Dự đoán giải thưởng Quả cầu vàng 2015 trước giờ G
Giải thưởng phim ảnh nổi tiếng của Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood sẽ diễn ra trong sáng ngày 12/1 theo giờ Việt Nam, hứa hẹn nhiều bất ngờ cho tới phút chót.
Giải thưởng phim ảnh của Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood được tổ chức thường niên vào tháng 1 hàng năm luôn được coi là bước ngoặt quan trọng hướng tới sự kiện Oscar diễn ra sau đó. Có một thực tế rằng giải thưởng Quả cầu vàng luôn rất khó đoán và thường hay đem tới những bất ngờ cho người hâm mộ vào đúng phút chót. Đáng chú ý, trong hai năm gần đây nhất, phim giành giải Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch của Quả cầu vàng đều chiến thắng tại Oscar sau đó. Đó là trường hợp của Argo năm 2013 và 12 Years a Slave năm 2014.
Năm bộ phim tranh giải Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch (từ trái qua phải):Boyhood, Foxcatcher, The Imitation Game, Selma và The Theory of Everything.
Trong năm 2015, ứng cử viên lớn nhất trong cuộc đua tới danh hiệu Quả cầu vàng ở hạng mục quan trọng này là Boyhood, bộ phim mất 12 năm để thực hiện của đạo diễn Richard Linklater, xoay quanh quá trình trưởng thành của cậu bé Mason do Ellar Coltrane thủ vai.
Giống như Boyhood, các đối thủ còn lại của bộ phim đều xoay quanh một chuyến hành trình nào đó. Với Selma, đó là hành trình tìm kiếm sự công bằng cho người Mỹ gốc Phi tại Hoa Kỳ của mục sư Martin Luther King Jr.; với Foxcatcher, đó là hành trình tới giấc mộng vàng trong bộ môn đấu vật song lại kết thúc trong một bi kịch không tưởng; với The Imitation Game, đó là hành trình chế tạo ra cỗ máy Christopher để chống lại mật mã Enigma của nhà toán học thiên tài đồng tính Alan Turing. VớiThe Theory of Everything, đó là hành trình cuộc đời với nhiều nỗi đau và mất mát của khoa học gia thiên tài Stephen Hawking, cùng bài học về tình yêu con người.
Năm bộ phim tranh giải Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc (từ trái qua phải): Birdman, The Grand Budapest Hotel, Into the Woods, Pride và St. Vincent.
Song, đối thủ lớn nhất của Boyhood trong cuộc đua hướng tới Oscar 2015 lại không nằm cùng hạng mục tại Quả cầu vàng 2015. Câu chuyện về người diễn viên hết thời Riggan Thomson do Michael Keaton thủ vai lại ganh đua ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc. Đây là tác phẩm được giới phê bình đánh giá rất cao, thể hiện qua tổng cộng bảy đề cử Quả cầu vàng năm nay.
Các bộ phim Pride, St. Vincent hay Into the Woods, dù có những nét đặc sắc riêng nhưng rất khó có thể làm nên chuyện trước Birdman quá xuất sắc. Tác phẩm duy nhất có thể gây bất ngờ trước Birdman tại Quả cầu vàng 2015 chỉ có thể là The Grand Budapest Hotel, bộ phim được cho là hay nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Wes Anderson từ trước tới nay, dù khả năng này cũng không phải là quá cao.
Một trong những hạng mục gây được nhiều sự chú ý nhất tại Quả cầu vàng 2015 là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch. Tại đây, có tới bốn diễn viên hóa thân thành các nhân vật có thật trong lịch sử và chỉ có một là hư cấu. Nhân vật hư cấu duy nhất chính là gã phóng viên tự do Lou Bloom trong Nightcrawler của Jake Gyllenhaal.
Từ trái qua phải: Steve Carell trong Foxcatcher, Benedict Cumberbatch trong The Imitation Game, Jake Gyllenhaal trong Nightcrawler, David Oyelewo trong Selma và Eddie Redmayne trong The Theory of Everything.
