Du học sinh thiếu hợp tác, chê bai khu cách ly: Dừng lại hành động vô ơn!
Chưa làm được gì nhưng lại có hành động thiếu hợp tác, chê bai chỗ ở cách ly, những du học sinh này sau này sẽ trở thành người chủ tương lai như thế nào?
1. Ngày còn bé, tôi bị bố đánh cho một trận đòn đau nhớ đời và đó cũng là trận đòn duy nhất bố đánh tôi. Ở những năm 70-80, khi mà ngành hàng không và các phương tiện vận tải khác chưa phát triển, thì đường sắt gần như độc quyền. Thời ấy, ở lứa tuổi gần vào lớp 1 như tôi, đứa nào có người nhà làm đường sắt thường được chúng bạn “ngưỡng mộ”, đằng này bố tôi lại là Trưởng tàu nên tôi cũng thấy hãnh diện lắm.
Thỉnh thoảng, bố cho tôi về quê bằng tàu hoả. Lên tàu, các cô chú nhân viên thường hay dỗ dành và cho tôi quà bánh. Lúc ấy, trong đầu óc con trẻ, tôi nghĩ rằng bố mình có “quyền”, thì mình cũng đương nhiên được chiều chuộng.
Một lần lên tàu, tôi tự do ngồi vào ghế của một người khác. Chú nhân viên nói tôi trả chỗ cho khách, nhưng tôi nhất định không chịu. Thậm chí, tôi còn có thái độ vô lễ “có phải ghế của chú đâu mà bắt cháu chuyển chỗ”. Đúng lúc mọi người chưa biết phải thế nào, thì bố tôi đi tới, ông nghiêm giọng bắt tôi trả chỗ. Ông xin lỗi khách đi tàu cùng nhân viên của mình. Lúc ấy, tôi cứ tưởng mọi chuyện thế là êm xuôi.
Về đến nhà, bố bắt tôi nằm lên giường và tra hỏi về hành động lúc ở trên tàu. Ông nói, tôi còn bé nhưng đã có tính “hách dịch, vô lễ và hỗn hào người lớn”. Ông lấy roi đánh tôi một trận đau đến nỗi mãi sau này, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy “nổi da gà”. Nhưng từ ấy, tôi làm gì nhớ lại trận đòn để điều chỉnh hành vi, thái độ của mình. Và đến tận bây giờ, những lời ông dạy dỗ, tôi vẫn coi là “kim chỉ nam” để răn dạy những đứa con của mình.
2. Trong những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số người ở nước ngoài, trong đó có cả du học sinh về nước tránh dịch ngày càng nhiều. Nhiều nơi phải trưng dụng cả các khu cách ly ở ký túc xá các trường Đại học để làm nơi cách ly. Với tinh thần vì cuộc chiến phòng chống dịch của tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của cả xã hội, hàng ngàn sinh viên đã tự nguyện dọn hết đồ đạc từ hòm xiểng, chăn chiếu, tivi, bàn ghế… để dành chỗ cho những người về cách ly. Mà thực tế, nhiều sinh viên ở tỉnh xa, vùng khó khăn chưa biết xoay sở như thế nào để có chỗ trú thân.
Nữ du học sinh Canada dùng những từ ngữ rất khó nghe chê bai khu cách ly là “không thể sống nổi”, “quá sức chịu đựng”…
Thế nhưng, nhiều du học sinh về nước cách ly, khi về đến sân bay đã tỏ thái độ coi thường, không hợp tác trong việc thực hiện các quy định về cách ly. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quân của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô lấy làm buồn về chuyện một số du học sinh ở khu vực châu Âu trở về, là con cháu của gia đình có điều kiện, khi về đến sân bay Nội Bài thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Thậm chí một số du học sinh buộc lực lượng công an, nhân viên hàng không phải cưỡng chế cho lên xe thì mới vận chuyển được về các địa điểm cách ly.
