Dù có đi… bốn phương trời
Hà Nội, đúng là đẹp hơn khi gió về và mùa thu lúc nào cũng được nhắc đến như một thứ báu vật với sự thèm thuồng và thương nhớ.
Hà Nội thực sự là nơi nao?
Với một số người, Hà Nội là miền đất hứa, là nơi họ thực hiện những ước mơ và hoài bão. Hà Nội trong mắt họ, đôi khi tràn đầy hy vọng và tươi sáng nhưng đôi khi lại xù xì và gai góc. Có những người lâu dần lại đem lòng yêu Hà Nội vì nơi đây đem đến cho họ nhiều điều. Ấy vậy mà cũng có những người phải quay lưng bước đi và buông lời trách móc: “ Sao mà Hà Nội lại phũ phàng đến thế?”.
Sớm thu Hà Nội ở Hồ Gươm.
Với một số người khác Hà Nội lại là chốn thân quen. Là nơi có những con đường, góc phố quen thuộc mà ngày ngày họ đi qua. Nơi mà sáng chạy xe ra phố để ăn bát bún riêu, uống cốc trà đá vỉa hè để nghe Hà Nội xôn xao kể chuyện. Nơi mà có tiệm cà phê quen với ly nâu đắng đậm chất Hà Nội, vang vọng đâu đó tiếng ghi ta nhạc Trịnh. Như nhiều người đã từng nói vậy, “Hà Nội là chốn cũ, là thành phố của những hoài niệm”.
Nhưng, có lẽ với tôi, Hà Nội chỉ đơn giản là nhà. Là nơi mà luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về, dẫu có thành công hay thất bại ở phương xa. Thành phố ấy thật điềm tĩnh và đầy bao dung. Vì sao ư? Vì Hà Nội đối đãi với một kẻ bôn ba xứ người, kẻ vẫn đang lưu luyến những cuộc vui, những điều mới mẻ hiện đại ở một đất nước khác mà chưa muốn trở về với quê nhà thật tử tế quá! Cái sự tử tế tới từ nụ cười và những cái ôm siết chặt của người thân nơi sân bay, tới từ cả đĩa bánh cuốn nhiều chả quế mà cô bán hàng cắt thêm cho vì “đi xa chắc thèm lắm nhỉ”…
Và dù đã xa nhà vài năm, nhưng Hà Nội trong mắt tôi vẫn còn mộng mơ lắm. Cái gì ở Hà Nội cũng đẹp. Phố đẹp, ngõ đẹp, mưa đẹp mà nắng cũng đẹp… Xuân hạ thu đông mỗi mùa đẹp một vẻ. Hà Nội như một cô gái kiêu sa thích ăn diện vậy. Tôi yêu Hà Nội vì vẻ đẹp của chính thành phố đó. Tôi ngắm “cô gái ấy” bằng cả trái tim và đã dành những cảm xúc đặc biệt nhất cho nơi đây, cả thanh xuân của tôi nằm trọn vẹn ở từng góc của Hà Nội.
Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều cuối năm lang thang Hồ Tây cùng gia đình, nghe bố mẹ thủ thỉ kể chuyện tình yêu của họ. Và rồi tôi vẫn còn nhớ như in món kem dừa quen thuộc mà lần nào cũng phải làm tôi trầm trồ. Có những đêm ở ký túc, tôi thèm lắm được nằm trên chiếc giường thân quen ở nhà, để mà nghe tiếng rao: “Bánh khúc đây” và còn để được nằm chờ gió mùa về trong tiếng mưa. Hà Nội, nơi tôi rời đi giờ lại trở thành nỗi thèm thuồng bật lên thành tiếng chỉ bởi những điều bé nhỏ như thế thôi.
Giờ này, Hà Nội, gió thu đang về…
“Anh có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ/ Anh có hay thu về hết dấu cô liêu/ Và anh có hay khi mùa thu tới/ Bao trái tim vương màu xanh mới/ Anh có hay, hay mùa thu tới hồn em ngất ngây…”.
Giờ này, Hà Nội của tôi đang dần cất đi cái nắng oi ả của mùa hè để sang thu. Gió thu đang về len lỏi khắp các con ngõ nơi thành phố. Tôi ước rằng mình đang ở Hà Nội, để vào những hôm mưa se se lạnh đó, tôi sẽ chạy ra phố mua cho mình một cốc trà thật ấm, áp tay vào rồi hít đầy một lồng ngực mùi của mùa thu thương nhớ. Và tôi sẽ cầm điện thoại soạn một tin nhắn thân quen: “Hà Nội lạnh rồi đấy nhỉ?”.
Trời thu se lạnh nhưng lại chẳng lạnh, vì ở đây không hề có sự cô đơn. Những cơn gió đầu mùa đã xoa dịu đi mọi sự khó chịu mà mùa hè để lại. Hà Nội, đúng là đẹp hơn khi gió về và mùa thu lúc nào cũng được nhắc đến như một thứ báu vật với sự thèm thuồng và thương nhớ. Ấy vậy mà thu Hà Nội lại giản dị lắm. Chỉ là trời bớt nắng, bớt nóng, không khí lãng đãng và dịu dàng hơn. Cái man mác ấy khiến lòng người bâng khuâng, khoan khoái.
Và rồi, Hà Nội dường như chậm lại vài nhịp khi mà mọi người xung quanh chẳng ai muốn vội. Sau một cơn mưa là thành phố này sẽ trở lạnh. Lúc đó, trời sẽ ít nắng, hoặc nắng đã bỏ đi biệt tăm luôn. Mọi người trên đường sẽ phải kéo ống tay áo xuống vì còn chưa kịp quen với cái lạnh đầu mùa. Trong không khí ấy mà được ăn bát phở nóng, hay bánh đúc nóng, hoặc ốc luộc, ốc xào thì tuyệt. Ngày lạnh đầu tiên ấy thường đem lại cho ta nhiều cảm xúc, đã trải qua rồi thì khó mà quên. Khi đó, mọi giác quan của tôi sẽ lại quay trở về bến xe buýt của những năm học cấp 3.
Tôi thấy mình đứng đó, lúc 6 giờ 20 phút sáng, xoa hai bàn tay vào nhau cho đến khi có một bàn tay khác đến nắm lấy và sưởi ấm cho tôi. Nhiều người tứ xứ đến thăm Hà Nội và sẽ bảo không thích thành phố này, bởi Hà Nội đông, còn con người nơi đây lạnh lùng quá. Nhưng Hà Nội mà, không vội được đâu! Để yêu thành phố này, không thể đến vài ngày rồi lại đi, mà phải cảm nhận thật chậm, ta sẽ thấy một Hà Nội duyên dáng và cổ kính.
Ở Hà Nội, hãy thử một lần dậy thật sớm, ra Lăng Bác chào cờ, để được đặt tay phải lên trái tim và hát vang bài bài Quốc ca đầy tự hào. Rồi hãy chạy xe một vòng quanh Hồ Tây, mua cho mình một bó hoa còn đẫm sương sớm. Sau đó, ta kết thúc chuyến du lịch ngắn này ở một quán cà phê thân quen, vừa gặm chiếc bánh mỳ nóng hổi vừa nhâm nhi ly nâu nhiều cà phê ít sữa. Ở Hà Nội, ta sẽ có những ngày cuối tuần an nhiên lang thang khắp phố.
Trong tiềm thức của nhiều người, nơi đây là một đô thị tấp nập, chỉ có khói bụi, tắc đường và đầy bon chen. Nhưng lại có một Hà Nội khác, một Hà Nội rất thân thương và bình dị với những con ngõ nhỏ xôn xao tiếng nói cười, những gánh hàng rong chở cả tuổi thơ và cả tiếng leng keng của ly trà đá vỉa hè nữa. Đúng là có những điều nhỏ thật, nhưng lại khiến những ai đi xa cũng đều yêu và nhớ về Hà thành.
Hà Nội là nhà
Trong suốt những chuyến đi của mình, tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam đang học và làm việc nơi xứ người. Có những người đến từ Hà Nội, Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh thành khác khắp cả nước. Nhưng trên những chuyến bay đáp xuống sân bay Nội Bài, dẫu có đến từ đâu thì họ đều chia sẻ chung một niềm hân hoan và gọi nơi mà máy bay đang chuẩn bị đáp xuống đó là nhà. Chỉ còn 15 phút nữa thôi, tiếp viên trưởng thông báo máy bay sẽ hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh.
Và ngay lúc đó, Hà Nội hiện dần ra qua lớp mây trắng. Vài tiếng reo mừng khẽ vang lên, những người con tha phương đang cùng hướng ra cửa sổ để ngắm nhìn nơi mà họ gọi là nhà. Họ biết rằng, ở đó có những người thân yêu đang chờ đón họ trở về sau bao tháng ngày mà nỗi nhớ phải ghim chặt trong tim. Cho dù nơi đó là bon chen, là đông đúc nhưng chỉ cần được trở về nhà thôi đã là điều tuyệt vời nhất rồi!
