người Việt ở Ý 'cố thủ', không trữ thực phẩm Sau khi có lệnh phong tỏa cách ly 10 triệu người tại vùng Lombardy ở miền bắc nước Ý để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, người Việt sống ở đây hạn chế ra đường, 'cố thủ' trong nhà. Nhiều người quyết không dự trữ thực phẩm. Người dân ở Milan xếp hàng mua hàng hóa ở siêu thị - Ảnh: Như Ngọc Trao...