Dù tương đối xuất sắc, nhưng tài tử của Brokeback Mountain xem ra khá lép vế trước những ứng viên còn lại. Đó là David Oyelewo thủ vai mục sư Martin Luther King Jr. trong Selma, tác phẩm mang ý nghĩa thời sự cao về nạn phân biệt chủng tộc; đó là Steve Carell xuất thần và lột xác trong vai tỷ phú John du Pont của Foxcatcher; đó là Eddie Redmayne hóa thân thành Stephen Hawking trong The Theory of Everything, một vai diễn đòi hỏi rất nhiều cố gắng cả về hình thể lẫn diễn xuất; và đó là Benedict Cumberbatch trong vai người hùng Alan Turing của The Imitation Game, một “bản sao” của Sherlock Holmes ở Sherlock mà tài tử vốn đã quá quen thuộc và xuất sắc. Trong số này, hai tài tử người Anh là Eddie Redmayne và Benedict Cumberbatch đang giữ ưu thế và dù cho ai giành chiến thắng trong đêm ngày 11/1, cuộc đua giữa họ tới giải Oscar sẽ vẫn còn rất khó lường.
Từ trái qua phải: Ralph Fiennes trong The Grand Budapest Hotel, Michael Keaton trongBirdman, Bill Murray trong St. Vincent, Joaquin Phoenix trong Inherent Vice và Christoph Waltz trong Big Eyes.
Cũng giống như hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc, giải thưởng dành cho Nam diễn viên chính của thể loại này gần như chắc chắn thuộc về Michael Keaton của Birdman. Đây cũng mới chỉ là đề cử Quả cầu vàng thứ hai trong sự nghiệp của ông. “Chú ngựa ô” của hạng mục là Ralph Fiennes từ The Grand Budapest Hotelnhưng khả năng chiến thắng là tương đối mong manh. Các ứng viên còn lại gồm Christoph Waltz của Big Eyes, Bill Murray của St. Vincent và Joaquin Phoenix của Inherent Vice giống như những “kẻ lót đường” dù cho họ cũng sở hữu những vai diễn ít nhiều ấn tượng.
Từ trái qua phải: Jennifer Aniston trong Cake, Felicity Jones trong The Theory of Everything, Julianne Moore trong Still Alice, Rosamund Pike trong Gone Girl và Reese Witherspoon trong Wild.
Video đang HOT
Trong cuộc đua tới danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của thể loại chính kịch, ưu thế dành cho Julianne Moore với vai diễn nữ giáo sư bị mắc chứng Alzheimer trong Still Alice vẫn được giữ nguyên cho tới giờ G trước lễ trao giải. Đối thủ của cô trong cuộc đua là Reese Witherspoon trong Wild, Rosamund Pike trong Gone Girl, Felicity Jones trong The Theory of Everything và Jennifer Aniston trong Cake. Trong những tuần gần đây, Cake và Jennifer Aniston liên tục xuất hiện trên các mặt báo với nhiều lời ngợi khen; tuy nhiên, hiệu ứng của chúng có thể chưa kịp “phát tác” tại ngay Quả cầu vàng mà phải chờ đến tận Oscar.
Từ trái qua phải: Amy Adams trong Big Eyes, Emily Blunt trong Into the Woods, Julianne Moore trong Maps to the Stars, Quvenzhane Wallis trong Annie và Helen Mirren trong The Hundred-Foot Journey.
Không chỉ có đề cử ở thể loại chính kịch, Julianne Moore cũng có tên ở danh sách tranh tài cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc. Trên thực tế, cả năm vai diễn ở hạng mục này đều được đánh giá ngang nhau và không có một ai nổi trội hoàn toàn trước giờ trao giải. Ngoài Julianne Moore trong Maps to the Stars, các ứng viên còn lại của hạng mục là bé Quvenzhane Wallis của Annie, bộ phim bị giới phê bình lạnh nhạt; Amy Adams của Big Eyes, tác phẩm mới nhất của Tim Burton cũng từng nhận phải nhiều nhận xét trái chiều; Emily Blunt của Into the Woods, bộ phim ca vũ nhạc mới của hãng Disney; và Helen Mirren từ bộ phim lấy đề tài ẩm thực The Hundred-Foot Journey.
Từ trái qua: đạo diễn Wes Anderson (The Grand Budapest Hotel), Ava DuVernay (Selma), David Fincher (Gone Girl), Alejandro González Iárritu (Birdman) và Richard Linklater (Boyhood).
Bỏ qua nhiều tên tuổi đình đám như Ridley Scott, Angelina Jolie hay Clint Eastwood, Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood từng gây bất ngờ với danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất. Dẫu vậy, cuộc đua chủ yếu sẽ chỉ diễn ra giữa Richard Linklater của Boyhood và Alejandro González Iárritu của Birdman. Người chiến thắng tại đây hẳn sẽ giành không ít lợi thế tại Oscar 2015 diễn ra vào trung tuần tháng 2. Ngoài ra, trong hạng mục này còn một cái tên đáng chú ý khác là Ava DuVernay của Selma, bởi đây mới là nữ đạo diễn da màu đầu tiên trong lịch sử được nhận đề cử Quả cầu vàng.
