Dù cố gắng, ông Tập Cận Bình vẫn không “phá vỡ” được trục Mỹ-Nhật-Hàn
Chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Seoul trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh- Tokyo căng thẳng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Hàn Quốc tại Diễn đàn Đầu tư Trung – Hàn, Seoul ngày 04/07/2014. Ảnh REUTERS/Kim Hong-Ji
Theo phân tích của đài Quốc tế Pháp (RFI), xác kết quả đạt được tại Hàn Quốc được xem là chỉ có giá trị biểu tượng hơn là có thực chất phá vỡ liên minh chiến lược của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy biên giới bạn thù không cố định.
Quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên từng được lãnh tụ Mao Trạch Đông gọi là thế môi hở răng lạnh trước kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và tay sai Nam Triều Tiên .
Video đang HOT
Quyết định của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Seoul mà không đến Bình Nhưỡng làm đảo lộn giáo điều này.
Từ ngày lên thay cha, Kim Jong Un vẫn chưa được lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón. Bình Nhưỡng bất bình và phản ứng bằng hai loạt tên lửa.
Theo phân tích của AFP, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã ý thức sự kiên nhẫn của họ đã không mang lại lợi ích gì với Bắc Triều Tiên: Bình Nhưỡng không từ bỏ tham vọng hạt nhân, tiếp tục chạy đua trang bị vũ khí chiến lược và đe dọa những nước bị xem là thù địch.
Vấn đề là trong ba nước thù địch của Triều Tiên là Mỹ-Nhật-Hàn thì có một nước được Bắc Kinh xem là đối tượng cần phải chinh phục để phá vỡ trục Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ.
Cho nên, Bắc Kinh đặt quyền lợi riêng lên trên cái gọi là tình đồng chí , lạnh nhạt với Bình Nhưỡng để hâm nóng quan hệ với Seoul. Biết Hàn Quốc căm hờn chế độ thực dân Nhật, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị với Tổng thống Park Geun Hye vào năm tới tổ chức chung 70 năm ngày chiến thắng Nhật Bản 1945-2015.
Tại Đại học quốc gia Seoul, Tập Cận Bình không bỏ lỡ cơ hội lên án Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược dã man chống nhân dân hai nước Trung Hoa và Hàn Quốc cũng như chính sách thực dân đối với hai dân tộc này.
Tuy vậy, nếu Seoul trông cậy vào thực tâm của Bắc Kinh để gây sức ép với Bình Nhưỡng thì sẽ lầm to. Biết Hàn Quốc muốn Bắc Triều Tiên bỏ vũ khí nguyên tử, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo nhưng tránh lên án đích danh Triều Tiên. Mục đích sâu xa của Trung Quốc thật ra để gây chia rẽ Hàn Quốc với Nhật Bản.
Mối bất hòa Hàn-Nhật do quá khứ quân phiệt của Tokyo là mối ưu tư rất lớn của Mỹ. Trong chiến lược an ninh Châu Á Thái Bình dương, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh thân thiết nhất và không thể thiếu của Mỹ .
Ngược lại, như nhận định của giáo sư Lee Shang Hyun, chuyên gia an ninh và quan hệ quốc tế đại học Sejong, thì đối với Trung Quốc mối xung khắc Nhật-Hàn là cơ hội tốt phải khai thác triệt để.
Một mặt, Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại bán đảo Triều Tiên, trước đây chỉ giới hạn ở miền bắc nghèo đói , bây giờ có cơ hội lan đến phía nam vĩ tuyến 38 trù phú, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Mặt khác, mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc là làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn mà Bắc Kinh xem là do Mỹ lập ra để bao vây Trung Quốc.
Đối với chuyên gia Lee Shang Hyun thì Tập Cận Bình không thành công lay chuyển quan hệ chiến lược trong vùng nhưng về lâu về dài tình thế có thể biến chuyển.
Biến chuyển theo hướng cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên sẽ lợi dụng thời cơ nhân cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc để thủ lợi.
Nhật Bản không thiếu lá chủ bài trong trận thế địa chính trị. Vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình đến Seoul, Tokyo thông báo bỏ bớt cấm vận Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng thừa khôn ngoan sử dụng lá bài Tokyo để phá trục Mỹ-Nhật- Hàn. Hàn Quốc lợi dụng thị trường Trung Quốc để gia tăng xuất khẩu nhưng gắn bó với Mỹ để được an ninh quốc phòng.
Nói cách khác, chuyến công du Hàn Quốc của chủ tịch Trung Quốc phản ảnh thực tế hiện nay là biên giới bạn thù tại Châu Á rất phức tạp và không bất di bất dịch như thời chiến tranh lạnh. Ngay quà cáp đưa đi cũng có thể bị trả lại.
Trung Quốc loan báo tặng Hàn Quốc hai con gấu trúc để ghi dấu tình hữu nghị nhân chuyến công du của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, năm 1994, Hàn Quốc cũng từng nhận được hai gấu trúc, nhưng 4 năm sau, Seoul gửi trả lại với lý do phải tiết kiệm ngân sách vì bị khủng hoảng tài chính.
Theo Tri Thức