Du hành thời gian và chữa lành thương tổn trong ‘Avengers: Endgame’
Trong Endgame, trở về quá khứ không chỉ giúp Avengers ăn trộm các viên đá Vô Cực. Họ trở về quá khứ để tìm lại một phần đã mất của bản thân.
“Các ngươi không thể sống với thất bại của chính mình. Và nó dẫn các ngươi tới đâu? Về lại với ta.” Thanos đã nói như vậy với Thor, Captain America và Iron Man.
Lời của hắn không chỉ nghe lọt tai đúng kiểu tụi ác nhân màn ảnh, mà còn chỉ ra đúng trọng tâm vấn đề. Những gì Thanos vừa nói đã đánh trúng hai chủ thể quan trọng của Endgame: Thời gian và Sự tổn thương. Đây là hai khái niệm song hành cùng hiện hữu trong chương cuối của 10 năm có lẻ vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), khép lại kỷ nguyên Vô Cực.
Trong một năm qua, khán giả đã chờ đợi và tự hỏi Endgame sẽ làm gì với các nhân vật Marvel mà họ yêu mến? Ai sẽ sống sót khi bụi trần lắng xuống? Không chỉ để họ đấu tranh giữa sự sống và cái chết, điều khiến Endgame trở thành bất tử trong dòng phim siêu anh hùng chính là khả năng bộ phim đào sâu vào tâm lý nhân vật. Ở đó chúng ta thấy chân dung không còn nguyên vẹn của kẻ sống sót, chịu đựng những thương tổn tâm lý nặng nề để rồi nỗ lực hàn gắn và sống tiếp.
Chứng kiến nhiều tâm hồn vụn vỡ cố gắng chắp nối, chúng ta được nhắc nhở rằng cuộc sống được tạo nên từ cái chết. Tìm thấy niềm an ủi trong hồi cáo chung chỉ là khúc dạo đầu cho một kỷ nguyên mới được xây dựng từ những bài học thất bại trong quá khứ.
Yếu tố du hành thời gian từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm điện ảnh. Với Endgame, việc Avengers quay trở lại quá khứ không chỉ có ý nghĩa đoạt lại các Viên Đá Vô Cực từ Thanos mà còn là một chi tiết làm đẹp lòng người hâm mộ.
Bộ phim cho phép khán giả quay trở lại với những mốc thời gian quan trọng của MCU, từ sự kiện cuộc tấn công New York năm 2012 trong The Avengers, Asgard năm 2013, Morag năm 2014, và New Jersey thập niên 70. Fan sẽ một lần nữa được sống lại với những thời khắc mang tính kinh điển như cảnh biệt đội Avengers lần đầu bày binh bố trận, cảnh Peter Quill (Chris Pratt) ca hát trong Guardians of the Galaxy hay hành tinh Asgard khi còn điện vàng cung bạc.
Đó là chưa kể khoảnh khắc hài hước khi hai Captain America đối đầu nhau, bộ tóc không mê nổi của Hank Pym (Michael Douglas) khi còn trẻ và hàng loạt tình tiết mà chúng ta có nằm mơ cũng không ngờ tới. Endgame đã được xây dựng trên lý thuyết về Đa vũ trụ, mà sự trở lại của Steve Rogers để sống cuộc đời toàn thiện toàn ý với Peggy Carter đã tạo nên cả một dòng thời gian riêng cho anh ấy.
Chuyến đi trở lại quá khứ, một mặt khiến fan thỏa mãn, nhưng điều quan trọng chính là ý nghĩa của nó đối với các nhân vật. Du hành thời gian trong Endgame không phải để khán giả nhìn lại những mốc son thành công của MCU, mà là để các nhân vật nhìn lại và cố gắng thay đổi thất bại của họ.
Video đang HOT
“Vụ cướp thời gian” trong phim được thực hiện không phải để sửa chữa lại quá khứ, nhưng để cứu lấy tương lai. Để có thể làm được điều đó, trước tiên Avengers phải tự cứu lấy mình. Mỗi nhiệm vụ, mỗi địa điểm cụ thể trong kế hoạch này đều được thiết kế cho từng nhân vật để mỗi người có thể tìm lại những đức tính khiến họ trở thành anh hùng, bỏ qua những khiên, những giáp, những siêu sức mạnh.
Du hành thời gian về cơ bản trở thành một chuyến du lịch chữa lành, một buổi điều trị tâm lý cho các thành viên Avengers. Đó là một cách để họ tìm thấy bản thể tốt nhất của mình, chấp nhận bản thân và hướng tới chân dung mà họ mong muốn trở thành. Trong khi phần lớn dễ dàng vượt qua buổi trị liệu, số khác lại phải gắn bó lâu hơn bởi nỗi đau của họ khó lành.
