Du Già – Mậu Duệ: Thiên lý dặm trường
“Bất đáo Du Già phi phượt thủ”. Bấy lâu trong giới xê dịch đã đùa vui nhau câu nói ấy bởi Du Già – Mậu Duệ (Hà Giang) vốn là cung đường gợi ra bao hấp dẫn cho những trái tim xê dịch. Cung đường 73km men theo những viền núi, nền đường chỉ toàn đá gập ghềnh, đá xanh sắc nhọn, đá trắng lởm chởm với những con dốc cao ngất dễ chừng 11 – 12 độ và đầy hoang vu…
Thách thức là vậy mà trên cung đường ấy đã chứng kiến biết bao “phượt thủ” lao vào chinh phục. Có những người đi một lần chưa đủ, rồi đi lần hai, đi mãi tới độ thành thói quen, thành nghiện để rồi năm nào cũng phải qua đây một đôi lần. Đặt chân tới thành phố Hà Giang khi mặt trời đã lên cao bằng con sào, đoàn chúng tôi quáng quàng tích trữ nước uống, lương khô cho 6 người cùng can xăng 10 lít cho chặng đường 73km chỉ thưa thớt dăm ba nóc nhà thấp thoáng trên những sườn núi cao, không trạm xăng, không hiệu sửa xe, không sóng điện thoại… Chính bởi vậy mà khi đã dấn chân vào cung đường này bắt buộc bạn phải ra khỏi đây trước khi bóng đêm ập xuống.
12h trưa đoàn chúng tôi xuất phát! Từ thị xã Hà Giang đi thêm chừng 25km theo hướng Bắc Mê thì bắt đầu đoạn rẽ đi Mậu Duệ. Rời đường cái được chừng 10m, con đường đá lổn nhổn đã đập ngay trước mắt. Với những ai qua đây lần đầu thật không khỏi bị sốc bởi con đường đầy đá này sẽ khiến xe của bạn nảy tưng tưng, những phiến đá sắc lẻm chỉ chực chờ chém lốp, chém ống bô của bất cứ tay lái yếu bóng vía nào.
Dọc con đường thiên lý ấy có những thế núi vừa mới trước đó thì cao vợi mà rồi bỗng như ngang tầm người hiện lên trên nền trời xanh ngăn ngắt tạo thành một bức tranh sơn cước vô cùng tuyệt mỹ. Thi thoảng gặp những dòng thác nhỏ chảy ùa trên đường, những mạch nước lộ thiên mát lạnh như thứ bùa mê lôi kéo du khách. Phóng tầm mắt ra xa là những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi nơi đồng bào người Mông ngày ngày treo mình chỉa ngô, một sức hút mê hoặc khó cưỡng nổi nơi núi rừng Hà Giang.
“Bò” trên miệng vực đá với vận tốc 7km/h vì vậy tới 4h chiều đoàn chúng tôi mới tới được địa phận xã Du Già để nghỉ chân bên một quán nước. Đoạn đường từ xã Du Già đi Mậu Duệ, cứ lên đỉnh núi lại đến đoạn đổ đèo xuống thung lũng. Rời khỏi Mậu Duệ để tới Lũng Phìn vừa kịp lúc trời tắt nắng, chúng tôi còn phải đi tiếp 35km trên con đường Hạnh Phúc để về được Mèo Vạc trong bóng đêm đang dần ôm lấy núi rừng. Đâu đó đã vọng lên tiếng chim gù tối.
Theo ANTD
Sơn Vĩ - bức tranh tuyệt mỹ
Nằm xa nhất và có địa hình hiểm trở nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, để đến được Sơn Vĩ là cả một hành trình chinh phục đèo, núi, những con đường độc đạo lượn trong mây, vắt qua những đỉnh núi, lúc lại nép mình bên bờ vực sâu hun hút với những vòng cua gấp...
Những ngôi làng ẩn hiện trong mây
Nơi đây có những con dốc đã trở thành nỗi ám ảnh ngay cả với những cư dân bản địa như dốc "Bà Sèo", dốc "Ông Phủ"... khiến những con đường như "đường lên trời", có lúc lại chúi như lao xuống lòng vực sâu. Nhưng để đến được Sơn Vĩ, thì vượt qua những đoạn đường dốc lại chưa phải là điều gì ghê gớm. Khi qua ngã ba đường đi xã Sín Cái và cửa khẩu Săm Pun, chặng đường mới thực sự khổ ải, đường ở đây phần nhiều là đường mòn, đoạn toàn đá hộc, đá tai mèo sắc nhọn, đoạn khác lại toàn đất đỏ bụi mù khi trời nắng hoặc trơn nhầy nhụa mỗi lúc ẩm trời. Con đường như bám sát vào vành đai biên giới với nước láng giềng Trung Quốc, nhiều chỗ chỉ cần sơ ý là sẽ đi lạc sang phía bên kia biên giới bởi sự "mong manh" của những ngã rẽ không biển báo "phải những hôm trời có sương mù đậm đặc, lạc đường sang bên kia biên giới là chuyện rất dễ xảy ra" - một cán bộ đồn biên phòng Lũng Làn, Sơn Vĩ chia sẻ với đoàn chúng tôi khi đã "cán đích" an toàn.
Sơn Vĩ đẹp y như cái tên của nó. Trả giá cho những vất vả khi vượt qua cung đường còn hoang sơ theo đúng nghĩa nhất, từ trên cao nhìn xuống, phong cảnh thiên nhiên như một bức tranh tuyệt mỹ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bám vào sườn núi, dòng Nho Quế mát xanh bé xíu như nét vẽ mỏng manh uốn lượn trên tấm thảm màu lam xám bàng bạc sương của núi rừng. Cuộc sống nơi lưng trời mỏng manh như nếp khói lam chiều lẫn vào sương núi. Chút hơi ấm của cuộc sống bảng lảng lẫn vào cảnh sắc thiên nhiên nơi vùng cao biên xứ xa xôi, chỉ thỉnh thoảng mới thấy hiện lên đâu đó như dấu chấm hồng trên bức tranh màu lam mênh mông, xa vắng.
Cảm xúc thật đẹp khi dừng chân bên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc ngay bên con đường uốn lượn như khắc vào lưng núi ấy. Uy nghiêm ghi dấu ấn quê hương trên mảnh đất biên viễn xa xôi. Trên suốt chiều dài của cung đường Sơn Vĩ, những cột mốc chủ quyền tiếp nối bên con đường độc đạo như đánh dấu và nhắc nhở bất cứ lữ khách nào đang đi bên đó về một quê hương Việt Nam tươi đẹp mà những cột mốc ấy đang chung tay ôm gọn trong lòng.
Theo ANTD
Kinh nghiệm quý cho dân 'phượt' xuyên Việt Để chuyến đi dài trọn vẹn, tránh những phát sinh, hãy tham khảo những kinh nghiệm dưới đây! 1. Lựa chọn lịch trình hợp lý Lên lịch trình hợp lý là điều kiện tiên quyết cho một chuyến du lịch xuyên Việt trọn vẹn. Thông thường, một lịch trình du lịch xuyên Việt nên đi qua từ 10 - 12 điểm, trong đó...