Dự đoán các hạng mục giải thưởng Quả cầu vàng 2015 của Zing.vn:
Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch: Boyhood
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch : Benedict Cumberbatch trong The Imitation Game
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch : Julianne Moore trong Still Alice
Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc: Birdman
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc: Michael Keaton trong Birdman
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc: Amy Adams trong Big Eyes
Đạo diễn xuất sắc nhất: Richard Linklater với Boyhood
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: J.K. Simmons trong Whiplash
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất : Patricia Arquette trong Boyhood
Kịch bản xuất sắc nhất: Wes Anderson với The Grand Budapest Hotel
Phim hoạt hình xuất sắc nhất: The LEGO Movie
Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất: Ida, Ba Lan
Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc nhất: Big Eyes trong Big Eyes (Lana Del Rey)
Nhạc nền trong phim xuất sắc nhất: Alexandre Desplat với The Imitation Game
Phim truyền hình xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch: House of Cards
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch: Kevin Spacey trongHouse of Cards
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại chính kịch: Viola Davis trong How to Get Away with Murder
Mini-series hoặc Phim nhựa truyền hình xuất sắc nhất: True Detective
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Mini-series hoặc Phim nhựa truyền hình: Matthew McConaughey trong True Detective
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Mini-series hoặc Phim nhựa truyền hình :Frances McDormand trong Olive Kitteridge
Phim truyền hình xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch: Orange Is the New Black
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch: William H. Macy trongShameless
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch : Taylor Schilling trongOrange Is the New Black
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trên sóng truyền hình : Bill Murray trong Olive Kitteridge
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trên sóng truyền hình: Kathy Bates trongAmerican Horror Story: Freak Show
Theo Zing
'Foxcatcher' và bí mật lớn nhất của làng thể thao nước Mỹ
Vụ án tỷ phú John du Pont sát hại đô vật Dave Schultz từng gây chấn động nước Mỹ năm 1996 được tái hiện một cách đầy ám ảnh trên màn ảnh rộng qua bộ phim "Foxcatcher".
Tháng 1/1996, ngay trước thềm Olympic mùa hè sắp sửa được tổ chức tại Atlanta, cả nước Mỹ chấn động vì cái chết của Dave Schultz, đô vật đương kim vô địch thế giới tại thời điểm đó và là ngôi sao sáng của làng vật Hoa Kỳ trong vai trò cả vận động viên lẫn huấn luyện viên. Điều gây kinh ngạc hơn trong vụ án mạng này là kẻ thủ ác lại chính là John du Pont, người thừa kế của dòng họ du Pont giàu có bậc nhất nước Mỹ, đồng thời là nhà tài trợ chính cho đội tuyển vật Hoa Kỳ và câu lạc bộ vật Foxcatcher - nơi Dave Schultz tham gia huấn luyện và thi đấu.
John du Pont và Dave Schultz trên màn ảnh lần lượt do Steve Carell và Mark Ruffalo thủ vai.
Bị kết án 30 năm tù, John du Pont chết trong trại giam ở tuổi 72 vào năm 2010 và được an táng trong chiếc áo đồng phục của đội vật Foxcatcher theo đúng ý nguyện của ông ta. Cho đến những giờ phút cuối cùng, du Pont cũng không hé răng một lời về lý do tại sao ông ta lại xả ba phát súng vào người Dave Schultz. Cũng không ai có thể giải thích nổi tại sao một học giả có tiếng, một nhà tài trợ được các vận động viên yêu quý, một cổ động viên nhiệt thành của môn vật như John du Pont lại có thể ra tay hành động tàn nhẫn đến như vậy.
Có lẽ nhằm muốn đưa ra câu trả lời nào đó cho vụ án mạng năm 1996, bộ phim Foxcatcher của đạo diễn Bennett Miller mang tới cho khán giả chân dung của kẻ thủ ác John du Pont, nạn nhân Dave Schultz, và cầu nối giữa hai người là Mark Schultz - em trai của Dave và cũng là một đô vật nổi tiếng của lò Foxcatcher. Sinh ra trong một gia đình tan vỡ, hai anh em Dave (Mark Ruffalo) và Mark (Channing Tatum) gắn bó với nhau từ tuổi thơ khó khăn bất định tới những giờ phút vinh quang trên sới vật tại Olympic mùa hè 1984.
