Đu đủ đâm ba khía – món lề đường trứ danh Campuchia ở Sài Gòn
Mắm ba khía đậm đà thấm vào sợi đu đủ khiến các tín đồ ăn vặt yêu thích.
Xe đu đủ đâm ba khía nằm nép trước hiên một ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 khiến người đi đường ít khi để ý vì vị trí hơi khuất. Nhưng nhiều người thích lê la quán xá Sài thành phải dừng bước trước địa chỉ này do sức hấp dẫn của món gỏi lạ mà quen.
Món ăn nhìn qua khá giống gỏi đu đủ nhưng nhiều thành phần hơn.
Đu đủ đâm thực chất là món gỏi đu đủ của Campuchia, cùng họ với món som tam của Thái Lan, được người Chăm bán nhiều ở huyện Tri Tôn (An Giang). Nguyên liệu chính là đu đủ xanh bào sợi, nhai sật sật, nhưng linh hồn của món ăn nằm ở mắm ruốc và mắm ba khía miền Tây.
Sở dĩ nó có tên gọi như vậy là do được chế biến bằng cách dùng chày giã (đâm) trong cối. Cách làm tương tự như món som tam. Đầu tiên, bạn cho cà chua, hành tím, tỏi, ớt hiểm, vắt một miếng chanh, thêm đậu đũa cắt khúc, mắm ruốc, đậu phộng rang, đường vào cối đá rồi giã nhẹ bằng chày cho thấm vị. Cuối cùng là cho thêm đu đủ bào sợi, rau muống bào mỏng, các loại rau thơm như ngò gai, quế… thêm mắm ba khía vào giã mạnh một lần nữa rồi múc ra ăn.
So với món som tam thì đu đủ đâm hợp khẩu vị người Việt hơn, không quá ngọt. Do được giã đều tay, gia vị thấm đều vào từng thứ đồ ăn, đậu phộng thơm bùi, bắt miệng. Nếu là fan của mắm ba khía thì đây là món bạn không nên bỏ lỡ bởi thịt ba khía không tanh, mắm lại không quá mặn, nhiều thịt và vỏ ba khía cũng không cứng, dễ ăn. Thực khách có thể dùng chung món này với bữa chính khi ăn cơm.
Phần truyền thống giá 15.000 đồng, thêm mắm ba khía là 25.000 đồng, đựng đầy trong thố nhựa sạch sẽ. Món ăn khá cay, vì thế nếu không thể ăn cay, bạn nên nhờ chủ quán bớt ớt hiểm. Chính gốc thì đu đủ đâm thường được ăn chung với thịt nướng, về Sài Gòn, nó trở thành món ăn vặt vui miệng, cũng có thể là món nhậu tốn bia của cánh đàn ông.
Món này thích hợp nhất khi dùng vào giữa buổi chiều hoặc sau bữa tối, vì ăn xong, bạn sẽ có cảm giác no bụng, dễ bỏ bữa ăn chính. Quán không có chỗ ngồi, bán từ 16h đến 22h, phần lớn khách mua mang đi nên không quá đông, bạn không phải chờ lâu.
Nguyên liệu phong phú của món ăn.
Theo Ngôi sao
4 món hến mà chỉ đến Huế ăn mới thấy ngon
Thịt hến mềm mà dai, ngọt lịm và dù chế biến thành món ăn nào cũng đều làm thực khách say mê khi đến xứ Huế mộng mơ.
Dân dã, mộc mạc là thế nhưng người Huế xem hến là "sản vật" được thiên nhiên hiền hòa ban tặng. Bên trong lớp vỏ sần sùi, nhỏ xíu, hến mang đến vị ngọt thanh, dai mềm, một lần nếm thử bạn sẽ phải mê mẩn. Thêm vào đó, dù chế biến thành món ăn nào, hương vị tinh tế này cũng làm hài lòng thực khách. Và có đến Cố đô, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn từ hến hấp dẫn này.