Khi về đến chỗ cách ly, một số đã chê bai cơ sở vật chất, đồ ăn, thậm chí có du học sinh ở Canada còn đăng bài chê bai cơ sở vật chất thậm tệ. Nữ sinh này cho biết mình đã quen với môi trường sạch sẽ, nên không thể chịu đựng nổi với việc phòng dơ, không wifi…
Trong tình hình cả nước đang nỗ lực chống dịch, nhiều người đã nỗ lực hết mình, trong đó có cả những sinh viên như họ, phải màn trời chiếu đất, thậm chí chưa biết đi đâu về đâu để nhường chỗ cho những người về cách ly, thì những hành động phản cảm như thế khó có thể chấp nhận. Thật đáng buồn, điều này lại xảy ra ở những người đang được rèn rũa, mở mang trí tuệ, nhận thức ở thế giới văn minh.
Ai đến độ tuổi công dân, đều phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình, thậm chí bị phạt tù nếu có những hành vi chống đối, trái pháp luật. Vậy thì, tại sao về đến sân bay, họ lại có những hành động thiếu hợp tác, chống đối đến phải cưỡng chế về nơi cách ly? Hay họ cho rằng mình được quyền, được phép làm bất cứ điều gì vì họ là những “cậu ấm, cô chiêu” nhà có điều kiện, vốn được cưng chiều hơn người?.
Hình ảnh sau ca trực vất vả, những nhân viên y tế chẳng kịp thay quần áo mà nằm luôn tại các hành lang, các khoảng sân để ngủ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Và nữa, khi mọi người ở trong nước đang chấp nhận thiệt thòi, thậm chí hy sinh để nhường cho họ có nơi ăn ở, có người phục vụ, theo dõi sức khoẻ, đáng lẽ ra họ phải biết ơn vì điều ấy. Nếu chưa làm được gì để cảm ơn những tấm chân tình ấy, thì ít ra cũng phải có thái độ đúng đắn, nhận thức tại sao mọi người lại phải hy sinh, nhường nhịn nhiều đến vậy? Hành động của những du học sinh này thật vô ơn, khó chấp nhận!
Với thái độ vô ơn, vô pháp như vậy, những du học sinh này sau sẽ trở thành những người chủ tương lai như thế nào của đất nước? Khi mà họ chưa làm được gì cho đất nước, thậm chí trong hoàn cảnh hiện nay, họ đang trở về “làm phiền” Tổ quốc, sống “miễn phí” bằng tiền của đất nước trong thời kỳ dịch dã khó khăn, nhưng lại lớn tiếng đòi hỏi, chê bai.
Video đang HOT
Rồi sau này, những du học sinh sẽ trở thành các bậc làm cha mẹ. Những ông bố, bà mẹ này sẽ dạy dỗ con cái mình điều gì, hay sẽ là “tấm gương xấu” phản chiếu những điều tương tự hành động của chính họ hôm nay?
Nhãn tiền là như vậy, nếu những người này không tự nhìn lại mình, nhìn lại sự hy sinh, nhường nhịn, sẻ chia và kiên nhẫn của mọi người để kịp thời ăn năn, cầu thị sửa chữa nghiêm túc./.
An An
Sinh viên ký túc xá ĐH QG TPHCM lên tiếng khi khu cách ly bị du học sinh liên tục chê bẩn, như nhà hoang: Đừng đòi hỏi quá nhiều!
Các sinh viên của Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đều cho rằng thái độ của những du học sinh khi được cách ly nhưng chê bai điều kiện sinh hoạt là không thể chấp nhận.
Vừa qua, Ban quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin đến sinh viên đang lưu trú rời đi trong thời gian này để khu vực của ký túc xá sẽ được UBND thành phố "mượn" để thành lập khu cách ly, đối phó với dịch bệnh Covid-19. Hàng trăm sinh viên đã phải thu dọn đồ đạc và tìm chỗ trọ mới trong 2 ngày trước khi các tòa nhà được bàn giao cho thành phố.