Nhưng khác với anh trai Dave, con người của gia đình với hình xăm chữ "KIDS" (lũ trẻ con) trên mu bàn tay, Mark lại sống tuềnh toàng, cô độc, với hy vọng một ngày kia sẽ trở thành đô vật giỏi nhất thế giới dù hàng ngày anh vẫn phải tập luyện dưới cái bóng che chở của người anh. Cơ hội đổi đời đến với Mark khi anh được John du Pont (Steve Carell) ngỏ lời tài trợ với lý do những đô vật như anh xứng đáng được nước Mỹ tôn trọng và đãi ngộ.
Hoàn cảnh dị biệt khiến Mark Schultz và John du Pont tìm đến với nhau qua câu lạc bộ vật Foxcatcher.
Không chỉ được trang bị điều kiện tập luyện và ăn ở tốt hơn trước kia gấp nhiều lần tại trang trại Foxcatcher rộng mênh mông của nhà tỷ phú, Mark còn tìm thấy ở John du Pont một người có cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng vươn tới đỉnh cao. Tuy giàu có hơn Mark Schultz gấp ngàn vạn lần với đủ người hầu kẻ hạ, nhưng về cơ bản thì John du Pont cũng là một kẻ cô độc. Jean du Pont (Vanessa Redgrave), mẹ của John, vẫn còn sống nhưng bà chỉ quan tâm tới lũ ngựa quý và bỏ mặc đứa con út với những bộ sưu tập tem, chim chóc, hay môn đấu vật mà bà chỉ coi là thứ thể thao "hạ cấp". Cũng giống như Mark, John du Pont chưa bao giờ có bạn bè và có lẽ cái hoàn cảnh hết sức dị biệt ấy đã tạo ra một nhà triệu phú giàu có về mặt tiền bạc nhưng vô cùng nghèo nàn về mặt tình cảm với một khuôn mặt cứng đờ không có khả năng bộc lộ cảm xúc.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Mark nhận ra rằng đối với John du Pont, anh và cả đội vật Foxcatcher chẳng qua cũng như những con ngựa của mẹ ông ta, tức là công cụ để nhà triệu phú cô độc tìm cho mình chút phù hoa ảo ảnh. Sự phù phiếm của du Pont khiến tinh thần và thành tích của Mark nhanh chóng đi xuống, tới mức ông buộc phải mời Dave Schultz về huấn luyện và vực dậy đội vật Foxcatcher. Sự chín chắn và kinh nghiệm lão luyện của Dave mau chóng kéo Mark trở lại, nhưng đồng thời lại đẩy John du Pont về với thực tại rằng ông ta không thể làm "con đại bàng" của đội vật Foxcatcher.
Cùng với việc bà mẹ già qua đời, John du Pont dần thu mình thành ông vua cô độc của vương quốc phù hoa không một tiếng động, không một bóng người ở trang trại Foxcatcher. Với những tham vọng phù phiếm nay bị kìm hãm trong cái nhà tù tinh thần ấy, John du Pont giờ đây chẳng khác gì thùng thuốc súng chỉ trực chờ ngày bùng nổ, giống như bao thùng thuốc súng khác từng đem lại danh vọng và tiền bạc cho dòng họ du Pont danh tiếng của ngành công nghiệp vũ khí trong quá khứ.
Steve Carell lột xác hoàn toàn với vai diễn John du Pont và nhận được rất nhiều lời tưởng thưởng.
Nếu không đọc bảng phân vai của Foxcatcher, có lẽ hiếm ai có thể nhận ra rằng người thủ vai John du Pont lạnh lùng với đôi mắt nhiều ẩn ức lại chính là Steve Carell, danh hài nổi tiếng với loạt phim The Office hay tác phẩm điện ảnh The 40-Year-Old Virgin. Trong Foxcatcher, người xem được chứng kiến một Steve Carell thay đổi hoàn toàn cả về ngoại hình lẫn phong cách diễn xuất. Thay vào một Carell luôn mang lại tiếng cười, người xem chỉ thấy một John du Pont vô cảm, cô đơn tới mức đau đớn, nhân vật mà chỉ riêng khuôn mặt không cảm xúc với cặp mắt buồn bã và dáng đi lầm lũi thôi đã đủ mang lại cảm giác thương cảm, nhưng cũng có chút gì đó lành lạnh đáng sợ cho người xem.
