Du học sinh giữa đại dịch Covid-19: “Mẹ yên tâm, con ổn”
Giữa tâm dịch, nhiều du học sinh vẫn chọn cách ở lại, tự phòng vệ và chăm sóc bản thân. Họ khiến cha mẹ mình “vừa thương, vừa tự hào về con”.
Quách Phương Chi- du học sinh tại Đức
“Mẹ yên tâm, con ổn” – Đấy là câu trả lời mà đêm nào nó cũng nhắn cho tôi. Hôm rồi đáp lại câu hỏi: Con có muốn về không? Nó bảo: Sao lại về, mẹ đừng quá lo lắng. Mẹ nghe truyền thông nhiều quá, giờ nghe con này:
- Trường học, nhà hàng đóng cửa, khiến thành phố con ở vốn yên bình giờ càng yên bình hơn. Người Đức vốn rất bình tĩnh, có tính kỷ luật và tự giác cao. Nếu ai có tín hiệu bị bệnh sẽ liên hệ với bác sĩ và chủ động cách ly. Hiện có hơn 12 nghìn người nhiễm ở Đức và thành phố con ở cũng có mấy chục người nhiễm rồi, nhưng họ giữ kín thông tin, không ai biết là ai.
-Công việc của con vẫn bình thường, một số bạn làm thêm ở các nhà hàng thì tạm thời nghỉ việc nên hơi ngơ ngác tí thôi. Con vẫn theo dõi chặt chẽ thông tin và hướng dẫn trên trang phòng dịch của Chính phủ.
- Con không về vì nhìn hàng nghìn người đổ ra sân bay, không biết ai bệnh ai không, lại đổ dồn vào các điểm cách ly để Nhà nước phải nuôi trong khi mình đang trẻ khỏe thế này, con thấy không ổn. Nếu cứ kéo nhau về Việt Nam, không phải là vài chục mà lên tới vài nghìn ca nhiễm thì sẽ thế nào! Giờ con nghĩ ai ở đâu cứ ở yên đấy, con có thời gian sẽ tập trung học bài và vẽ. Mẹ yên tâm nhé!
Đó là những lời chia sẻ của chị Bùi Kim Nhung ở Gia Lâm, Hà Nội, có con gái là Quách Phương Chi đang học năm thứ hai, đại học Fachhochschule Kiel, CHLB Đức. Như nhiều bà mẹ khác, khi dịch bùng phát ở châu Âu, chị đứng ngồi không yên, chỉ mong nhanh chóng đưa con về nước. Nhưng, chính con chị, bằng sự trải nghiệm, bình tĩnh và khả năng tự lập của mình ở môi trường mới đã giúp chị yên tâm hơn rất nhiều.
Phạm Phúc Quang Minh- du học sinh ở Phần Lan
Phạm Phúc Quang Minh (1997) Hà Nội, là du học sinh ngành Media&Arts tại Trường Đại học Tampere (Phần Lan), hiện đang học trao đổi tại Séc. Mặc dù trong thời gian đi học trao đổi cũng là thời gian mà các ca nhiễm Covid- 19 ở châu Âu trong đó có Séc tăng cao nhưng Minh vẫn quyết định ở lại ký túc xá.
Video đang HOT
“Ký túc xá nơi tôi ở rất an toàn, tôi cũng đã chủ động chuẩn bị thực phẩm và các vật dụng cần thiết để hạn chế ra đường, thực hiện đúng các chỉ dẫn bảo vệ sức khỏe. Nhiều bạn bè trong lớp tại Séc đã trở về nước nhưng tôi vẫn vững tâm ở lại vì bản thân ý thức được, ngoài việc trở về sẽ làm xáo trộn những dự định thì hành trình trên máy bay cũng có nguy cơ mắc bệnh và nhất là khi trở về sẽ tạo thêm gánh nặng cho Tổ quốc. Tôi đã gửi thư động viên bố mẹ. Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra “Việt Nam mình đáng trở về như nào dù từ bất kỳ nơi đâu trên thế giới…”- Quang Minh chia sẻ.
Càng đi xa, càng thêm tự hào về Tổ quốc
Nguyễn Kiều Mỹ Hạnh (1997) Hà Nội đã tốt nghiệp ngành tổ chức sự kiện Trường Đại học Haaga Helia (Phần Lan), tháng 9 này sẽ nhập học khóa thạc sĩ tại Trưởng đại học nghiên cứu Aalto. Hiện Hạnh đang làm việc cho Phòng thương mại Phần Lan. Một mình sống ở châu Âu giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát nhưng đến giờ này gia đình Hạnh đã tạm yên tâm bởi trong suốt thời gian qua, từ lúc chỉ có 1 ca nhiễm bệnh, Hạnh đã tìm hiểu, theo dõi tình hình và cực kỳ cảnh giác, thậm chí thường xuyên tuyên truyền cho đồng nghiệp không chủ quan với căn bệnh này.
Nguyễn Kiều Mỹ Hạnh – sinh viên mới tốt nghiệp tại Phần Lan, chuẩn bị theo học thạc sĩ tại đất nước này.