Bắt đầu từ đêm 19/3, ký túc xá tiếp nhận những trường hợp cách ly đầu tiên, nơi đây đã chuẩn bị quy mô 3200 chỗ và còn có thể đáp ứng nhiều hơn nữa. Theo yêu cầu, những công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài đều phải trải qua khai báo y tế và chịu cách ly tập trung. Do đó, nhiều trường hợp là du học sinh đang du học tại các nước đến sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa về đây. Tuy nhiên, nhiều du học sinh đã gây mất thiện cảm vì chê bai nơi ở của mình.
"Việc nhường KTX làm nơi cách ly là bình thường, phòng nhiều lại tiện"
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của sinh viên và cộng đồng, giảm thiểu rủi ro bị cô lập và cách ly toàn bộ ký túc xá (KTX), ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM thông báo tạm ngưng tiếp nhận sinh viên cho đến khi có lịch học trở lại của Đại học Quốc gia TP.HCM, và yêu cầu toàn bộ sinh viên còn ở lại rời đi trước ngày 20-3.
Ngay sau thông báo, các sinh viên đang có mặt tại thành phố phải nhanh chóng gói ghém, thu dọn đồ đạc chỉ trong 2 ngày. Ai nấy đều tức tốc tìm chỗ ở mới, có người thì chịu thuê trọ bên ngoài, bạn khác lại xin ở nhờ nhà người thân, ở ghép với bạn chung lớp,...
Bạn T.L (Sinh viên năm 4, khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Kinh tế-Luật) cho biết: " Trên thực tế là thông tin này đã ngấp nghé từ lâu chỉ là chưa có quyết định chính thức thôi, nên mình cũng đã có chuẩn bị trước nơi ở mới rồi, nên 3 ngày này mình chỉ thương lượng lại với chủ nhà mới và dọn đồ thôi. Đối với những bạn khác mình nghĩ sẽ có nhiều khó khăn vì không phải ai cũng kiếm được nhà ngay, chi phí thuê cao, và dọn cũng gấp, nên xung quanh ký túc xá có nhiều quán ngưng hoạt động và nhiều nhà trọ cho sinh viên ở tạm không lấy tiền thuê."
Mọi thứ được dọn dẹp và gói lại để chuẩn bị trở thành khu cách ly mới của thành phố (Ảnh: Trung tâm Quản lý Ký túc xá - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh )
Đối với những sinh viên vẫn còn ở quê, chưa lên thành phố từ trước tết, việc dọn đồ được ban quản lý ký túc xá hỗ trợ với sự góp sức của sinh viên tình nguyện, đội dân quân tự vệ,...Số lượng sinh viên lớn nên đồ đạc cũng vậy mà nhiều theo, tốn không ít công sức của người dọn dẹp. Nhưng với sự nhiệt tình và đồng lòng của mọi người, các phòng đã được gói ghém đồ đạc cẩn thận, niêm phong kỹ lưỡng trước khi trao lại cho thành phố thực hiện công tác cách ly.
Tuy phải chịu cực dọn ra ngoài để nhường căn phòng mình gắn bó một quãng thời gian cho đội công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng ai nấy đều sẵn sàng và tỏ ra vui vẻ. Bạn Lê Phong, sinh viên năm 2 Đại học Khoa học tự nhiên chia sẻ: " Ký Túc Xá ĐHQG có diện tích rộng và phòng nhiều nên rất tiện cho việc cách ly số lượng lớn người dân Việt Nam về từ nước ngoài. Mình cảm thấy việc nhường KTX làm nơi cách ly là bình thường vì trong thời gian này rất ít sinh viên ở lại."
Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM tọa lạc tại quận Thủ Đức. Trong khi khu A hoạt động đã lâu thì khu B chỉ mới đưa vào sử dụng từ 2012. Các phòng đều được sinh viên nhận xét là thoáng mát, rộng rãi và có những vật dụng cần thiết như giường, bàn ghế, tủ kệ, toilet,...Không những thế, bên trong khu ký túc xá còn bố trí cửa hàng tiện lợi, quán nước, phòng gym,... phục vụ cho nhu cầu sinh viên. Nhất là không gian cây xanh tạo nên một môi trường thoáng đãng bao lấy các khu nhà.
Các sinh viên tất bật thu dọn để chuyển đến nơi ở mới
"Các bạn quay về tránh dịch, thì đừng đòi hỏi quá nhiều"
Tuy được trang bị những thứ cần thiết, nhưng so với những du học sinh ở các nước châu Âu có mức sống cao hơn thì dường như những điều này chưa đủ làm hài lòng các bạn. Phần lớn những ai đến tham gia cách ly đều chấp hành nghiêm chỉnh và được hỗ trợ đầy đủ các bữa ăn, nhu yếu phẩm,... Nhiều sinh viên còn nhiệt tình tặng vài gói đồ ăn nhỏ mà mình có cho những ai chuyển đến đây.
Nhưng vẫn có những câu chuyện khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nào là nữ du học sinh này chê phòng ở tồi tàn, nữ du học sinh kia lại cho rằng phòng ở không tiện nghi,... Hàng tá câu chuyện tương tự được chia sẻ khiến sinh viên, những người chủ thực sự và gắn bó với căn phòng ấy lâu năm có chút chạnh lòng.
"Khi mà có nhiều bạn du học sinh chê bai KTX thì mình cũng thấy tức lắm. Vì đây là chỗ ở của hàng ngàn sinh viên suốt bao nhiêu năm qua mà. Coi đây như là nhà, mà giờ nhường chỗ rồi bị chê thì buồn lắm. Mình nghĩ các anh chị Ban Quản Lý KTX, thầy cô, dân phòng đã cố gắng nhất có thể rồi, các bạn nên tôn trọng", Diệu Linh, sinh viên ngành Văn hóa học, ĐH KHXH&NV tâm sự.
Còn với Lê Phong, bạn cho rằng du học sinh được đón về Việt Nam và chịu cách ly 14 ngày để an toàn cho chính bản thân các bạn. Được chăm sóc y tế, ăn uống đầy đủ là đã thực sự may mắn trong giai đoạn này.
1 du học sinh Canada bị dân mạng chỉ trích sau khi chê bai thậm tệ ký túc xá
Cùng chung tâm trạng, T.L bày tỏ quan điểm: " Mình nghĩ các bạn ấy quay về tránh dịch thì đừng đòi hỏi quá nhiều, mình hy vọng các bạn ấy hãy đón nhận việc này bằng một cách cởi mở hơn, đừng chỉ nhìn vào cơ sở vật chất hay thức ăn được cung cấp mà hãy nhìn vào công sức và tình cảm mà mọi người hy sinh để bạn có được điều kiện cách ly như hiện tại".
Đối với nữ sinh viên này, những câu chuyện không hay như vậy xuất hiện trên mạng không chỉ khiến các bạn có đôi phần bức xúc mà đâu đó còn có những buồn lòng. Bởi gắn bó với ký túc xá nhiều năm, nhiều bạn không chỉ xem nơi đây là chốn đi về hằng ngày mà còn lưu dấu những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên.
Những góc trong Ký túc xá trở nên thân thuộc với các sinh viên (Nguồn : @_Jillyh)
Bạn T.L cũng tâm sự thêm: "KTX và khu vực ĐH Quốc gia đối với mình có ý nghĩa rất lớn. Mình ở đây 4 năm nên kỷ niệm của mình và bạn bè đều ở đây hết. Khác với mọi người, khi chuyển đi mình không nghĩ nhiều đến việc bất bình với quyết định của KTX, mà mình buồn nhiều hơn vì đây là lần mình rời hẳn KTX và không quay lại nữa. Vốn dĩ mình đợi đến khi tốt nghiệp mới rời đi, còn chưa kịp nhìn lại những điều đã trải qua thì phải dọn đi rồi".