Cơm hến
Trong văn hóa ẩm thực xứ Huế, cơm hến là một món ăn tiêu biểu toát lên trọn vẹn nét mộc mạc, bình dị nhưng lại tinh tế trong hương vị. Đây là kiểu cơm nguội, thưởng thức bằng cách trộn đều để hòa quyện mọi thành phần nguyên liệu. Một phần ăn ngoài hai món chính là cơm và hến xào thì phải đủ đầy nào khế chua, dọc mùng, bắp chuối sợi, rau thơm... Bên trên người ta còn nhấn nhá thêm mấy miếng da heo chiên phồng cùng với tóp mỡ để trọn vẹn hương vị.
Thêm một chút mắm ruốc, nước mắm rồi trộn đều để mùi thơm, vị mặn quyện đều vào từng hạt cơm. Dĩ nhiên không thể thiếu chén nước hến ngọt thanh, cay the tiếp vị. Cơm dẻo, hến ngọt, rau giòn... tất cả đan xen vào nhau làm người ta muốn ăn mãi. Cơm hến là món ăn rất được ưa chuộng và người Huế có thể ăn vào bất kì thời điểm nào trong ngày.
Bún hến
Ngoài bún bò, bún nghệ... thì bún hến cũng là một trong những cái tên để lại ấn tượng cho thực khách khi đến Huế. Về hình thức, bún hến có nhiều nét tương đồng với cơm hến. Tô bún gói ghém đầy đủ các loại rau sống, sau đó hến xào được hào phóng cho lên trên, đi kèm theo đó không gì khác là da heo chiên để tăng thêm độ béo giòn.
Trộn đều tô bún, mùi thơm nồng nàn của mắm ruốc dậy lên vô cùng kích thích. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận từ từ vị ngọt của hến, chút hăng hăng của rau lan tỏa nơi đầu lưỡi. Lâu lâu cắn chạm hạt đậu bùi bùi béo béo càng ăn càng thích.
Cháo hến
Vào những ngày mưa buồn, người Huế lại dắt nhau xì xụp những tô cháo hến nóng sốt để "giải sầu". Phần cháo được nấu loãng, hạt gạo nở bung và mềm nhừ mang đến mùi thơm dịu cùng vị ngọt thanh. Hến thì được xào riêng với gia vị, hành mỡ rồi cho vào bên trên.
Thưởng thức món ăn này, bạn phải thêm thật nhiều tiêu, ớt để át đi mùi tanh và hương vị kích thích hơn. Nét tinh tế của ẩm thực sông quê thể hiện qua từng muỗng cháo ấm nồng, cay cay. Chạm môi vào thịt hến dai ngọt thơm, vừa ăn vừa cảm nhận trọn vẹn từng tầng hương vị.
Hến xúc bánh đa
Cùng với các món phía trên, hến xúc bánh đa cũng là một trong những hương vị đặc sắc của ẩm thực xứ Huế. Sau khi ngâm cho hến nhả hết bùn đất, người ta luộc lấy phần thịt rồi xào cùng gia vị, hành củ cho thật thấm đều. Con hến khi xào phải săn thịt, nêm nếm vừa miệng và hài hòa trong mùi thơm, cay the nồng nàn.
Bẻ những miếng bánh tráng nướng xúc thật đầy hến, rồi từ từ thưởng thức cái giòn giòn của bánh tráng, vị ngọt bùi, cay cay của hến đan xen vào nhau khiến người ta lâng lâng. Hương vị mộc mạc, dân giã mà đậm đà, thắm thiết làm thực khách cứ thòm thèm nhung nhớ mãi.
Theo Tri thức trẻ
Nấu ngay canh móng giò heo hầm đu đủ bồi bổ người suy nhược cơ thể Canh móng giò heo hầm đu đủ là món ngon quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng ít ai biết, đây còn là "thần dược" dành cho người suy nhược cơ thể. Móng giò heo là một trong những thực phẩm bổ dưỡng quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Không chỉ vậy, đây còn là bài thuốc quý chữa được nhiều...