Nhân vật đối trọng với John du Pont là Mark Schultz được giao cho một diễn viên nổi tiếng chủ yếu với các bộ bom tấn, Channing Tatum. Xuất sắc không kém Steve Carell, Channing Tatum hoàn toàn nhập tâm thành Mark Schultz: luôn mạnh mẽ trên sới vật, luôn hừng hực quyết tâm tập luyện, thi đấu để chiến thắng, nhưng lại yếu đuối và ngây thơ cùng cực ở ngoài đời thường. Dave Schultz, nhân vật mang lại sự cân bằng giữa hai trạng thái cực độ về cả thể chất và tinh thần ấy được giao cho Mark Ruffalo, người vốn luôn được khán giả yêu mến vì phong cách diễn xuất và vẻ ngoài điềm đạm, chắc chắn và đầy tin tưởng.
Channing Tatum và Mark Ruffalo cũng xuất sắc không kém và biến Foxcatcher trở thành như một trận đấu vật căng thẳng trên màn ảnh.
Bộ ba Carell - Tatum - Ruffalo, mỗi người mỗi vẻ, thực sự biếnFoxcatcher trở thành một trận đấu vật căng thẳng tới cực độ giữa những trạng thái cảm xúc đối lập, giữa tham vọng và nhân tính, giữa danh vọng phù phiếm và khát khao chiến thắng thực sự. Nếu như trong thể thao, một trận đấu vật chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua, thì ở sới vậtFoxcatcher, chẳng có ai là người thắng cuộc, bởi những tổn thương về mặt tinh thần thường không bao giờ lành. Và ở giữa cái bối cảnh rộng lớn và u buồn của trang trại Foxcatcher, người xem được chứng kiến những tổn thương ấy ngày một lớn lên, ngày một toác ra, báo hiệu những bi kịch khó lòng tránh khỏi.
Không ai có thể chắc chắn rằng cách tiếp cận của đạo diễn Bennett Miller trong Foxcatcher là chính xác với những gì xảy ra trong quá khứ với John du Pont, với anh em Dave-Mark, hay Foxcatcher đã giải thích được động cơ thực sự khiến John du Pont hạ sát Dave. Nhưng xét trên phương diện điện ảnh, Bennet Miller lại rất thành công trong việc xây dựng các nhân vật cho Foxcatcher với những số phận, tính cách và bề ngoài hết sức riêng biệt. Có thể không có quá nhiều cuộc đối thoại đáng nhớ, nhưng khó ai có thể quên được ánh mắt ám ảnh của John du Pont ngồi trên chiếc "ngai vàng" của ông ta giữa căn phòng trống hay những giờ phút thất vọng đến cùng cực của Mark Schultz khi thua cuộc. Đây chính là lý do tại sao bộ phim xuất hiện trong rất nhiều danh sách "phim hay nhất năm 2014" dù kịch bản không quá phức tạp với một cái kết hầu như người xem nào cũng đã biết trước khi xem phim. Đôi khi những bộ phim "đơn giản" nhưng khắc họa được sâu sắc những tính cách, tâm trạng khác nhau của con người lại là những bộ phim "phức tạp" nhất, và Foxcatcherchính là một bộ phim như thế.
Trailer bộ phim 'Foxcatcher'
Ra mắt tại LHP Cannes 2014, Foxcatcher lập tức gây tiếng vang lớn với giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Bennett Miller. Tại giải thưởng phim ảnh Quả cầu vàng 2015, Foxcatcher nhận được tổng cộng ba đề cử:Phim truyện xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch cho Steve Carell, và Nam diễn phụ xuất sắc nhất cho Mark Ruffalo. Mới nhất, cả Steve Carell và Mark Ruffalo cũng nhận được đề cử về diễn xuất tại BAFTA 2015.
Theo Zing
'Pride'- Bộ phim đề tài đồng tính hay nhất 2014 Bộ phim "Pride" đến từ điện ảnh nước Anh của đạo diễn Matthew Warchus mang màu sắc tươi sáng, lạc quan, đem đến cho khán giả một cái nhìn khác về người đồng tính. Dựa trên sự kiện lịch sử có thật diễn ra tại nước Anh dưới thời nữ thủ tướng Margaret Thatcher, Pride kể về một nhóm người đồng tính ở...