Đủ hàng Tết cho nông thôn, miền núi
Để phục vụ nhân dân sắm tết, nhất là giúp người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Bộ Công Thương đã phối hợp Sở Công Thương các địa phương và nhiều doanh nghiệp, tổ chức đưa hàng Việt về các địa bàn này, đảm bảo không thiếu hàng, chất lượng đảm bảo…
Phóng viên Báo NTNN trao đổi với bà Lê Việt Nga (ảnh) – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, xung quanh vấn đề này.
Công tác chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán cho bà con nông dân, miền núi đã được triển khai như thế nào, thưa bà?
- Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ tháng 10.2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, để nắm tình hình thực tế triển khai công tác chuẩn bị tết tại các địa phương, trong tháng 12.2018, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành như Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, TP.HCM, Đồng Nai…
Tại các địa phương, thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong công tác triển khai kế hoạch tết của địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có nhiều địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Quản lý thị trường huyện Quốc Oai (Hà Nội) kiểm tra chất lượng hàng phục vụ thị trường tết. Ảnh: Mai Khải
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, đưa hàng về nông thôn, miền núi được hỗ trợ gì không?
- Cùng với việc chuẩn bị tốt nguồn hàng, Bộ Công Thương cùng với chính quyền các địa phương luôn chú trọng quan tâm tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là đưa hàng bình ổn về các khu vực nông thôn, miền núi đề phục vụ bà con đón Tết Nguyên đán thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng tết, các hội chợ, phiên chợ tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu vực miền núi…
Điển hình như tỉnh Kiên Giang, đây là một trong những địa phương luôn dành một phần ngân sách tỉnh để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đưa hàng ra các xã đảo và các xã vùng sâu, biên giới. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Kiên Giang sẽ tổ chức 7 chuyến đưa hàng bình ổn giá về vùng sâu, biên giới trong đất liền và 2 chuyến đưa hàng bình ổn giá về 7 xã đảo.
Tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện hỗ trợ kinh phí vận chuyển, nhân công cho 6 hợp tác xã tổ chức 133 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; tổ chức 10 phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 333 gian hàng… Trong khi đó, TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí cho Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tổ chức bán hàng phục vụ đồng bào miền núi tại huyện Hòa Vang.
TP.Hà Nội tổ chức 10 phiên chợ Việt và trên 380 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành. TP.HCM đã tổ chức tốt mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành.
Video đang HOT
“Các doanh nghiệp tham gia vào Chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương như: Saigon Co.op, Big C, Satra, Aeon Citimart, Lotte, Vinmart, Hapro, Vissan, Sagri, Ba Huân, Thành Thành Công… “Đối với doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn thì yêu cầu 100% hàng hóa đều là hàng Việt và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc” – bà Lê Thị Việt Nga nói.
Như vậy, có thể thấy công tác phục vụ nhân dân đón tết tại các khu vực nông thôn, miền núi, xã đảo, vùng sâu, vùng xa đã được quan tâm và triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương trong cả nước, bảo đảm cho nhân dân ở mọi miền Tổ quốc có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Việc đảm bảo chất lượng và giá cả của những mặt hàng được chuyển tới khu vực nông thôn, miền núi được Bộ chú trọng và chỉ đạo ra sao, thưa bà?
- Các mặt hàng trong các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về nông thôn, miền núi theo chương trình bình ổn thị trường là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân như: Lương thực, trứng, đương, dầu ăn, bột canh, nước mắm, mì chính, bánh, mứt, kẹo… 100% hàng hóa đều là hàng Việt.
Các địa phương luôn yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải cam kết hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng như các hàng hóa phục vụ các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về nông thôn, miền núi phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Giá bán các mặt hàng này có thể bằng hoặc thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại chất lượng, tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương và doanh nghiệp tham gia thực hiện. Các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang rất nóng. Bộ Công Thương thực hiện kiểm soát thế nào đối với hàng hoá chuyển về khu vực nông thôn, miền núi?
- Tại Chỉ thị số 08, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại…
UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp trước, trong và sau tết.
Do đó chất lượng hàng hóa trong các chuyến hàng lưu động đưa hàng về khu vực nông thôn, miền núi trước tiên phải được các doanh nghiệp thực hiện phân phối cam kết bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng với cơ quan tổ chức chương trình tại địa phương và đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của lực lượng quản lý thị trường tại địa phương.