Chẳng mong mỏi gì xa xôi, đôi lúc chỉ là được trở về Hà Nội thôi, được đi giữa phố cổ, ngắm nhìn bánh xe đạp chầm chậm lăn chở những bó hoa đầy màu sắc, nghe người Hà Nội nói nói cười cười, rồi tạt vào quán vỉa hè làm vài ly trà đá leng keng. Cơn mưa chợt ập tới, Hà Nội sẽ chìm trong màn mưa trắng xóa. Còn ta thì vội khẽ co người lại vì cái lạnh rùng mình đó, nhưng ta biết ta chẳng hề cô đơn giữa thành phố này. Ơi Hà Nội của tôi…
Trần Hồng Minh
Theo phapluatplus.vn
Xem clip cụ bà 82 tuổi 'dấm dúi' cho cháu tiền tiêu vặt nhiều người thầm nghĩ: 'Hồi bà mình còn sống...'
Cụ Để luôn dành dụm tiền để mỗi khi các cháu về thăm nhà, cụ lại có tiền cho 'bọn trẻ con' mua chút 'quà, bánh'.
Với mỗi chúng ta, gia đình luôn là nơi bình yên để trở về dù cuộc sống có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, bởi ở đó luôn có những người thân yêu sẵn sàng chờ đợi, chào đón ta vô điều kiện. Vậy nên, khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cụ bà hơn 80 tuổi 'dấm dúi' cho cháu tiền khi cháu về thăm nhà, nhiều người đã nhanh chóng click vào xem ngay lập tức.
Clip cụ bà 82 tuổi 'dấm dúi' cho cháu tiền tiêu vặt
Theo đó, cụ bà trong clip là cụ Nguyễn Thị Để, 82 tuổi, sống tại Quốc Oai, Hà Nội. Là một người hết mực yêu thương con, cháu nên cụ Để luôn dành dụm tiền để mỗi khi các cháu về thăm nhà, cụ lại có tiền cho 'bọn trẻ con' mua chút 'quà, bánh'. Khi các cháu từ chối nhận tiền thì cụ tỏ vẻ giận dỗi nói rằng 'có vài chục lẻ thôi chứ nhiều thì không có' khiến cả gia đình phải bật cười.
Rất nhiều cư dân mạng sau khi xem xong đoạn clip đã bày tỏ niềm xúc động và thi nhau gửi lời chúc sức khỏe tới cụ.
Cụ Để lôi tiền tiết kiệm ra để cho cháu
Cụ bắt các cháu phải nhận bằng được
Chia sẻ với Tiin.vn., Vũ Văn Sang (24 tuổi, sống tại Hà Nội, cháu cụ Để) cho biết:
'Bà vốn là bà họ của mình nhưng vì mình sống với bà từ nhỏ, cộng thêm việc bà rất yêu quý các cháu nên ai nhìn vào cũng nghĩ đó là bà nội thật sự của mình. Bản thân mình cũng vậy, luôn quý trọng, đối xử và coi bà như bà ruột.
Ngày bé, bà toàn cho mấy chị em chúng mình tiền tiêu vặt, giờ các cháu lớn lên rồi nhưng bà vẫn giữ thói quen đó. Rồi khi mình học cấp 2, mỗi lần mình nghịch ngợm bị mẹ đánh đòn là bà đều chạy ra bênh, có lần còn đỡ đòn thay cho mình.
Có việc gì làm được là bà giành làm luôn, nhất quyết không để cho cháu làm. Bà lúc nào cũng chỉ sợ các cháu vất vả. Nghĩ lại thấy thương và biết ơn bà thật nhiều'.
Xem đoạn clip của cụ Để, nhiều người không khỏi xúc động nhớ về người bà quá cố của mình.
- 'Nhớ bà mình quá! Hồi còn sống bà cũng hay cho mình tiền, luôn bênh mình mỗi khi bị bố mẹ mắng!';
- 'Đoạn clip làm mình xúc động. Bà mình ngày xưa cũng hay vậy lắm. Chẳng có tiền đâu nhưng cứ gặp cháu là cho. Còn dặn không cho bố mẹ hay chú bác biết nữa chứ. Nhưng giờ bà đi xa quá rồi, mình không còn được gặp bà nữa';
- 'Mình sống với ông bà nhiều hơn sống với bố mẹ. Ông bà chiều mình và thương mình lắm. Có gì cũng để phần cho. Nhưng bà bỏ mình đi mất rồi. Con nhớ bà bà ơi!'...
Một số bạn trẻ khác cũng có ý kiến rằng, những ai còn ông bà thì hãy dành thời gian báo hiếu, chăm sóc ông bà để sau này không khỏi hối hận.
Theo baodatviet
Ngỡ ngàng vẻ đẹp trong veo của thiếu nữ Bắc Giang Nguyễn Dung khiến người đối diện xao xuyến bởi nét đẹp trong veo, nhìn từ phút đầu tiên đã muốn che chở, bảo vệ. Cô gái vừa tốt nghiệp đại học Thương mại Hà Nội, hiện đang "đặt gạch" những bước đi đầu tiên trên con đường kinh doanh của riêng mình. Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1997, quê Bắc Giang) chia sẻ:...