Hawkeye (Jeremy Renner) cuối cùng đã tìm thấy hy vọng và bình yên qua cái nắm tay của Natasha. Trong những năm tháng đen tối nhất của cuộc đời tắm máu trong thứ chủ nghĩa tàn sát, Clint tưởng như đã đánh mất luôn cả nhân tính thì Natasha một lần nữa lại xuất hiện đưa anh khỏi vũng bùn.
Trong khi đó, Black Widow (Scarlett Johansson) cũng đã có thể đưa tới cả đội hy vọng, tìm thấy sự chuộc tội trong thành thật thay vì những bí mật và dối trá như cuộc đời điệp viên của cô trước đây. Dù điều đó đã cướp đi cả sinh mệnh của cô.
So với hai đồng đội còn lại, Steve Rogers được coi là người điềm tĩnh nhất có lẽ bởi mất mát đã là một phần làm nên anh. Từ một gã còi cọc thành siêu chiến binh, tình yêu chớm nở chưa được bao lâu thì đã bị đóng băng 70 năm trời, đến lời ước hẹn một điệu nhảy với người thương thôi cũng không thành hiện thực. Người bạn chí cốt Bucky thì ngã xuống vách núi đầy tức tưởi (may mắn là sau đó hóa ra cậu chàng còn sống). Dù an ủi người khác rằng phải sống tiếp, hơn ai hết Captain America hiểu rõ rằng anh không thể bỏ lại quá khứ
Trở lại những năm 2012 và 1970, Steve không chỉ có nhiệm vụ lấy Đá Vô Cực mà bản thân anh còn được an ủi khi gặp lại Peggy – người trong bức ảnh xưa cũ anh luôn mang trong người. Anh hiểu rằng tâm hồn này, thân xác này mãi mãi thuộc về thập niên 70 ấy, với cô người yêu chờ đợi trong quá khứ thay vì chiến đấu cho hiện tại. Bởi vậy, sau khi mọi thứ đã an yên, anh đã chọn cuộc sống mà anh nên thuộc về như lời Tony Stark. Với Rogers, quá khứ chính là câu trả lời mà anh luôn tìm kiếm để chữa lành trái tim đã mệt nhoài của người lính.
Trong khi đó, Thor lại là người cần nhất “liệu pháp” chữa trị du hành thời gian. Một vị thần hùng mạnh rồi cũng có ngày gục ngã đắm chìm trong hơi men, chất chứa nỗi buồn đau và tự thương hại. Thor đã không giết chết Thanos. Thor chỉ giết chết một kẻ thương tật không còn sức chống cự. Đó là vết thương lòng mà anh ta chịu đựng một mình.
Đối với một chiến binh có thành tích lẫy lừng và những quy tắc riêng, không đánh bại được Thanos đã là một thất bại, chém đầu khi hắn đã từ bỏ mọi thứ thì còn nhục nhã hơn. Chuyến trở về gặp người mẹ đáng kính Frigga (Rene Russo) đã nhắc nhở rằng anh không cần trở thành người mà “anh nên là”, thay vào đó hãy trở thành người mà anh vốn là. Sự xứng đáng của Thor không phải bởi anh là vị vua của Asgard, mà là bởi anh luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Với Tony Stark, cuộc trò chuyện với người cha Howard Stark (John Slattery) đã giải thoát Iron Man khỏi gánh nặng đã đè nén suốt từ Captain America: Civil War. Nó cũng đã định hình cho Tony vai trò của một người cha. Việc Howard thừa nhận mình sẽ làm mọi thứ có thể cho con trai chính là động lực để Tony hy sinh bản thân mình đảm bảo tương lai cho con gái.
Từ trước tới nay những câu chuyện xoay quanh Tony thường bị phủ bóng bởi ảnh hưởng của Howard: công việc chế tạo vũ khí, sự ngưỡng mộ đối với Captain America hay việc dành thời gian ở văn phòng. Tất cả những điều này cùng kỷ niệm quá khứ khiến Tony tin rằng cha mình đã quá khắc nghiệt. Thế nhưng khi được thấy thế nào mới là một người cha khắc nghiệt khi chứng kiến cách Thanos đối xử với các con mình, quan điểm của nhân vật này đã thay đổi.