Xin cảm ơn bà!
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO):
Mở cửa bán hàng từ mùng 1 Tết
Hapro sẽ tổ chức triển khai chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán tại 11 siêu thị và 10 cửa hàng tiện ích của Hapro trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán đối với 12 mặt hàng, bao gồm: Lương thực; thịt lợn; thịt gà; trứng gia cầm; dầu ăn; đường; rau – củ; thủy – hải sản tươi, đông lạnh; thực phẩm chế biến; sữa trẻ em dưới 6 tuổi; bánh mứt kẹo; rượu – bia – nước giải khát.
Về dự trữ hàng hóa, chúng tôi dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường, phục vụ đầy đủ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Tổng công ty sẽ mở cửa phục vụ đến 19 – 22 giờ ngày 30 Tết. Ngày 1, 2 và 3 Tết có một số cửa hàng mở bán hàng, ngày 4 Tết có 42 điểm bán hàng phục vụ người dân. Từ ngày 5 Tết, các địa điểm sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường.
Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân:
Chủ động phân phối và giảm giá
Công ty CP Ba Huân đang tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM và Hà Nội. Riêng tại TP.HCM, chúng tôi đã phân phối sản phẩm tới các kênh bán hàng như siêu thị, chợ truyền thống, bếp ăn trưởng hợp, khu công nghiệp, bệnh viện… Tới hai ngày 29 và 30 Tết, Ba Huân sẽ thực hiện chương trình giảm giá để những người chưa có thời gian mua sắm trước đó có thể mua được hàng hóa cần thiết, chất lượng với mức giá hợp lý.
Tất cả các sản phẩm được công ty cung cấp cho người tiêu dùng đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công ty cũng chủ động phân phối sản phẩm tới các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học. Ba Huân sẽ tổ chức những chuyến hàng lưu động tới với các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bình ổn khi xảy ra sự đột biến về giá.
H.T (ghi)
Theo Danviet
Quảng Nam: Chăm mai như chăm con mọn, 3 ngày Tết bỏ túi tiền tỷ
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, dịch vụ cho thuê cây cảnh, trong đó có mai chưng Tết tại các nhà vườn tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu nhộn nhịp. Đây cũng là dịp những nghệ nhân, nông dân chăm mai như chăm con có dịp thu hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ sau m ột năm vất vả.
Những ngày này, nhiều người đổ về vườn mai của ông Đoàn Văn Dũng (55 tuổi, khối phố Quảng Lăng 4, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nơi có hơn 200 chậu mai lớn nhỏ đang lú nhú búp để thuê đem về trụ sở cơ quan, công ty, gia đình chưng Tết.
Vườn mai hơn 200 chậu cho thuê của ông Đoàn Văn Dũng ở khối phố Quảng Lăng 4, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trò chuyện với Dân Việt, ông Dũng cho biết, thú vui chơi cây cảnh trong ngày Tết từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi gia đình Việt. Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể bỏ ra số tiền vài chục triệu đồng mua một chậu cây cảnh trưng bày trong vài ngày tết. Vì vậy, thay vì bán thì tôi mở dịch vụ cho thuê cây mai cảnh chưng Tết, có giá rẻ và hợp lý hơn. Không những thế khách hàng còn được hỗ trợ chăm sóc và vận chuyến cây tận nhà.
Mỗi chậu mai được ông cho thuê giá trung bình từ 15-20 triệu/chậu, cao nhất tầm 25-30 triệu đồng/chậu.
Thủ tục thuê cây mai vô cùng đơn giản, chỉ cần khách hàng đến nhà vườn lựa cây mai mình thích đặt cọc khoảng từ 10-20% giá thuê và hẹn ngày nhận cây là được. Nhà vườn sẽ chở đến tận nhà hoặc công ty, đơn vị của bên thuê, ra Giêng từ 15-20 Âm lịch sẽ chở mai về.
Chậu mai đẹp nhất vườn này có giá thuê 28 triệu đồng.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng mai, ông Dũng cho biết thêm, để có được hoa nở trúng dịp Tết, đòi hỏi người trồng phải chăm sóc tỉ mỉ theo đúng quy trình từ bón phân, tưới nước đến lặt lá mai đúng ngày. Hiện tại, đa số các cây trong vườn của tôi đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ nở hoa đúng dịp Tết. Năm nay, mỗi chậu mai được cho thuê với giá trung bình từ 15-20 triệu đồng/chậu, đặc biệt có chậu cho thuê đến 25-30 triệu đồng/chậu.