Trước giờ WHO chính thức tuyên bố đại dịch, bạn đã ở một mình một nhà – điều kiện cách ly quan trọng- với thực phẩm có thể dùng trong vài tuần. Hạnh đã trang bị nước rửa tay, nước súc họng, vitamin C và khẩu trang – những thứ trở nên xa xỉ ở đây vào thời điểm này. Giờ đây, Hạnh làm việc online tại nhà, hằng ngày họp trực tuyến cùng lãnh đạo và đồng nghiệp, công việc của cô là xây dựng trang web về dịch bệnh Covid-19. Xem những hình ảnh Kiều bào và du học sinh trở về được Nhà nước tạo điều kiện cách ly, có bệnh thì chữa miễn phí, Hạnh thật sự cảm động khi viết về cho mẹ “con yêu gia đình, yêu Tổ quốc”.
Chị Trần Thanh Bích có hai con gái đang du học ở Mỹ và Canada. Giấu nỗi lo trong lòng, chị động viên con vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con chị cũng phần nào hiểu được nỗi lòng cha mẹ, hết sức chủ động trong việc phòng dịch. Cả hai con chị đều quyết định ở lại và sẵn sàng đối phó với thực tế. Chính điều này khiến chị “vừa thương lại vừa tự hào về con”.
Võ Trần Trà My, sinh viên năm cuối tại Mỹ
Con gái lớn của chị là Võ Trần Trà My đang học năm cuối tại Mỹ. Khi dịch bệnh bùng phát và số ca nhiễm tăng một cách chóng mặt, My cũng có phần hoang mang, lo sợ. Bạn bè My đã có rất nhiều người mua vé bay về Việt Nam. Tuy nhiên, My chọn ở lại Mỹ và cách ly ở nhà vì chỉ còn 2 tháng nữa là My tốt nghiệp đại học, đang xin giấy tờ cho chương trình OPT (cho phép sinh viên quốc tế làm việc tại các công ty Hoa Kỳ) nên không thể bỏ hết và về ngay lúc này được. Ở bên này rất nhiều trường đại học đã tạo điều kiện cho sinh viên học online đến hết học kỳ. Ngoài ra khu vực My đang sống và học tập là vùng vịnh Bay Area, California cũng đã ban hành lệnh “shelter in place”, yêu cầu toàn bộ dân cư trú ẩn và cách ly tại nhà, chỉ ra đường nếu có việc quan trọng như dự trữ đồ ăn hay đi khám bệnh.
Trong thời gian bị cách ly ở đây, Trà My luôn chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Bang, cập nhật các tin tức của Mỹ, Việt Nam và các nước có ảnh hưởng với Mỹ để phòng ngừa dịch bệnh cho mình, có chế độ sinh hoạt, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, tranh thủ nấu những món ăn mình thích, thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình. Ngoài việc học online để kịp tốt nghiệp, My còn dành thời gian bổ sung thêm các kiến thức, kỹ năng để chuẩn bị xin việc.
Trong khi đó, con gái út của chị Bích là Võ Trần Quỳnh Chi- du học sinh tại Canada cho biết, trong thời điểm dịch Corona đang ngày càng lan rộng như hiện nay, với Chi, sự bình tĩnh và suy nghĩ tích cực là một trong những yếu tố cần thiết nhất. Hiện tại Canada đã có hơn 800 người dương tính với virus, và tỉnh British Columbia – nơi Chi đang theo học dẫn đầu với 271 người xác nhận dương tính vì vậy, địa phương này đã ra thông báo đình chỉ tất cả các trường vô thời hạn.
Võ Trần Quỳnh Chi- du học sinh tại Canada
“Lý do chính khiến tôi quyết định chưa về bởi trường tôi theo học vẫn chưa có quyết định kết thúc năm học sớm hay vẫn quay lại học sau kỳ nghỉ xuân này. Bên cạnh đó, tôi cũng đặt niềm tin khá lớn vào chính phủ Canada bởi họ đang thực hiện rất tốt và luôn cố gắng hết sức để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy Canada là nước láng giềng của Mỹ (nơi có hơn 11.000 người nhiễm) nhưng Chính phủ đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Bản thân tôi luôn dành thời gian để cập nhật các thông tin chính thống của Canada và của Việt Nam về dịch bệnh, đọc những cảnh báo, tham khảo lời khuyên của các bác sĩ, điều chỉnh về thói quen ăn uống cho đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều, hạn chế ra ngoài và không tập trung đông người…”
Như nhiều du học sinh khác chọn cách ở lại, bản thân Chi không muốn đất nước mình phải tốn kém hay vất vả thêm trong khi bạn vẫn cảm thấy ổn khi ở lại Canada.