Với T.L, KTX là một nơi đầy đủ tiện nghi cơ bản, dịch vụ gì cũng có. Từ giặt ủi, gym, quán cà phê, thư viện, nơi sinh hoạt. Đặc biệt, nơi đây còn đảm bảo an toàn khiến bố mẹ của bạn an tâm trong hành trình 4 năm đại học sắp khép lại.
Cùng chung suy nghĩ, Anh Thư, sinh viên năm 3 ĐH KHXH&NV cho rằng, với một sinh viên tỉnh lẻ và khó khăn lắm mới được học ở thành phố thì ký túc xá đã cho bạn sự thoải mái hơn bất cứ đâu và giúp bạn có nơi ăn chốn ở suốt mấy năm vừa qua. Bạn chia sẻ, nếu không có nơi này thì chẳng có các thế hệ những cử nhân, thạc sĩ cung cấp nguồn nhân lực lao động tri thức cho đất nước.
Không gian thoáng đãng và nhiều cây xanh, sân chơi của KTX Đại học Quốc gia TP.HCM (Nguồn: _Jillyh)
"Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc và chiến đấu với nó là điều quan trọng hơn những nhu cầu của bản thân"
Đối mặt với những thái độ không mấy thiện chí của một bộ phận nhỏ các du học sinh trở về từ nước ngoài, sinh viên ký túc xá vẫn có cái nhìn lạc quan và tích cực. Bởi các bạn cho rằng những suy nghĩ đó không đại diện cho cả một cộng đồng người Việt đang lưu trú ở nước ngoài và không thể hiện đúng về các du học sinh. Có nhiều bạn đang du học tại các nước nhưng khi về đến Ký túc xá luôn tỏ ra hào hứng với kỳ nghỉ bất đắc dĩ kéo dài 14 ngày.
Tinh thần chung của các sinh viên ĐHQG khiến Hiền Tính, sinh viên khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa xúc động. Bạn cho biết: " Các bạn sinh viên và anh chị tình nguyện đang hi sinh một phần nhỏ lợi ích cá nhân để đảm bảo sức khỏe cho cả thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung, thật sự mình thấy phần lớn các bạn, anh, chị ở KTX đồng lòng làm mình rất hãnh diện."
Sinh viên ĐHQG tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ thu dọn vật dụng và đóng gói niêm phong đồ
Còn đối với Anh Thư, khi thấy những hình ảnh về sự vất vả của đội ngũ công tác phòng, chống dịch tại khu KTX làm bạn nghẹn ngào và tin rằng hành trình đẩy lùi Covid-19 trong tương lai sẽ đạt kết quả. Đó cũng là những gì mà người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến.
Lực lượng y tế, dân phòng, tình nguyện viên mệt nhoài sau thời gian túc trực tại KTX
Tiện nghi hay những giá trị vật chất chỉ là những đòi hỏi nhất thời trước mắt, nhưng cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc và chiến đấu với nó là điều quan trọng hơn những nhu cầu của bản thân. Chia sẻ gánh nặng trong giai đoạn khó khăn này của đất nước là khi bạn biết chấp nhận và vui lòng với những gì bạn đang có ở hiện tại.
Những chú bộ đội, nhân viên y tế qua ống kính một du học sinh đang cách ly ở Bắc Ninh: Thật hạnh phúc khi được ở đây! Từ những chiến sĩ bộ đội, những cán bộ y tế đến các cô chú phụ trách hậu cần và vệ sinh,... dù công việc có thật vất vả nhưng ai cũng tận tâm hoàn thành với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chúng ta chẳng còn lo sợ việc cách ly nữa, đó là bởi phần khó khăn đã được các cán...