Chuyến du hành thời gian của Tony về quá khứ đã tái hiện cuộc xung đột giữa Iron Man và Thanos. Họ không chỉ là siêu anh hùng và siêu ác nhân đối đầu. Đó là chân dung của hai ông bố mà một người, từ chỗ ích kỷ đi đến chỗ hy sinh tất cả thậm chí mạng sống để bảo vệ mọi người. Kẻ còn lại tìm cách che dấu cái tôi vọng tưởng bằng những lời nói dối về một vũ trụ cân bằng, biết ơn cây nên từ máu sinh mệnh.
Nếu như Infinity War được xây dựng trên nền tảng của sự hủy diệt, thì chủ đề của Endgame lại là chữa lành. Du hành thời gian không phải là phương tiện trực tiếp để cứu người ngày người kia, nhưng cho phép các nhân vật đối đầu với sai lầm và sửa chữa nó.
Chuyến đi ấy đã khiến Avengers cuối cùng vẫn phải đối đầu với Thanos lần nữa, nhưng trước đó đã đưa họ trở lại, vẹn nguyên và hoàn thiện hơn. Những cá nhân hùng mạnh nhất Trái Đất không thể sống với thất bại của mình là bởi họ muốn trở thành thứ gì đó tốt đẹp hơn thế. Cuối cùng thì, dù đã chết, hay nghỉ hưu, hay còn sống, Avengers vẫn mãi mãi là người hùng trong trái tim của chúng ta. Mãi mãi.
Theo saostar
Mọi kỉ lục phòng vé của ENDGAME rất có thể sẽ bị 7 bom tấn sau đây phá vỡ lập tức?
Đạt doanh thu "khủng" chỉ trong 10 ngày ra rạp nhưng liệu "Endgame" có trụ vững trước loạt bom tấn mới sắp ra rạp?
Điện ảnh Hollywood ngày càng phát triển và tạo ra nhiều bom tấn khiến người xem đổ xô ra rạp nhiều hơn. Bằng chứng là chỉ trong 10 ngày thì Avengers: Endgame( Avengers: Hồi Kết) đã phá vỡ hàng loạt kỉ lục trước đây. Tuy nhiên, bộ phim chưa hẳn là "vô đối" khi nhiều bom tấn khác cũng chuẩn bị tấn công phòng vé.
1. Pokémon Detective Pikachu (Pokémon Thám Tử Pikachu)
Dự kiến ra mắt trong tuần này, Pokémon Detective Pikachu có khả năng sẽ là bộ phim đầu tiên truất ngôi Endgame tại phòng vé. Dù có vẻ hơi viển vông khi hy vọng rằng Pikachu với sự góp mặt của "thánh bựa" Ryan Reynolds có thể hạ gục bản "thiên anh hùng ca" được xây dựng trong hơn một thập kỷ của MCU, nhưng đừng quên rằng Pokémon cũng nổi tiếng không kém.
Được xem là thương hiệu truyền thông lâu đời thành công nhất từ trước đến nay, Pokémon xếp ngang hàng với các "ông lớn" nổi tiếng khác như Star Wars, Harry Potter và cả Marvel. Ngoài truyện tranh, Pokémon còn được biết đến rộng rãi qua các trò chơi điện tử. Với lượng fan đông đảo suốt hàng chục năm qua, bộ phim live-action đầu tiên của thương hiệu sẽ dễ dàng gây bão phòng vé thậm chí vượt qua cả Endgame.
2. Fast And Furious 9 (Quá Nhanh Quá Nguy Hiểm 9)
Fast and Furious được xếp hạng là một trong những loạt phim thành công nhất thế kỷ 21 khi hai phần gần nhất là Furious 7 (2015) và The Fate of the Furious (2017) đều mang về cho hãng Universal hơn 1 tỷ USD. Với công thức đơn giản khi kết hợp giữa các phân cảnh hành động, đua xe hoành tráng cùng thông điệp về tình cảm gia đình ý nghĩa, thương hiệu vẫn luôn giữ vững được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Dĩ nhiên, tham vọng của Universal và Vin Diesel không dừng lại ở đó khi vừa cho ra mắt phần phim ăn theo mang tên Hobbs and Shaw. Phải chăng việc xây dựng "vũ trụ điện ảnh" sẽ khiến Fast and Furious ngày một ăn khách và vượt qua cả Endgame?
3. Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4)
"Vắt sữa" thương hiệu không còn là việc làm xa lạ với Disney nhiều năm trở lại đây. Doanh thu đạt 1 tỷ USD toàn cầu của Toy Story 3 dường như đã khiến hãng nuôi tham vọng làm tiếp phần phim thứ 4 sau gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng. Xuyên suốt 24 năm, câu chuyện về những món đồ chơi yêu thích của cậu bé Andy như cao bồi Woody, cảnh sát không gian Buzz Lightyear đã in sâu trong kí ức của nhiều thế hệ khán giả. Và không có gì ngạc nhiên nếu như Toy Story 4 tiếp tục thành công bởi tác phẩm không chỉ dành riêng cho thiếu nhi mà những thông điệp ý nghĩa cũng khiến cho khán giả lớn tuổi phải rớt nước mắt.
4. Frozen 2 (Nữ Hoàng Băng Giá 2)
Ra mắt năm 2013, Frozen không chỉ là một hiện tượng phòng vé mà còn trở thành một sản phẩm văn hóa đại chúng của thế kỷ 21. Hình tượng công chúa Elsa mạnh mẽ, cá tính cùng thông điệp nữ quyền mạnh mẽ đã làm nức lòng cả trẻ em lẫn những khán giả trường thành trên khắp thế giới.
Dù đã 6 năm trôi qua, sức ảnh hưởng của bộ phim vẫn không hề giảm nhiệt. Thậm chí Frozen 2 còn được dự đoán là một đối thủ phòng vé "nặng kí" của Endgame. Vẫn chưa biết các nhà sản xuất sẽ khai thác câu chuyện gì về chị em Elsa và Anna, nhưng với trailer mở đầu đầy u ám, Frozen 2 hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo thành một bom tấn hoạt hình vào năm nay.
5. Star Wars: The Rise Of Skywalker (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao: Sự Trỗi Dậy Của Nhà Skywalker)
Endgame không phải là tác phẩm duy nhất khép lại kỷ nguyên của mình trong năm nay, khi Star Wars: The Rise of Skywalker cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho 9 phần phim kéo dài hơn 4 thập kỷ. Star Wars không những là thương hiệu phim đình đám nhất thế giới mà còn là một biểu tượng văn hóa đại chúng của nước Mỹ.
Thậm chí, The Force Awakens và The Last Jedi hơn 2 phần Avengers đầu tiên tận 400 triệu USD doanh thu. Dù gặp nhiều chỉ trích về mặt nội dung, The Last Jedi vẫn "dễ dàng" thu về 1,3 tỉ USD trên toàn cầu. Với lượng khán giả trung thành suốt 40 năm, The Rise of Skywalker có thể vượt mặt Endgame nếu sửa được những lỗi sai của phần phim trước.
6. The Lion King (Vua Sư Tử)
Hàng triệu thế hệ khán giả trên thế giới từng trưởng thành với những bộ phim hoạt hình của Disney và sẵn sàng bỏ tiền ra rạp được sống lại với tuổi thơ một lần nữa. Nằm trong loạt dự án live-action của "nhà chuột", The Lion King sẽ giống hệt phiên bản gốc chỉ khác ở phần đồ họa đẹp mắt và sống động hơn hẳn.
Cách đây 2 năm, Beauty and the Beast chỉ cần "sao y bản chính" là có thể mang về 1,2 tỉ USD doanh thu. Hãy tưởng tượng một bộ phim hoạt hình gốc xuất sắc với doanh thu lên tới 968 triệu USD trong năm 1994 như The Lion King có thể làm được gì.
7. Godzilla: King of Monsters (Đế Vương Godzilla)
Ngoài Endgame thì Godzilla: King of the Monsters chính là bom tấn lớn nhất năm 2019 này. Sau màn ra mắt ấn tượng trong bộ phim cùng tên năm 2014, Godzilla sẽ chính thức đối đầu với kẻ thù hùng mạnh nhất đến từ vũ trụ mang tên King Ghidorah. Thông qua những đoạn trailer "nhá hàng", khán giả dễ dàng cảm nhận được quy mô hoành tráng của cuộc chiến khi hàng chục con quái thú khổng lồ lao vào tấn công lẫn nhau. Một tác phẩm thiên về kĩ xảo như bữa tiệc thị giác mãn nhãn như Godzilla: King of the Monsters chính là những gì mà khán giả sẵn sàng ra rạp xem đi xem lại nhiều lần.
Theo trí thức trẻ
7 "chiếc thuyền" mà xem xong ENDGAME ai cũng muốn chèo nhiệt tình Dù là hành trình đầy hoài niệm cho fan Marvel thì "Endgame" cũng không quên hướng tới tương lai khi âm thầm tạo ra nhiều "chiếc thuyền" mới. (Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim. Các bạn cân nhắc trước khi đọc.) Cuối cùng thì Avengers: Endgame ( Avengers: Hồi Kết) cũng kết thúc và mở ra cả một chặng đường...