” Tôi cũng không muốn gia đình phải lo lắng vì mình. Tóm lại, càng đi xa, càng đọc nhiều và nắm được nhiều thông tin hơn, tôi thực sự rất tự hào và khâm phục Việt Nam mình trong việc phòng chống virus Corona. Từ chính quyền, y tế – những người đã đóng góp trực tiếp đến ý thức người dân, sự ủng hộ từ các cá nhân, từ các tổ chức đều rất đáng khâm phục. Dù số người dương tính với virus ở Việt Nam đang tăng lên nhưng tôi luôn giữ vững niềm tin Việt Nam sẽ kiểm soát tốt tình hình”- Quỳnh Chi chia sẻ./.
Quốc Phong/VOV.VN
Dịch Covid-19: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông báo về tình hình du học sinh
Bà Vũ Thị Liên Hương, phụ trách Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đến nay chưa có du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đa số du học sinh đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang tại sân bay Narita Airport sau khi dịch Covid-19 bùng phát. (Nguồn: Reuters)
Ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan tới việc phòng, chống dịch Covid-19, bà Hương cho biết, Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã gửi thông báo này đến các du học sinh tại các chi hội Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), các du học sinh có đăng ký công dân với Bộ phận Giáo dục, các chi bộ sinh hoạt Đảng tại Nhật Bản và một số trường giảng dạy tiếng Nhật.
Ngoài ra, Bộ phận Giáo dục của Đại sứ quán vẫn duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc về các chính sách của Chính phủ cũng như của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICE) cho du học sinh. Bên cạnh đó, Đại sứ quán thường xuyên gửi các thông báo và khuyến cáo cho các du học sinh học bổng JDS (chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản giành cho 10 nước, trong đó có Việt Nam), yêu cầu hạn chế đi đến các vùng dịch, nâng cao sức khoẻ và không nên hoang mang hoặc tin vào các tin đồn thất thiệt.
Về phần mình, các du học sinh Việt Nam hiện đang thường xuyên kết nối trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin, tình trạng sức khoẻ để cùng nắm được tình hình và thực hiện các khuyến cáo.
Dịch Covid-19 đến nay ảnh hưởng không quá nghiêm trọng đến việc học tập của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, một phần vì các trường đại học đang trong kỳ nghỉ Xuân (kéo dài tới đầu tháng 4), trong khi các trường dạy tiếng Nhật đã cho học sinh nghỉ đến khoảng giữa tháng 3. Các du học sinh nhập học vào tháng 4/2020 dự kiến sẽ nhập học bình thường theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, nhiều hội thảo trong và ngoài Nhật Bản đã bị hoãn, các chuyến đi thực tế hay nghiên cứu khoa học của du học sinh bị tạm ngừng, một số sinh viên đã phải thay đổi hoặc hoãn lịch về nước để nghiên cứu hoặc lấy số liệu.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh và Quản lý Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến tháng 12/2019, tổng số du học sinh việt Nam là 82.266 người.
Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 19/3, Cơ quan xuất nhập cảnh và quản lý cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ cho phép thực tập sinh kỹ năng nước ngoài gia hạn lưu trú tối đa 4 tháng nếu không thể tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực vì sự bùng phát của dịch Covid-19.
Theo quy định hiện hành, thực tập sinh kỹ năng nước ngoài chỉ có thể lưu trú tại Nhật Bản tối đa 5 năm và phải tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép thực tập sinh nước ngoài vẫn có thể tiếp tục ở lại nước này nếu thời hạn lưu trú đã hết và họ không thể về nước do sự bùng phát của dịch Covid-19.
Ngoài ra, các thực tập sinh đã hoàn tất hợp đồng 3 năm và chuẩn bị về nước nhưng quyết định chuyển sang đào tạo kỹ năng đặc định sẽ được phép gia hạn lưu trú tối đa 4 tháng.
Trong khi đó, Văn phòng Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ở Tokyo cho biết, hãng hàng không này sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 23/3 cho đến cuối tháng 4.
Tính đến sáng 19/3, số người tử vong vì dịch Covid-19 ở Nhật Bản là 39, trong đó có 32 người trong nội địa Nhật Bản và 7 người trên du thuyền Diamond Princess. Tổng số trường hợp mắc bệnh ở Nhật Bản là 1.636 người, trong đó 910 người trong nội địa, 712 người trên du thuyền Diamond Princess và 14 người được sơ tán từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trên các máy bay do Chính phủ Nhật Bản thuê.
Nếu tính theo địa phương, Hokkaido là tỉnh có số lượng người nhiễm bệnh đông nhất với 154 trường hợp. Tiếp theo là tỉnh Aichi là 130, tỉnh Osaka là 117, Thủ đô Tokyo là 111, tỉnh Hyogo là 92 và tỉnh Kanagawa là 60.
Hành trình "chạy trốn đại dịch" căng thẳng của nữ du học sinh Đức Cảm thấy bất an trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Đức, nữ du học sinh quyết định bắt chuyến bay để hồi hương. "Ở Việt Nam, mình cảm thấy an toàn" - nữ du học sinh nói. Khu cách ly tập trung trong Trường Quân sự Quân khu 7. Trở về hay ở lại? Sau nhiều ngày được cách ly...