Vườn mai có giá trị gần chục tỷ của ông Đoàn Văn Dũng.
Anh Nguyễn Minh Thành (trú TP Đà Nẵng, khách quen của vườn mai ông Dũng) chia sẻ: Trước đây, mỗi dịp Tết đến, tôi phải bỏ ra một số tiền lớn để mua mai trưng bày trong nhà và công ty. Một phần không biết kỹ thuật chăm sóc cộng với việc quá bận rộn với công việc nên đa số cây đều bỏ đi sau khi hết Tết. Từ khi biết đến dịch vụ thuê, mỗi năm tôi thường thuê từ 5-7 chậu, giá chỉ với khoảng 15 triệu đồng/chậu, tôi đã thuê được một số cây mai đẹp về chơi tết.
"Để chăm sóc cây mai không phải là việc dễ dàng, và đa số khách hàng không có thời gian chăm sóc cây sau Tết nên thường bỏ cây đi, rất lãng phí. Do đó, họ lựa chọn hình thức thuê trong vài ngày thay vì bỏ số tiền lớn mua chậu mai, vừa rẻ, vừa đỡ mất công chăm bón.", anh Thành cho biết thêm.
Với việc cho thuê mai cảnh chơi Tết và bán mai, mỗi năm vườn mai của ông Dũng đem lại thu nhập cho gia đình ông gần 1 tỷ đồng/năm.
Ông Dũng cho biết thêm, khách hàng từ nhiều nơi tìm đổ về vùng trồng cây cảnh Quảng Nam để chọn cho gia đình, công ty, bạn bè những cây đẹp nhất. Khoảng từ ngày 15 tháng Chạp (Âm lịch) thị trường cho thuê cây cảnh trong đó có mai Tết sẽ sôi động hơn đến tầm ngày 23 thì hết cây đẹp, chỉ còn những cây tầm trung.
Nhưng với những người có niềm đam mê lớn với các cây mai Tết dáng đẹp, độc lạ, họ phải đến nhà vườn khá sớm trước tết tầm vài tháng để lựa và đặt thuê. Loại cây này đòi hỏi những người chơi phải sẵn sàng chi khoản tiền lớn để có thể sở hữu nó trong những ngày tết. Bên cạnh cây mai Tết thì các loại cây cảnh khác như bonsai, quất, đào... cũng được khách thuê để chơi trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này.
Khách hàng đến thuê mai chủ yếu là các cơ quan, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ra tết, khoảng ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch) nhà vườn sẽ lấy lại gốc về chăm sóc để năm sau lại tiếp tục sứ mệnh làm đẹp cho mọi nhà.
Đến thời điểm này, vườn mai của ông đã được khách hàng thuê hơn 60% số chậu (hơn 100 chậu đã được đặt hàng), dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới.
"Đến thời điểm này, vườn mai của tôi đã được khách đặt hàng thuê hơn 60% số chậu, dự kiến sẻ tăng trong những ngày tới. Năm nay với việc cho thuê mai và bán mai trong dịp tết nay, tôi thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi khoảng trên 700 triệu đồng", ông Dũng hồ hởi nói
Chỉ còn tầm 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nên dịch vụ thuê cây mai ở các nhà vườn trồng mai, quất, bonsai... tại tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu nhộn nhịp hơn. Vào thời điểm này tại các nhà vườn đã tấp nập người ra kẻ vào thương lượng giá thuê, những chuyến xe chở hoa cũng hối hả không kém. Vài năm trở lại đây, nhờ dịch vụ này mà người nông dân trồng cây cảnh ở Quảng Nam có được nguồn thu nhập cao hơn trong dịp tết.
Theo Danviet
Đặc sản Tết: Thịt treo gác bếp giá gần triệu/kg, khách mua hết veo Mặc dù giá thịt trâu, bò, lợn treo gác bếp-một trong những đặc sản của Sơn La trong năm 2018 tăng cao hơn những năm trước, đặc biệt là những ngày cận Tết, thế nhưng lượng khách mua mặt hàng này vẫn rất đông, nhiều người còn phải chờ đợi mới mua được sản phẩm ưng ý. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa...